Câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức bài 4: Thuyền và biển

Bộ câu hỏi tự luận  Ngữ văn 11 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 4: Thuyền và biển. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học  Ngữ văn 11 kết nối tri thức

Xem: => Giáo án ngữ văn 11 kết nối tri thức

BÀI 4: TỰ SỰ TRONG TRUYỆN THƠ DÂN GIAN VÀ TRONG THƠ TRỮ TÌNH

VĂN BẢN 3: THUYỀN VÀ BIỂN
(14 câu)

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Trình bày những hiểu biết của em về bài thơ Thuyền và biển (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Xuân Quỳnh

- Thể thơ: thơ năm chữ

- Nội dung: Qua câu chuyện ẩn dụ thuyền và biển không thể tách rời, tác giả thể hiện khát vọng về một tình yêu sâu đậm, không bao giờ phai.

Câu 2: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Xuân Quỳnh.

Trả lời:

- Xuân Quỳnh (1942 – 1988) tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê ở La Khê, thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Xuất thân từ một gia đình công chức, mồ côi mẹ từ nhỏ, Xuân Quỳnh ở với bà nội. Xuân Quỳnh từng là diễn viên múa Đoàn Văn công nhân dân Trung ương, là biên tập viên báo Văn nghệ, biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III.

- Tác phẩm chính: thơ Tơ tằm – Chồi biếc (in chung, 1963), Hoa dọc chiến hào (1968), Gió Lào cát trắng (1974), Lời ru trên mặt đất (1978), Tự hát (1984), Hoa cỏ may (1989), Bầu trời trong quá trứng (thơ viết cho thiếu nhi, 1982); truyện thơ Truyện Lưu Nguyễn (1985).

- Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đầm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường. Năm 2017, Xuân Quỳnh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Câu 3: Hãy trình bày đặc điểm của yếu tố tự sự trong thơ trữ tình.

Trả lời:

- Thơ trữ tình không đặt trọng tâm vào việc kể một câu chuyện, có nhân vật, có tính cách, có bối cảnh không gian và thời gian với rất nhiều chi tiết cụ thể như truyện thơ, mà ưu tiên hàng đầu cho việc thể hiện cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, thơ trữ tình không hề chối bỏ yếu tố tự sự, thậm chí, ở sáng tác của một số nhà thơ, yếu tố này khá đậm nét. Đọc một bài thơ trữ tình có yếu tố tự sự, độc giả dễ nhận ra bóng dáng của một câu chuyện, một sự kiện với những đường nét cốt yếu của nó. Câu chuyện lúc này có tác dụng làm nền cho tiếng nói trữ tình và luôn chịu sự chi phối của mạch cảm xúc mà tác giả triển khai. Do vậy, các câu chuyện thường chỉ được “kể” ở mức độ vừa đủ để cảm xúc của nhà thơ được bộc lộ trọn vẹn.

 

Câu 4: Bạn cảm nhận như thế nào về câu chuyện được nhân vật trữ tình kể lại trong bài thơ?

Trả lời:

- Đó là một câu chuyện tình yêu ngọt ngào, sâu đậm, không thể chia lìa. Điều đó thể hiện qua chuyện biển đưa thuyền đi muôn nơi, chuyện lúc thì thầm thì gửi tâm tư lúc thì ào ạt xô thuyền, đặc biệt nhất là tình cảm thể hiện ở 4 câu thơ cuối.

Câu 5: Trong câu chuyện về thuyền và biển, hai đối tượng này được đặt trong tương quan nào? Những cung bậc tình cảm gì đã được “người kể” soi rọi, khám phá?

Trả lời:

- Trong câu chuyện, thuyền và biển là một đôi, không thể tách rời, thuyền luôn đi cùng biển.

- Những cung bậc tình cảm:

+ Thuyền phải lòng biển: Từ ngày nào chẳng biết / Thuyền nghe lời biển khơi

+ Tình biển dành cho thuyền bao la: Và tình biển bao la / Thuyền đi hoài không mỏi / Biển vẫn xa … còn xa

+ Ân cần yêu thương / Giận hờn vô cớ: Khổ 4, 5

+ Sự hiểu nhau: Chỉ có thuyền mới hiểu / Chỉ có biển mới biết

+ Tâm trạng buồn bã nếu không được ở bên nhau: Những ngày không gặp nhau / Biển bạc đầu thương nhớ,…

+ Tình cảm không thể chia lìa: Hai khổ cuối.

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Từ câu chuyện giữa thuyền và biển, bạn suy nghĩ như thế nào về vấn đề “hiểu”, “biết” và “gặp” trong tình yêu đôi lứa?

Trả lời:

Hãy trả lời dựa trên suy nghĩ và trải nghiệm của em.

Ví dụ: Qua câu chuyện này, em thấy một tình yêu đẹp, sâu đậm có được khi những điều như “hiểu”, “biết”, “gặp” luôn đi cùng nhau, luôn tồn tại giữa hai người. “Hiểu”, “biết” để giúp đôi lứa gia tăng tình cảm, tránh những vấn đề không đáng có. “Gặp” để có được niềm vui và làm tăng thêm tình cảm gắn bó.

Câu 2: Nêu nhận xét về sự lồng ghép hai câu chuyện trong bài thơ. Số dòng thơ được dành cho từng câu chuyện được phân bố theo tỉ lệ nào? Bạn suy nghĩ gì về điều này?

Trả lời:

- Bài thơ là sự lồng ghép hai câu chuyện: mối liên kết thuyền và biển – tình yêu của em và anh. Sự lồng ghép này giúp cho bài thơ giàu sức biểu cảm, tạo cho người đọc nhiều liên tưởng đồng thời cũng giúp cho bài thơ trở nên thú vị hơn.

- Tất cả dòng thơ nói về thuyền và biển thì đều gián tiếp nói về em và anh. => Số dòng thơ được dành cho từng câu chuyện được phân bố theo tỉ lệ 1:1. => Điều này cho thấy tác giả đã có một sự liên hệ hợp lí, thú vị, giàu hình ảnh để có thể lồng ghép hai câu chuyện thành một bài thơ đặc sặc.

Câu 3: Bài thơ giúp bạn hiểu như thế nào về tâm sự và khát vọng của nhân vật trữ tình?

Trả lời:

- Qua câu chuyện gắn kết giữa thuyền và biển, ta có thể thấy được nhân vật trữ tình khao khát có / gìn giữ một tình yêu đẹp, sâu đậm như vậy. Việc tác giả không trực tiếp làm thơ về em – anh mà gián tiếp thông qua hình tượng thuyền – biển cho thấy tác giả muốn mượn những hình ảnh bao la, rộng lớn, đẹp đẽ, hùng vĩ của thiên nhiên để nhấn mạnh tâm sự, khát vọng của bản thân.

Câu 4: Đánh giá chung về vai trò, ý nghĩa của yếu tố tự sự được sử dụng trong bài thơ.

Trả lời:

- Câu chuyện thuyền – biển trong bài thơ chính là yếu tố tự sự trong thơ trữ tình.

- Vai trò, ý nghĩa: câu chuyện này có tác dụng làm nền cho tiếng nói trữ tình. Trong bài thơ, tác giả đã dựa vào những biểu hiện cụ thể của tình yêu thông qua những sự việc, hành động, suy tư của đôi lứa yêu nhau để qua đó làm nổi bật chủ đề mà tác giả hướng tới.

 

3. VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Phân tích khổ thơ thứ hai và thứ ba.

Trả lời:

Các ý cần triển khai:

- Chỉ ra thuyền và biển là nói thay cho ai

- Mở đầu câu chuyện: “Từ ngày nào chẳng biết / Thuyền nghe lời biển khơi”: Em đã phải lòng anh từ bao giờ không hay

- Cánh hải âu, sóng biếc: không gian ngoài biển khơi; cũng là hai hình ảnh đẹp, thường thấy khi nói về biển

- Đưa thuyền đi muôn nơi: tình yêu đưa đến những điều mới mẻ

- Lòng thuyền nhiều khát vọng / Và tình biển bao la: mong muốn của em và tình cảm mà anh có thể dành cho em

- Thuyền đi hoài không mỏi / Biển vẫn xa… còn xa: mở rộng, nhấn mạnh cho nội dung ở hai dòng thơ trước. Tình anh bao la, trao cho em bao khát vọng, giúp em không cảm thấy khó khăn trong cuộc sống.

Câu 2: Phân tích khổ thơ thứ tư và thứ năm.

Trả lời:

- Hai khổ thơ này nói về câu chuyện thường gặp trong tình yêu: lúc thì quan tâm, tình tứ; lúc thì giận hờn vu vơ (cũng có người hiểu là lúc thì dịu êm, lúc thì dữ dội).

- Chú ý đến những chi tiết giàu hình ảnh: đêm trăng hiền từ, biển như cô gái nhỏ, quanh mạn thuyền sóng vỗ, biển ào ạt xô thuyền,…

- Sự kết nối giữa hai khổ: “cũng có khi”

- (Vì tình yêu muôn thuở / Có bao giờ đứng yên?): sự lí giải của tác giả cho tình trạng này

Câu 3: Phân tích khổ thơ thứ sáu.

Trả lời:

- Khổ thơ có thể chia thành hai nửa: 2 câu đầu và 2 câu sau

- “Chỉ có”: nhấn mạnh tình yêu của đôi ta: chỉ anh hiểu em và chỉ em hiểu anh.

- Chú ý sự tiếp nối hợp lí: khí nói về biển, tác giả miêu tả sự mênh mông, rộng lớn thì khi nói về thuyền, tác giả nói về chuyện đi lại, biển biết thuyền đi, về nơi đâu trên không gian rộng lớn đó.

Câu 4: Phân tích ba khổ thơ cuối.

Trả lời:

- Chỉ ra việc gặp gỡ là quan trọng đến thế nào trong tình yêu

- Chú ý những hình ảnh gợi cảm xúc mạnh cho người đọc: “bạc đầu thương nhớ”, “lòng đau – rạn vỡ”. Những hình ảnh cũng cho thấy khả năng liên tưởng phong phú của tác giả: “bạc đầu” chỉ sóng, “rạn vỡ” chỉ việc thuyền hỏng hóc

- Hai khổ thơ cuối vẫn duy trì sự đi đôi, tuy nhiên sự khác biệt ở đây là ở khổ cuối tác giả đã trực tiếp dùng anh – em thay cho biển – thuyền nhưng vẫn giữ lại hình ảnh khốc liệt “bão tố” => tác dụng

 

4. VẬN DỤNG CAO (1 câu)

Câu 1: Tìm đọc thêm một bài thơ trữ tình chứa đựng câu chuyện ẩn dụ về tình yêu gần gũi với Thuyền và biển. Từ đó, viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) so sánh hai tác phẩm.

Trả lời:

Một trong số những bài thơ nổi bật của Xuân Quỳnh mà các em chắc cũng đã biết là Sóng.

Để so sánh, em có thể tham khảo đoạn thông tin sau:

– Sóng là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu của Xuân Quỳnh. Trong bài thơ, Xuân Quỳnh mượn hình tượng sóng để diễn tả những cảm xúc, tâm trạng, những sắc thái tình cảm vừa phong phú phức tạp, vừa thiết tha sôi nổi của một trái tim phụ nữ đang rạo rực, khát khao yêu đương.

– Cùng với hình tượng sóng, bài thơ này còn có một hình tượng nữa là em – cái tôi trữ tình của nhà thơ. Sóng là hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, là sự hoá thân, phân thân của cái tôi trữ tình – một kiểu đặc biệt của cái tôi trữ tình nhập vai. Hai “nhân vật” trữ tình này (sóng và em) tuy hai mà một, có lúc phân đôi ra (để soi chiếu vào nhau, làm nổi bật sự tương đồng), có lúc lại hoà nhập vào nhau (để tạo nên sự âm vang, cộng hưởng). Hai hình tượng này đan cài, quấn quýt với nhau như hình với bóng, song song tồn tại từ đầu đến cuối bài thơ, soi sáng, bổ sung cho nhau nhằm diễn tả một cách mãnh liệt hơn, sâu sắc và thấm thía hơn khát vọng tình yêu đang cuồn cuộn trào dâng trong trái tim nữ thi sĩ.

- Qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã diễn tả vừa cụ thể, vừa sinh động những trạng thái, tâm trạng, những cung bậc tình cảm khác nhau trong trái tim của người phụ nữ đang rạo rực yêu đương. Mỗi trạng thái tâm hồn cụ thể của người phụ nữ đang yêu đều có thể tìm thấy sự tương đồng của nó với một khía cạnh, một đặc tính nào đó của sóng.

=> Ta có thể thấy, hai bài thơ Thuyền và biển Sóng có cùng chủ đề về tình yêu nhưng phương diện biểu đạt có khác nhau và hình ảnh ẩn dụ để thể hiện cũng có điểm khác.

 

=> Giáo án Ngữ văn 11 kết nối Bài 4 Đọc 3: Thuyền và biển

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay