Câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức bài 1: Chí Phèo
Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 1: Chí Phèo. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 11 kết nối tri thức
Xem: => Giáo án ngữ văn 11 kết nối tri thức
BÀI 1: CÂU CHUYỆN VÀ ĐIỂM NHÌN TRONG TRUYỆN KỂ VĂN BẢN 2: CHÍ PHÈO
(15 câu)1. NHẬN BIẾT (5 câu)
(15 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Hãy trình bày một số hiểu biết của em về văn bản Chí Phèo (tác giả, thể loại, nội dung,…)
Trả lời:
– Tác giả: Nam Cao
– Thể loại: Truyện ngắn hiện đại
– Truyện ngắn Chí Phèo được xây dựng dựa trên một số nguyên mẫu tại làng Đại Hoàng. Tác phẩm vốn có tên là Cái lò gạch cũ. Năm 1941, khi Nhà xuất bản Đời mới tại Hà Nội in một tập truyện ngắn riêng của Nam Cao, người viết lời tựa cho cuốn sách là nhà văn Lê Văn Trương đã đổi tên tác phẩm này thành Đôi lứa xứng đôi và lấy nó làm tên chung cho cả tập. Khi đưa in lại trong tập Luống cày (Hội Văn hoá cứu quốc Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1945), nhà văn đã đặt tên mới cho tác phẩm là Chí Phèo.
– Nội dung: Chí Phèo là một kiệt tác của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Qua truyện ngắn này, Nam Cao khái quát một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng: một bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hoá, lưu manh hoá. Nhà văn đã kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo tàn phá cá thể xác và tâm hồn người nông dân lao động, đồng thời, khẳng định bản chất lương thiện của họ, ngay trong khi họ bị vùi dập mất cả nhân hình, nhân tính. Chí Phèo là một tác phẩm có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ.
Câu 2: Trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Nam Cao.
Trả lời:
– Nam Cao (1917 – 1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri (có tài liệu chép là Trần Hữu Trí), quê ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông từng làm nhiều nghề để kiếm sống: dạy trường tư, làm gia sư, viết văn,... Đề tài sáng tác của Nam Cao thường xoay quanh đời sống cơ cực của người nông dân và các bi kịch của tầng lớp trí thức nghèo ở thành thị. Sau Cách mạng, ông tích cực tham gia các hoạt động báo chí, văn nghệ phục vụ cuộc sống mới, thường viết về những chuyển biến trong nhận thức và hành động của nhiều tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong một chuyến công tác ở vùng địch tạm chiếm thuộc tỉnh Ninh Bình, Nam Cao rơi vào ổ phục kích của địch và hi sinh.
– Nam Cao khẳng định vị trí trong lịch sử văn học bằng thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Bộ phận sáng của ông được xem là một dấu mốc quan của văn hiện thực chủ nghĩa, giàu tính khái quát triết lí và tinh thần nhân đạo. Ông rất chú trọng diễn tả, phân tích tâm lí nhân vật, xây dựng các tính cách phức tạp, thực hiện nhiều đột phá trong nghệ thuật tự sự với lối trần thuật phối hợp nhiều điểm nhìn, giọng điệu; với cách kết cấu linh hoạt; cách sử dụng ngôn ngữ sinh động, vừa gần gũi với ngôn ngữ giao tiếp đời thường, vừa giàu suy tưởng. Những tác phẩm tiêu biểu của ông: Chí Phèo (truyện ngắn, 1941), Giăng sáng (truyện ngắn, 1942), Lão Hạc (truyện ngắn, 1943), Đời thừa (truyện ngắn, 1943), Truyện người hàng xóm (tiểu thuyết, 1944), Sống mòn (tiểu thuyết, 1944), Đôi mắt (truyện ngắn, 1948), Ở rừng (nhật kí, 1947 – 1948),...
Câu 3: Hãy nêu chủ đề của tác phẩm Chí Phèo.
Trả lời:
– Qua tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao tố cáo mạnh mẽ xã hội thực dân nửa phong kiến tàn bạo đã cướp đi của người nông dân lương thiện cả nhân hình lẫn nhân tính. Đồng thời nhà văn cũng trân trọng phát hiện và khẳng định bản chất tốt đẹp của những con người này ngay khi tưởng chừng họ đã bị biến thành quỷ dữ.
Câu 4: Văn bản có thể chia thành mấy phần? Nêu ý chính của từng phần.
Trả lời:
Có thể chia văn bản thành 6 phần:
– Phần 1 (Từ đầu đến Lược một đoạn): Chí Phèo say rượu "vừa đi vừa chửi"
– Phần 2 (Từ “Hắn về lớp này trông khác hẳn” đến Lược một đoạn): Chí Phèo ở tù về, đến nhà bá Kiến rạch mặt ăn vạ
– Phần 3 (Từ “Khi Chí Phèo mở mắt” đến “hãy dừng yêu để hỏi cô thị đã”): Chí Phèo thức tỉnh, sống trong tình yêu và sự săn sóc của thị Nở
– Phần 4 (Từ “Thấy thị hỏi” “lúc ra đi chúng định làm”): Thị Nở từ chối Chí Phèo
– Phần 5 (Từ “Trời nắng lắm, nên đường vắng” đến “thỉnh thoảng máu vẫn còn ứ ra”): Chí Phèo tuyệt vọng, uất ức đi đòi lương thiện, giết bá Kiến và tự kết liễu đời mình
– Phần 6: (Từ “Cả làng Vũ Đại nhao lên” đến hết): Cảnh xôn xao của làng Vũ Đại và hình ảnh thoáng hiện cái lò gạch cũ.
Câu 5: Nhan đề đầu tiên của truyện ngắn này là Cái lò gạch cũ, nhưng khi in thành sách, nhà xuất bản tự ý đổi thành Đôi lứa xứng đôi; mãi đến năm 1946, tác giả mới đặt lại là Chí Phèo. Hãy nhận xét hai cái tên đầu tiên.
Trả lời:
– Đặt tên truyện là Cái lò gạch cũ, phải chăng tác giả muốn nói đến sự luẩn quẩn bế tắc, gắn với hình ảnh Chí Phèo ở đầu truyện, khi còn là thằng bé đỏ hỏn được cuốn trong một cái váy đụp vứt ở cái lò gạch bỏ hoang và hình ảnh cuối truyện: Thị Nở sau khi nghe tin Chí Phèo đâm chết bá Kiến và tự sát một cách khủng khiếp đã nhớ lại những lúc gần gũi với hắn và nhìn nhanh xuống bụng rồi thoáng thấy hiện ra cái lò gạch cũ bỏ không ở nơi vắng người lại qua ? Có thể sẽ có một Chí Phèo con ra đời cũng ở cái lò gạch ấy để "nối nghiệp" bố. Như vậy Cái lò gạch cũ như là biểu tượng về sự xuất hiện tất yếu của hiện tượng Chí Phèo, gắn liền với tuyến chủ đề chính của tác phẩm.
– Còn nhan đề Đôi lứa xứng đôi thì hướng sự chú ý vào Chí Phèo và thị Nở – một con "quỷ dữ của làng Vũ Đại" mặt mũi bị "vằn dọc vằn ngang" và một mụ đàn bà xấu "ma chê quỷ hờn". Cách đặt tên Đôi lứa xứng đôi là rất giật gân, gây sự tò mò, phù hợp với thị hiếu của một lớp công chúng bấy giờ.
2. THÔNG HIỂU (5 câu)
Câu 1: Việc gặp gỡ thị Nở đã có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đời Chí Phèo? Những gì đã diễn ra trong tâm hồn Chí Phèo sau cuộc gặp gỡ đó?
Trả lời:
– Trước sự săn sóc đầy ân tình và tình yêu thương mộc mạc, chân thành của thị Nở, tâm trạng Chí Phèo đã diễn biến khá phức tạp và rất lôgíc. Để chỉ ra sự lô gíc này, trước hết phải hiểu, lúc đầu thị Nở chỉ khơi dậy bản năng của Chí Phèo, nhưng sự săn sóc giản dị đầy ân tình và lòng yêu thương mộc mạc, chân thành của người đàn bà khốn khổ này đã làm thức dậy bản chất lương thiện của người nông dân trong Chí Phèo. Đoạn văn nói về sự thức tỉnh tâm hồn của Chí Phèo sau đêm gặp thị Nở là một đoạn tuyệt bút thể hiện tư tưởng nhân đạo của một nhà văn lớn.
– Khi được thị Nở cho cháo hành, Chí Phèo ngạc nhiên và hết sức cảm động "thấy mắt hình như ươn ướt". Điều này là dễ hiểu, vì như chính tác giả nói: "Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì".
– "Hắn nhìn bát cháo bốc khói mà bâng khuâng", "vừa vui vừa buồn". Vui, vì lần đầu tiên được người khác yêu thương, chăm sóc; buồn, vì thân phận của mình, ăn năn vì ý thức được những hành động sai trái mà mình đã làm trong quá khứ...
– Chí Phèo nhận thấy cháo hành rất ngon và thị Nở cũng "có duyên" (lưu ý, đây vốn là một người có ngoại hình xấu xí). Chí Phèo nghĩ tới hạnh phúc vợ chồng, thấy mình bị thiệt thòi vì chưa bao giờ được săn sóc bởi bàn tay của người đàn bà. Chí nhớ đến nỗi nhục khi trước đây phải chiều theo ham muốn xác thịt của con quỷ cái vợ ba bá Kiến.
– Cuối cùng, Chí Phèo hi vọng mình sẽ tìm được bạn đời. Và dĩ nhiên đấy chính là thị Nở. Hắn hi vọng "thị Nở sẽ mở đường cho hắn" vào cái xã hội "bằng phẳng thân thiện của những người lương thiện".
Câu 2: Tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Nam Cao qua truyện ngắn này là gì?
Trả lời:
– Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao qua đoạn trích này sâu sắc và mới mẻ ở chỗ nhà văn đã phát hiện, miêu tả phẩm chất tốt đẹp của người lao động ngay khi tưởng như họ đã bị xã hội tàn ác cướp mất cả bộ mặt người lẫn linh hồn người. (Tư tưởng nhân đạo của phần lớn các cây bút hiện thực khác chủ yếu thể hiện sự đồng cảm với nỗi khổ của người nông dân, lên án cái xã hội thực dân nửa phong kiến bóc lột tàn tệ người lao động, đẩy họ vào con đường bần cùng, ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của họ.) Ở đây, nên so sánh tư tưởng nhân đạo của Nam Cao với tư tưởng nhân đạo của một vài nhà văn hiện thực để thấy được chỗ mới mẻ và sâu sắc của ông.
Câu 3: Trong truyện ngắn Đời thừa, Nam Cao viết: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có”.
Với những hiểu biết về sự nghiệp sáng tác của Nam Cao, em hãy phát biểu ý kiến của mình về quan điểm nghệ thuật nói trên của nhà văn.
Trả lời:
– Ý kiến nêu trên khẳng định yêu cầu hết sức quan trọng đối với tác phẩm văn chương, nói rộng ra là đối với tác phẩm nghệ thuật. Người nghệ sĩ là phải sáng tạo, phát hiện ra cái mới.
– Đây là ý kiến hoàn toàn đúng, phản ánh bản chất của nghệ thuật, được nhiều người khẳng định theo những cách diễn đạt khác nhau. ("Mỗi tác phẩm phải là một phát hiện về hình thức, một khám phá về nội dung" – Lê-ô-nít Lê-ô-nốp.) Ở đây, Nam Cao đã diễn đạt một cách ngắn gọn, hàm súc và giàu hình ảnh.
Câu 4: Phân tích nỗi đau của Chí Phèo khi bị từ chối quyền làm người. Em đánh giá như thế nào về tính chất điển hình của nhân vật này?
Trả lời:
Khi giải bài tập này, với yêu cầu thứ nhất, cần lưu ý:
– Nỗi đau của Chí Phèo gắn liền với bi kịch trong cuộc đời nhân vật: bi kịch bị tha hoá và bi kịch bị từ chối quyền làm người; tất nhiên, chỉ từ khi tỉnh rượu, ý thức được bi kịch, Chí Phèo mới cảm thấy đau đớn.
– Phân tích một số chi tiết cụ thể trực tiếp bộc lộ nỗi đau đớn, tuyệt vọng của Chí Phèo khi biết mình bị thị Nở từ chối và "không thể làm người lương thiện" được nữa (ví dụ: "Tỉnh ra, chao ôi, buồn! Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn cứ ôm mặt khóc rưng rức. Rồi lại uống. Rồi lại uống”; hoặc: "Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện được nữa. Biết không! Chỉ có một cách... biết không!... Chỉ còn một cách là... cái này! Biết không!...".
– Nỗi đau tột cùng vừa cho thấy sự bi đát trong số phận, vừa cho thấy niềm khát khao lương thiện cháy bỏng của Chí Phèo, đồng thời cũng cho thấy cái nhìn hiện thực mang tính phát hiện và chiều sâu trong chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao.
Với yêu cầu thứ hai, cần lưu ý:
– Đưa ra lời giải thích ngắn gọn về khái niệm "điển hình" (cần nhấn mạnh yêu cầu thống nhất giữa tính riêng độc đáo với tính chung, tính tiêu biểu của một điển hình văn học).
– Phân tích, đánh giá những phẩm chất nghệ thuật của hình tượng Chí Phèo. (Có thể khẳng định: Chí Phèo là một điển hình, kết hợp hài hoà, sinh động giữa tính riêng và tính chung).
Câu 5: Nêu những diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp thị Nở. Vì sao khi bị thị Nở dứt tình, Chí Phèo lại xách dao đi giết bá Kiến và tự sát? Bi kịch lớn nhất của Chí Phèo được thể hiện trong truyện là gì?
Trả lời:
- a) Có thể nêu tóm tắt diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau cuộc gặp thị Nở như sau: thức tỉnh – hi vọng – thất vọng, đau đớn – phẫn uất – tuyệt vọng.
– Đó là một quá trình tâm lí phức tạp, đầy tính bất ngờ, đột biến, nhưng có lô gích, đúng quy luật tâm lí. Thức tỉnh, không chỉ là để biết hi vọng mà còn để biết tuyệt vọng, biết báo thù. Việc Chí Phèo giết bá Kiến rồi tự sát là theo quy luật tâm lí giải toả bế tắc của một kẻ cố cùng liều thân. Ở đây, chính sự từ chối của thị Nở đã kéo Chí Phèo trở về với thực tại và nhận ra, bằng tiềm thức, kẻ thù của mình trước hết vẫn là bá Kiến. Và mâu thuẫn Chí Phèo – bá Kiến là mâu thuẫn không thể điều hoà được, trước sau gì cũng bùng nổ dữ dội.
- b) Về số phận và tâm trạng bi kịch đau đớn của Chí Phèo
Số phận của Chí Phèo là số phận bi kịch, rất đau đớn. Số phận ấy được Nam Cao miêu tả theo hai quá trình: bị tha hoá và bị cự tuyệt quyền làm người.
– Quá trình bị tha hoá diễn ra sau khi Chí Phèo ở tù về. Anh canh điền hiền như đất trước khi đi ở tù, bây giờ càng lúc càng trở nên liều lĩnh, hung hãn, để rồi thành quỷ dữ, thành nỗi kinh hoàng của cả làng Vũ Đại. Tính chất bi kịch ở đây được Nam Cao khơi sâu khi nhà văn đặt Chí Phèo vào cảnh ngộ đặc biệt đáng lo ngại: Không phải bá Kiến, mà chính Chí Phèo, khi đã bị biến thành tay sai của cụ bá xảo quyệt "róc đời", tự huỷ hoại nhân hình, nhân tính của mình mà không hay biết. Thậm chí còn lấy làm vênh vang, đắc chí; anh hùng ở làng Vũ Đại "cóc thằng nào bằng ta”! Những dấu tích của tha hoá hằn in trên gương mặt, bộ dạng, trong tiếng chửi, và trong từng ngộ nhận của nhân vật này.
– Quá trình bị từ chối quyền làm người, thực ra đã bắt đầu từ lâu, nó diễn ra đồng thời với quá trình bị tha hoá. Nhưng phải từ sau khi gặp thị Nở, tức là từ khi Chí Phèo thức tỉnh, bi kịch mới thực sự bắt đầu.
Số phận ấy còn được thể hiện tập trung qua tâm trạng đầy bi kịch và kết cục bi thảm của Chí Phèo. Đó là một buổi sáng thật trong lành: bao nhiêu âm thanh bình dị mà thân thiết, êm đềm đã dội vào lòng, thức tỉnh những cảm xúc thuộc về con người trong Chí Phèo. Tiếng chim hót vui vẻ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá, tiếng cười nói của người đi chợ về,... tất cả gợi nhắc giấc mơ xa xôi của một thời : một mái nhà tranh, một gia đình nho nhỏ,... Chí Phèo thấy mình cô độc, thấy sợ cô độc, nhất là khi đã già yếu. Rồi bát cháo hành của thị Nở mang cho, cùng với sự chăm sóc, yêu thương mộc mạc lần đầu tiên Chí Phèo nhận được. Tất cả tạo thành một không khí, một thứ hương vị riêng ngọt ngào hạnh phúc. Nhưng Chí Phèo không "xứng đôi" với thị Nở. Dưới mắt bà cô, Chí Phèo chỉ có thể là quỷ dữ, không thể là người. Vì thế, Chí Phèo mới bị thị Nở – người đàn bà tập trung đủ mọi cái xấu, cái thua thiệt trên đời – phũ phàng cự tuyệt. Còn gì bi đát và đau đớn tuyệt vọng hơn: "Hắn ôm mặt khóc rưng rức". Nỗi đau ấy khiến Chí Phèo muốn ra đi trả thù và đẩy anh đến một hành động dữ dội, quyết liệt: "đâm chết nó". Nhưng "nó" là ai? Tiềm thức mách bảo Chí Phèo, đó là bá Kiến. Song, dù bá Kiến có chết, Chí Phèo cũng "không thể là người lương thiện". Hai cái xác chết, một con dao vấy máu, một vũng máu tươi, thật là bi thảm, nhưng đó chưa phải là đoạn kết cho một cuộc đời bi kịch. Chí Phèo chết vẫn chưa hết "chuyện". Bi kịch số phận nhân vật vẫn còn tiếp tục cho những số phận kiểu Chí Phèo.
3. VẬN DỤNG (3 câu)
Câu 1: Tác giả đã xây dựng nên một hình ảnh làng Vũ Đại như thế nào?
Trả lời:
– Toàn bộ truyện Chí Phèo diễn ra ở làng Vũ Đại. Đây chính là không gian nghệ thuật của tác phẩm. Làng này dân "không quá hai nghìn, xa phủ, xa tỉnh". Và đặc biệt là có tôn ti trật tự thật nghiêm ngặt, cao nhất là cụ tiên chỉ bá Kiến "bốn đời làm tổng lí", uy thế nghiêng trời. Rồi đến đám cường hào, chúng kết thành bè cánh, mỗi cánh kết bè đảng xung quanh một người: cánh cụ bá Kiến, cánh ông đội Tảo, cánh ông tư Đạm, cánh ông bát Tùng,... như một đàn cá tranh mồi. Sau nữa là những người nông dân thấp cổ bé họng, suốt đời bị đè nén, áp bức. Và lại còn một hạng dưới đáy cùng hơn cả dân cùng, sống tăm tối như thú vật. Đấy là Năm Thọ, binh Chức, Chí Phèo. Đám cường hào một mặt ngấm ngầm chia rẽ, nhè từng chỗ hở để mà trị nhau, cho nhau "ăn bùn" (chẳng hạn, bá Kiến đã dùng tên đầu bò Chí Phèo để trị đội Tảo, đến khi bá Kiến bị đâm chết, thì bọn kì hào mừng rỡ nhìn lí Cường bằng con mắt thoả mãn và khiêu khích); mặt khác, chúng "đu lại với nhau" để bóc lột, ức hiếp nông dân. Ở làng Vũ Đại này, những nông dân hiền lành chỉ è cổ làm để nuôi bọn lí hào. Nếu không họ đành bỏ làng mà đi, chấp nhận kiếp sống chui lủi, kiểu như Năm Thọ.
è Như vậy, chỉ qua một số chi tiết được chọn lọc kĩ lưỡng, sắp đặt rải rác tưởng chừng như ngẫu nhiên trong tác phẩm, Nam Cao đã có thể dụng nên một làng Vũ Đại sống động, hết sức ngột ngạt, đen tối. Nam Cao đã làm nổi bật mối xung đột giai cấp âm thầm mà quyết liệt ở nông thôn. Đấy chính là hình ảnh thu nhỏ của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
Câu 2: Phân tích hình tượng nhân vật bá Kiến.
Trả lời:
– Đây là một trong số những nhân vật điển hình xuất sắc, được xây dựng đặc biệt thành công của văn học hiện thực nói chung và của Nam Cao nói riêng.
– Trong tiểu thuyết Tắt đèn, khi xây dựng nhân vật địa chủ nghị Quế keo kiệt, thô lỗ, Ngô Tất Tố đã mô tả khá rõ gia cảnh, rồi đến những hành động và cử chỉ của hắn. Nhưng đối với bá Kiến, Nam Cao không hề tả diện mạo, chỉ nói đến giọng nói ngọt nhạt, tiếng quát "rất sang" và "cái cười Tào Tháo" mà y tự phụ là hơn đời. Bằng vài chi tiết, nhưng nhà văn đã tạo cho bá Kiến những nét độc đáo, khiến người đọc khó quên. Tuy vậy, nhân vật này trở thành sống động chủ yếu do năng lực miêu tả nội tâm sắc sảo của tác giả.
– Nhà văn để cho bá Kiến xuất hiện lần đầu trước độc giả đúng lúc Chí Phèo say rượu, đến cổng nhà Bá Kiến rạch mặt ăn vạ. Cảnh tượng thật hỗn loạn, huyên náo. Thoáng nhìn qua, bá Kiến đã "hiểu cơ sự", hắn nhanh chóng tìm ra được kế sách thích hợp nhất để đối phó. Với sự từng trải, bá Kiến biết rất rõ tác hại của đám đông đang tụ tập kia. Bố con bá Kiến thêm mất mặt, nếu để dân làng chứng kiến hành động thô lỗ của Chí. Cụ bá cũng thừa biết tâm lí của những thằng đầu bò như Chí Phèo: đám đông kia chính là hậu thuẫn, kích thích để nó hung hăng hơn. Cũng cần phải có thời gian để Chí Phèo đã rượu, đỡ táo tợn. Vả lại, nếu còn đám đông, bá Kiến khó có thể diễn thành công mánh khoé mua chuộc, dụ dỗ. Muốn dụ dỗ ắt phải nhún nhường. Đường đường là một cụ bá "hét ra lửa" mà để đám dân đen chứng kiến cảnh phải ngọt nhạt với thằng cùng đinh thì còn ra thể thống gì? Bởi vậy, việc đầu tiên bá Kiến tìm cách giải tán đám đông, trước hết hắn quát mấy bà vợ và đuổi họ vào nhà. Những người đến xem không thể không hiểu đây là cụ bá đuổi khéo mình. Tiếp theo, quay sang bọn người làng, dịu giọng hơn một chút, cụ bảo: "Cả các ông, các bà nữa, về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại như thế này?". Đến đây tất nhiên không ai nói gì, họ lảng dần đi. Cho dù có tò mò, muốn biết sự tình, nhưng họ vẫn nể, vẫn sợ cụ bá. Vả lại, ngay vợ cụ cũng phải vào nhà rồi... Đến khi chỉ "còn trơ lại Chí Phèo", cụ bắt đầu giở giọng đường mật, gọi đầy tớ cũ của mình – nay đã bị biến thành con vật gớm ghiếc – bằng "anh", vồn vã mời Chí vào nhà uống nước. Chưa đủ, cụ tiên chỉ làng Vũ Đại còn nhận có họ hàng với anh cùng đinh khốn khổ này, rồi giết gà, mua rượu cho hắn uống, rồi còn đãi thêm đồng bạc để về uống thuốc.
– Cách cư xử ấy, chứng tỏ cụ bá lõi đời đã đi guốc vào bụng dạ Chí Phèo lúc này: vừa ưa phỉnh nịnh, vừa hám cái lợi trước mắt. Rốt cuộc, bá Kiến "khôn róc đời" chuyển bại thành thắng, đạt được cả hai mục đích: vừa tạm dập tắt ngọn lửa hờn căm trong con người Chí, vừa chuẩn bị biến Chí thành tay sai lợi hại. Như vậy, chỉ qua tình huống trên cái xảo quyệt, lọc lõi của tên cường hào bá Kiến được thể hiện một cách sinh động và đầy ấn tượng.
– Cái nham hiểm ghê người của bá Kiến còn ở chỗ tìm cách làm cho lũ đàn em, hoặc đám dân làng "sinh chuyện", tức là chém giết, đốt phá lẫn nhau để hắn "có dịp mà ăn”!
Bên cạnh việc khắc hoạ sinh động bản chất xảo quyệt, gian hùng của bá Kiến, Nam Cao không quên vạch trần nhân cách bỉ ổi của tiên chỉ làng Vũ Đại trong những mối quan hệ kín đáo. Và nhà văn tài năng ở chỗ, khi cần đặc tả sự đê tiện và thói dâm ô vô độ của tên cường hào này, ông đã bỏ qua nhiều chi tiết rất cụ thể và phong phú của nguyên mẫu lí Bính ở làng Đại Hoàng quê ông. Ngay cái việc gỡ gạc của cụ lí đối với người đàn bà vắng chồng, lại có tiền, lẫn máu ghen tuông của hắn cũng chỉ được lướt qua. Tác giả chỉ để mấy dòng tả ý nghĩ của cụ bá về người vợ thứ tư trẻ đẹp ngồn ngộn sức sống ("Nhìn thì thích nhưng mà tưng tức lạ. Khác gì nhai miếng thịt bò lựt sựt khi rụng gần hết răng"). Chỉ một vài chi tiết, nhưng nhờ sự chọn lọc nên vẫn đủ sức khắc sâu trong người đọc về một nhân cách thảm hại.
è Như vậy, bá Kiến vừa mang bản chất chung của giai cấp địa chủ cường hào, vừa có những nét riêng biệt sinh động, không giống bất cứ một nhân vật địa chủ nào trong văn học đương thời. Điều đó giải thích vì sao hắn luôn được chúng ta nhắc đến, khi cần ám chỉ một kẻ có quyền, có chức, nham hiểm và gian hùng. Nhân vật này ghi nhận trình độ xây dựng nhân vật điển hình bậc thầy của Nam Cao, với tư cách là nhà văn hiện thực xuất sắc.
Câu 3: Hãy chỉ ra những điểm hay về mặt nghệ thuật của truyện ngắn Chí Phèo.
Trả lời:
– Chí Phèo đã ghi nhận thành công trong xây dựng nhân vật, tiêu biểu nhất phải kể đến nhân vật Chí Phèo và bá Kiến. Đây có thể coi là những nhân vật điển hình sắc nét vừa có ý nghĩa tiêu biểu, vừa hết sức sinh động, có cá tính độc đáo, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Khi xây dựng những nhân vật này, Nam Cao đã phát huy cao độ sở trường khám phá và miêu tả những trạng thái tâm lí phức tạp của nhân vật (tiêu biểu nhất là tâm lí của Chí Phèo sau đêm gặp thị Nở và khi bị thị Nở khước từ).
– Chí Phèo có một lối kết cấu mới mẻ, tưởng như vô cùng phóng túng thoải mái, gặp đâu nói đấy, chẳng theo trình tự thời gian, lúc đầu đi thẳng vào giữa truyện, sau mới ngược thời gian kể về lai lịch nhân vật nhưng thực chất lại rất chặt chẽ, lôgíc.
– Cốt truyện rất hấp dẫn, tình tiết đầy kịch tính và luôn biến hoá, càng về cuối càng gay cấn với những tình tiết quyết liệt, bất ngờ. (Nhiều sáng tác của Nam Cao hầu như không có cốt truyện, tình tiết không mấy hấp dẫn.)
– Ngôn ngữ trong tác phẩm rất sống động, vừa điêu luyện, nghệ thuật vừa rất gần với lời ăn tiếng nói trong đời sống. Giọng điệu của nhà văn phong phú và biến hoá, có sự đan xen lẫn nhau. Cách trần thuật cũng rất linh hoạt. Nhà văn có khả năng nhập vào các vai, chuyển từ vai này sang vai khác một cách tự nhiên, linh hoạt, gây hấp dẫn cho người đọc. Lúc thì trần thuật theo điểm nhìn của tác giả, lúc thì trần thuật theo nhân vật Chí Phèo, khi lại trần thuật theo nhân vật bá Kiến, thị Nở,... Cũng có phần nhờ đó, Nam Cao tạo nên những giọng điệu đan xen lẫn nhau.
è Với những đặc sắc trên, truyện ngắn Chí Phèo đúng là một phát hiện về nội dung, một khám phá về nghệ thuật, xứng đáng là một kiệt tác.
4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1: Hãy phân tích hình tượng nhân vật Chí Phèo.
Trả lời:
– Nạn nhân đau khổ nhất, tiêu biểu nhất ở làng Vũ Đại, nói rộng ra là ở xã hội thối nát đương thời, là Chí Phèo. Đây là nhân vật chính hội tụ những giá trị đặc sắc của tác phẩm.
– Trước hết, cần phải thấy Chí Phèo không những điển hình cho một bộ phận cố nông bị lưu manh hoá như một số người đã nhận xét mà ý nghĩa khái quát của nhân vật này còn rộng lớn hơn nhiều. Cuộc đời và số phận của Chí Phèo thể hiện một quy luật có tính phổ biến trong xã hội cũ là quy luật bần cùng hoá, rồi đi đến lưu manh hoá không chỉ ở một tầng lớp nhân dân.
– Nam Cao không phải là nhà văn viết về nhân vật bị lưu manh hoá đầu tiên trong văn học. Nhưng ông là người đặt ra vấn đề con người tha hoá một cách ám ảnh và sâu sắc nhất mà truyện Chí Phèo được coi là một thành tựu đột xuất.
– Có thể chia cuộc đời Chí Phèo làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất: từ lúc Chí ra đời tới lúc bị đẩy vào tù. Giai đoạn hai: từ khi Chí Phèo ra tù tới khi gặp thị Nở. Giai đoạn ba: từ khi bị thị Nở khước từ tình yêu tới khi Chí đậm bá Kiến và tự sát.
+ Giai đoạn thứ nhất của cuộc đời Chí Phèo chỉ được nhà văn nói lướt qua bằng mấy câu ở đầu tác phẩm. Mãi đến cuối truyện mới có một số chi tiết như là ngẫu nhiên kể tạt ngang về đoạn đời ngày xưa của Chí. Tuy vậy, vẫn đủ giúp người đọc nắm được lai lịch của nhân vật này. Dẫu có hoàn cảnh riêng khá độc đáo, nhưng xét đến cùng, Chí là một nông dân lương thiện như nhiều nông dân khác. Ở một xã hội bình thường, những con người như thế hoàn toàn có thể sống một cách lương thiện, yên ổn.
+ Giai đoạn thứ hai của cuộc đời Chí Phèo: Chỉ vì ghen tuông vu vơ, bá Kiến đã nhẫn tâm đẩy người thanh niên này vào tù. Nhà tù thực dân đã tiếp tay cho tên cường hào, sau 7, 8 năm đã biến một nông dân khoẻ mạnh, lương thiện và tự trọng thành "con quỷ dữ của làng Vũ Đại". Từ đây, dễ nhận thấy nhất là Chí đã bị cướp mất hình hài của con người. Đi tù về, hắn trở thành một người khác hẳn trước đây, "trông gớm chết”: "Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cong cong, hai mắt gườm gườm [...]. Cái ngục phanh, đầy những nét chạm trổ". Không những thế, tính cách Chí cũng đã khác hẳn. Chí không còn là một anh canh điền ngày xưa. Bây giờ Chí là một thằng liều mạng. Hắn có thể làm tất cả mọi việc như một thằng đầu bò chính cống: kêu làng, ăn vạ, đập phá, đâm chém,... Chính vì thế, Chí thành "con quỷ dữ của làng Vũ Đại".
– Mở đầu truyện là một hình ảnh đầy ấn tượng: Chí Phèo vừa đi vừa chửi. Lạ ở chỗ Chí chửi, nhưng không có người nghe chửi. Hắn chửi đời, chửi trời, chửi cả làng Vũ Đại. Thế mà vẫn không ai lên tiếng; Chí đành "chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn". Sau khi chửi hết đối tượng này đến đối tượng khác, mà chẳng có ai phản ứng gì, hắn đành chửi chính "đứa chết mẹ nào" đẻ ra mình. Có người cho rằng hắn chửi vì say rượu. Thực ra, trong con người Chí, cái say, cái tỉnh luôn song song tồn tại. Việc chửi bới của Chí chính là phản ứng của y với toàn bộ cuộc đời. Nó bộc lộ tâm trạng bất mãn của một con người ít nhiều ý thức được mình đã bị xã hội phi nhân tính gạt ra khỏi thế giới loài người. Nhưng tiếng chửi của Chí thật thảm hại vì cũng chỉ là một trong vô vàn âm thanh trong vũ trụ. Khi mất quyền làm người thì dù Chí chửi hay khóc, cười hay nói, uống rượu hay kêu làng, phỏng có khác gì nhau? Chí Phèo thích kêu làng. Thông thường kêu làng là một hiệu lệnh cực kì khẩn cấp để có được sự chú ý và trợ giúp của mọi người. Nhưng trường hợp Chí thì khác, cho dù hắn kêu làng "như một người bị đâm" thì giỏi lắm cũng chỉ làm cho thị Nở kinh ngạc còn cả làng "cũng không ai ra điều", đáp lại lời hắn "chỉ có ba con chó dữ". Những chi tiết này thật đơn giản, nhưng Nam Cao nói với người đọc rất nhiều về kiếp sống cô độc của người nông dân bị tha hoá, không còn được làm người.
– Điều đáng nói nữa, tuy vốn là nông dân lương thiện, nhưng khi đã bị biến thành quỷ dữ thì những kẻ như Chí Phèo rất dễ bị bọn thống trị lợi dụng. Từ chỗ hung hãng xách vỏ chai đến nhà bá Kiến gọi tên tục ra mà chửi, Chí Phèo đã trở thành tay sai của bá Kiến. Đồng thời, Chí cũng nhanh chóng trở thành kẻ mù quáng gây tai hoạ cho những nông dân lương thiện khác.
è Như vậy, từ một nông dân hiền lành và tự trọng, xã hội tàn bạo mà đại diện là bá Kiến và nhà tù thực dân đã biến Chí thành "con quỷ dữ của làng Vũ Đại" cả về hình hài lẫn tâm tính. Và vì Chí đã thành quỷ dữ cho nên dân làng Vũ Đại – nơi Chí sinh ra và cưu mang Chí – không thừa nhận và khai trừ Chí ra khỏi cộng đồng. Từ đây, Chí sống tăm tối như thú vật, xa lạ với mọi người, với xã hội loài người. Do đó, nỗi đau đớn nhất ở Chí Phèo chính là nỗi đau của một con người bị tàn phá về thể xác, bị huỷ diệt về tâm hồn, bị xã hội cự tuyệt không cho làm người, chứ không chỉ là nỗi đau vì đói cơm rách áo, không nhà cửa, không nơi nương tựa,... như một số nhân vật trong các tác phẩm văn học hiện thực khác. Sức mạnh tố cáo, giá trị hiện thực mới mẻ, độc đáo của tác phẩm chính là ở chỗ đó.
– Chí Phèo là hiện tượng có tính quy luật trong xã hội đương thời, là sản phẩm của tình trạng đè nén, áp bức ở nông thôn trước Cách mạng. Vì bị đè nén, áp bức quá đáng, người lao động lương thiện không còn cách nào khác đã buộc phải chống trả bằng cách lưu manh hoá. Có thể nói, Nam Cao là nhà văn đã chăm chú theo dõi và luôn bị ám ảnh bởi hiện tượng này. Trong không ít tác phẩm, Nam Cao đã xây dựng những nhân vật vốn hiền lành trở thành ngang ngược. Đấy là Trạch Văn Đoành trong Đôi móng giò, là cu Lộ trong Tư cách mõ, là Đức trong Nửa đêm,... Và trong Chí Phèo, ngoài Chí lại còn có hai "bậc tiền bối" là Năm Thọ và binh Chức. Và Chí hoàn toàn có thể có kẻ tiếp nối. Đấy là thông điệp Nam Cao muốn gửi đến người đọc qua các nhân vật Năm Thọ, binh Chức và đặc biệt là qua chi tiết khi nghe tin Chí Phèo chết, thị Nở nhớ lại những lúc chung sống với hắn rồi nhìn nhanh xuống bụng và đột nhiên "thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua...". Như vậy, rõ ràng khi bọn địa chủ cường hào, và nói rộng ra là cái trật tự tàn bạo đương thời, còn ra sức áp bức, bóc lột thậm tệ, không cho con người được sống hiền lành tử tế, thì sẽ còn những dân lành bị đẩy vào con đường lưu manh. "Sức mạnh phê phán, ý nghĩa điển hình của hình tượng Chí Phèo trước hết là ở chỗ đã vạch ra thật hùng hồn cái quy luật tàn bạo, bi thảm đó trong xã hội đương thời”.
– Nhưng giá trị độc đáo của tác phẩm không chỉ ở đó. Viết về trường hợp nông dân bị lưu manh hoá, với tư cách là cây bút hiện thực nghiêm ngặt, Nam Cao đã thể hiện một cái nhìn nhân đạo, bằng cách đi sâu vào nội tâm nhân vật để phát hiện và khẳng định bản chất lương thiện của những con người khốn khổ, ngay khi tưởng như họ đã bị xã hội tàn ác cướp mất cả hình người và tính người.
+ Giai đoạn thứ ba của cuộc đời Chí Phèo được thể hiện tập trung qua mối tình giữa nhân vật này và thị Nở.
– Cứ tưởng Chí Phèo mãi mãi sống kiếp thú vật, rồi sẽ kết thúc bằng cách vùi xác ở một bờ bụi nào đó. Nhưng không, bằng tài năng, nhất là bằng trái tim nhân đạo của một nhà văn lớn, Nam Cao đã để cho Chí Phèo trở về sống kiếp người một cách thật
tự nhiên.
– Chí Phèo bất ngờ gặp thị Nở... Thế rồi nửa đêm, Chí đau bụng nôn mửa, thị Nở dìu hắn vào trong lều.
– Sáng hôm sau, Chí Phèo tỉnh dậy khi "trời sáng đã lâu". Và kể từ khi mãn hạn tù trở về, đây là lần đầu tiên con quỷ dữ của làng Vũ Đại hết say, hoàn toàn tỉnh táo. Chí thấy lòng "bâng khuâng", "mơ hồ buồn". Và lần đầu tiên, Chí nghe thấy những
âm thanh quen thuộc của cuộc sống xung quanh: "Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá" và Chí còn nghe rõ cuộc trò chuyện của những người đàn bà đi buôn vải ở Nam Định về. "Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy...”; vì chỉ đến hôm nay hắn mới hoàn toàn tỉnh táo, các giác quan mới hoạt động bình thường. Những âm thanh ấy chính là tiếng gọi tha thiết của cuộc sống.
– Vậy, điều gì đã làm cho con người triền miên trong con say, sáng nay lại hoàn toàn tỉnh táo? Vì cuộc gặp gỡ với thị Nở, điều ấy đã rõ nhưng chưa đủ. Nam Cao là cây bút hiện thực có chiều sâu, mỗi sự thay đổi của nhân vật đều được lí giải một cách thuyết phục. Ở đây, không thể bỏ qua vai trò của trận ốm. Trận ốm đã góp phần làm "thay đổi hắn về sinh lí cũng thay đổi cả tâm lí nữa".
– Khi tỉnh táo, Chí Phèo nhìn lại cuộc đời của mình cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Trước hết, hắn nhớ lại những ngày "rất xa xôi", "hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm". Mộng ước của Chí Phèo thật bé nhỏ, giản dị, nhưng suốt bao năm nó chưa trở thành hiện thực. Đấy là quá khứ, còn hiện tại? Hiện tại của hắn thật đáng buồn. Buồn vì Chí Phèo thấy mình đã già, "đã tới cái dốc bên kia của đời", "cơ thể đã hư hỏng nhiều", thế mà hắn vẫn đang "cô độc". Còn tương lai? Tương lai lại đáng buồn hơn, bởi hắn có quá nhiều sự bất hạnh: "đói rét và ốm đau, và cô độc". Đối với Chí Phèo, cô độc "còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau".
– Từ khi đi tù về, Chí Phèo "bao giờ cũng say", "say vô tận". Vì thế, hắn sống như vô thức. Giờ đây, lần đầu tiên hắn tỉnh táo suy nghĩ, nhận thấy tình trạng bi đát, tuyệt vọng của cuộc đời mình.
– Đúng lúc Chí Phèo đang "vẩn vơ nghĩ mãi" thì thị Nở mang "nồi cháo hành còn nóng nguyên" vào. Việc làm này của thị khiến hắn hết sức "ngạc nhiên" và xúc động đến mức trào nước mắt. Bởi vì một lẽ đơn giản, đây là lần thứ nhất trên đời "hắn được một người đàn bà cho". Hắn thấy cháo hành của thị Nở thơm ngon lạ lùng: "Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm". Thì ra, đối với Chí Phèo, bát cháo hành của thị Nở không chỉ là bát cháo hành bình thường, mà trong đó hàm chứa cả tình yêu thương chân thành thị dành cho hắn. Và như vậy, cũng có nghĩa hàm chứa cả hạnh phúc lứa đôi mà lần đầu tiên Chí có được.
– Khi ăn bát cháo hành, Chí Phèo trở lại là anh canh điền ngày xưa. Như vậy, một lần nữa chứng tỏ Chí Phèo có bản tính tốt lành, nhưng cái bản tính này trước đây bị lấp đi đến nay mới gặp cơ hội được thể hiện.
– Vậy vì đâu bản tính này được thể hiện? Là cây bút hiện thực nghiêm ngặt, Nam Cao giải thích điều ấy một cách thuyết phục:
* Chí Phèo vốn là người nông dân lương thiện, có bản tính tốt đẹp. Xã hội tàn ác (đại diện là bá Kiến và nhà tù thực dân) dẫu có ra sức huỷ diệt bản tính ấy, nhưng
nó vẫn âm thầm sống trong đáy sâu tâm hồn Chí Phèo, ngay cả khi con người này tưởng chừng đã bị biến thành quỷ dữ.
* Khi gặp thị Nở và cảm nhận được tình yêu mộc mạc, chân thành của thị (lại trong hoàn cảnh vừa qua một trận ốm), bản chất ấy có cơ hội hồi sinh và nó đã hồi sinh. Từ đây, Chí Phèo sống đúng với con người thật của mình.
– Chí Phèo mong nhờ thị Nở mà hoà nhập với mọi người, chấm dứt đoạn đời thú vật để sống đúng với kiếp người.
– Nhưng, sự mong ước được sống lương thiện của Chí Phèo một lần nữa lại không thành hiện thực. Thị Nở không thể giúp gì thêm cho hắn. Bởi lẽ bà cô thị kiên quyết ngăn cản mối tình này. Bà không thể đồng ý cho cháu bà "đâm đầu" đi lấy thằng Chí Phèo — "con quỷ dữ của làng Vũ Đại" – bấy lâu nay "chỉ có một nghề là rạch mặt ra ăn vạ". Mặc dù, nghe những lời bà cô mắng, thị Nở thấy "lộn ruột" (tức là thấy vô lí, uất ức), nhưng cũng phải nghe theo. Và thị đã giận dữ "trút vào mặt hắn tất cả lời bà cô". Điều này khiến Chí "ngẩn người" vì thất vọng, nhưng lúc này, có lẽ hắn chưa đến nỗi tuyệt vọng. "Hắn lại như hít thấy hơi cháo hành". Khi thị ra về, "hắn đuổi theo thị, nắm lấy tay". Như vậy, chứng tỏ Chí khao khát tình yêu, thiết tha đến với thị Nở – đến với cuộc đời lương thiện – biết chừng nào.
– Khi thấy không có cách gì níu giữ được thị Nở, tình yêu đã bị tan vỡ, Chí Phèo rơi vào tình thế tuyệt vọng. Với bi kịch tinh thần của con người sinh ra là người, nhưng lại không được làm người, Chí vật vã, đau đớn. Tuyệt vọng nên hắn lại uống rượu. Nhưng thật lạ, hôm nay hắn "càng uống lại càng tỉnh ra". Nói cho chính xác hơn là tuy say, nhưng trong thẳm sâu tâm hồn, nhân vật này vẫn ý thức rất rõ về nỗi đau thân phận. Vì thế, "hắn ôm mặt khóc rưng rức" và cứ "thoang thoảng thấy hơi cháo hành". Chi tiết này được nhà văn nhắc đi nhắc lại nhằm tô đậm niềm khát khao tình yêu thương và nhất là bi kịch tinh thần của Chí. Trong cơn khủng hoảng và bế tắc, Chí Phèo càng thấm thía hơn tội ác của kẻ đã cướp đi của mình cả bộ mặt và linh hồn con người. Chí đã xách dao ra đi. Đến nhà bá Kiến, Chí trợn mắt, chỉ tay vào mặt lão, đanh thép kết tội tên cáo già này và đòi "làm người lương thiện", đòi bộ mặt lành lặn. Như vậy, Chí đã hành động như một người tỉnh táo với những suy nghĩ sâu sắc. Thế rồi, Chí đâm chết kẻ thù và kết liễu cuộc đời mình. Hành động của Chí vượt khỏi suy nghĩ của tên địa chủ nổi tiếng khôn ngoan, gian hùng. Mặc dù trước đó, dường như Chí không định đến nhà bá Kiến; nhưng việc đến nhà bá Kiến rõ ràng không phải là việc làm thiếu suy nghĩ. Thực ra, Chí hiểu khá rõ về con người bá Kiến. Đâu phải vô cớ, vừa mới đi tù về Chí đã xách vỏ chai đến nhà cụ bá rạch mặt ăn vạ? Đâu phải vô cớ, thỉnh thoảng hắn lại ngật ngưỡng đến đó để "đòi nợ”? Tuy làm tay sai cho bá Kiến, nhưng ngọn lửa hờn căm vẫn âm ỉ cháy trong con người Chí Phèo. Đặc biệt nó càng bùng lên dữ dội khi anh ta đã thức tỉnh, hiểu ra nguồn gốc bi kịch của mình. Do đó, Chí Phèo đâm chết bá Kiến không hẳn vì say rượu mà chính vì mối thù đã bùng cháy.
– Cái chết của Chí Phèo cũng là tất yếu. Việc Chí Phèo tự sát cũng không phải là hành động mù quáng do hơi men mang đến. Trước hết, đấy là một bi kịch. Chí đã thức tỉnh, tức là anh ta không thể đập phá, chém giết như trước được nữa. Chí muốn lương thiện, nhưng ai cho hắn lương thiện? Kẻ thù của Chí đâu phải chỉ có một mình bá Kiến mà là cả cái xã hội thối nát và ác độc đương thời. Bởi vậy, Chí Phèo tất yếu phải tìm đến cái chết. Chỉ có cái chết mới giúp cho Chí Phèo thoát khỏi kiếp sống của con quỷ dữ. Trước đây, để tồn tại Chí Phèo phải bán bộ mặt người, linh hồn người cho quỷ dữ. Đến nay, khi linh hồn đã trở về, Chí Phèo phải đổi cả sự sống của mình. Như vậy, rõ ràng đối với Chí Phèo, niềm khao khát được sống lương thiện cao hơn cả tính mạng. Vì vậy, cái chết của Chí Phèo có ý nghĩa tố cáo mãnh liệt cái xã hội thực dân nửa phong kiến không những đẩy người nông dân lương thiện vào con đường bần cùng hoá, lưu manh hoá mà còn đẩy họ vào chỗ chết.
– Qua kết cục bi thảm của Chí Phèo, người đọc có thể nhận thấy cảm quan hiện thực sâu sắc của nhà văn Nam Cao: Tình trạng xung đột giai cấp ở nông thôn Việt Nam là hết sức gay gắt, và nó chỉ có thể được giải quyết bằng những biện pháp quyết liệt.
è Như vậy, qua đoạn văn này, Nam Cao đã thể hiện tư tưởng nhân đạo độc đáo, mới mẻ: Phát hiện, miêu tả phẩm chất tốt đẹp của người nông dân ngay cả khi tưởng như họ đã bị xã hội thực dân nửa phong kiến tàn ác biến thành thú dữ. Điều này đã tạo nên giá trị đặc sắc cho đoạn trích nói riêng và cho toàn bộ tác phẩm Chí Phèo nói chung.
Câu 2: Thử phân tích, so sánh hai truyện ngắn Chí Phèo và Lão Hạc, liên hệ với một số truyện ngắn khác viết về đời sống nông dân nghèo của Nam Cao để thấy nội dung hiện thực và nhân đạo mà ông đã thể hiện trong sáng tác của mình.
Trả lời:
Một số ý chính có thể tham khảo để thực hiện bài tập này:
- a) Điểm chung trong nội dung hiện thực và nhân đạo ở cả hai tác phẩm:
– Đều viết về đời sống nông dân nghèo trước Cách mạng với một cái nhìn hiện thực sâu sắc, có tính phát hiện và trên một tinh thần nhân đạo độc đáo đáng quý (nhất là tình cảnh bần cùng, bế tắc trong đời sống của những người dân quê như lão Hạc, Chí Phèo; qua tình cảnh ấy, Nam Cao khơi sâu hoặc bi kịch của những số phận cùng quẫn, hoặc bi kịch bị tha hoá, bị từ chối quyền làm người).
– Nội dung hiện thực và nhân đạo không tách rời nhau.
– Các nội dung hiện thực và nhân đạo ấy đều được thể hiện một cách sinh động, hiệu quả qua nghệ thuật xây dựng cốt truyện, nhân vật, nghệ thuật trần thuật,... của nhà văn.
- b) Điểm khác biệt trong nội dung hiện thực và nhân đạo giữa hai tác phẩm:
– Ở Lão Hạc, Nam Cao đặt nhân vật vào một tình huống cùng quẫn, buộc phải lựa chọn giữa sinh tồn và nhân cách. Lão Hạc, cuối cùng đã lựa chọn cái chết để giữ gìn nhân cách làm cha. Chiều sâu và ý nghĩa của cái nhìn phê phán hiện thực, nội dung nhân đạo đều toát ra từ tình huống và sự lựa chọn này của nhân vật.
– Ở Chí Phèo, nhà văn lại đặt nhân vật vào một loại tình huống cùng quẫn khác. Sự tiếp nối giữa hai trạng thái tinh thần: say và tỉnh, giữa hai chặng của bị kịch số phận: bị tha hoá và bị từ chối quyền làm người ở hình tượng Chí Phèo là một chuỗi tình huống cho thấy cái hiện thực thảm khốc của đời sống nông dân nghèo trong xã hội làng Vũ Đại ngày ấy. Nhưng cũng đồng thời cho thấy sức sống mãnh liệt của nhân tính. Càng bị đẩy vào cảnh nghèo khổ, bế tắc, cùng cực, càng trượt dài trên con dốc tha hoá, những người lao động vốn lương thiện như Chí Phèo càng khát khao trở về cuộc sống lương thiện, khao khát được sống như một con người. Ở đây, sự tha hoá hay sự trở về với bản tính lương thiện của Chí Phèo đều mang tính quy luật, đều được nhà văn miêu tả, thể hiện như những quy luật.
è Như vậy, nếu lão Hạc chấp nhận sự bần cùng, dùng cái chết để giữ lấy phần sống cho con cùng tư cách làm người của mình, thì Chí Phèo lại bằng sự thức tỉnh nhân tính, bằng cái chết của mình, đã cho thấy cái giá của nhân cách, lương thiện quý và đắt đến mức nào.
=> Giáo án Ngữ văn 11 kết nối Bài 1 Đọc 2: Chí Phèo