Câu hỏi tự luận Ngữ văn 10 cánh diều Ôn tập Bài 7: Thơ tự do (P3)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 7: Thơ tự do (P3). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 10 cánh diều.

ÔN TẬP BÀI 7

QUYỀN NĂNG CỦA NGƯỜI KỂ CHUYỆN

Câu 1: Khổ thơ thứ 2 Mùa hoa mận xuất hiện những hình ảnh gì ?

Trả lời:

“Cành mận bung cánh muốt

Giục mẹ xôn xang lá, gạo

Giục cha vui lòng căng cánh nỏ

Giục người già bản hối hả làm đu”

 Không những thế dưới cành mận trắng xoá ấy còn là bức tranh sinh hoạt đầy rộn ràng và tấp nập của dân làng. Mọi người đang chuẩn bị để đón một mùa xuân với những điều tốt lành. Người mẹ "xôn xang lá, gạo" để làm bánh, một món bánh đặc trưng cho mùa xuân, người cha "căng cánh nỏ", người già bản "làm đu" để phục vụ cho trò chơi dân gian của bản địa. Có thể thấy, cành mận nó trở thành một biểu tượng không thể thiếu của mùa xuân nơi đây, nó chất chứa bao niềm vui, nỗi buồn, gắn bó với bản làng suốt năm tháng.

Câu 2: : Tóm tắt tác phẩm "Đi trong hương tràm" theo cách hiểu của em ?

Trả lời:

Với bốn khổ thơ ngắn gọn, "Đi trong hương tràm" dễ dàng đi sâu vào tâm trí nhiều độc giả. Đọc bài thơ, ta cảm nhận được cái dư vị sâu lắng của một tình yêu dang dở, của một mối tình không trọn vẹn. Mong rằng, những vần thơ da diết trong tác phẩm sẽ luôn tỏa sáng rực rỡ theo dòng chảy thời gian.

Câu 3: Ở khổ thơ thứ 2 tình cảm hương trầm trong nỗi nhớ những người yêu nhau được miêu tả như thế nào ?

Trả lời:

- Không gian , thời gian

+ Xa cách bao lâu

+ Gió mây đổi hướng thay màu

+ Trái tim em không trao a nữa

- Tình cảm: hương tràm – ta bên nhau

=>  Hương tràm kết nối, nâng đỡ tâm hồn, cảm xúc của những người yêu nhau

Câu 4: Tìm hiểu về nguồn gốc và hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm Mùa hoa mận ?

Trả lời:

Sáng tác vào Tháng Chạp -2006, Thuyền đuôi én, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2009)

Câu 5: Tìm phép hoán dụ và phân tích trong những câu thơ sau:

a.“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”

(trích Viếng lăng Bác – Viễn Phương)

b.“Từ hồi về thành phố

Quen ánh điện, cửa gương

Vầng trăng đi qua ngõ

Như người dưng qua đường”

(trích Ánh trăng – Nguyễn Duy)

Trả lời:

Phép hoán dụ: “Bảy mươi chín mùa xuân” ở đây là nói tới Bác Hồ vĩ đại, Bác 79 tuổi và Bác đã dành trọn vẹn cuộc đời mình để chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc.

Phép hoán dụ: “Ánh điện, cửa gương”: cuộc sống đầy đủ, dư dả, tiên nghi ở thành phố.

Câu 6: Hãy liệt kê những biện pháp tu từ mà em đã được học ?

Trả lời:

Biện pháp tu từ từ vựng

Biện pháp tu từ cú pháp

● Biện pháp so sánh;

● biện pháp ẩn dụ;

● Biện pháp hoán dụ;

● Biện pháp nhân hóa;

● Biện pháp điệp ngữ;

● Biện pháp nói giảm - nói tránh;

● Biện pháp nói quá;

● Biện pháp liệt kê;

● Biện pháp chơi chữ.

● Đảo ngữ;

● Điệp cấu trúc;

● Chêm xen;

● Câu hỏi tu từ;

● Phép đối.

Câu 7: Tác dụng chung của các biện pháp tu từ là gì ?

Trả lời:

Biện pháp tu từ có vai trò đặc biệt trong các văn bản nghệ thuật. Việc sử dụng biện pháp tu từ giúp hình ảnh, sự vật, sự việc được hình dung một cách rõ ràng, sinh động hơn. Mỗi loại biện pháp tu từ khác nhau sẽ mang đến những tác dụng khác nhau khi tác giả sử dụng. Ví dụ như biện pháp so sánh góp phần làm nổi bật sự vật, sự việc mà tác giả muốn biểu đạt, biện pháp nhân hóa giúp thể hiện suy nghĩ, tình cảm của con người một cách gần gũi, biện pháp nói giảm nói tránh góp phần diễn đạt một cách tế nhị hơn tránh khỏi cảm giác đau buồn, mất mát, nặng nề...

Khi sử dụng biện pháp tu từ thay thế cho việc sử dụng từ ngữ thông thường luôn là sự lựa chọn khi viết một tác phẩm văn học hay mong muốn thể hiện cảm xúc của mình một cách không trực tiếp. Đồng thời khi sử dụng các biện pháp tu từ một cách linh hoạt giúp cho tác giả tạo ấn tượng rõ nét cho tác phẩm và văn phong của mình

Trong tiếng việt việc sử dụng biện pháp tu từ rất đa dạng. Trong các tác phẩm văn học việc sử dụng nhiều biện pháp tu từ góp phần minh họa chi tiết , tăng sức tưởng tượng cho người đọc, góp phần thu hút người đọc chú ý đến tác phẩm và mở ra những liên tưởng mới mẻ. Trong một đoạn văn, bạn hoàn toàn có thể sử dụng nhiều biện pháp tu từ, không có sự giới hạn, tao điều kiện to lớn cho tác giả thỏa sức sáng tạo, liên tưởng, tạo nên dấu ấn riêng của mình trong tác phẩm.

Câu 8: Nội dung của khổ thơ thứ 4 "Đi trong hương tràm"  là gì ?

Trả lời:

“Dù đi đâu và xa cách bao lâu

Anh vẫn có bóng em giữa bóng tràm bát ngát

Anh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh mát

Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao...”

Câu thơ “Dù đi đâu và xa cách bao lâu” lại một lần nữa được lặp lại trả lời cho câu hỏi rằng dù em đi đâu hay ở đâu thì hình bóng em vẫn luôn trong tâm trí anh dù giữa bóng tràm bát ngát. Ánh mắt mà anh say đắm vẫn luôn hiện lên mỗi khi anh nhìn thấy lá tràm xanh mát. Tình cảm của em anh vẫn cảm nhận được dù cơn gió trong rừng tràm khiến không gian xôn xao, ồn ào.

Câu 9: "Cành mận bung cánh muốt" được nhắc lại 3 lần trong bài thơ có tác dụng gì ?

Trả lời:

“Cành mận bung cánh muốt" được điệp lại 3 lần, nó nhấn mạnh làm cho bài thơ trở nên sinh động, đồng thời báo hiệu mùa xuân đã về đến bản làng.

Câu 10: Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

“Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng…”

  1. a) Trong đoạn thơ trên sử dụng phép so sánh nào?

  2. b) Phép so sánh ấy có gì độc đáo?

Trả lời:

  1. a) Trong đoạn trên, có sử dụng biện pháp tu từ so sánh ngang bằng, so sánh giữa “chú bé” với “chim chích”.

  2. b) Phép so sánh đã nhấn mạnh vào sự hồn nhiên vui tươi của trẻ em.

Câu 11: Hình ảnh mùa hoa mận tượng trưng cho điều gì ?

Trả lời:

- Hoa mận như dẫn lối họ trở về với những hoài niệm, nhớ nhung, nhớ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày đang diễn ra một cách hối hả, xốn xang của các mẹ, cha, người già bản, sự vui vẻ, háo hức của lũ con trai, con gái trong bản làng.

Câu 12: Người xưa có câu:

-Nói ngọt lọt đến xương.

-Nói nặng quá.

Ẩn dụ ở đây thuộc kiểu nào?

Một số ví dụ tương tự?

Trả lời:

– Đây là kiểu ẩn dụ chuyển đổi cảm giác – lấy vị giác để chỉ thính giác.

– Một số ví dụ khác như:

+ giọng chua, giọng ấm,…

+ Nói nhẹ, nói đau,…

+ màu nóng, màu lạnh,…

Câu 13: Hình ảnh mùa hoa mận tượng trưng cho điều gì ?

Trả lời:

- Hoa mận như dẫn lối họ trở về với những hoài niệm, nhớ nhung, nhớ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày đang diễn ra một cách hối hả, xốn xang của các mẹ, cha, người già bản, sự vui vẻ, háo hức của lũ con trai, con gái trong bản làng.

Câu 14: Theo em chủ đề và cảm hứng chủ đạo của bài thơ là gì?

Trả lời:

- Chủ đề: tình cảm dành cho con người, quê hương và đất nước.

- Cảm hứng chủ đạo: nỗi nhớ thương da diết về thiên nhiên, cảnh sắc và con người vùng Tây Bắc.

Câu 15: Nêu giá trị nội dung của tác phẩm Lính đảo hát tình ca trên đảo ?

Trả lời:

- Nêu hiện thực cuộc sống khốn khổ, khó khăn của những người lính nơi đảo xa

- Ca ngợi tinh thần lạc quan, yêu tổ quốc, vượt lên trên khó khăn của những mình lính đảo

Câu 16: Viết một bài văn phân tích hình ảnh người lính trong bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo của nhà thơ Trần Đăng Khoa ?

Trả lời:

Trần Đăng Khoa được người đời ngợi ca và mệnh danh là "Thần đồng thơ ca". Với ngôn từ mộc mạc, hình ảnh thân quen, những sáng tác của ông dễ dàng đi sâu vào tâm trí và trái tim người đọc. Trong đó, chúng ta không thể bỏ qua tác phẩm "Lính đảo hát tình ca trên đảo". Bài thơ đã mang tới những hình ảnh chân thực về cuộc sống sinh hoạt của người lính nơi đầu sóng ngọn gió.

Mở đầu bài thơ, Trần Đăng Khoa trực tiếp đưa độc giả đến với khung cảnh:

"Đá san hô kê lên thành sân khấu

Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà"

Ngoài đảo, mọi thứ đều khan hiếm, thiếu thốn đủ đường. Vậy nên, sân khấu chỉ được lắp ghép, chắp vá tạm bợ bởi "đá san hô" mà thôi. Phía cánh gà cũng được tạo nên từ vài tấm tôn. Có thể thấy, chỉ với hai câu thơ ngắn gọn, nhà thơ đã gợi lên cuộc sống khó khăn của những người lính đảo. Cuộc sống ấy còn bị ảnh hưởng nặng nề từ thiên nhiên khắc nghiệt:

"Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ

Chẳng phông màn nào chịu nổi Trường Sa"

Cách xưng hô thân mật "em", "bọn chúng anh" cho thấy sự gắn kết giữa con người. Người lính nói bằng giọng điệu hết sức nhẹ nhàng, như thể đây chỉ là một câu chuyện nhỏ nhẹ, không đáng quan tâm. Câu thơ giống như lời tâm sự thủ thỉ, lời lí giải nhẹ nhàng cho hoàn cảnh. Đồng thời, khéo léo nhấn mạnh vào ý chí, bản lĩnh của những người dám đương đầu với sóng to, gió lớn nơi biển đảo.

Dẫu thiếu thốn vật chất, điều kiện tự nhiên hà khắc, người lính vẫn nở nụ cười lạc quan:

"Gió rát mặt, Đảo luôn thay hình dáng

Sỏi cát bay như lũ chim hoang

Cứ mặc nó. Nào hỡi các chiến hữu

Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn"

Sống giữa biển trời mênh mông, người lính hàng ngày hàng giờ phải đối mặt với biết bao gian khổ. Nào là những lần gió thổi rát mặt. Nào là những trận bão cát sỏi bay điên cuồng. Thế nhưng, họ chẳng lấy làm để tâm. Câu nói "Cứ mặc nó" cho thấy phong thái bình thản, ung dung của người lính đảo. Dường như, những khó khăn ấy không còn là nỗi bận tâm, lo lắng nữa rồi. Giờ đây, họ dành hết tâm trí cho chiếc sân khấu "có một không hai" - "mây nước mở màn" với đội ngũ biểu diễn và khán giả đặc biệt:

"Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc

Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu

Nước ngọt hiếm không lẽ dành gội tóc

Lính già lính trẻ đều trọc tếu như nhau"

Khổ thơ bốn dòng nhưng có đến ba từ "trọc" đã nhấn mạnh vào vẻ bề ngoài đặc trưng những chàng lính đảo. Ngoài đảo, nước ngọt khan hiếm vô cùng. Vì thế, họ không nỡ dùng nguồn nước quý giá đó để gội đầu. Từ lính mới đến lính cũ, lính già đến lính trẻ, ai ai cũng đồng lòng. Họ bảo nhau cắt đi mái tóc, biến mình thành "chàng đầu trọc" nhằm tiết kiệm những giọt nước tinh khiết. Bằng giọng điệu hóm hỉnh, Trần Đăng Khoa đã khắc họa nên một bức tranh chân thực về đời sống của lính đảo, tuy khó khăn nhưng không bi lụy. Từ chính cái khổ cực ấy, họ biến chúng thành niềm vui: "Có lúc vui cứ gọi đùa sư cụ/ Là bà con xa với bụt ốc đây mà", "Hóa ra là sư cụ hát tình ca".

Giữa không gian bao la, mây trời sóng nước lồng bóng, người lính đảo được ví như "sư cụ" cất lên khúc hát đặc biệt:

"Những giai điệu ngang tàng như gió biển

Nhưng lời ca toàn nhớ với thương thôi"

Nếu như giai điệu mạnh mẽ, ngang tàn như gió biển thổi thì lời ca lại nhẹ nhàng, tha thiết nỗi nhớ thương. Một bản tình ca độc đáo, mới lạ, chỉ có riêng ở người lính đảo. Hòa theo nhịp điệu, những chàng lính cất lên câu hát tâm tình, chan chứa yêu thương "Rằng có đêm trăng dắt em đi dạo", "Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?". Mượn lời ca, họ khéo léo bày tỏ tình cảm chân thành "Rằng chúng ta là những con người/ Yêu em thủy chung hơn muối mặn/ Dù thư tình chưa biết gửi cho ai". Có thể thấy, người lính đảo hiện lên thật chân thực với nét tính cách lạc quan, nhí nhảnh, tâm hồn trong sáng. Giống như bao người, các chàng trai ấy cũng có trái tim khao khát hạnh phúc và tình yêu đôi lứa.

Bản tình ca đằm thắm ấy còn là khúc hát say sưa về Tổ quốc thân yêu:

"Nào hát lên cho đêm tối biết

Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây

Ta đứng vững giữa muôn trùng sóng gió

Tổ quốc Việt Nam bắt đầu từ nơi này..."

Trên tất cả, trong trái tim thổn thức từng nhịp đập, tình yêu đất nước vẫn nóng bỏng hơn bao giờ hết. Nó chính là ngọn lửa tiếp thêm nhiệt huyết, là điểm tựa tiếp thêm sức mạnh cho những người lính. Giữa muôn trùng sóng gió của biển cả, người lính đảo luôn vững vàng chắp tay súng, bảo vệ từng tấc đất của nước nhà. Để rồi, thông qua đó, khẳng định đất nước bắt nguồn từ chính những vùng đất xa xôi mà thiêng liêng này.

Bài thơ kết thúc với hình ảnh ấn tượng:

"Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau

Ngoài mép biển người đâu lên đông thế

Ồ, hóa ra toàn những đá trọc đầu..."

Khổ thơ cuối vẫn là giọng điệu hóm hỉnh, vui tươi và tếu táo giống các phần trước. Khi thủy triều rút, những tảng đá bóng nhẵn như cái đầu trọc lộ lên khỏi mặt nước. Có thể thấy, điều kiện sống thật cực khổ làm sao!

Bằng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu; hình ảnh thơ gần gũi, quen thuộc, nhà thơ đã đem đến cho người đọc những hình dung cụ thể, chi tiết về đời sống nơi hải đảo xa xôi, hiểm trở. Việc sử dụng thành công các biện pháp tu từ như so sánh "Những giai điệu ngang tàn như gió biển", điệp ngữ "Nào hát lên cho",... cũng góp phần khắc họa thành công hình ảnh người lính đảo. Họ là những con người lạc quan, yêu đời, đầy mơ mộng với cuộc sống. Chính họ đã và đang từng ngày, từng giờ bảo vệ chủ quyền nước nhà.

Câu 17: Mùa thu cũng mang lại tin vui gì cho đất nước ?

Trả lời:

Mùa thu cách mạng, mùa thu độc lập vui tươi, phấn chấn.

- Tiếng reo vui trước mùa thu hiện tại độc lập, hạnh phúc.

- Mùa thu cách mạng tươi đẹp, sôi nổi: không gian nghệ thuật dịch chuyển từ những phố dài xao xác buồn bã sang không gian núi rừng tươi mới, tràn đầy sức sống (rừng tre phấp phới, trời thu thay áo mới) với những âm thanh ngân nga, vang vọng; trạng thái nhân vật trữ tình vui vẻ, hạnh phúc hòa trong sự phấn chấn của tạo vật (phấp phới, thiết tha).

- Mùa thu độc lập, tự chủ: "Trời xanh đây là của chúng ta…"

- Suy tư về hồn thiêng đất nước: "Nước chúng ta… vọng nói về".

=> Niềm tự hào về đất nước.

- Nghệ thuật đặc sắc trong đoạn thơ: hình ảnh thơ giàu sức gợi, câu thơ giàu tính nhạc, vận dụng hiệu quả phép điệp, giọng thơ phấn chấn sôi nổi, cảm xúc mãnh liệt…

=> Đoạn thơ thể hiện tình yêu tha thiết, niềm tự hào về quê hương đã được độc lập, có truyền thống anh hùng, bất khuất.

Câu 18: Viết một bài nghị luận phân tích và nêu cảm nhận của em về bài thơ “Mùa hoa mận” của nhà thơ Chu Thùy Liên?

Trả lời:

Với người dân vùng núi Tây Bắc sắc trắng của hoa mơ, hoa mận không chỉ là tín hiệu của mùa xuân mà còn là tín hiệu của quê hương. Với những người xa quê chỉ nhìn thấy sắc trắng hoa mơ, hoa mận qua hình ảnh trên tivi, báo đài thôi cũng thấy xao xuyến và bồi hồi khó tả. Bài thơ “Mùa hoa mận” được tác giả Chu Thuỳ Liên sáng tác đúng tháng chạp năm 2007 đã thể hiện nỗi nhớ sâu sắc về quê hương, buôn làng của những người đi xa thông qua sắc trắng quen thuộc đó.

Bài thơ có ba khổ thơ, mỗi khổ thơ đều bắt đầu bằng hình ảnh hoa mận nở trắng muốt “cành mận bung cánh muốt”, sắc trắng tinh khôi của hoa mận nở khắp vùng trời Tây Bắc dường như chính là tín hiệu của mùa xuân. Và cũng từ đây nó là cái cớ để nhà thơ tuôn trào những cảm xúc về quê hương mình. Dưới tán mận, dưới sắc trắng tinh khôi của hoa mận, toàn bộ sinh hoạt bình dị của dân làng hiện ra, thân thương mà thiêng liêng làm sao:

“Cành mận bung cánh muốt

Lũ con trai háo hức chơi cù

Lũ con gái rộn ràng khăn áo

Bóng bay nâng ước mơ con trẻ”

Vui nhất và háo hứa nhất khi xuân về chính là lũ trẻ nhỏ. Chúng rộn ràng, sung sướng vì được mặc áo mới, được chơi những trò chơi dân gian mà không sợ cha mẹ mắng. Con trai thì “háo hức chơi cù”, “con gái thì rộn ràng khăn áo”... niềm vui ấy như lan toả sang cả không khí xung quanh. Các từ láy “háo hức”, “rộn ràng” khiến ý thơ tươi vui, rộn rã, dường như ta thấy được nụ cười trong trẻo của lũ trẻ. Dường như cành mận cũng đã cùng vui với lũ trẻ, chứng kiến bao ước mơ và theo con đường trưởng thành của chúng.

“Cành mận bung cánh muốt

Giục mẹ xôn xang lá, gạo

Giục cha vui lòng căng cánh nỏ

Giục người già bản hối hả làm đu”

Không khí thật nhộn nhịp, tất bật và khẩn trương. Dưới tán mận mẹ vội vàng rửa lá, ngâm gạo để chuẩn bị thổi xôi, làm bánh cúng tổ tiên, mong mỏi một vụ mùa no ấm. Cha đi căng cánh nỏ, người già hối hả làm đu, để chuẩn bị cho những trò chơi dân gian vào năm mới. Động từ “giục” xuất hiện liên tiếp ở ba dòng thơ “giục mẹ”, “giục cha”, “giục người già”... tất cả gợi một không khí thật khẩn trương, rộn rã, tưng bừng. Cả buôn làng từ già đến trẻ đều đang háo hức, phấn khởi chờ đón một mùa xuân mới về.

“Cành mận bung cánh muốt

Nhà trình tường ủ hương nếp

Giục lửa hồng nở hoa trong bếp

Cho người đi xa nhớ lối trở về”

Trong những ngôi nhà truyền thống mùi hương nếp tỏa ra thơm lừng. Dân làng thổi xôi, làm cơm rượu nếp, ủ men lá, thịt lợn, làm bánh… căn bếp không khi nào hết ánh lửa bập bùng. Không khí thật ấm cúng, hạnh phúc làm sao. Tác giả thật tinh tế khi viết “giục lửa hồng nở hoa trong bếp”, khiến chúng ta cảm nhận được hương vị của mùa xuân đã lan tỏa khắp các ngõ ngách của buôn làng.

Màu trắng của hoa mận, cánh trắng tinh khôi, sắc trắng bao trùm cả những con đường, ven suối, bản làng làm cho quê hương đẹp hơn. Chính màu sắc ấy cũng dấy lên trong lòng những người xa quê cảm xúc bồi hồi, nhớ thương da diết. Ai đi xa chẳng mong trở về, nhất là khi năm mới đến, con người ta lại càng da diết với nỗi nhớ quê hương hơn. Hoa mận như là hoài niệm, như là tín hiệu dẫn lối con người ta trở về với quê hương, nơi ta sinh ra và gắn bó suốt những năm tháng tuổi thơ.

Bài thơ có ba khổ, viết theo thể thơ 5 chữ, không gieo vần, không nặng nề về hình thức. Mạch cảm xúc của nhà thơ chi phối đến mạch chung của bài thơ. Bằng những nét vẽ tinh tế nhà thơ đã giúp bạn đọc cảm nhận được vẻ đẹp cùng không khí rộn ràng của quê hương vào những ngày xuân sang. Qua đó dấy lên trong lòng mỗi người tình yêu tha thiết với nơi chôn nhau cắt rốn.

Câu 19: Viết một bài văn nghị luận, phân tích và nêu cảm nhận của em về bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi ?

Trả lời:

Quê hương đất nước là chủ đề, cảm hứng nổi bật trong văn học nghệ thuật. Các tác giả luôn đặt trọn tình cảm yêu mến da diết vào những tác phẩm của mình. Với quãng thời gian sáng tác 7 năm (từ 1948 đến 1955), nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết nên bài thơ nổi tiếng mang tên "Đất nước". Thi phẩm này đem đến cho người đọc những cái nhìn chân thực về một Việt Nam anh hùng, kiên cường.

Có thể thấy rằng, chủ đề của "Đất nước" được thể hiện ngay trong chính nhan đề - Tổ quốc Việt Nam ta. Bằng ngòi bút tài tình, tâm hồn thi vị, tác giả đã vẽ nên bức tranh về đất nước một cách khái quát ở từng thời điểm. Và bao trùm lên toàn bộ bài thơ là tình yêu, niềm tự hào mãnh liệt của con người dành cho mảnh đất hình chữ S.

Trước hết, đất nước hiện lên qua khung cảnh mùa thu Hà Nội năm xưa:

"Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới".

Cụm từ "Sáng năm xưa" gợi ra hình ảnh về một buổi sáng trời thu với tiết trời trong lành, mát mẻ. Trong bầu không khí ấy, gió nhẹ nhàng thổi, hòa cùng hương cốm mới. Chỉ với hai câu thơ ngắn gọn, nhà thơ đã tái hiện lại cảnh sắc yên bình của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Từ đó, khéo léo bày tỏ tình cảm nhớ thương "Tôi nhớ những ngày thu đã xa". Câu thơ là sự chuyển mạch hết sức nhịp nhàng. Nguyễn Đình Thi đưa độc giả trở về những ngày đầu kháng chiến:

"Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may"

Trong hoài niệm của nhân vật trữ tình, thu Hà Nội thật thơ mộng và đẹp đẽ. Sáng sớm, bầu không khí thường se se lạnh, xao xác hơi thở của gió heo may. Không gian thành phố được mở rộng nhờ hình ảnh "những phố dài". Trên nền bức tranh thu, con người xuất hiện với tâm thế "Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đây". Mạch thơ có sự thay đổi, giọng thơ thiết tha mang âm hưởng bâng khuâng. Con người ra đi "đầu không ngoảnh lại" nhưng vẫn cảm thấy sau lưng lá vàng rơi đầy trên thềm. Từng bước chân bước đi một cách dứt khoát, vững vàng song trong lòng còn quyến luyến, bịn rịn. Như vậy, ở khổ thơ này, nhà thơ tả ít mà gợi nhiều. Qua đấy, dựng lên bức tranh thu cổ kính từ chính những không gian, hình ảnh, màu sắc, hương vị quen thuộc, đặc trưng của thành phố Hà Nội.

Từ mùa thu hoài niệm, Nguyễn Đình Thi quay trở lại với mùa thu thực tại:

"Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha"

Câu thơ ngắn gọn 5 chữ, nhịp thơ nhanh, giọng thơ khỏe khoắn, hồ hởi như một tiếng reo ca trước sự đổi thay của đất nước. Cụm từ "khác rồi" nhấn mạnh vào những biến chuyển ấy. Giờ đây, bức tranh thu được mở rộng, trải dài về không gian với hình ảnh "rừng tre", "núi đồi". Đứng giữa thiên nhiên bao la, "tôi" - nhân vật trữ tình cảm thấy hân hoan, vui sướng khi chứng kiến cảnh mùa thu "thay áo mới". Cảnh tượng ấy càng thêm tươi đẹp nhờ tiếng cười nói rộn rã. Dường như, niềm hạnh phúc đang bao trùm lên tất cả mọi thứ, từ cảnh vật cho đến con người.

Bức tranh đất nước rộng lớn được tô điểm thông qua những hình ảnh:

"Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa"

Sự thay đổi trong cách xưng hô từ "tôi" thành "chúng ta" cùng biện pháp điệp ngữ "đây là", liệt kê "trời xanh", "núi rừng", "những cánh đồng", "những ngả đường", "những dòng sông" đã thể hiện niềm hạnh phúc trào dâng khi con người được làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh. Hàng loạt tính từ "xanh", "thơm ngát", "bát ngát", "đỏ" được sử dụng, góp phần tô đậm cảnh sắc thiên nhiên quê hương, Tổ quốc thân yêu.

Định nghĩa về "đất nước", nhà thơ khéo léo giải thích qua mấy vần thơ:

"Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về"

Nước Nam ta được dựng xây, bảo vệ từ chính đôi tay bé nhỏ của cha ông. Ngàn năm trôi qua, bờ cõi, lãnh thổ nước nhà vẫn luôn toàn vẹn. Ấy là nhờ có những con người chưa bao giờ chịu cúi đầu, khuất phục. Họ chính là người làm nên một Việt Nam giàu truyền thống văn hóa. Khổ thơ toát lên niềm tự hào, kiêu hãnh về đất nước ngoan cường, về những giá trị tốt đẹp, quý báu vẫn sáng ngời trong suốt bốn nghìn năm lịch sử.

Bài thơ tiếp tục có sự chuyển mạch khi nhà thơ miêu tả đất nước trong những năm tháng đau thương:

"Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều"

Khi viết về quân thù, giọng thơ vô cùng đanh thép, hùng hồn, chứa đầy phẫn uất. Chiến tranh đã biến những cánh đồng yên bình, trù phú thành biển máu; biến bầu trời trong xanh thành cảnh tượng hoang tàn "dây thép gai đâm nát trời chiều". Chưa dừng lại ở đó, lũ giặc còn làm ra những tội ác ghê gớm "Bát cơm chan đầy nước mắt/ Bay còn giằng khỏi miệng ta". Đứng trước cảnh quê hương đất nước bị giày xéo, người con không khỏi xót xa, căm tức.

Dẫu có đau khổ, khó khăn trăm ngàn nhưng đất nước vẫn mạnh mẽ đứng lên:

"Từ những năm đau thương chiến tranh

Đã ngời lên nét mặt quê hương

Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu

Đã bật lên những tiếng căm hờn"

Trong các khổ thơ tiếp, tác giả dùng hàng loạt từ ngữ "ngời lên", "bật lên", "không khóa được", "không bắn được", "đứng lên" để nhấn mạnh vào sức mạnh, tinh thần anh dũng, bất khuất của dân tộc ta. Dù hoàn cảnh có khắc nghiệt "ngày nắng đốt theo đêm mưa giội", có chông gai "mỗi bước đường mỗi bước hi sinh" thì nhân dân Việt Nam vẫn vững lòng, vững chí.

Cuối cùng, khép lại tác phẩm là hình ảnh:

"Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa"

Bốn câu thơ được viết bằng thể thơ năm chữ, nhịp điệu dồn dập đã tạo nên âm hưởng hào hùng như khúc tráng ca. Từ đây, đất nước hiện lên sáng ngời trên cái nền máu lửa, bùn lầy, trong một không gian ầm ầm súng nổ. Hai câu thơ kết chính là hình ảnh khái quát, tượng trưng cho đất nước đứng lên từ gian khổ và tỏa sáng ngời ngời.

Bằng ngôn ngữ giàu sức gợi, hình ảnh thơ gần gũi, thân thuộc, sử dụng thành công biện pháp so sánh, điệp ngữ, Nguyễn Đình Thi đã thành công trong việc khắc họa hình ảnh Việt Nam hiên ngang, bất khuất và kiên trung. Qua đó, bộc lộ niềm ngợi ca, tự hào thiết tha về đất nước tươi đẹp, giàu truyền thống.

Không thể phủ nhận, "Đất nước" là sự kết hợp hài hòa giữa nhiều yếu tố: chất trữ tình với chất chính luận, cảm xúc cá nhân với tình cảm, tư tưởng của cả dân tộc. Đọc bài thơ, ta càng thêm ngưỡng mộ Nguyễn Đình Thi - một ngòi bút tài hoa, một tâm hồn sâu sắc.

Câu 20: Viết một bài văn nghị luận nêu phân tích bài thơ Đi trong hương tràm của nhà thơ Hoài Vũ ?

Trả lời:

Nhà thơ Hoài Vũ quê gốc ở Quảng Ngãi. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ, ông tích cực tham gia hoạt động văn học ở miền Nam. Các sáng tác của ông thường lọt vào "mắt xanh" của nhiều nhạc sĩ. Trong đó, tiêu biểu nhất là tác phẩm "Đi trong hương tràm". Với những đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật, bài thơ đã để lại ấn tượng sâu đậm cho độc giả.

Đúng như tên nhan đề, xuyên suốt trong "Đi trong hương tràm" là hình ảnh hoa tràm tỏa hương. Mỗi lần nhân vật trữ tình nhắc đến "hương tràm", hình bóng "em" sẽ xuất hiện. Có thể nói, hương tràm gắn bó sâu sắc với "em", trở thành biểu tượng chính của tác phẩm.

Đọc bài thơ, ta thấy đây giống như lời độc thoại kéo dài không dứt. Lời độc thoại ấy được cất lên từ cảm xúc thương nhớ da diết của nhân vật trữ tình, người xưng "anh". Những hồi ức sâu xa, những nỗi buồn mênh mông gắn liền với hình ảnh hoa tràm cứ thế được gợi ra. Trước hết, ta bắt gặp cảnh tượng:

"Em gửi gì trong gió trong mây

Để sáng nay lên Vàm Cỏ Tây

Hoa tràm e ấp trong vòm lá

Mà khắp trời mây hương tỏa bay!"

Tác giả đã cảm nhận sự vật bằng các giác quan. Từ hình ảnh thiên nhiên, người "anh" khéo léo gửi gắm tâm sự riêng tư của bản thân tới "em". Mở đầu là "gió", "mây" rồi "hoa tràm" và "vòm lá". Sau những lớp lá xanh tươi, hoa tràm đang e ấp, thẹn thùng khoe sắc. Hoa mang trong mình vẻ đẹp thanh khiết, tinh khôi. Càng ngắm nhìn cảnh vật quanh mình, nhân vật trữ tình càng cảm thấy bồi hồi. Dường như, những điều thầm kín tự sâu trong nỗi lòng đã hòa với cảnh vật "Mà khắp trời mây hương tỏa bay!". Giờ đây, toàn bộ không gian, thời gian, sự vật đã thấm đẫm nỗi nhớ thương của con người. Cảm xúc ấy tiếp tục được khắc họa qua:

"Dù đi đâu dù xa cách bao lâu

Dù gió mây kia đổi hướng thay màu

Dù trái tim em không trao anh nữa

Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau"

Điệp từ "dù" lặp đi lặp lại ở đầu ba câu thơ chính là lời khẳng định, "tuyên thệ" cho tấm lòng chung thủy trong tình yêu của "anh". Dù vạn vật đổi thay, dù lòng "em" không thể trao cho "anh" nhưng chắc chắn một điều, tình cảm đôi ta vẫn mãi trường tồn. Một lần nữa, hình ảnh "hoa tràm" lại xuất hiện bên cạnh hình bóng "em". Phải chăng, hương tràm chính là dư vị ngọt ngào của một mối tình dở dang? Phải chăng, tình yêu ấy được bao bọc bởi "một thoáng hương tràm" kia?

Cô đơn đứng giữa thế gian rộng lớn, nhân vật trữ tình không khỏi cảm thấy xót xa, hụt hẫng:

"Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu

Có nỗi thương đau có niềm hi vọng”

Với cách ngắt nhịp khác nhau 5/3, 4/3, giọng thơ chậm rãi, hai câu thơ đầu như muốn nhấn mạnh vào nỗi đau trong lòng con người. Nỗi đau ấy giống cơn gió thổi sâu, xoáy sâu vào tâm trạng "anh". Nó biến tình yêu đôi ta thành sự xót xa nhưng đồng thời, tạo nên sức mạnh nâng đỡ và cổ vũ con người hãy sống xứng đáng với tình cảm ấy.

Thiên nhiên cao rộng, trống trải tiếp tục được tác giả phác họa qua câu thơ:

"Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng

Hương tràm bên anh, mà em đi đâu"

"Bầu trời", "cánh đồng" là những thứ luôn tồn tại vĩnh hằng trong đất trời, là đại diện cho sự rộng lớn, mênh mông. Đối diện với hai không gian này, nhân vật trữ tình không khỏi cảm thấy lẻ loi, hiu quanh. Nếu trước kia, anh có "hương tràm", có "em" cạnh bên thì bây giờ, anh lại một mình bơ vơ với "hương tràm". Giống như bầu trời và cánh đồng, hương tràm vẫn luôn hiện hữu, duy chỉ có "em" là không. Câu hỏi tu từ "Hương tràm bên anh, mà em đi đâu" vừa là lời độc thoại mà nhân vật trữ tình tự hỏi mình, vừa là câu hỏi tha thiết mà "anh" hướng tới "em". Sau tất cả, nỗi ám ảnh nghịch lí còn - mất, nỗi ám ảnh về sự cô đơn đã khắc sắc trong tâm trí nhân vật trữ tình.

Cuối cùng, vượt lên mọi thứ, người "anh" mạnh mẽ bày tỏ tấm lòng của bản thân:

"Dù đi đâu và xa cách bao lâu

Anh vẫn có bóng em, giữa bóng tràm bát ngát

Anh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh mắt

Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao."

Câu thơ "Dù đi đâu và xa cách bao lâu" tiếp tục được nhắc lại lần thứ hai đã nhấn mạnh vào tình cảm sắt son, bền chặt của nhân vật trữ tình. Dù thời gian, khoảng cách có cách trở xa xôi thì "anh" mãi nhớ tới "em". Điệp từ "anh vẫn" đặt ở đầu câu giống như lời hứa, lời thề về tình yêu mà anh dành cho em. Tất cả những gì gắn với mối tình tinh khôi của đôi ta sẽ luôn vĩnh hằng. Giờ đây, hình bóng "em" đã hóa thân vào bóng tràm, lá tràm và hương tràm, biến thành loài cây mãi tươi tốt, xanh tươi và nảy nở theo thời gian. Để rồi, mỗi lần nhìn thấy cây tràm, "anh" lại nghĩ đến "em" và kỉ niệm đôi ta. Như vậy, tình yêu giữa "anh" và "em" là bất tử, không gì chia cắt.

Bằng hình ảnh thơ gần gũi, thân thuộc; ngôn ngữ trong sáng, mộc mạc, nhà thơ Hoài Vũ đã dựng lên một bức tranh thiên nhiên có hương tràm là hình ảnh trung tâm. Thông qua đó, khéo léo bộc lộ tình cảm nhớ thương sâu sắc của nhân vật trữ tình. Ngoài ra, việc sử dụng thành công biện pháp điệp ngữ "dù", "anh vẫn" cũng góp phần diễn tả cảm xúc, tâm trạng ở người "anh".

Với bốn khổ thơ ngắn gọn, "Đi trong hương tràm" dễ dàng đi sâu vào tâm trí nhiều độc giả. Đọc bài thơ, ta cảm nhận được cái dư vị sâu lắng của một tình yêu dang dở, của một mối tình không trọn vẹn. Mong rằng, những vần thơ da diết trong tác phẩm sẽ luôn tỏa sáng rực rỡ theo dòng chảy thời gian.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay