Câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức bài 3: Một thời đại trong thơ ca
Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 3: Một thời đại trong thơ ca. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 11 kết nối tri thức
Xem: => Giáo án ngữ văn 11 kết nối tri thức
BÀI 3: CẤU TRÚC CỦA VĂN BẢN NGHỊ LUẬNVĂN BẢN 3: MỘT THỜI ĐẠI TRONG THI CA
(15 câu)
(15 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Hoài Thanh.
Trả lời:
– Hoài Thanh (1909 – 1982) tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Trước Cách mạng, thời còn đi học, ông từng tham gia phong trào yêu nước và bị thực dân Pháp bắt giam. Ông viết văn từ những năm 30 của thế kỉ XX. Tháng 8 năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa và làm Chủ tịch Hội Văn hoá cứu quốc ở Huế. Sau Cách mạng tháng Tám, ông hoạt động chủ yếu trong ngành Văn hoá – Nghệ thuật và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Tổng thư kí Hội Văn hoá cứu quốc Việt Nam, Hội Văn nghệ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật, Tổng thư kí Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ nhiệm tuần báo Văn nghệ,...
– Hoài Thanh là nhà phê bình văn học xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là tác giả của nhiều công trình có giá trị: Văn chương và hành động (1936), Thi nhân Việt Nam (1942), Có một nền văn hoá Việt Nam (1946), Quyền sống của con người trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (1949), Nói chuyện thơ kháng chiến (1950), Phê bình và tiểu luận (3 tập – 1960, 1965, 1971). Trong đó Thi nhân Việt Nam là công trình được đánh giá xuất sắc nhất. Năm 2000, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Câu 2: Đọc kĩ và nêu dàn ý của đoạn trích.
Trả lời:
Dàn ý của đoạn trích: luận điểm bao trùm cả đoạn trích này là vấn đề "tinh thần thơ mới". Nó được triển khai thành ba nội dung chính sau đây:
- a) Giới thuyết nguyên tắc để xác định tinh thần của hai thời đại thơ:
– Không căn cứ vào cục bộ và cái dở của thơ mỗi thời.
– Phải căn cứ vào đại thể và cái hay của thơ mỗi thời.
- b) Xác định tinh thần thơ mới là chữ tôi, tinh thần thơ xưa là chữ ta:
– Giới thuyết chung về điểm giống và khác của chữ ta và chữ tôi.
– Xác định bản chất: ta là ý thức đoàn thể, tôi là ý thức cá nhân.
– Điểm qua về sự xuất hiện của chữ tôi và phản ứng của xã hội trong quá trình tiếp nhận nó.
- c) Nhìn nhận sự vận động của thơ mới xung quanh cái tôi và bi kịch của nó:
– Chỉ ra tính chất tội nghiệp của cái tôi trong thời đại mình.
– Các hướng lớn của thơ mới đào sâu vào cái tôi.
– Điểm thiếu hụt trong ý thức của cái tôi.
– Bi kịch thời đại cái tôi và giải pháp cho bi kịch bằng lòng yêu tiếng Việt.
Câu 3: Tìm hiểu cách lập luận chặt chẽ của tác giả khi định nghĩa về thơ mới.
Trả lời:
– Để định nghĩa về thơ mới trong đoạn trích này, Hoài Thanh đã có những bước lập luận chặt chẽ như sau:
Bước 1. Nêu nguyên tắc chung của việc định nghĩa là:
- a) Chỉ căn cứ vào cái hay, không căn cứ vào cái dở.
- b) Chỉ căn cứ vào đại thể, không căn cứ vào tiểu tiết.
(Cái dở và tiểu tiết không đủ tư cách để đại diện cho nghệ thuật và cho những thời đại lớn của nghệ thuật).
Bước 2. Nêu ra định nghĩa về tinh thần thơ mới bằng cách đối sánh:
- a) Tinh thần thơ cũ gồm trong chữ ta.
- b) Tinh thần thơ mới gồm trong chữ tôi.
(Có nói chỗ giống nhau, nhưng hướng trọng tâm vào chỗ khác nhau của hai chữ này).
Bước 3. Luận giải về nội dung và biểu hiện của hai chữ ta và tôi.
- a) Chữ ta với biểu hiện và số phận của nó trong thời đại thơ cũ trước kia.
- b) Chữ tôi với biểu hiện chữ tôi và số phận đầy bi kịch của nó trong thời đại thơ mới này.
– Như vậy qua ba bước trên, người ta thấy Hoài Thanh đã tuân theo trật tự: từ xa đến gần, từ ngoài vào trong, từ khái quát đến cụ thể, từ diện mạo (trong không gian) đến diễn biến lịch sử (trong thời gian). Các bước, với trật tự ấy, rất đảm bảo tính lô gích của tư duy. Vì vậy mà khả năng thuyết phục rất cao. Đây là một ưu thế của văn nghị luận.
Câu 4: Hoài Thanh hiểu như thế nào về nội dung của chữ tôi và chữ ta?
Trả lời:
– Nội dung của chữ tôi là ý thức cá nhân trong đời sống tinh thần con người.
– Nội dung của chữ ta là phần ý thức cộng đồng (chữ dùng của Hoài Thanh là "đoàn thể") trong đời sống tinh thần của con người.
– Hai ý thức này là hai tiếng nói tồn tại trong đời sống tinh thần của mỗi người. Ở thời trước, cái ta lấn át hoàn toàn, cái tôi không có cơ để nảy nở. Còn thời đại này, cái tôi trỗi dậy giành quyền sống. Phong trào Thơ mới nảy sinh từ sự trỗi dậy của cái tôi đó.
Câu 5: Hãy trình bày những hiểu biết của em về phê bình văn học.
Trả lời:
Tham khảo:
– Phê bình văn học là một bộ phận của văn học, có chức năng phẩm bình, đánh giá và lí giải các hiện tượng văn học như tác phẩm, tác giả, khuynh hướng, trào lưu văn học. Do đó, phê bình văn học là sự tự nhận thức của văn học, thể hiện trình độ ý thức của một nền văn học. Phê bình văn học phải dựa trên cơ sở những cảm thụ tinh tế, phong phú trước những giá trị văn chương; nhưng cải đích của phê bình văn học là phải đưa ra được những nhận định đúng đắn về các hiện tượng văn học. Vì đối tượng của phê bình văn học là sản phẩm nghệ thuật, nên phải có sự rung cảm với nghệ thuật thì mới đánh giá đúng được. Vì thế, mỗi bài phê bình văn học đích thực bao giờ cũng vừa là công trình khoa học, vừa có tính nghệ thuật nhất định. Trong diễn đạt, văn phê bình cũng thường kết hợp được cả hai yêu cầu: vừa chính xác, chặt chẽ, vừa giàu cảm xúc, hình ảnh.
– Trong thực tế, có những bài phê bình văn học nghiêng về trình bày những cảm xúc, ấn tượng cả nhân đậm chất chủ quan của người viết, gần gũi với văn sáng tác (chẳng hạn, các bài tựa cho các tập thơ văn, bài bình văn, bình thơ hay chân dung văn học,...). Lại có bài nghiêng về luận giải, cắt nghĩa một cách khách quan các hiện tượng văn học, gần gũi với văn lí luận nghiên cứu (chẳng hạn, những bài phân tích toàn bộ sự nghiệp của một tác giả, phản tích các khuynh hướng, các trào lưu văn học....). Lịch sử phê bình từ xưa đến nay đã xuất hiện nhiều khuynh hướng phê bình. Có lối phẩm bình tuỳ hứng, dựa hoàn toàn vào ấn tượng chủ quan, có lối phê bình tuân theo những phương pháp khoa học: phê bình theo lổi triết học, xã hội học, ngôn ngữ học, kí hiệu học, văn hoá học,.... Những khuynh hướng và phương pháp ấy đã làm cho đời sống phê bình thật phong phú, đa dạng.
– Phê bình văn học có vai trò tích cực đối với đời sống văn học. Trên cơ sở khám phá và khẳng định những giá trị chân chính, phê phán những mặt yếu kém trong văn học, phê bình bao giờ cũng góp phần bồi dưỡng và nâng cao trình độ thẩm mĩ cho người đọc, góp phần tác động tích cực đến hoạt động của người sáng tác. Không phải vô cớ mà người ta đã coi phê bình là bạn đồng hành của sáng tác. Có thể kể đến nhiều nhà phê bình văn học tên tuổi như Xanh-tơ Bơ-vơ (Pháp), Bi-ê-lin-xki (Nga), Kim Thánh Thần, Viên Mai (Trung Quốc), Hoài Thanh (Việt Nam)....
2. THÔNG HIỂU (5 câu)
Câu 1: Lòng yêu nước của các nhà thơ mới và của tác giả Thi nhân Việt Nam thể hiện tập trung nhất ở điểm nào?
Trả lời:
– Lòng yêu Tổ quốc của con người có những biểu hiện vô cùng phong phú. Có lòng yêu nước gắn liền với đấu tranh. Có lòng yêu nước gắn liền với lao động sản xuất. Lại có lòng yêu nước biểu hiện ở sự thiết tha với những giá trị văn hoá, ở nỗ lực sáng tạo ra những giá trị văn hoá.
– Lòng yêu nước của các nhà thơ mới nghiêng về dạng thứ ba. Tình yêu của họ thể hiện tập trung nhất ở lòng yêu tiếng Việt và nền thơ ca dân tộc, ở niềm say mê sáng tạo ra những giá trị văn hoá, trước hết là thơ ca. Họ muốn làm cho tiếng nói của nòi giống đẹp hơn, giàu hơn, ngày càng trường tồn, bất diệt. Đó cũng là một lòng yêu nước rất đáng ghi nhận và trân trọng.
Câu 2: Tìm hiểu, nhận xét về cách lập luận của Hoài Thanh khi phân biệt thơ mới và thơ cũ. Tác giả hiểu như thế nào về nội dung của chữ tôi và chữ ta?
Trả lời:
– Cần làm rõ: Cách phân biệt thơ cũ, thơ mới của Hoài Thanh, như ông đã nói, không căn cứ vào hình xác thơ mà vào tinh thần thơ. Theo đó, ông đưa ra được một tiêu chí quan trọng để phân biệt: thơ cũ là thơ của cái ta, thơ mới là thơ của cái tôi. Cơ sở phân biệt này càng chắc chắn, thuyết phục khi nó dựa trên nền tảng triết học, mĩ học và tâm lí riêng của thời đại.
– Sau đó em hãy giải thích nội dung chữ tôi và chữ ta theo cách hiểu của Hoài Thanh.
Câu 3: Lòng yêu thơ và tình yêu nước của các nhà thơ mới (cũng chính là của tác giả Thi nhân Việt Nam) thể hiện tập trung nhất ở điểm nào? Hãy phân tích đặc sắc của lời văn diễn tả tình cảm này của Hoài Thanh.
Trả lời:
– Lòng yêu nước của các nhà thơ mới (cũng chính là của tác giả Thi nhân Việt Nam) thể hiện tập trung nhất ở tình yêu tiếng Việt. Lời văn trong đoạn này bộc lộ cảm xúc nồng nhiệt, thiết tha qua hình thức điệp ngữ, điệp cấu trúc câu.
Câu 4: Phân tích vì sao tác giả nói “chữ tôi, với cái nghĩa tuyệt đối của nó” lại “đáng thương” và … “tội nghiệp”.
Trả lời:
– Bản thân tâm trạng đau buồn của các nhà thơ mới, của lớp thanh niên bấy giờ cũng chứng tỏ họ bất mãn với thời cuộc, với thực trạng dân tộc đang bị nô lệ. “Xuân Diệu, nhà thơ đại biểu đầy đủ nhất cho thời đại, chỉ nói cái khổ sở, cái thảm hại của hết thảy chúng ta”. Họ đều có cái “buồn”, “xôn xao” của thời đại trong lòng.
– Bi kịch ở các nhà thơ mới ít nhiều cũng bộc lộ lòng yêu nước của họ. Họ đi tìm một con đường tự giải thoát như lên tiên, trốn vào ái tình, vào điên loạn mê say,... nhưng đều tuyệt vọng.
– Đến với tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ là một cách để họ tỏ bày lòng yêu nước của mình. Họ tìm thấy trong tuyệt vọng chút niềm hi vọng. Họ tự an ủi tiếng Việt còn thì dân tộc còn; các thể thơ dù có biến thiên vẫn bất diệt thì dân tộc mãi mãi vẫn còn. “Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt”, họ “tìm về dĩ vãng để vin vào những gì bất diệt đủ bảo đảm cho ngày mai”...
Câu 5: Em hiểu như thế nào ý của Hoài Thanh khi nhận định về thơ mới là “nó đáng thương... nó tội nghiệp quá...”?
Trả lời:
Lí do theo Hoài Thanh là:
– Thơ mới không còn được cái cốt cách hiên ngang ngày trước: không còn cái khí phách ngang tàng của Lí Bạch, lòng tự trọng để khinh cảnh cơ hàn như Nguyễn Công Trứ. Thơ chất chứa nỗi “buồn”, “xôn xao”, “cùng lòng tự tôn, ta mất luôn cả cái bình yên thời trước”, thiếu “một lòng tin đầy đủ”. m điệu thơ có
khi “rên rỉ”, “thảm hại”...
– Thơ mới nói lên cái bi kịch của lớp thanh niên không có lối thoát (Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh... Trốn lên tiên thì động tiên đã khép, hay phiêu lưu trong trường tình thì tình yêu không bền, điên cuồng rồi lại tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ,...). Đó là cái bi kịch của lớp người ít nhiều có tâm huyết với dân tộc nhưng không đủ khí phách vùng dậy giành độc lập tự do, đành phải nấp mình “dưới những lớp phù hiệu dễ dãi”.
3. VẬN DỤNG (3 câu)
Câu 1: Em có nhận xét gì về cách dẫn dắt và cách diễn đạt của tác giả?
Trả lời:
– Cách dẫn dắt mạch văn rất tự nhiên, linh hoạt và độc đáo. Tác giả không dùng lí để dẫn dắt ý, mà dùng tình để dẫn dắt ý. Mạch văn được dẫn dắt không phải bằng ngôn ngữ khái niệm với những phương tiện liên kết của lô gích hình thức, nặng tính tư biện ta vẫn quen gặp trong các bài phê bình văn học nghiêng về khoa học thuần tuý. Trái lại, ông dẫn dắt ý chủ yếu bằng ngôn ngữ đời sống, nương theo mạch liên kết của cảm xúc thẩm mĩ.
– Diễn đạt bằng hình ảnh, bằng thứ ngôn ngữ ít mang tính khái niệm, bằng ấn tượng với cảm giác, cảm xúc rất tinh tế, uyển chuyển.
Câu 2: Đoạn văn "Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. [...] Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận" có gì đặc sắc về nội dung và nghệ thuật? Hãy phân tích để làm nổi bật những nét đặc sắc ấy.
Trả lời:
– Đặc sắc của đoạn này là những khái quát rất chính xác, súc tích, lại được viết bằng một lối văn giàu hình ảnh và nhịp điệu. Điều đó khiến cho văn phê bình mà chẳng khác gì thơ.
+ Về ý tứ: Chủ đề bao trùm là luận giải về nỗ lực đào sâu mà cũng là trốn chạy vào ý thức cá nhân của thơ mới. Chủ đề được triển khai thành hai phần chính: một là, khái quát về hướng tìm tòi và hệ quả chung; hai là, điểm qua những gương mặt điển hình cùng những lãnh địa riêng tiêu biểu của thơ mới qua một số nhà thơ, để thấy được sự phân hoá đa dạng cùng sự quẩn quanh bế tắc của ý thức cá nhân.
+ Về văn phong: Chú ý đến dạng ngôn từ phi khái niệm (không phải là những khái niệm trừu tượng) dung dị, dễ hiểu mà vẫn súc tích, diễn đạt được bản chất của đối tượng. Chú ý đến cách cấu tứ: tạo ra hình ảnh một độc giả cứ theo chân của những nhà thơ tiêu biểu bước vào cõi thơ riêng của mỗi vị. Đặc biệt chú ý đến nhịp điệu hết sức phong phú linh hoạt của đoạn thơ này.
Câu 3: Hãy phân tích những nét đặc sắc trong lời văn phê bình của Hoài Thanh ở đoạn trích này.
Trả lời:
Một nét đặc sắc trong phong cách phê bình của Hoài Thanh là lời văn đầy chất thơ. Nhờ có chất thơ này mà công trình phê bình của ông không khô khan, cứng nhắc mà nhẹ nhàng, tươi mát và uyển chuyển. Chất thơ trong lời văn phê bình Hoài Thanh thể hiện trên nhiều khía cạnh. Trong đoạn trích này, nổi lên một số khía cạnh cơ bản sau:
– Lời văn đầy hình ảnh. Tuy phê bình là một hoạt động khoa học, nhưng Hoài Thanh ít dùng các khái niệm, các thuật ngữ khoa học. Trái lại, ông thường chuyển những khái niệm thành các hình ảnh tương đương. Nhờ đó, lời văn ít trừu tượng, mà giàu tính gợi hình, sống động (ví dụ: đoạn nhận diện về cái tôi và cái ta, đoạn luận về "đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi",...).
– Lời văn giàu nhịp điệu. Hoài Thanh rất chú ý đến việc ngắt nhịp cho câu văn, đoạn văn. Nhịp văn xuôi được ngừng, ngắt thành các tiết tấu rất nhịp nhàng, các vế câu có sự cân xứng, các thủ pháp tạo nhịp điệu như đăng đối, trùng điệp được sử dụng rộng rãi nhuần nhuyễn (Ví dụ: đoạn "đời chúng ta [...] cùng Huy Cận", hay đoạn "chưa bao giờ như bây giờ [...] cho ngày mai").
– Lời văn chú trọng sự đắp đổi về âm thanh. Hoài Thanh am hiểu âm thanh của tiếng Việt sâu sắc. Vì thế lời văn phê bình của ông thường có sự đắp đổi về âm thanh, sự hài thanh tựa như lời thơ. Thanh bằng thanh trắc, các tiết tấu bằng, tiết tấu trắc được sử dụng trong các vế, các câu, các đoạn một cách phong phú và hài hoà. Tất cả khiến cho câu văn, đoạn văn vang lên như một chuỗi âm thanh trầm bổng hoà hợp, không những không trúc trắc, gập ghềnh, mà trái lại, bao giờ cũng thuận, cũng êm và rất gợi cảm (ví dụ: đoạn "đời chúng ta [...] cùng Huy Cận", đoạn "thực chưa bao giờ [...] trong hồn người thanh niên,...").
4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1: a) Anh (chị) có nhận xét gì về cách dẫn dắt và cách diễn đạt của tác giả.
- b) Phân tích một đoạn trong Một thời đại trong thi ca của Hoài Thanh:
"Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận.
Cả trời thực, trời mộng vẫn nao nao theo hồn ta.
Thực chưa bao giờ thơ Việt Nam buồn và nhất là xôn xao như thế. Cùng lòng tự tôn, ta mất luôn cả cái bình yên thời trước.
Thời trước, dầu bị oan khuất như Cao Bá Nhạ, dầu bị khinh bỏ như cô phụ trên bến Tầm Dương, vẫn còn có thể nương tựa vào một cái gì không di dịch. Ngày nay lớp thành kiến phủ trên linh hồn đã tiêu tan cùng lớp hoa hoè phủ trên thi tử. Phương Tây đã giao trả hồn ta lại cho ta. Nhưng ta bàng hoàng vì nhìn vào đó ta thấy thiếu một điều, một điều cần hơn trăm nghìn điều khác: một lòng tin đầy đủ.
Đó, tất cả cái bi kịch đương diễn ngấm ngầm, dưới những phù hiệu dễ dãi, trong hồn người thanh niên".
- c) Đoạn văn "Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi [...] Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận" có gì đặc sắc? Hãy phân tích làm nổi bật nét đặc sắc ấy.
- d) So sánh với một vài đoạn văn khác để thấy được lối phê bình biến hoá, uyển chuyển của Hoài Thanh (chẳng hạn đoạn: "Ngày thứ nhất – ai biết đích ngày nào – chữ tôi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, nó thực bỡ ngỡ [...] ở phương Tây, nhất là từ khi có đạo Thiên Chúa, không bao giờ cá nhân lại bị rẻ rúng đến thế").
Trả lời:
Bài tập này có nhiều yêu cầu. Xin lưu ý một số yêu cầu chính:
- a) Cách diễn đạt của Hoài Thanh thường rất giàu hình ảnh, nhạc điệu, rất truyền cảm (em hãy tự tìm dẫn chứng và phân tích).
- b) Gợi ý:
– Xác định vị trí nội dung của đoạn trích này: Đây là đoạn đưa ra những căn cứ để triển khai luận điểm "tất cả tinh thần thời xưa – hay thơ cũ – và thời nay – hay thơ mới – có thể gồm lại trong hai chữ tôi và ta".
– Đoạn văn thể hiện đặc điểm văn nghị luận Hoài Thanh: lập luận chặt chẽ, thuyết phục, luận điểm sâu sắc, luận cứ xác đáng.
– Ngôn ngữ nghị luận của Hoài Thanh kết hợp hài hoà giữa lí trí và cảm xúc, tính khoa học và sự bay bổng, mượt mà.
- c) "Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi [...]. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận".
Đoạn văn trên đặc sắc ở mấy điểm chủ yếu sau:
– Khái quát rất đúng, bao quát rất cao về những hướng thoát li giải toả nỗi buồn của các hồn thơ mới tiêu biểu. Với mỗi nhà thơ, tác giả chỉ dùng một cụm từ, một cụm từ rất chuẩn (thoát lên tiên, phiêu du trong trường tình, điên cuồng, đắm say,...) đã có thể gợi lên cái phong vị, phong cách riêng của thơ họ.
– Cách diễn đạt hàm súc, giàu chất thơ. Cấu trúc câu được láy lại, ứng chiếu vào nhau một cách nghệ thuật, âm điệu mượt mà, uyển chuyển, hài hoà, đã tạo cảm xúc và rung động thẩm mĩ cho người đọc.
- d) Hai đoạn mỗi đoạn mang vẻ đẹp riêng: một đoạn mang chiều sâu tâm lí xã hội, triết học và mĩ học, một đoạn mang chiều sâu và sự tinh tế của tiếp nhận văn học, của khả năng thẩm định các hồn thơ.
Câu 2: Có ý kiến cho rằng “với thơ mới, thi ca Việt Nam bước vào một thời đại mới”. Em hiểu ý kiến trên như thế nào?
Trả lời:
– Đây là một nhận định về vai trò, vị trí quan trọng của thơ mới trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam.
– Khẳng định “với thơ mới, thi ca Việt Nam bước vào một thời đại mới”, chúng ta không quên rằng trước đó đã có những tín hiệu, những thành tựu mở đầu với thơ của Tản Đà (Tản Đà được coi là gạch nối hai thời đại) hay Tình già của Phan Khôi...
– Về nhận định cho rằng “với thơ mới, thi ca Việt Nam bước vào một thời đại mới”, nên chú ý mấy ý chính sau đây:
+ Xét về tiến trình lịch sử văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, thơ mới đi vào quỹ đạo mới, từ văn học trung đại sang văn học hiện đại.
+ Về nội dung, cảm hứng thơ mới có những đổi mới quan trọng như Hoài Thanh nói “ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi [...] nó mang theo một quan niệm chưa từng thấy ở xứ này: quan niệm cá nhân”, “Ta không còn có thể vui cái vui ngày trước, buồn cái buồn ngày trước, yêu, ghét, giận hờn nhất nhất như ngày trước. Đã đành ta chỉ có chừng ấy mối tình như con người muôn nơi và muốn thuở. Nhưng sống trên đất Việt Nam ở đầu thế kỉ hai mươi, những mối tình của ta không khỏi có cái màu sắc riêng, cái dáng dấp riêng của thời đại”, “Tình chúng ta đã đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đổi mới vậy. Cái khát vọng cởi trói cho thi ca chỉ là cái khát vọng nói rõ những điều kín nhiệm u uất, cái khát vọng được thành thực. Một nỗi khát vọng khẩn thiết đến đau đớn”... (Thi nhân Việt Nam, Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Hà Nội, 1943).
+ Về phương thức biểu hiện, đã có nhiều đổi mới về loại thể, về thi pháp, về nghệ thuật ngôn từ, sự cách tân về số câu, số chữ, về hình ảnh, về cách gieo vần, cách ngắt câu,...
+ Thơ mới đã có được một đội ngũ nhà thơ tài năng khẳng định sự thắng thế của nó đối với thơ cũ. Các tên tuổi tiêu biểu: Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên,...
+ Thơ mới đã có được một lớp công chúng mới khẳng định sự thành công của nó trong đời sống văn học và xã hội.