Câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức bài 3: Cầu hiền chiếu
Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 3: Cầu hiền chiếu . Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 11 kết nối tri thức
Xem: => Giáo án ngữ văn 11 kết nối tri thức
BÀI 3: CẤU TRÚC CỦA VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VĂN BẢN 1: CẦU HIỀN CHIẾU
(14 câu)
(14 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Hãy cho biết hoàn cảnh ra đời của bài Chiếu cầu hiền.
Trả lời:
Bài Chiếu cầu hiền ra đời trong hoàn cảnh:
– Năm 1786, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc dẹp chúa Trịnh, ổn định lại kỉ cương đổ nát ở Bắc Hà. Cũng năm đó, Lê Cảnh Hưng qua đời, cháu đích tôn của ông lên ngôi lấy niên hiệu là Chiêu Thống.
– Trước sức mạnh của phong trào Tây Sơn, Lê Chiêu Thống cầu cứu quân Thanh. Nhân cơ hội này, Tôn Sĩ Nghị đem quân vào xâm lược nước ta.
– Tháng 12 năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung đem quân ra Bắc đánh tan quân Thanh, giải phóng đất nước. Lê Chiêu Thống bỏ nước chạy theo Tôn Sĩ Nghị sang Trung Quốc.
– Nguyễn Huệ một lần nữa phải xếp đặt lại kỉ cương Bắc Hà. Để tìm được người hiền tài ra giúp triều đại mình trong buổi đầu, Nguyễn Huệ giao cho Ngô Thì Nhậm viết bài Chiếu cầu hiền.
Câu 2: Cho biết đặc điểm của thể chiếu nói chung và bài Chiếu cầu hiền nói riêng.
Trả lời:
– Chiếu là loại công văn thời xưa nhà vua dùng để ban bố mệnh lệnh cho bề tôi hoặc chỉ thị cho mọi người. Văn của thể chiếu trang trọng, lời lẽ rõ ràng, tạo nhã. Nhiều bài chiếu mang nội dung nghị luận, bàn bạc những vấn đề quan hệ đến vận mệnh quốc gia. Có khi chiếu được gọi là chiếu thư, chiếu chỉ và thường mang nội dung là những mệnh lệnh. Văn học trung đại Việt Nam có những bài chiếu nổi tiếng như Chiếu dời đô của Lí Công Uẩn, Chiếu để lại trước khi chết (Di chiếu) của Lí Nhân Tông, Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm, Chiếu Cần vương của Hàm Nghi,...
– Chiếu nói chung, Chiếu cầu hiền nói riêng thuộc loại văn nghị luận chính trị – xã hội. Mặc dù là loại công văn nhà nước, nhưng đối tượng bài Chiếu cầu hiền là bậc hiền tài – những nho sĩ mang nặng tư tưởng nho gia – nên lời lẽ mềm mỏng, nhún nhường, thành tâm và mang tính chất thuyết phục cao.
Câu 3: Hãy nêu nội dung chính của văn bản.
Trả lời:
– Bài Chiếu cầu hiền thể hiện tầm chiến lược nhìn xa trông rộng của vua Quang Trung trong việc nhận thức về vai trò của người hiền tài đối với đất nước. Cầu hiền gần như là một quy luật tất yếu đối với các triều đại tiến bộ khi mới ra đời. Ngô Thì Nhậm đã nắm vững chiến lược cầu hiền của Quang Trung và thể hiện một cách xuất sắc tư tưởng chiến lược đó trong một bài chiếu ngắn gọn với lập luận chặt chẽ và đầy sức thuyết phục.
Câu 4: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Ngô Thì Nhậm.
Trả lời:
– Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) hiệu là Hy Doãn, người làng Tả Thanh Oai (làng Tó), huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Năm 1775, ông đỗ tiến sĩ, từng được chúa Trịnh giao cho giữ chức Đốc đồng trấn Kinh Bắc. Năm 1788, khi chế độ Lê – Trịnh sụp đổ, Ngô Thì Nhậm theo phong trào Tây Sơn, được vua Quang Trung phong làm Lại bộ Tả thị lang, sau thăng chức Bình bộ Thượng thư. Ông là người có công lớn đối với triều đại Tây Sơn: thu phục nhiều cựu thần nhà Lê ra cộng tác với nhà Tây Sơn; hỗ trợ đắc lực cho cuộc tiến quân của vua Quang Trung ra Bắc đánh bại quân Thanh xâm lược; phụ trách việc bang giao với nhà Thanh; soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng cho triều đại Tây Sơn;...
Câu 5: Hãy nêu nội dung chính của mỗi phần được đánh số trong văn bản.
Trả lời:
- Phần 1: Nêu lên tư tưởng xuất phát: Người hiền như sao trên trời, không thể không ra giúp đời.
- Phần 2: Thời thế trước đây khiến người tài không thể phát huy.
- Phần 3: Thời thế nay đã thay đổi, nhà vua mong muốn có hiền tài ra giúp nước nhằm chỉnh đốn triều cương, phát triển đất nước.
- Phần 4: Chỉ dẫn cách người hiền tài ra giúp nước, chỉ dẫn quan lại tiến cử người tài giỏi. Nhấn mạnh một lần nữa hoàn cảnh hiện thời của đất nước và khuyên người hiền tài ra giúp nước.
2. THÔNG HIỂU (4 câu)
Câu 1: Bài chiếu thể hiện thái độ gì?
Trả lời:
- Vì lợi ích chung của đất nước đòi hỏi sự góp sức của nhiều hiền tài, vua Quang Trung đã tỏ rõ sự khiêm tốn, thái độ chân thành, thực sự mong muốn có sự cộng tác của bậc hiền tài. Hình tượng "trẫm" trong bài chiếu là một người lo lắng cho việc nước, thực sự cần có hiền tài hỗ trợ, giúp đỡ.
Câu 2: Đọc phần 1 và cho biết:
- a) Tác giả đặt ra vấn đề gì cho người hiền và để làm rõ vấn đề đó, người viết dùng hình ảnh nào?
- b) Việc mở đầu bài Chiếu cầu hiền bằng lời Khổng Tử có tác dụng gì đối với các nho sĩ thuở đó?
Trả lời:
– Mở đầu, tác giả chỉ ra quy luật xử thế của người hiền:
+ Phải do thiên tử sử dụng;
+ Không làm như vậy là trái đạo trời, trái quy luật cuộc sống.
– Tác giả ví người hiền như sao sáng trên trời và quy luật của tinh tú là chầu về sao Bắc Thần. Tác giả không chỉ dùng hình ảnh so sánh (Thiên tử là sao Bắc Thần; người hiền là sao sáng; quy luật vận động của tinh tú là chầu về Bắc Thần,...) mà hình ảnh đó lại được lấy từ sách Luận ngữ của Khổng Tử – một trong bốn bộ sách kinh điển của nho gia ("Vi chính dĩ đức, thí như Bắc Thần, cư kì sở, chúng tinh củng chi"). Dùng lời Khổng Tử để đặt vấn đề, để đưa ra cách ứng xử sẽ có sức thuyết phục mạnh trí thức Bắc Hà.
Câu 3: Hãy trình bày cách lập luận của tác giả thể hiện qua bài chiếu.
Trả lời:
Bài chiếu có lập luận chặt chẽ thể hiện ở kết cấu gồm ba phần:
– Thiên tính của người hiền tài là để dùng cho đời.
– Thực trạng người hiền Bắc Hà khi Quang Trung ra Bắc. Từ thực trạng đó, tác giả chỉ ra tính chất của thời đại và vai trò của người hiền tài đối với đất nước, trong buổi đầu mới đại định thiên hạ.
– Con đường để người hiền tài cống hiến cho đất nước rõ ràng, dễ làm và ai cũng làm được.
Câu 4: Hãy cho biết mối quan hệ giữa hiền tài với thiên tử và ý nghĩa của chúng trong bài chiếu.
Trả lời:
– Nội dung đoạn 1 tác giả đặt ra vấn đề mối quan hệ giữa hiền tài với thiên tử. Người hiền như sứ giả của thiên tử phải do thiên tử sử dụng. Không làm như vậy là trái với đạo trời, trái với quy luật cuộc sống. Để làm rõ vấn đề, tác giả dùng phương pháp so sánh, ví người hiền "như sao sáng trên trời", thiên tử là sao Bắc Thần. Quy luật vận động của vũ trụ là tinh tú chầu về Bắc Thần, còn quy luật của con người là "người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tử" để thiên tử sai khiến, sử dụng. Hình ảnh so sánh này được tác giả lấy từ lời Khổng Tử trong sách Luận ngữ: "Vi chính dĩ đức, thí như Bắc Thần, cư kì sở, chúng tinh củng chi" nghĩa là, dùng đức để cai trị đất nước cũng giống như sao Bắc Thần đứng đúng vị trí của mình mà các sao khác phải chầu về. Mở đầu bài chiếu bằng lời Khổng Tử có sức thuyết phục mạnh mẽ sĩ phu Bắc Hà, bởi các sĩ phu Bắc Hà vốn am hiểu kinh điển nho gia nên nghe đến là hiểu ngay. Hơn nữa, trong lòng họ, Khổng Tử là một vị thánh. Lời Khổng Tử là chân lí, ai cũng tin và tuân theo.
– Nếu mối quan hệ giữa hiền tài và thiên tử, tác giả đặt ra vấn đề vận mệnh đất nước và trách nhiệm của bậc hiền tài.
3. VẬN DỤNG (3 câu)
Câu 1: Hãy trình bày về nghệ thuật viết văn nghị luận trong văn bản.
Trả lời:
- Bài văn nghị luận này có tính mẫu mực, thể hiện ở sự chặt chẽ và tính lôgíc của các luận điểm, trong sự thuyết phục khéo léo, trong cách bày tỏ thái độ khiêm tốn của người viết (cũng là của người có tư tưởng chỉ đạo – vua Quang Trung).
- Các từ ngữ nói về không gian đáng chú ý là: trời, trời đất, sao, gió mây (diễn tả không gian vũ trụ) hàm chứa ý nghĩa trọng đại của người hiền tài theo triết lí tam tài thiên – địa – nhân.
- Một nhóm từ ngữ khác cũng cần nhắc tới là triều đường, triều chính, dải đất văn hiến, trăm họ,... hàm nghĩa không gian xã hội, nơi cần người hiền tài thi thố tài năng, phụng sự cho triều đình và đất nước, nhân dân. Nói chung, các từ ngữ diễn tả không gian nói trên tạo cảm giác trang trọng, thiêng liêng cho lời kêu gọi hiền tài của bài chiếu.
- Cách sử dụng nhiều điển cố trong bài chiếu còn cho thấy ý thức tinh tế của người viết chiếu về đối tượng cần thuyết phục là những trí thức có học vấn uyên bác. Bằng những điển cố rút từ văn học Trung Quốc, người viết tỏ ra là uyên bác, đủ khả năng thuyết phục một đối tượng như thế. Nói cách khác, điển cố tạo ấn tượng tốt về vua Quang Trung, một con người văn võ kiêm toàn. Các điển cố chuyển tải được nội dung một cách hàm súc, cô đọng, tạo ấn tượng trang trọng.
Câu 2: Trước việc Quang Trung đem quân ra Bắc diệt nhà Trịnh, nho sĩ Bắc Hà có thái độ như thế nào (phần 2)? Tại sao tác giả không kể trực tiếp những thái độ ấy mà lại dùng hình ảnh gõ mõ canh cửa, ra biển vào sông, chết đuối trên cạn...? Tìm những từ ngữ trong phần 3 để chứng minh rằng, Quang Trung thành tâm, khiêm nhường nhưng rất kiên quyết trong việc cầu hiền.
Trả lời:
– Khi Quang Trung ra Bắc diệt Trịnh, sĩ phu Bắc Hà có các cách ứng xử tuy khác nhau nhưng giống nhau ở chỗ không nhiệt tình với triều đại mới, như:
+ Bỏ đi ở ẩn, mai danh ẩn tích bỏ phí tài năng;
+ Những người ra làm quan với Tây Sơn thì, hoặc sợ hãi im lặng làm bù nhìn,
hoặc làm việc cầm chừng ("gõ mõ canh cửa");
+ Một số người đi tự tử uổng phí tài năng như người bị "chết đuối trên cạn".
– Tuy nhiên, tác giả không nói thẳng những điều đó bằng ngôn ngữ trực tiếp, mà dùng hình ảnh hoặc lấy trong kinh điển nho gia, hoặc mang ý nghĩa tượng trưng. Cách diễn đạt như vậy vừa tế nhị, vừa có tính chất phê phán nhẹ nhàng, lại tỏ ra người viết bài chiếu có kiến thức sâu rộng, có tài văn chương, khiến người nghe không những không tự ái mà còn nể trọng và tự cười về thái độ ứng xử chưa thoả đáng của mình.
– Sau khi chỉ ra thực tế về cách ứng xử của sĩ phu Bắc Hà, người viết đặt câu hỏi theo thế lưỡng đao, khiến người nghe không thể không thay đổi cách ứng xử. Bởi vì, hoặc coi Quang Trung "ít đức", không xứng để phò tá; hoặc bây giờ đang thời loạn lạc. Hai điều ấy đều không đúng với hiện thực bấy giờ. Vậy thì chỉ còn một cách là phải ra phục vụ và phục vụ hết lòng cho triều đại mới.
– Đoạn 3 lập luận chặt chẽ có lí có tình. Đầu tiên, tác giả chỉ ra tính chất của thời đại và nhu cầu của đất nước bấy giờ: trời còn tăm tối, buổi đầu của nền đại định và cũng thẳng thắn tự nhận những điều bất cập của triều đại mới do mình đứng đầu: giềng mối triều đình còn nhiều thiếu sót, việc biên ải chưa yên, dân chưa hồi sức sau chiến tranh, đức hoá chưa thấm nhuần,... Trong khi đó, công việc nhiều và nặng nề đòi hỏi phải có sự trợ giúp của nhiều bậc hiền tài. Để nói về điều đó, tác giả dùng hình ảnh "Một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn" và nêu ra một sự thực là "mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình".
– Kết thúc đoạn 3, tác giả lại dẫn lời Khổng Tử trong sách Luận ngữ để khẳng định rằng, hiện nay nhân tài không những có, mà còn có nhiều. Vậy tại sao "trên dải đất văn hiến rộng lớn như thế này, há trong đó lại không có lấy một người tài danh nào ra phò giúp cho chính quyền buổi ban đầu của trẫm hay sao?". Câu hỏi đó, buộc sĩ phu Bắc Hà phải thay đổi cách ứng xử.
– Lời lẽ đoạn 3 khiêm nhường, tha thiết, lập luận chặt chẽ khiến người hiền tài không thể không ra giúp triều đại mới.
Câu 3: Con đường cầu hiền của Quang Trung hết sức rộng mở. Hãy chứng minh điều đó qua phần 4.
Trả lời:
Đường lối cầu hiền của vua Quang Trung đúng đắn và rộng mở:
– Trước hết, tất cả mọi tầng lớp nhân dân từ quan viên lớn nhỏ đến dân chúng trăm họ đều được phép dâng sớ tỏ bày việc nước, nghĩa là toàn dân ai ai cũng có quyền tham gia đóng góp vào việc xây dựng đất nước.
– Cách tiến cử cũng rộng mở và dễ làm, gồm ba cách: tự mình dâng sớ tỏ bày việc nước, do các quan tiến cử và bản thân dâng sớ tự cử.
– Cuối cùng, tác giả kêu gọi mọi người có tài đức hãy cùng triều đình chung vai gánh vác việc nước để cùng nhau hưởng phúc lâu dài.
è Tóm lại, các biện pháp cầu hiền của vua Quang Trung cụ thể và dễ thực hiện.
4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1: Trên thực tế, có một số sĩ phu Bắc Hà đã từng không cộng tác với triều đại Tây Sơn, nhưng trong bài Chiếu cầu hiền không thấy nhắc đến sự việc này. Vì sao?
Trả lời:
- Câu hỏi này đòi hỏi liên hệ đến thực tế lịch sử, và qua việc vua Quang Trung không nói gì đến thái độ chống đối Tây Sơn của các sĩ phu Bắc Hà, chúng ta hiểu được sự khoan dung và chủ trương hoà giải mang tầm chiến lược của vua Quang Trung.
Câu 2: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) nêu suy nghĩ của bạn về luận điểm: Người có tài cần phát huy tài năng của mình để đóng góp cho cộng đồng.
Trả lời:
Hãy trình bày theo suy nghĩ của em. Chú ý tập trung vào chỉ ra tầm quan trọng của người tài đối với cộng đồng. Đoạn văn không cần thiết phải nói đến những điều cao siêu, tầm cỡ như trong bài “Chiếu cầu hiền”, em có thể chỉ cần nói về đóng góp của những cá nhân xuất sắc ở địa phương em.
Tham khảo:
Một người có thể trở thành chủ của một doanh nghiệp, trở thành người đứng đầu một địa phương hay trở thành một lãnh đạo quốc gia là bởi tài năng hơn người của họ. Công ty này hơn công ty kia, đất nước này hơn đất nước kia một phần nằm ở sự vượt trội giữa khả năng của những người đứng đầu. Những điều này cho thấy sự khác biệt to lớn mà người có tài có thể tạo ra. Xưa kia, Thân Nhân Trung có câu nói nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Câu nói đó từ một thời kì phong kiến lạc hậu cho đến nay là thời kì hiện đại, văn minh vẫn còn nguyên giá trị của nó, điều đó cho thấy tầm quan trọng của người tài đối với cộng đồng, đất nước. Hãy thử suy nghĩ nếu không có người tài hay người tài bị chèn ép thì điều gì sẽ xảy ra. Những thứ xấu sẽ gặp được thời vận để tàn phá mọi thứ và đất nước suy đồi là điều tất yếu. Chính vì thế, người có tài cần phát huy tài năng của mình để đóng góp cho cộng đồng.
=> Giáo án Ngữ văn 11 kết nối Bài 3 Đọc 1: Cầu hiền chiếu