Câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức bài 4: Lời tiễn dặn
Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 4: Lời tiễn dặn. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 11 kết nối tri thức
Xem: => Giáo án ngữ văn 11 kết nối tri thức
BÀI 4: TỰ SỰ TRONG TRUYỆN THƠ DÂN GIAN VÀ TRONG THƠ TRỮ TÌNH VĂN BẢN 1: LỜI TIỄN DẶN
(14 câu)1. NHẬN BIẾT (5 câu)
(14 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Trình bày những hiểu biết của em về văn bản Lời tiễn dặn (tác giả, thể loại, nội dung,…)
Trả lời:
- Tác giả: Không xác định cụ thể. Đây là truyện dân gian của dân tộc Thái.
- Thể loại: truyện thơ
- Văn bản được trích từ truyện thơ Tiễn dặn người yêu.
- Nội dung: Qua hai lời tiễn dặn của chàng trai dành cho cô gái, ta thấy được tậm trạng đau xót khi yêu nhau mà không thể bên nhau của chàng trai và cô gái, cùng với đó là tình yêu mãnh liệt, mãi đi cùng năm tháng, sánh ngang với “trời đất, thiên nhiên” của hai người.
Câu 2: Hãy trình bày những hiểu biết của em về truyện thơ dân gian của dân tộc thiểu số.
Trả lời:
Tham khảo:
- Truyện thơ dân gian các dân tộc thiểu số là những sáng tác truyền miệng mang đậm bản sắc văn hoá, phong tục tập quán, phản ánh tâm hồn, tình cảm của đồng bào các dân tộc.
- Phần lớn cốt truyện của truyện thơ được lấy từ truyện cổ tích, có tình tiết, nhân vật cụ thể, nhưng nhiều câu thơ trong truyện lại mượn từ những câu ca dao, dân ca quen thuộc của mỗi dân tộc. Nghệ thuật kết hợp tự sự và trữ tình khiến cho truyện thơ vừa có khả năng phản ánh khá sâu sắc hiện thực đời sống vừa thấm đẫm tâm trạng, tình cảm, tâm hồn con người các dân tộc trong hiện thực ấy. Bên cạnh đó, các mối quan hệ giữa con người với con người trên nền tảng xã hội phân hoá giai cấp và việc giải quyết các mối quan hệ này theo quan điểm đạo đức lí tưởng của nhân dân đã được trình bày trong truyện thơ.
- Không phải dân tộc thiểu số nào cũng có truyện thơ. Một số truyện thơ quen thuộc thường được kể trong các dân tộc như: Út Lót – Hồ Liêu, Nàng Ờm – chàng Bồng Hương,... (Mường) ; Chàng Lú – nàng Ủa, Tiễn dặn người yêu,... (Thái) ; Nam Kim – Thị Đan, Vượt biển,... (Tày – Nùng); Tiếng hát làm dâu, Nhàng Dợ – Chà Tăng,... (Mông); Hoàng tử Um Rúp, Chăm Bani,... (Chăm); Tum Tiêu, Si Thạch,... (Khmer). Hiện nay, một số truyện thơ các dân tộc đã được dịch ra tiếng Việt, nhưng có khá nhiều truyện còn lưu truyền trong dân gian, chưa được sưu tầm và biên dịch.
- Truyện thơ có hai chủ đề nổi bật. Ngoài chủ đề thứ nhất phản ánh khát vọng tự do yêu đương và hạnh phúc lứa đôi, còn có chủ đề thứ hai phản ánh số phận đau thương và mơ ước đổi đời của những người nghèo.
- Cũng như truyện cổ tích, nhiều nhân vật trong truyện thơ là người mồ côi, người phụ nữ, người lao động. Các nhân vật này là những người nghèo khổ, bị áp bức bóc lột nặng nề, bị tước đoạt tình yêu và hạnh phúc – kiểu nhân vật bé nhỏ, tội nghiệp nhất trong xã hội phụ quyền. Họ phải làm thuê làm mướn, bị đánh đập hắt hủi như Nàng Con Côi (Mường), hoặc bị ép duyên, phải làm dâu trong những gia đình chồng bạo ngược nhơ cô gái trong Tiếng hát làm dâu (Mông), hoặc là nhân vật dưới đáy của sự nghèo khổ, khốn cùng, bị đày ải, rẻ rúng như người em phu thuyền ở cõi âm trong truyện thơ Vượt biển (Tày),... Họ đã trở thành đối tượng thương cảm, xót xa của những trái tim nhân hậu. Tiếng thơ trong truyện cũng chính là tiếng lòng đồng cảm, tiếng khóc uất hận, tiếng nói đòi giải phóng của nhân dân các dân tộc ngày xưa.
- Cùng với những lời thở than dằng dặc, truyện thơ còn thể hiện thái độ của người lao động nghèo phản kháng những kẻ bóc lột, trừng trị bọn cường hào ác bá, đấu tranh cho chính nghĩa, mong ước được đổi đời, sống ấm no hạnh phúc,... phản ánh tinh thần lạc quan, lòng yêu đời, ham sống của người dân lao động các dân tộc.
Câu 3: Hãy tóm tắt nội dung văn bản.
Trả lời:
Văn bản gồm hai phần, ứng với hai không gian tâm trạng nối tiếp nhau của chàng trai.
Phần 1: Tâm trạng của chàng trai (và gián tiếp là tâm trạng của cô gái qua sự mô tả của chàng trai trên đường tiễn dặn).
- a) Đó là tâm trạng đầy mâu thuẫn nửa như buộc phải chấp nhận sự thật đau xót là cô gái đã có chồng, nửa như muốn níu kéo tình yêu, kéo dài giây phút âu yếm bên nhau.
- b) Đó còn là lòng quyết tâm giữ trọn tình yêu giữa chàng trai với cô gái.
Phần 2: Cử chỉ, hành động và tâm trạng của chàng trai lúc ở nhà chồng của cô gái.
- a) Cử chỉ:
− Vỗ về, an ủi cô gái lúc bị nhà chồng đánh đập, hắt hủi.
– Lam thuốc cho cô gái uống.
- b) Tâm trạng:
– Nỗi xót xa, niềm thương cảm mà chàng trai dành cho cô gái.
– Ý chí mãnh liệt của chàng trai nhất quyết sẽ giành lại tình yêu để đoàn tụ cùng cô gái.
Câu 4: Lời kể trong đoạn trích là lời của ai? So với một số tác phẩm viết bằng văn xuôi đã học, lời kể ở đây có điểm gì đặc biệt?
Trả lời:
- Lời kể trong đoạn trích là lời của chàng trai.
- So với các tác phẩm văn xuôi thì lời kể ở truyện thơ này khác ở chỗ là được viết thành từng câu thơ, vì viết bằng thơ nên chỉ giữ lại được phần nào tính chất kể. Một điểm nữa là lời kể trong đoạn trích có sự kết hợp mạnh mẽ với yếu tố trữ tình (mang phong cách thơ).
Câu 5: Hãy nhận xét về nghệ thuật của đoạn trích.
Trả lời:
Những điểm cần lưu ý:
- Sự kết hợp giữa nghệ thuật trữ tình (mô tả cảm xúc, tâm trạng) với nghệ thuật tự sự (kể sự việc, hành động)
- Truyện thơ đã kế thừa truyền thống nghệ thuật của ca dao trữ tình, sử dụng một cách nghệ thuật lời ăn tiếng nói của nhân dân.
- Các câu thơ sử dụng dày đặc các phép tu từ đặc sắc (như điệp từ, điệp ngữ) vừa tạo nên nhạc tính rắt réo cho câu thơ, vừa góp phần đắc lực tạo hình ảnh thơ.
2. THÔNG HIỂU (5 câu)
Câu 1: Phân tích diễn biến tâm trạng của chàng trai (và của cô gái – qua sự mô tả của chàng trai) trên đường tiễn dặn (phần 1).
Trả lời:
- a) Cách chàng trai gọi cô gái là "người đẹp anh yêu" khẳng định tình yêu trong chàng trai vẫn còn thắm thiết. Nhưng tình cảm chủ quan đó lại mâu thuẫn với sự thực khách quan là cô gái đang "cất bước theo chồng" (thậm chí đã có con với chồng).
- b) Chàng trai có những cử chỉ, hành động dường như muốn níu kéo cho dài ra giây phút còn được ở bên cô gái trên đường tiễn dặn: phải được nhủ, được dặn cô gái đôi câu chàng trai mới có thể "đành lòng" quay về; muốn ngồi lại bên cô gái, âu yếm cô gái để "ủ lấy hương người" cho mai sau (khi chết) lửa xác (mình) vẫn đượm hơi người thân yêu ngày hôm nay; nựng con của cô gái với người chồng của cô gái mà như nựng chính con của mình.
- c) Chàng trai cảm nhận rằng dường như cô gái cũng muốn níu kéo cho dài ra những giây phút cuối cùng còn được ở bên chàng trai: chân bước đi mà đầu còn "ngoảnh lại", mắt còn "ngoái trông" chàng trai; chân bước càng xa thì lòng cô gái càng đau nhớ; bởi vậy cứ mỗi cánh rừng đi qua cô gái đều coi là cái cớ để dừng lại chờ chàng trai, lòng đầy khắc khoải.
Vậy là hai người đang cùng trong một cảnh ngộ "tiễn dặn" và cũng đang sống trong cùng một tâm trạng day dứt, dùng dằng đầy dằn vặt, đau đớn. Chính vì những "điểm chung" đó mà chàng trai đã rất tự nhiên, như không thể khác được, kết thúc phần này bằng cách gọi "đôi ta" với ý chí quyết sẽ đoàn tụ với nhau (ý là ý của riêng chàng trai, nhưng quyết tâm là quyết tâm của cả hai người).
- d) Hai câu thơ số 23, 24 vừa kết thúc phần thứ nhất vừa báo hiệu trước sự đoàn tụ về sau của họ ngay vào lúc tưởng như bước sang "mùa đông" của cuộc đời. Đây là hai câu thơ vừa thực hiện chức năng trữ tình (tả nội tâm) vừa thực hiện chức năng tự sự (chuẩn bị cho mọi diễn biến và kết cục về sau).
Câu 2: Phân tích cử chỉ, hành động và tâm trạng của chàng trai lúc ở nhà chồng của người yêu.
Trả lời:
- a) Văn bản lược đi một đoạn cô gái bị nhà chồng đánh đập đến ngã lăn ra bên miệng cối gạo, bên "máng lợn vầy", để rồi bắt đầu ngay bằng hai việc làm của chàng trai: chạy lại đỡ cô gái dậy, ân cần phủi áo, chải lại đầu cho cô gái, sau đó đi chặt tre về làm ống lam thuốc cho cô gái "uống khỏi đau".
Trong đoạn mở đầu phần thứ hai này ta thấy chàng trai đã có những cử chỉ, hành động biểu lộ niềm xót xa, thương cảm sâu sắc đối với người yêu – điều mà cô gái đang rất cần vào lúc này như cần một chỗ dựa về tinh thần. Mô tả cảnh người con gái ngay khi vừa mới về nhà chồng đã bị đánh đập, hành hạ thảm thương là một đề tài phổ biến của ca dao các dân tộc thiểu số nước ta, nó khái quát một sự thực đau lòng về số phận người phụ nữ ở xã hội miền núi lạc hậu ngày xưa.
- b) Tiếp đó là tâm trạng của chàng trai vừa xót xa cho cô gái vừa quyết tâm sẽ bằng mọi cách đón cô gái về đoàn tụ với mình. Phần hai chỉ có 30 câu thơ, nhưng đoạn bộc lộ tâm trạng và lòng quyết tâm này dài tới 22 câu. Tỉ lệ độ dài như vậy cũng phần nào cho thấy rằng tính trữ tình là tính chất chủ yếu của riêng đoạn trích này, đồng thời cũng là của toàn bộ tác phẩm.
- c) Mặt khác, cũng một ý nói lên lòng quyết tâm đoàn tụ mà phần này dành một số lượng câu lớn như thế, trong cách diễn tả lại sử dụng dồn dập nhiều hình ảnh ẩn dụ, so sánh tương đồng, sử dụng lớp lớp những câu thơ đặt theo một số mô hình cấu trúc chung, có những từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần (để khẳng định ý chí đoàn tụ không gì lay chuyển được) là một đặc điểm nghệ thuật không chỉ nổi bật ở đoạn trích này. Đó còn là một lối nói quen thuộc trong ca dao của nhiều dân tộc thiểu số miền Bắc nước ta. Dân gian những vùng, miền dân tộc đó cảm thấy dường như phải nhắc đi nhắc lại nhiều một ý như vậy may ra mới thoả mãn phần nào những cảm xúc đang dâng đầy trong lòng những con người sống chất phác, mãnh liệt giữa thiên nhiên núi rừng cường tráng.
Câu 3: Hãy cho biết diễn biến tâm trạng, tình cảm của chàng trai khi tiễn đưa người yêu về nhà chồng. Những câu thơ nào thể hiện tâm trạng, tình cảm đó?
Trả lời:
– Tình cảm tha thiết, quyến luyến và tình yêu sâu sắc của chàng trai:
+ Qua lời nói đầy cảm động
+ Qua hành động săn sóc ân cần, thiết tha
+ Qua suy nghĩ, cảm xúc mãnh liệt.
Những câu thơ thể hiện tình cảm này: Từ câu thứ 12 đến hết phần 1.
– Tâm trạng đầy mâu thuẫn trước hoàn cảnh thực tại không thể gắn bó và tình yêu sâu nặng:
+ Đi cùng người yêu nhưng trong lòng anh vẫn luôn luôn suy nghĩ: "đành lòng quay lại", "chịu quay đi".... Điệp từ: quay đi, quay lại cho thấy chàng trai vừa ý thức được hoàn cảnh không thể thay đổi của hai người, vừa luyến tiếc tình yêu cũ, nên không đành dứt.
+ Anh cũng biết, chỉ còn "một lát bên em", rồi hai người sẽ phải chia lìa.
+ Toàn bộ tâm trạng của chàng trai trong đoạn này là tâm trạng rối bời, đầy mâu thuẫn khi phải tiễn người yêu về nhà chồng. Tâm trạng đó là của một người có tình yêu tha thiết, thuỷ chung và tâm hồn trong sáng, lành mạnh.
Câu 4: Tìm những hình ảnh, từ ngữ thể hiện nỗi đau khổ của cô gái trong đoạn trích và giải thích nguyên nhân của nỗi đau khổ đó.
Trả lời:
Những từ ngữ, hình ảnh trong đoạn trích thể hiện nỗi đau khổ của cô gái:
- Những câu thơ mở đầu đoạn trích giới thiệu hoàn cảnh của cô: Phải về nhà chồng nhưng chưa gặp được người yêu để giã biệt. Hoàn cảnh ấy tạo ra tâm trạng bồn chồn, đau khổ, không yên. Hình ảnh cô cất bước theo chồng, "Vừa đi vừa ngoảnh lại - Vừa đi vừa ngoái trông", "lòng càng đau, nhớ",... đã phản ánh tâm trạng trên.
- Nhóm từ tới rừng ớt, tới rừng cà, tới rừng lá ngón kết hợp với động từ chờ, đợi, ngóng trông khiến ta hình dung con đường đi xa ngái và trạng thái dùng dằng, bồn chồn, chờ đợi "Bước đi một bước giây giây lại dừng" (Chinh phụ ngâm) của cô. Hình tượng ớt, cà, lá ngón tăng tiến dần, vừa thể hiện màu sắc văn hoá dân tộc vừa là nỗi cay đắng, vò xé, thể hiện trạng thái tâm lí đau khổ, day dứt trong lòng cô gái.
- Ở đây, cảnh đã góp phần thể hiện tình, cảnh chính là tình, làm nền cho tình cảm, nỗi niềm được bộc lộ sinh động và sâu sắc. Cảnh khi thì gợi cay đắng, khi thì gợi bão táp đã diễn tả chính xác những đắng cay, bão táp trong lòng cô gái.
è Tất cả đều thể hiện sự bế tắc, lo lắng, đau khổ của cô gái khi về nhà chồng. Nỗi đau khổ đó bắt nguồn từ cuộc hôn nhân không tự nguyện, không có tình yêu của cô, mà nguyên nhân sâu xa là do xã hội phong kiến Thái đã dành cho cha mẹ quyền định đoạt hôn nhân của con cái, đặc biệt là con gái.
Câu 5: Qua hai lời tiễn dặn trong đoạn trích, người đọc có thể nắm bắt được điều gì về bối cảnh của câu chuyện?
Trả lời:
Qua đoạn trích ta có thể nhận biết được bối cảnh của câu chuyện:
- Thời gian: thời xưa, khi vẫn còn những hủ tục
- Không gian: núi rừng
- Hoàn cảnh: chàng trai và cô gái yêu nhau thắm thiết nhưng không thể đến được với nhau, chỉ có thể nguyện thề, chờ đợi, hi vọng.
3. VẬN DỤNG (2 câu)
Câu 1: Trong phần 1 của đoạn trích (từ "Quảy gánh qua đồng rộng" đến "khi goá bụa về già"), chàng trai đã dặn cô gái những gì? Hãy so sánh những lời dặn dò ở phần 2 (sau khi bị người chồng hành hạ) với những lời dặn dò ở phần 1 của đoạn trích.
Trả lời:
- a) Lời tiễn dặn ở phần đầu nổi bật một chữ đợi. Lời dặn dò đó cũng là lời hẹn ước của chàng trai.
– Thời gian chờ đợi được tính bằng mùa vụ: "đợi tới tháng năm lau nở", "Đợi mùa nước đỏ cá về", "Đợi chim tăng ló hót gọi hè",...
– Thời gian chờ đợi được tính bằng cả đời người: "Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông - Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi goá bụa về già".
Chàng trai đã ước hẹn chờ đợi cô gái trong mọi thời gian, mọi tình huống. Bước đi của thời gian được diễn tả bằng những hình ảnh quen thuộc, bình thường, thuần phác của cuộc sống dân tộc: tháng năm lau nở, mùa nước đỏ cá về, chim tăng ló hót gọi hè,... Những hình ảnh đó đã phần nào phác hoạ tình cảm chân thực, bền chắc của chàng trai dân tộc Thái.
Tuy nhiên, đợi có nghĩa là chấp nhận thực tại không thể gần gũi, gắn bó; đợi nghĩa là chỉ còn hi vọng ở tương lai. Lời dặn dò đó thể hiện tình nghĩa thuỷ chung, tình yêu sâu sắc, bất tử của chàng trai, đồng thời cũng thể hiện thái độ bất lực, đành chấp nhận tập tục, chấp nhận cuộc hôn nhân do cha mẹ hai bên định đoạt.
- b) Những lời tiễn dặn ở phần 2 của đoạn trích
- Theo phong tục hồn nhiên và giàu nhân văn của người Thái, nếu đôi nam nữ yêu nhau mà không lấy được nhau, họ sẽ thành anh em bè bạn, gần thì thỉnh thoảng thăm nhau, xa xôi thì hằng năm có những phiên chợ tình, họ tìm về chơi chợ, gặp gỡ chia sẻ vui buồn cùng nhau. Chàng trai trong truyện thơ này tiễn người yêu về tận nhà chồng, ở lại đó một thời gian, dặn dò cô "hết lời hết lẽ" để mong cô thành người dâu thảo:
Bậc thang cuối nhà chồng, chớ ngồi, Ghế chị chồng ngồi, chớ đụng,
Anh chồng đẹp, đừng lả lơi,
Không phải bạn tình, đừng ngấp nghé,
Giã gạo đừng chửi lợn,
Chăn lợn đừng chửi gà...
- Nhưng đến thăm nhà chồng cô gái, anh bị đặt vào hoàn cảnh thật trớ trêu, đau khổ. Yêu mà không thể lấy được nhau, hơn nữa, yêu mà phải bó tay nhìn người yêu bị đánh đập, hành hạ. Đó chính là hoàn cảnh dẫn đến lời tiễn dặn của chàng trai ở phần cuối đoạn trích.
- Nếu lời tiễn dặn ở phần đầu nổi bật một chữ đợi, thì lời tiễn dặn ở phần cuối nổi bật chữ cùng với mong muốn thoát khỏi tập tục để gắn bó: đôi ta cùng gỡ, ta vuốt lại, ta trôi nổi ao chung, chung một mái song song, ta thương nhau, ta yêu nhau,...
- Chứng kiến cảnh người yêu bị hành hạ, anh cảm thông, săn sóc cô bằng lời lẽ và hành động chia sẻ hết mực yêu thương: "Dậy đi em", "Đầu bù anh chải cho", "Tóc rối đưa anh búi hộ!", "Lam ống thuốc này em uống khỏi đau",... Trong lời nói đó còn ẩn chứa nỗi xót xa, đau đớn dường như hơn cả nỗi đau mà cô gái phải chịu. Yếu tố tự sự đã kết hợp chặt chẽ với yếu tố trữ tình, lời lẽ chứa đầy cảm xúc khiến câu chuyện có sức biểu cảm lớn.
è Tuy hai lời tiễn dặn ở hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng cả hai lời đều thể hiện tình yêu sâu sắc, thuỷ chung và quyết tâm vượt mọi trở ngại để gắn bó.
è Lời chàng trai cũng là lời truyện thơ, lời các tác giả dân gian Thái, thấm nhuần tình cảm nhân đạo, đầy yêu thương, thông cảm với số phận của cô gái cũng như của những người phụ nữ Thái xưa.
Câu 2: Tại sao có thể nói những lời tiễn dặn tha thiết của chàng trai trong truyện chính là những lời phản kháng tập tục hôn nhân của dân tộc Thái xưa?
Trả lời:
Thái độ phản kháng tập tục hôn nhân và khát vọng tự do yêu đương của chàng trai, cô gái Thái:
- Cùng với tình cảm xót thương, anh muốn phá tung sợi dây trói buộc của tập tục Thái, để cùng người yêu sống chết bên nhau. Trong nguyên bản tiếng Thái có đoạn:
Tai xam pi lón cãng mã hỏi
Tai xáp xỏi pên nặm tạng cóp mã kin
Tai pên đin puk pũ mã kẹo
Tại pên hẻo chí xốn hồm nong
Tai pên chong lính chuỗn huồm thuổi
Tai puối xảu xóp lẹo chắng dú hưỡn điêu.
- Tai dịch sang tiếng Việt là "chết", tai pên là "chết thành". Hình ảnh cái chết được lặp lại sáu lần, cũng là sáu lần anh khẳng định sự gắn bó. Không thể sống xa nhau, hãy sống cùng nhau cho đến chết, dù phải chết cũng nguyện được chết cùng nhau. Cái chết là sự thử thách tột cùng đối với con người, tình yêu mãnh liệt của anh vượt qua cả thử thách đó. Nói đến cái chết chính là nói đến khát vọng mãnh liệt được sống cùng nhau.
- Nguyên nhân chia li và những nỗi đau khổ của chàng trai, cô gái trong truyện chính là do tập tục hôn nhân gả bán, cha mẹ có quyền định đoạt duyên phận cho con cái. Vì vậy, những lời tiễn dặn đầy đau khổ của họ chính là những lời tố cáo, phản kháng tập tục hôn nhân Thái ngày xưa, tập tục đã bóp chết tình cảm yêu thương tự nhiên của con người, khiến cho họ phải suốt đời đau khổ.
- Trong lời tiễn dặn nổi bật mong muốn được "cùng chết" của chàng trai. Điều đó thể hiện tình yêu nồng nàn, mãnh liệt của anh, cũng chính là thái độ phản kháng lại hoàn cảnh. Xã hội không để cho những người yêu nhau được sống bên nhau là một xã hội bất công, vô lí, cần phải thay đổi.
- Những lời tiễn dặn cũng đồng thời thể hiện khát vọng tự do, khát vọng được giải phóng, được sống trong tình yêu của các chàng trai, cô gái Thái:
Yêu nhau, yêu trọn đời gỗ cứng,
Yêu nhau, yêu trọn kiếp đến già,
Ta yêu nhau tàn đời gió, không rung không chuyển,
Người xiểm xui, không ngoảnh không nghe.
- Câu thơ gọn, chắc, nghệ thuật sử dụng từ láy có tác dụng khẳng định khát vọng tự do yêu đương và quyết tâm trước sau như một, không gì thay đổi được của chàng trai. Khát vọng đó như được khắc vào gỗ, tạc vào đá.
- Kết thúc truyện thơ là sự trở về đoàn tụ trong hạnh phúc của hai người sau bao trắc trở, đó là bằng chứng về thắng lợi của tình yêu chân chính, của tự do, đối lập với những luật lệ khắt khe, hà khắc trói buộc con người.
è Những kết thúc có hậu như vậy trong truyện thơ các dân tộc và truyện thơ Thái không nhiều, nhưng nó mang lại niềm tin tưởng, lạc quan, tiếp thêm sức mạnh cho những đôi lứa yêu nhau vượt qua trở ngại để được sống hạnh phúc, nó đã rọi chiếu ánh sáng hi vọng và niềm tin vào cuộc sống vốn ảm đạm của đồng bào dân tộc Thái ngày xưa. Đó là lí do khiến truyện thơ Tiễn dặn người yêu được người Thái các thế hệ yêu quý và tự hào.
4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1: Những từ ngữ, hình ảnh, những cách ví von nào trong đoạn trích thể hiện tình yêu mãnh liệt của đôi trai gái, đồng thời thể hiện rõ màu sắc dân tộc của người Thái?
Trả lời:
- Khi thể hiện tình yêu mãnh liệt của đôi trai gái, đoạn trích mượn rất nhiều hình ảnh, cách ví von so sánh với thiên nhiên. Thiên nhiên góp phần phản ánh hoàn cảnh và tâm trạng nhân vật, đồng thời thể hiện rõ màu sắc dân tộc của người Thái. Dùng thiên nhiên như cái nền quen thuộc thể hiện tình cảm, thái độ của con người đó là hình thức phổ biến trong ca dao, dân ca của cả dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số. Trong đoạn trích Lời tiễn dặn, người đọc bắt gặp nhiều hình ảnh thiên nhiên phong phú và các hình ảnh đó theo suốt từ đầu đến cuối đoạn trích.
- Thiên nhiên vừa là những hình ảnh quen thuộc đối với nếp cảm, nếp nghĩ của người Thái, vừa góp phần thể hiện tâm tư, tình cảm của nhân vật trong truyện. Thiên nhiên đó vừa hồn nhiên trong sáng, gần gũi với dân tộc Thái trong từng chi tiết, vừa thể hiện tư duy chất phác, ưa cụ thể, lối diễn đạt hồn nhiên của đồng bào Thái. Những rừng cà, rừng ớt, rừng lá ngón vừa là hình ảnh thiên nhiên cụ thể, vừa ước lệ về những nỗi cay đắng chất chứa trong lòng nhân vật. Hình ảnh so sánh tình yêu với độ bền vững của tự nhiên: vàng, đá, gió, trọn đời gỗ cứng,.... khiến cho tình yêu trở nên vĩnh cửu.
- Thiên nhiên vừa như thử thách con người vừa như khẳng định sự vĩnh cửu của tình yêu. Hình ảnh thiên nhiên và hình ảnh tình yêu hợp lại, đối sánh, cùng tôn nhau lên làm thành vẻ đẹp đặc biệt của lời thơ: sự bền vững của tình yêu được đem so sánh với sự trường tồn của thiên nhiên và ngược lại, sự vô cảm của thiên nhiên được tình yêu thổi vào chất thơ mộng, thành ra có hồn: tình yêu vững bền như vàng, như đá, như gỗ cứng, tàn đời gió không rung chuyển đổi thay.... Tình yêu đó tha thiết mà không bi luỵ, tiềm ẩn sự cứng cỏi, bản lĩnh mà không phô trương, mòn sáo.
è Thiên nhiên ấy không chỉ thể hiện tâm trạng, tình cảm nhân vật mà còn thấm đẫm màu sắc dân tộc Thái.
Câu 2: Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có đoạn diễn tả tâm trạng Kim Trọng trở lại vườn Thuý, khi người yêu đã phải bán mình chuộc cha:
Vật mình vẫy gió tuôn mưa,
Dầm để giọt ngọc, thẫn thờ hồn mai.
Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi,
Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê...
Em hãy so sánh lối diễn tả tâm trạng Kim Trọng trong Truyện Kiều với lối diễn tả tâm trạng chàng trai trong đoạn trích Lời tiễn dặn (hình ảnh so sánh, hành động của hai nhân vật) để thấy nét đặc sắc khác nhau giữa truyện thơ bác học với truyện thơ dân gian.
Trả lời:
Tâm trạng của chàng Kim Trọng trong Truyện Kiều cũng tương tự tâm trạng của chàng trai trong truyện thơ Tiễn dặn người yêu (đoạn trích Lời tiễn dặn). Đó là tâm trạng đau khổ, bất lực vì người yêu bị gả bán cho người khác. Nhưng lối diễn tả tâm trạng đó trong Lời tiễn dặn và trong đoạn trích Truyện Kiều khác nhau. Truyện Kiều dùng rất nhiều hình ảnh ước lệ (chẳng hạn hình ảnh vẫy gió, tuôn mưa để chỉ nỗi đau khổ; giọt ngọc dùng để chỉ giọt nước mắt; thẫn thờ hồn mai dùng để chỉ tinh thần đau đớn, bất an, trong khi tâm trạng của chàng trai ở Lời tiễn dặn lại được diễn tả bằng nhiều hình ảnh cụ thể, gần gũi với lối nghĩ chất phác của người dân tộc thiểu số (như đã phân tích ở phần trên).
=> Giáo án Ngữ văn 11 kết nối Bài 4 Đọc 1: Lời tiễn dặn