Câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức bài 4: Dương Phụ Hành

Bộ câu hỏi tự luận  Ngữ văn 11 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 4: Dương Phụ Hành. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học  Ngữ văn 11 kết nối tri thức

Xem: => Giáo án ngữ văn 11 kết nối tri thức

BÀI 4: TỰ SỰ TRONG TRUYỆN THƠ DÂN GIAN VÀ TRONG THƠ TRỮ TÌNH

VĂN BẢN 2: DƯƠNG PHỤ HÀNH
 (12 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về bài thơ Dương phụ hành (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Cao Bá Quát

- Thể loại: Bài thơ được viết theo thể hành.

- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được ông sáng tác trong chuyến xuất dương hiệu lực năm 1844.

- Nội dung: Qua việc miêu tả tinh tế, tác giả đã tái hiện một hình ảnh người thiếu phụ Tây dương khác biệt hoàn toàn so với người thiếu phụ Việt Nam lúc bấy giờ để qua đó thể hiện sự tiếp thu tư tưởng mới, hiện đại, thoát khỏi lối tư duy Nho giáo lỗi thời của tác giả. Đồng thời, tác giả cũng bày tỏ nỗi niềm của bản thân.

Câu 2: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Cao Bá Quát.

Trả lời:

- Cao Bá Quát (1808 – 1855) quê ở huyện Gia Lâm, nay thuộc thành phố Hà Nội. Ông nổi tiếng học rộng, tài cao, đỗ cử nhân sớm (1831) nhưng lận đận trên con đường làm quan. Năm 1841, khi làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên, vì vi phạm quy định nghiêm ngặt của việc chấm bài, Cao Bá Quát bị khép tội chết, sau đó được giảm án, cho theo phục dịch phái bộ đi công cán một số nước vùng Hạ Châu (In-đô-nê-xi-a – Indonesia, Ma-lai-xi-a – Malaysia,...) để chuộc tội. Chuyến đi này đã tác động lớn đến nhận thức, tư tưởng của ông khi được tiếp xúc với nền văn minh khác, với những màu sắc mới của cuộc sống nơi xứ lạ, phương xa.

- Năm 1852, Cao Bá Quát phải rời kinh đô, nhận chức Giáo thụ phủ Quốc Oai, Sơn Tây. Năm 1854, ông tham gia lãnh đạo phong trào nông dân khởi nghĩa ở Mỹ Lương và bị tử trận. Triều đình nhà Nguyễn đã ra lệnh “tru di tam tộc” với dòng họ Cao.

- Cao Bá Quát sáng tác bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Sau bản án thảm khốc với dòng họ Cao, tác phẩm của ông bị tiêu huỷ, cấm đoán nhưng vẫn còn lại 1 327 bài thơ chữ Hán, hơn 20 tác phẩm viết bằng chữ Nôm (phú, hát nói, truyện,...). Thơ văn Cao Bá Quát rất phong phú về đề tài, thể hiện tình cảm thiết tha gắn bó với gia đình, quê hương; đồng cảm với những thân phận cùng khổ. Ông mang đến cái nhìn nhân văn, tinh thần dân chủ của một nghệ sĩ có tâm hồn rộng mở, phóng khoáng, sẵn sàng đón nhận và trân trọng những nét đẹp mới mẻ, xa lạ với truyền thống.

Câu 3: Hãy trình bày đặc điểm của yếu tố tự sự trong thơ trữ tình.

Trả lời:

- Thơ trữ tình không đặt trọng tâm vào việc kể một câu chuyện, có nhân vật, có tính cách, có bối cảnh không gian và thời gian với rất nhiều chi tiết cụ thể như truyện thơ, mà ưu tiên hàng đầu cho việc thể hiện cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, thơ trữ tình không hề chối bỏ yếu tố tự sự, thậm chí, ở sáng tác của một số nhà thơ, yếu tố này khá đậm nét. Đọc một bài thơ trữ tình có yếu tố tự sự, độc giả dễ nhận ra bóng dáng của một câu chuyện, một sự kiện với những đường nét cốt yếu của nó. Câu chuyện lúc này có tác dụng làm nền cho tiếng nói trữ tình và luôn chịu sự chi phối của mạch cảm xúc mà tác giả triển khai. Do vậy, các câu chuyện thường chỉ được “kể” ở mức độ vừa đủ để cảm xúc của nhà thơ được bộc lộ trọn vẹn.

 

Câu 4: So sánh và chỉ ra những chỗ khác biệt giữa bản dịch thơ với nguyên tác.

Trả lời:

- Một số chi tiết khác biệt: áo trắng như tuyết – áo trắng phau; trăng thanh – trăng thâu; đèn lửa sáng – đèn le lói; một cốc sữa hững hờ trên tay – hững hỡ cốc sữa biếng cầm tay (người dịch thơ đã cố gắng biến đổi trật tự để đảm bảo mặt hình thức cho khổ thơ, tạo ra cảm giác câu thơ không tự nhiên); hơi lạnh không chịu nổi – thổi lạnh thay; vươn mình – uốn éo; người Nam – nỗi khách.

- Nhìn chung, sự khác biết không thực sự đáng kể; nội dung bản dịch thơ cũng tương đối sát với nguyên tác.

Câu 5: Xác định thời gian, không gian, sự việc của câu chuyện được kể trong bài thơ.

Trả lời:

- Thời gian: đêm tối trăng thanh

- Không gian: trên thuyền, có thể là ở gần biển (vì bài thơ có câu “Gió bể, đêm sương,…”). Tác giả ngồi một thuyền, cô gái Tây và chồng ở một thuyền khác.

- Sự việc: Bài thơ là một câu chuyện khi tác giả đi nước ngoài. Tác giả nhìn thấy một thiếu phụ Tây dương mặc áo trắng, ngồi tựa vai chồng, hàn huyên tâm sự với chồng, cầm cốc sữa, vươn mình đòi chồng đỡ dậy khi gió lạnh thổi. Đây là những điều mới mẻ khác hẳn với quê nhà trong suy nghĩ lúc đó của tác giả. Nhìn thấy những cảnh đó tác giả nhìn lại mình, cảm thấy chạnh lòng, buồn tủi vì biệt ly.

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Chỉ ra những chi tiết miêu tả người thiếu phụ phương Tây, qua đó, nêu các đặc điểm nổi bật của hình tượng này.

Trả lời:

- Những chi tiết miêu tả người thiếu phụ phương Tây:

+ Áo trắng như tuyết

+ Tựa vai chồng

+ Kéo áo nói rì rầm với chồng khi nhìn thuyền người Nam có thấy đèn lửa sáng

+ Cầm cốc sữa hờ trên tay

+ Vươn mình đòi chồng nâng đỡ dậy khi gió biển thổi lạnh

è Những chi tiết miêu tả đã tái hiện một hình ảnh cô gái Tây phương xinh đẹp trong tà áo trắng với những cử chỉ, hành động dễ thương, thân mật với chồng.

Câu 2: Hình tượng người thiếu phụ phương Tây trong bài thơ được tái hiện qua cái nhìn của một nhà Nho đồng thời cũng là một nhà thơ phương Đông. Hãy phân tích những cảm xúc, thái độ được tác giả bộc lộ từ các điểm nhìn đó.

Trả lời:

- Thực sự thì tác giả trong 7 câu thơ đầu xây dựng hình tượng người thiếu phụ phương Tây, tác giả không bộc cảm xúc, thái độ trực tiếp nhưng chúng ta có thể phần nào nhận ra qua cách quan sát, nhìn nhận của tác giả. Tác giả đã quan sát một cách chăm chú, tỉ mỉ nhưng không soi mói. Tác giả đơn giản liệt kê ra những điều lạ, những điều khác biệt hoàn toàn với quê hương của ông:

+ Áo trắng. Ở Việt Nam lúc đó phụ nữ đâu có được mặc áo trắng đẹp như vậy, chỉ là những chiếc áo tối màu.

+ Những cử chỉ, hành động thân mật ở nơi công cộng. Ở Việt Nam thời đó, tư tưởng lạc hậu, bảo thủ đâu cho phép những điều đó.

+ Sự chủ động của người con gái: tựa vai chồng, kéo áo, và đặc biệt nhất là “vươn mình đòi chồng nâng đỡ dậy”. Nếu một cô gái Việt Nam nào thực hiện những cử chỉ, hành đồng đó giữa chốn đông người thì chắc chắn sẽ nhận phải một loạt những thành kiến, khiến cô phải sợ hãi.

+ Việc người thiếu phụ nhìn thuyền người Nam thấy có ánh đèn lửa mà lấy làm khác lạ và việc cầm cốc sữa hững hỡ cũng có thể tác giả muốn chỉ sự giàu sang, hiện đại của phương Tây chứ không nghèo đói, lạc hậu như thời ông đang sống – thời vua Tự Đức.

è Sự quan sát này cho thấy tác giả không kì thị, cho là sai trái, khó chấp nhận theo tư tưởng Nho giáo, tư tưởng lạc hậu của quê nhà mà trái lại tác giả cảm thấy thích thú, cảm thấy hạnh phúc thế tục cần phải được như thế. è Tác giả đã tiếp thu tư tưởng mới mẻ, hiện đại.

Câu 3: Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong câu thơ kết và những ý tứ được mở ra từ câu thơ này.

Trả lời:

- Câu cuối thật bất ngờ. Nó có sức mạnh thu hút bảy câu trước về phía mình. Bởi đó là phát ngôn chính thức của chủ thể trữ tình. Phát ngôn này mang hai ý nghĩa: một là xác định sự đồng cảm về điều được miêu tả vừa nói, và hai là bộc lộ tình cảm riêng tư. Vào một đêm trăng sáng, lẻ loi trên con thuyền nơi đất khách, trông thấy vợ chồng người ta quấn quýt bên nhau, thì ai mà chẳng chạnh niềm riêng? Hẳn lúc này nhà thơ đang nghĩ đến người vợ, đến mái ấm gia đình ở quê nhà. Dù chỉ nói về mình một câu, và nói theo cách rất chung (Há có biết rằng, có người Nam đang ở cảnh biệt li), cũng là đủ. Vì bối cảnh (trạng thái, thời gian, không gian,...) đã nói hộ rồi.

 

Câu 4: Bài thơ có đảm bảo những thi luật của thơ Đường luật không?

Trả lời:

- Bài thơ được làm theo thể hành, một thể thơ cổ phong, không hạn định về độ dài, chỉ cần có vấn điệu mà không cần đối nhau, cũng không cần tuân theo niêm luật.

- Theo luật của thơ Đường thì chữ thứ 2 ở dòng 2 phải là thanh trắc, chứ thứ 2 ở dòng 4 phải là thanh bằng,… => Luật bằng trắc không đảm bảo.

 

3. VẬN DỤNG (2 câu)

Câu 1: Đọc bài thơ, bạn cảm nhận được những gì về tư tưởng, tâm hồn tác giả?

Trả lời:

- Tác giả tiếp thu một tư tưởng rất mới, rất hiện đại. Người phụ nữ trong xã hội này cần được yêu thương, chăm sóc, có quyền nũng nịu người chồng của mình chứ không phải như người phụ nữ phương Đông vất vả, khổ cực, muốn chồng san sẻ một chút cũng khó. Qua đó, cũng thể hiện tâm hồn phóng khoáng, đầy nhân văn của tác giả, tác giả cũng mong muốn có một gia đình ấm no, hạnh phúc, tác giả cũng được khai sáng hơn sau chuyến đi này, mở ra một góc nhìn thoáng hơn, mới hơn, hiện đại hơn.

Câu 2: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày điều bạn thấy tâm đắc nhất ở bài thơ Dương phụ hành.

Trả lời:

Có nhiều thứ hay các em có thể xem xét ở bài thơ để làm bài:

- Tư tưởng, thái độ mới

- Cảm xúc trữu nặng

- Cách triển khai bài thơ: 7 – 1

- Cách quan sát tỉ mỉ

Tham khảo:

Cao Bá Quát là một trong các nhà thơ lớn của nền văn học. Mạch cảm xúc trữ tình của tác giả vẫn tuôn trào và không dừng lại ở đó. Toàn bộ bức tranh đầy gợi cảm, ngọt ngào về hình ảnh người thiếu phụ Tây dương, về hành động, cử chỉ của đôi vợ chồng người Phương Tây dù được Cao Bá Quát miêu ta rất thực, rất sinh động nhưng dường như có vẻ những chi tiết ấy đóng vai trò nhằm dồn nén cảm xúc để tới dòng thơ cuối cùng thì con người thi sĩ ôm nỗi thống khố rối bời và kín đáo ấy đã chẳng thể kìm hãm được nữa, mà đã thốt lên một lời tự than:"Biết đâu nỗi khách biệt li này!" Tưởng đâu đây là nỗi sầu xa xứ, nhưng không phải, từ cảnh tình cảm hạnh phúc, trìu mến của lứa đôi lại gợi lên trong tâm trí người thi sĩ về một nỗi buồn của sự biệt lí. Và ta có thể đoán được dòng chảy ngầm trong tâm trạng của nhà thơ: nỗi khát khao về một gia đình hạnh phúc, nỗi nhớ nhung tình vợ tình chồng. Sự giãi bày, chia sẽ này cũng là một trong những phương diện bộc lộ vẻ đẹp nhân văn sâu sắc ẩn sâu trong tâm hồn của người trí thức phóng khoáng, ngang tàng. Việt Nam những năm nửa đầu thế kỉ XIX. Ông nổi tiếng là người có nhân cách cứng rắn, ngang tàng và là ngòi bút tài hoa, các tác phẩm của ông đều rất mới mẻ, sắc sảo.

 

4. VẬN DỤNG CAO (1 câu)

Câu 1: Hãy phân tích bài thơ.

Trả lời:

- Có thể thấy được nội dung chủ đạo của bài thơ là cái nhìn mới mẻ, hiện đại của tác giả, tuy vậy, bài thơ vẫn có những hướng hiểu chi tiết có chút khác nhau. Em có thể tham khảo hai bài làm dưới đây.

- Bài phân tích 1:

Dương phụ hành được sáng tác trong dịp Cao Bá Quát đi theo một phái đoàn nước ta sang Inđônêxia. Trong chuyến đi này, ông có dịp tiếp xúc với những người châu Âu, thấy nhiều điều mới lạ. Như chiếc tàu thuỷ chạy bằng hơi nước của người Anh:

Guồng quay, sóng tung toé ầm ầm như sấm ran

Có lúc đi ngang, lúc chạy ngược, nhanh như ngựa phi

Không buồm, không chèo, cũng không người đẩy

Từ những đảo Nanh Rồng, hay Đá Đỏ xa ngoài trăm dặm

Chỉ búng ngón tay đã vượt qua những đợt sóng kinh người.

                                                       ("Bài ca về tàu thuỷ nước Anh")

Trong lúc thuyền của phái đoàn ta đi bằng buồm và chèo một cách ì ạch, vất vả. Và ông trông thấy người phụ nữ phương Tây...

(Trích dẫn bài thơ)

Đó là người thiếu phụ đang hàn huyên cùng chồng. Cái đập vào mắt trước tiên và tạo ấn tượng mạnh, là màu áo trắng như tuyết. Sắc màu này toát lên vẻ trong sáng, rực rỡ. So với người phụ nữ Việt Nam đương thời, phần đông là chít khăn mỏ quạ, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng để làm lụng; lúc nghỉ ngơi thì hết thắt, hết xắn chứ chẳng gì hơn. Và màu sắc chủ đạo là dà (đà), đen. Điều lạ thứ hai mà nhà thơ không thể không chú ý, là hành động, dáng vẻ của người thiếu phụ phương Tây. Chị ta "dựa vai chồng", "nhìn thuyền người Nam", "kéo áo rì rầm nói với chồng", "nghiêng mình đòi chồng nâng dậy",... Những hành động này cho thấy chị là vai chính, ở thế chủ động, chứ không phải người chồng. Chúng thật kì lạ. Vì với người phương Đông, người Việt xưa, người vợ ít khi ra khỏi nhà, càng hiếm khi sóng đôi với chồng ở bên ngoài. Nếu có trường hợp gần gũi nhau, mà ở chốn giàu sang, thì người vợ luôn giữ vai thụ động, dè dặt, lo "nâng khăn sửa túi" cho chồng. Chuyện nũng nịu, õng ẹo thường bị lên án. Cái lạ cuối cùng, là trên tay người thiếu phụ cầm cốc sữa một cách hờ hững, không muốn uống. Chi tiết này vẽ lên sự no đủ đến không thiết ăn uống (cho dù là thức ngon như sữa). Trong Sở kiến hành, Nguyễn Du có miêu tả một hình ảnh tương tự: "Nào là gân hươu vây cá; Đầy bàn thịt lợn thịt dê; Các quan lớn không chọc đũa". Và nhà thơ dùng hình ảnh này để phê phán sự phung phí của quan lại, trong lúc người dân không ít người đang đói khát. Còn ở đây, Cao Bá Quát chỉ miêu tả đúng với sự việc đang xảy ra. Trong lòng ông (và người đọc), tất sẽ có sự so sánh với cảnh "Cơm thì nỏ có; Rau cháo cũng không;...; Dân nghèo cùng kiệt; Kẻ lưu lạc tha phương; Người chết chợ chết đường;... (Về cái thời Tự Đức) lúc bấy giờ ở quê nhà.

Ba cái lạ ấy nhà thơ chỉ ghi nhận mà không bình luận gì. So sánh với đoạn thơ miêu tả chiếc tàu thuỷ chạy bằng hơi nước ở trước (giọng thán phục, thích thú), giọng thơ ở đây có vẻ điềm tĩnh, khách quan.  Đọc đến dòng cuối cùng, người đọc mới nhận ra: thực sự, những miêu tả vừa nói chẳng những không ẩn chút kì thị, tị hiềm (quan niệm khá phổ biến với tầng lớp quan lại buổi ấy), mà còn thể hiện sự đồng cảm sâu sắc.

Câu cuối thật bất ngờ. Nó có sức mạnh thu hút bảy câu trước về phía mình. Bởi đó là phát ngôn chính thức của chủ thể trữ tình. Phát ngôn này mang hai ý nghĩa: một là xác định sự đồng cảm về điều được miêu tả vừa nói, và hai là bộc lộ tình cảm riêng tư. Vào một đêm trăng sáng, lẻ loi trên con thuyền nơi đất khách, trông thấy vợ chồng người ta quấn quýt bên nhau, thì ai mà chẳng chạnh niềm riêng? Hẳn lúc này nhà thơ đang nghĩ đến người vợ, đến mái ấm gia đình ở quê nhà. Dù chỉ nói về mình một câu, và nói theo cách rất chung (Há có biết rằng, có người Nam đang ở cảnh biệt li), cũng là đủ. Vì bối cảnh (trạng thái, thời gian, không gian,...) đã nói hộ rồi.

Người đọc hôm nay qua bài thơ, hiểu được phần nào cái trí tuệ sáng suốt, cái tình cảm dạt dào của Cao Bá Quát. Người đọc đương thời, ngoài điều ấy ra, họ biết được người phụ nữ phương Tây như thế nào. Chắc chắn là họ cũng chăm chú và ngạc nhiên như tác giả (theo cách mà chúng ta vừa phân tích). Có lẽ đó là lí do vì sao nhà thơ dùng "hành" để đặt tên bài thơ, và định hướng chủ đề ở sự miêu tả kia (ở đây, có thể hiểu, câu thơ cuối có tác dụng để bài viết thành thơ, chứ không nhằm hướng người đọc vào nó, như cái nhìn của người đọc hôm nay mà chúng ta vừa ghi lại).

- Bài phân tích 2:

Trong cuộc đời chìm nổi của mình, Cao Bá Quát có dịp đi lại nhiều nơi. Nhà thơ ở vào số ít các quan lại triều Nguyễn được ra nước ngoài. Đó là khoảng cuối năm 1841, hoặc đầu năm 1842, sau khi ông bị triều đình bắt giam vì tội sửa hộ bài thi của thí sinh. Chuyến đi ấy thật ra cũng chẳng có gì là vẻ vang, bởi phái đoàn của ông sang Indonesia và Campuchia nhằm mục đích đem đường đi bán để đổi lấy những thứ hàng xa xỉ về cho triều đình. Với Cao Bá Quát, có thể đây lại là dịp may, vì nhà thơ được có dịp ra khỏi một đất nước đang bế quan toả cảng, nhìn ngắm thiên hạ.

Trong chuyến đi ấy, Cao Bá Quát đã sáng tác khá nhiều thơ. Bài Dương phụ hành là một trong những bài được viết trong cuộc hành trình vất vả đó. Bài thơ thế hiện cái nhìn tinh tế, phóng khoáng của một vị quan phương Đông, vốn là nơi rất cổ hủ, khe khắt, đối với cảnh tình tự, âu yếm của một đôi vợ chồng trẻ Tây dương. Chính vì lẽ đó, có người đã xem đây như một “bài kí”.

(Trích dẫn bài thơ)

Đúng! Dương phụ hành là một bài kí bằng thơ kể chuyện vào một đêm thanh vắng, giữa biển cả, có một người phụ nữ (Tây dương) đang nũng nịu với chồng. Nàng có thấy ánh đèn sáng ở một chiếc thuyền gần đó (Nam thuyền). Song, mặc, bây giờ nàng chỉ biết có chồng. Gió bể thổi lạnh đến không chịu nổi (Dạ hàn vô ná hải phong xuy), nàng cùng mặc. Tình yêu khiến người ta có thể quên đi tất cả!

Câu chuyện kể ra cũng là thường tình. Cặp vợ chồng ấm êm nào, nhất là trong hoàn cảnh đang đi xa, lại không có được? Nhưng ở vào thời Cao Bá Quát và mãi về sau, cảnh ấy với người phương Đông lạ lắm. Ngay cả khi là vợ chồng, trước mặt người khác, mà tỏ ra ân cần, gần gũi đã khó chấp nhận, huống chi là âu yếm với nhau. Những kẻ có quyền cao, chức trọng là đấng “quân tử”, càng không thể, cho dù trong lòng anh ta có muốn đi chăng nữa. Vì thế, trong ca dao đã có lời giễu cợt: Ban ngày quan lớn như thần / Ban đêm quan lớn tần mần như ma, Hay như ông Tổng đốc Hồ Tôn Hiến trong Truyện Kiều đã như ngây dại trước vẻ đẹp và tiếng đàn rỉ máu của Thuý Kiều, nhưng cảnh ấy cũng diễn ra kín đáo, trong phút chốc nên Nguyễn Du mới lấy làm lạ: Còn bình thường, quan Tổng đốc là “mặt sắt đen sì”, nghiêm trang, oai nghi lắm!

Vậy thì, có gì đáng nói ở cảnh trên Tây thuyền đêm ấy? Cái lạ là con người đang lặng lẽ ngắm nhìn, thậm chí tỉ mỉ nữa. Người ấy nhìn thấy tất cả mọi chi tiết của cảnh tượng kia: thiếu phụ là người Tây dương; nàng mặc chiếc áo trắng như tuyết; nàng tựa vai chồng dưới bóng trăng thanh; nàng nhìn sang Nam thuyền thấy đèn sáng trưng rồi kéo áo chồng ríu rít chuyện trò… Đến chi tiết nhỏ: người thiếu phụ cầm cốc sữa trên tay với dáng vẻ hờ hững, uể oải (sữa đối với nàng có quan trọng gì đâu!). Đã thế, nàng còn nũng nịu đòi chồng nâng mình dậy. Bài thơ như một cuốn phim quay chậm, từng chi tiết một hiện ra, không sót bất kì hình ảnh nào. Dù hai thuyền khác nhau, nhưng qua cách miêu tả, ta thấy gần lắm. Cặp uyên ương kia dường như chẳng để ý tới ai. Và, cái người đang lặng lẽ nhìn ngắm kia mới lặng lẽ, kín đáo làm sao! Người ấy quan sát tỉ mỉ chứ không phải tò mò. Đôi mắt ông không hề xoi mói. Trái lại, cảnh ấy như là chuyện đương nhiên, bình thường ở trên đời. Đây mới chính là cái lạ của bài thơ. Cao Bá Quát là nhà nho lẽ ra phải “khó chịu” với cảnh đó, nhưng nhà thơ lại nhìn chúng bình thường chẳng phải là điều rất lạ sao?

Song, vấn đề đâu chi là nhìn ngắm một cặp uyên ương đang tình tự. Đấy còn là một quan niệm sống, một cách nhìn đời. Cách nhìn đời đó hoàn toàn trái ngược với “chính thống”. Cho rằng Dương phụ hành thể hiện cái nhìn phóng khoáng, bao dung của Cao Bá Quát thì chưa đủ. Ánh mắt ấy thể hiện một tư tưởng, tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa, đề cao hạnh phúc trần thế của con người, đối lập quyết liệt với tư tưởng, đạo đức phong kiến mà đến thời Cao Bá Quát đã trở thành gông xiềng ghì siết lấy con người. Nói vui, triều đình Huế gồm rất nhiều ông quan hay chữ, kể cả Tự Đức cũng là một ông vua khá hay chữ. Lẽ ra, sau chuyến Cao Bá Quát xuất dương hiệu lực, họ nên đọc thơ ông thì hẳn sẽ không có một Quốc sư của Lê Duy Cự trong cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Lương (1853)! Mà chẳng phải đến bài thơ Dương phụ hành tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa mới bộc lộ mạnh mẽ ở Cao Bá Quát.

Bài thơ có 8 câu thì 7 câu đầu là miêu tả cảnh trên tàu Tây dương, thể hiện khách thể. Qua sự miêu tả ấy, ta hiểu tư tưởng của Cao Bá Quát. Nhà thơ chỉ dành có một câu để nói về mình:

Khởi thức Nam nhân hữu biệt li.

(Biết đâu nỗi khách đang sầu biệt li)

Chỉ có một câu thơ thôi nhưng người đọc giật mình, thảng thốt. Hoá ra, con người suốt từ đầu đến giờ cứ lặng lẽ ngắm nhìn đôi uyên ương kia đang đau đớn nhường nào! Câu thơ ấy cung xoá đi ý nghĩ cho rằng con người đó nhìn đôi uyên ương khá tò mò. Không! Mắt ông đang nhìn chăm chú, không bỏ sót chi tiết nào nhưng lòng lại nghĩ về hướng khác, hướng của quê nhà, nơi mịt mù xa cách. Như đã nói, cả bảy câu thơ trên bộc lộ một tư tưởng, còn chỉ một câu thơ cuối lại bày ra cả một nỗi lòng. Thế là, tất cả trên kia đều đối lập với nó. Nào là bầu trời cùng ánh trăng thanh, nào là cảnh thiết tha thân mật, nào là những cơn gió bể buốt lạnh… Khi nào cũng vậy Cao Chu Thần luồn đối lập, luôn một mình trơ trọi trên thế gian. Không một ai có thể chia sẻ cùng ông!

Câu thơ cuối trở thành câu thơ hay nhất của bài Dương phụ hành. Chúng ta khâm phục, chia sẻ với những khát vọng nhân đạo chủ nghĩa ở nhà thơ. Chúng ta càng đau đớn với tấm lòng giàu tình yêu thương của ông. Cao Bá Quát sừng sững một khí phách và cũng biết bao ân tình của một trái tim dào dạt, mềm yếu!

 

=> Giáo án Ngữ văn 11 kết nối Bài 4 Đọc 2: Dương phụ hành

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay