Câu hỏi tự luận Lịch sử 8 chân trời sáng tạo Ôn tập Chương 4: Châu Âu và nước Mỹ từ cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XX (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 8 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 4: Châu Âu và nước Mỹ từ cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XX (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 8 chân trời sáng tạo.

ÔN TẬP CHƯƠNG 4

CHÂU ÂU VÀ NƯỚC MỸ TỪ CUỐI THẾ KỈ XVIII ĐẾN ĐẦU THẾ KỈ XX

Câu 1: Trình bày những nét chính về quá trình hình thành chủ nghĩa đế quốc vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX.

Trả lời:

Những nét chính về quá trình hình thành chủ nghĩa đế quốc vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX:

- Cuối của thế kỉ XIX, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển với tốc độ nhanh chóng chưa từng thấy. Những phát minh khoa học, kĩ thuật nở rộ đã tạo ra động lực cho những chuyển biến lớn trong sản xuất và đời sống xã hội ở Tây  u và Bắc Mỹ.

- Sự cạnh tranh gay gắt dẫn tới quá trình tập trung sản xuất và tư bản, dần hình thành các công ti độc quyền lớn dưới những hình thức khác nhau như: các-ten, xanh-đi-ca (Anh, Pháp, Đức,..), tơ-rớt (Mỹ),...

- Các công ti độc quyền đã lũng đoạn thị trường và nền kinh tế, chi phối đời sống chính trị và xã hội ở mỗi nước. Tư bản công nghiệp và tư bản ngân hàng đã có sự dung hợp, hình thành nên tư bản tài chính.

- Các nước tư bản phương Tây đều đẩy mạnh xâm lược, khai thác và bóc lột thuộc địa.  Chủ nghĩa đế quốc ra đời.

Câu 2: Nêu những thành tựu tiêu biểu về khoa học trong các thế kỉ XVIII – XIX.

Trả lời:

Những thành tựu tiêu biểu về khoa học trong các thế kỉ XVIII – XIX:

- Khoa học tự nhiên:

+ Đầu thế kỉ XVIII: thuyết vạn vật hấp dẫn của Newton.

+ Giữa thế kỉ XVIII: định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng của Lô-mô-nô-xốp.

+ Giữa thế kỉ XIX: thuyết tiến hóa của Đác-uyn.

- Khoa học xã hội:

+ Đức: chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng được xây dựng tương đối hoàn thiện.

+ Anh: kinh tế chính trị học tư sản ra đời.

+ Chủ nghĩa xã hội không tưởng phát triển ở Pháp và Anh.

+ Giữa thế kỉ XIX: chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời, do C.Mác và Ăng-ghen sáng lập, là cuộc các mạng trong lịch sử tư tưởng của loài người.

Câu 3: Những tác phẩm văn học, nghệ thuật trong các thế kỉ XVIII – XIX có ảnh hưởng như thế nào đến xã hội?

Trả lời:

Ảnh hưởng của những tác phẩm văn học, nghệ thuật trong các thế kỉ XVIII – XIX đến xã hội:

- Góp phần lên án và vạch trần những tệ nạn, bất công trong xã hội đương thời.

- Thức tỉnh, khích lệ người dân nhất là người lao động nghèo khổ đấu tranh cho cuộc sống tự do, hạnh phúc.

Câu 4: Hãy nêu những chuyển biến lớn về chính sách đối nội, đối ngoại của đế quốc Đức.

Trả lời:

Những chuyển biến lớn về chính sách đối nội, đối ngoại của đế quốc Đức:

- Về đối nội: Đức là một nước liên bang theo chế độ quân chủ lập hiến, quý tộc địa chủ liên kết chặt chẽ với tư bản độc quyền để thống trị nhân dân.

- Về đối ngoại: Đức chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa khi phần lớn đất đai trên thế giới đã trở thành thuộc địa của Anh, Pháp,... Giới cầm quyền Đức chủ trương chạy đua vũ trang, dùng vũ lực để chia lại thuộc địa trên thế giới.

Câu 5: Em hãy nêu đôi nét hiểu biết về nội chiến ở Pháp.

Trả lời:

- Từ đầu tháng 4, quân Véc-xai bắt đầu tấn công Pa-ri. Đến đầu tháng 5, phần lớn các pháo đài phía tây và phía nam bị quân Véc-xai chiếm lại.

- Ngày 20/5, quân Véc-xai tổng tấn công vào thành phố. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, đến ngày 28/5, lịch sử gọi là “Tuần lễ đẫm máu”.

Câu 6: Em hãy trình bày diễn biến cuộc khởi nghĩa ngày 18-3-1871 và sự thành lập công xã.

Trả lời:

- Sự mâu thuẫn giữa Chính phủ tư sản  ở Versailles và nhân dân ngày càng gay gắt, Chi-e tiến hành âm mưu bắt hết các ủy viên của Uỷ ban Trung ương (đại diện cho người dân).

- Ngày 18-3-1871, Chi-e cho quân đánh úp đồi Mông-mác (Bắc Paris) – là nơi tập trung đại bác của Quốc dân quân, nhưng cuối cùng chúng đã thất bại. Chi-e phải cho quân chạy về Versailles. Nhân dân nhanh chóng làm chủ Paris và đảm nhiệm vai trò Chính phủ lâm thời.

- 26-3-1871 Hội đồng Công xã ra đời, nhân dân Paris tiến hành bầu cử Hội đồng Công xã theo nguyên tắc phổ thông phiếu bầu. Những người trúng phần đông là công nhân và trí thức – đại diện cho nhân dân lao động Paris.

Câu 7: Kể tên một số công ty đa quốc gia có phạm vi ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế nhiều nước trên thế giới hiện nay.

Trả lời:

Một số công ty đa quốc gia có phạm vi ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế nhiều nước trên thế giới hiện nay: Unilever, Nestlé, Levi Strauss, MacDonald’s, P&G, Coca-Cola,...

Câu 8: Trình bày một vài hiểu biết của em về tác phẩm Những người khốn khổ của Vích-to Huy-gô.

Trả lời:

Tác phẩm Những người khốn khổ của Vích-to Huy-gô được xuất bản năm 1862, là tiểu thuyết miêu tả thế giới của những con người nghèo khổ một cách chân thực và cũng là bài ca tình yêu. Tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỉ XIX.

Câu 9: Bản chất của cuộc khởi nghĩa ngày 18 – 3 – 1871 có nghĩa là gì? 

Trả lời:

Là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới.

+ Lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản. Thành lập chính quyền của giai cấp vô sản.

+ Do giai cấp vô sản lãnh đạo.

+ Lực lượng cách mạng là quần chúng nhân dân lao động Paris.

Câu 10: Phân tích hậu quả và ý nghĩa tác động của Chiến tranh thế giới thứ nhất đối với lịch sử nhân loại.

Trả lời:

Hậu quả và ý nghĩa tác động của Chiến tranh thế giới thứ nhất đối với lịch sử nhân loại:

- Hậu quả:

+ Là cuộc chiến tranh đế quốc phi nghĩa với cả hai bên tham chiến.

+ Chiến tranh kết thúc với thắng lợi của Khối Hiệp ước.

+ Gây ra thảm họa đối với nhân loại: 10 triệu người chết, 20 triệu người bị thương, tổn thất 85 tỉ đô la Mỹ.

- Tác động: Trong quá trình chiến tranh, Cách mạng tháng Mười Nga và việc thành lập nhà nước Xô viết đánh dấu bước chuyển bước lớn trong cục diện chính trị thế giới.

Câu 11: Theo em, chính sách nào của Hội công Công xã vẫn còn có thể được vận dụng trong xã hội hiện nay?

Trả lời:

Những chính sách của Hội công Công xã vẫn còn có thể được vận dụng trong xã hội hiện nay:

+ Giáo dục công miễn phí.

+ Tách nhà thờ ra khỏi nhà nước; không dạy giáo lí trong nhà trường.

+ cấm đánh đập, cúp phạt công nhân.

Câu 12: Lập trục thời gian thể hiện những hoạt động chính của C.Mác và Ph.Ăng-ghen và sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học.

Trả lời:

- Những hoạt động chính của C.Mác và Ph.Ăng-ghen và sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học:

- Năm 1842: Ph.Ăng-ghen sang Anh, tìm hiểu thực tế phong trào công nhân ở đây, biên soạn nhiều tài liệu, trong đó có cuốn Tình cảnh giai cấp công nhân Anh.

- Năm 1843: sau khi bị trục xuất khỏi Đức, C.Mác sang Pa-ri (Pháp) và tham gia phong trào cách mạng ở Pháp.

- Năm 1844: Ph.Ăng-ghen từ Anh sang Pháp gặp C.Mác. 2 ông đã thành lập Đồng minh những người cộng sản – chính đảng độc lập đầu tiên của vô sản quốc tế.

- Đầu năm 1848: C.Mác và Ph.Ăng-ghen soạn thảo và công bố Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản – Cương lĩnh của đồng minh những người cộng sản.

- Năm 1864: Quốc tế thứ nhất được thành lập, C.Mác tham gia Ban lãnh đạo, trở thành linh hồn của tổ chức này.

- Năm 1889: Quốc tế thứ hai ra đời ở Pa-ri gắn với vai trò quan trọng của Ph.Ăng-ghen.

Câu 13: Hãy lựa chọn hai phát minh mà em cho rằng có tác động mạnh mẽ đến đời sống và nhận thức của con người trong thế kỉ XIX -XIX, phân tích sự tác động đó.

Trả lời:

Hai thành tựu có tác động mạnh mẽ đến đời sống và nhận thức của con người trong thế kỉ XVIII – XIX:

- Thuyết tiến hóa của Đác-uyn:

+ Đưa ra những quan điểm hoàn toàn mới, khác với niềm tin phổ biến về nguồn gốc của con người và tạo vật trong xã hội lúc bấy giờ.

+ Mang đến những hiểu biết sâu sắc về thế giới tự nhiên và xã hội loài người.

- Học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học của C.Mác và Ph.Ăng-ghen:

+ Thay đổi quan điểm, nhận thức của con người về thế giới xung quanh, quy định cách nhìn nhận, đánh giá về một sự vật, hiện tượng cụ thể.

+ Chỉ rõ con đường hiện thực dựa vào khoa học để loại bỏ tình trạng người bóc lột người và đưa ra một tổ chức xã hội mới không biết đến những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản mà những người theo chủ nghĩa xã hội không tưởng đã mơ ước nhưng không thực hiện được.

+ Học thuyết ra đời được coi như một cuộc cách mạng trong lịch sử tư tưởng của loài người.

Câu 14: Trình bày nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.

Trả lời:

Nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917:

- Sau Cách mạng tháng Hai năm 1917, chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng đã bị lật đổ, nhưng nỗi khổ cực vẫn đè nặng lên các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân, công nhân.

- Hai chính quyền song song tồn tại: Chính phủ tư sản lâm thời và các Xô viết đại biểu

công nhân, binh lính. Hai chính quyền này đại diện cho các giai cấp có lợi ích đối lập nhau nên không thể cùng tồn tại.

 Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga đã chuẩn bị kế hoạch tiếp tục làm cách mạng, lật đổ chính phủ lâm thời.

Câu 15: Khai thác tư liệu sau và cho biết: Hồ Chí Minh đã đánh giá như thế nào về vai trò của Cách mạng tháng mười Nga năm 1917.

“Giống như Mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

(Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 12, NXB Chính trị Quốc gia, 1996, tr.300)

Trả lời:

Ý nghĩa đánh giá của Hồ Chí Minh về Cách mạng tháng Mười Nga:

Cách mạng tháng Mười Nga lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản đã lập nên Nhà nước Liên Xô-nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Thắng lợi là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đánh dấu mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại, đã tạo ra nhà nước của người lao động, thể hiện giấc mơ của toàn nhân loại. Đồng thời, “làm rung chuyển thế giới”, phá tan mảng lớn trong hệ thống chủ nghĩa tư bản, đế quốc, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại.

Câu 16: Sự ra đời của Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản (1848) có giá trị gì đối với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân?

Trả lời:

- Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848) trình bày những luận điểm cơ bản về sự phát triển của xã hội loài người và sứ mệnh của giai cấp công nhân. Việc công bố văn kiện này đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học.

- Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, giải phóng loài người vĩnh viễn thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột giai cấp, bảo đảm cho loài người được thực sự sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc.

Câu 17: Phân tích ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Mười? 

Trả lời:

Ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga:

* Với nước Nga:

- Đập tan ách bức, bóc lột của phong kiến, tư sản, giải phóng công dân và nhân dân lao động.

- Đưa công nhân và nông dân lao động lên nắm chính quyền, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

* Với thế giới:

- Làm thay đổi cục diện thế giới.

- Cổ vũ và để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho cách mạng thế giới.

Câu 18: Đánh giá về vai trò của Lê-nin đối với Cách mạng tháng Mười Nga.

Trả lời:

Vai trò của Lê-nin đối với Cách mạng tháng Mười Nga:

Là người trực tiếp lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Mười đi đôi với trọng trách to lớn tại quốc tế cộng sản.

Với luận cương tháng Tư và các luận cương Đảng cộng sản, Lê-nin đã vạch ra đường lối rõ rệt cho cuộc Cách mạng tháng Mười Nga diễn ra sau Cách mạng tháng Hai năm 1917.

Câu 19: Tìm hiểu về ngày Quốc tế Lao động 1/5 và ý nghĩa củ sự kiện này trong cuộc sống hiện tại.

Trả lời:

- Ngày 1/5 bắt nguồn từ thành phố công nghiệp lớn Chicago, Mỹ. Năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua Nghị quyết nêu rõ: “... Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.

- Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40.000 người không đến nhà máy. Họ tổ chức mit tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ: “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”. Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia.

     Ngày 1/5 được xem là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ngày 1/5 cũng là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.

- Ngày nay, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là ngày hội của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động nước ta, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Câu 20: Chính sách kinh tế mới đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu nào cho Đảng ta trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay?

Trả lời:

Vận dụng những bài học từ Chính sách kinh tế mới phải phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước. Đối với Việt Nam, mặc dù điều kiện, hoàn cảnh lịch sử không hoàn toàn giống với nước Nga Xô – Viết trong thời điểm thực hiện Chính sách kinh tế mới, song có nét tương đồng: Nền kinh tế lạc hậu, sản xuất nhỏ là phổ biến, nông dân chiếm đại đa số trong dân cư,… Vì vậy những bài học kinh nghiệm quý báu của Chính sách kinh tế mới được Đảng ta vận dụng một cách sáng tạo, tài tình vào công cuộc đổi mới đất nước:

- Đảng ta đã tập trung sức phát triển mạnh ngành nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Đây được coi là quan điểm chính trị nhất quán được thực hiện từ Đại hội V của Đảng đến nay. Để thực hiện quan điểm này, Đảng và nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của nhân dân,…

- Đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần; đưa ra nhiều chính sách mới, bổ sung và hoàn thiện với nhiều nội dung, biện pháp để giữ vững được vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, khuyến khích sự phát triển và định hướng thành phần kinh tế tư nhân theo quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội, sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước và phát triển nền kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài,…

- Đổi mới nhận thức về sự tồn tại khách quan của sản xuất hàng hóa trong thời kỳ quá độ, chuyển nền kinh tế tự cung, tự cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ triệt để cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, hình thành kinh tế thị trường, giao quyền tự chủ cho các cơ sở sản xuất, nâng cao năng lực quản lí của bộ máy nhà nước….

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Lịch sử 8 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay