Câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức bài 6: Tác giả Nguyễn Du

Bộ câu hỏi tự luận  Ngữ văn 11 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 6: Tác giả Nguyễn Du. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học  Ngữ văn 11 kết nối tri thức

Xem: => Giáo án ngữ văn 11 kết nối tri thức

BÀI 6: NGUYỄN DU – “NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY MÀ ĐAU ĐỚN LÒNG”

VĂN BẢN 1: TÁC GIẢ NGUYỄN DU
(12 câu)

  1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Nêu sơ lược về tiểu sử cuộc đời Nguyễn Du

Trả lời:

- Nguyễn Du (1765 – 1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê gốc ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

- Ông xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan, có truyền thống văn học.

- Nguyễn Du sống trong một thời đại đầy biến động dữ dội.

- Nguyễn Du có một cuộc đời nhiều vất vả, cơ cực, xuất thân trong gia đình giàu sáng những cuộc sống lại lưu lạc, tha hương.

- Khi Nguyễn Ánh lập ra triều đại mới lấy niên hiệu là Gia Long (1802), Nguyễn Du ra làm quan cho nhà Nguyễn, được tân triều trọng dụng. Năm 1820, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ nhưng chưa kịp khởi hành thì lâm bệnh nặng và qua đời.

 

Câu 2: Nêu sơ lược về sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du

Trả lời:

Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, ông đã để lại nhiều thành tựu kiệt xuất về văn chương:

+ Về thơ chữ Hán, Nguyễn Du có ba tập thơ: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc Hành tạp lục. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du vừa lưu giữ thế giới tâm hồn phong phú,, vừa có khả năng khái quát hiện thực rất cao và mang giá trị nhân văn sâu sắc. Đồng thời, ba tập thơ còn phản chiếu chân dung con người và quá trình vận động trong tư tưởng nghệ thuật của tác giả.

+ Về sáng tác chữ Nôm, Nguyễn Du có hai kiệt tác là Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh. Ngoài ra, còn có một số tác phẩm khác như Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu, Thác lời trai phường nón.

 

Câu 3: Nêu sơ lược về nguồn gốc đề tài, cốt truyện và vị trí của Truyện Kiều

Trả lời:

- Truyện Kiều được viết theo hình thức truyện thơ Nôm, thể lục bát gồm 3254 câu kể về 15 năm trôi nổi của Thúy Kiều. Nguyễn Du viết Truyện Kiều dựa theo cốt truyện Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Trên cơ sở cốt truyện, nhân vật có sẵn, Nguyễn Du đã có những sáng tạo lớn về nhiều mặt.

- Hơn hai trăm năm qua, Truyện Kiều là nguồn đề tài, cảm hứng lớn cho nhiều loại hình nghệ thuật, là đối tượng khám phá của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đến nay, tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới (hơn 70 bản dịch).

Câu 4: Nêu vài nét về giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của Truyện Kiều

Trả lời:

* Giá trị tư tưởng:

- Cảm hứng tôn vinh vẻ đẹp của con người, đặc biệt là người phụ nữ, không chỉ là vẻ đẹp ngoại hình, tài năng mà còn là vẻ đẹp sâu thẳm trong tâm hồn.

- Truyện Kiều còn là bài ca về tự do và ước mơ công lí, là bản cáo trạng đanh thép đối với các thế lực chà đạp lên quyền sống, quyền tự do hạnh phúc của con người.

- Nguyễn Du đã thể hiện tấm lòng nhân đạo cao cả với tình cảm xót xa, đồng cảm cho số phận con người, cổ vũ cho những khát vọng chính đáng, táp bạo của con người.

* Giá trị nghệ thuật:

- Truyện Kiều thể hiện rất rõ tài năng sáng tạo vượt bậc của Nguyễn Du trên nhiều bình diện nghệ thuật.

- Về cốt truyện, tác giả đã tổ chức lại cốt truyện, thay đổi trình tự của nhiều chi tiết, sự kiện, sáng tạo nhiều đoạn độc thoại nội tâm và miêu tả thiên nhiên sâu sắc.

- Về nhân vật, các nhân vật được khắc họa một cách chân thực, sinh động từ ngôn ngữ, cử chỉ bên ngoài đến diễn biến nội tâm phức tạp, sâu sắc bên trong. Đặc biệt nghệ thuật khắc họa “con người bên trong”, giúp cho Nguyễn Du vượt xa thời đại của mình khi hướng đến sự tìm kiếm, khám phá con người ở bên trong con người.

- Tiếng Việt trong Truyện Kiều là một ngôn ngữ trong sáng, trau chuốt, giàu sức biểu cảm, sáng tạo.

2. THÔNG HIỂU (3 câu)

Câu 1: Theo em, những yếu tố nào đã ảnh hưởng đến sáng tác và làm nên một thiên tài Nguyễn Du?

Trả lời:

Có ba yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du và làm nên một đại thi hào dân tộc, một danh nhân văn hóa:

– Gia đình: Nguyễn Du sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống văn hóa, nhiều người học cao, đỗ đạt và làm quan to. Nguyễn Du may mắn được tiếp nhận văn hóa ở nhiều vùng quê khác nhau (đó là một tiền đề thuận lợi hun đúc nên một thiên tài dân tộc).

- Thời đại: Nguyễn Du sinh ra trong thời đại có nhiều biến động dữ dội. Những năm tháng lăn lộn cùng nhân dân, ông còn có dịp học hỏi, thu nhặt được nhiều vốn ngôn ngữ nghệ thuật dân gian, đây là tri thức quý báu để tạo nên phong cách ngôn ngữ Truyện Kiều.

- Cuộc đời: Bản thân Nguyễn Du có năng khiếu và yêu văn học, Nguyễn Du không chỉ là người có năng khiếu bẩm sinh, ham học, có vốn hiểu biết sâu rộng, từng trải mà quan trọng trong ông có một trái tim nhân hậu, giàu yêu thương, nặng tình đời, tình người. Điều đó đã được thể hiện trong các sáng tác của ông, đặc biệt là Truyện Kiều.

 

Câu 2: Theo em, cuộc đời Nguyễn Du có những điểm tương đồng nào với nhân vật Thúy Kiều của ông?

Trả lời:

Điểm tương đồng giữa Nguyễn Du và Thúy Kiều là đều có quãng đời lưu lạc, chìm nổi, cơ cực, là những con người tài hoa những bạc mệnh.

Câu 3: Theo em, tên Hán Việt của Truyện Kiều là Đoạn trường tân thanh có ý nghĩa gì?

Trả lời:

Đoạn trường tân thanh là tiếng kêu mới về nỗi đau lòng đứt từng mảnh ruột, ý nghĩa này được rút ra từ nội dung cơ bản của tác phẩm. Có thể nói, tác phẩm là tiếng kêu dứt ruột của Nguyễn Du khi chứng kiến nỗi bất hạnh của người phụ nữa trong xã hội phong kiến xưa.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Theo em, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã chứa đựng những giá trị văn hóa dân tộc như thế nào?

Trả lời:

Nhìn từ góc độ văn hoá, Truyện Kiều có nội dung sâu sắc, nhiều tầng ý nghĩa phong phú, đa dạng, dào dạt như dòng chảy văn hoá suốt chiều dài lịch sử dân tộc, có nghệ thuật biểu hiện nội dung đạt đến thành tựu rực rỡ, đặc biệt là nghệ thuật vận dụng tiếng Việt và thể thơ lục bát của dân tộc. Truyện Kiều đã kết hợp nhuần nhuyễn ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân. Tất cả từ Hán Việt và điển cố lấy trong sách vở với lối diễn đạt đài các, quý phái đều được sử dụng phù hợp, đúng người, đúng cảnh với liều lượng đủ để làm rõ những sắc thái tinh tế của cảnh, của tình, của nhân vật. Lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân lao động, thành ngữ, tục ngữ, cao dao, dân ca được chọn lọc, hài hoà, khéo léo để kết hợp tinh tế, sáng tạo cùng ngôn ngữ bác học đã làm tăng sức biểu cảm cho tác phẩm. Thể thơ lục bát giản dị, dân dã, tinh tế, truyền cảm được Nguyễn Du khai thác triệt để. Bức tranh thiên nhiên và khung cảnh lễ hội được Nguyễn Du phác thảo qua những hình ảnh văn hoá đặc trưng của Việt Nam. Truyện Kiều chứa đựng đầy đủ các giá trị tinh thần lớn, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam đó là: Lòng thương người, xem trọng con người, xem con người là trung tâm của vũ trụ từ đó nảy sinh truyền thống nhân ái, trọng tình nghĩa, trọng nhân phẩm, danh dự, lẽ phải; là lối sống khoan dung, độ lượng, lạc quan; cách ứng xử tế nghị có văn hóa, sống giản dị, mộc mạc; khuynh hướng thẩm mỹ hài hòa, yêu thiên nhiên... Những truyền thống, những giá trị nói trên đậm nhạt có khác nhau nhưng đều có thể tìm thấy trong đại kiệt tác “Đoạn trường tân thanh” của đại thi hào dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du.

Câu 2: Theo em, Truyện Kiều của Nguyễn Du có sức ảnh hưởng như thế nào đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam?

Trả lời:

Phạm Quỳnh ngay từ đầu thế kỷ XX đã từng có một câu nói nổi tiếng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn” cho thấy vai trò quan trọng của tác phẩm này trong đời sống xã hội Việt Nam. Hàng trăm năm trôi qua, Truyện Kiều vẫn luôn tồn tại trong đời sống của dân tộc Việt. Truyện Kiều là một trong số ít các tác phẩm lớn được nhiều người dân đủ mọi tầng lớp học thuộc lòng. Ngôn từ, lời lẽ trong Truyện Kiều được dùng để đối đáp trong sinh hoạt văn hoá của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... hát ví dặm Nghệ An, Hà Tĩnh bằng lời thơ trong Truyện Kiều. Ngày nay, tên một số nhân vật và địa danh trong Truyện Kiều được sử dụng trong đời sống thường nhật với các ý nghĩa hết sức thông dụng: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn thư, Lầu xanh… Sức sống của Truyện Kiều trong tâm thức những người con đất Việt là bền bỉ, lâu dài và cũng hết sức mãnh liệt. 

 

Câu 3: Theo em, Nguyễn Du có ảnh hưởng như thế nào đối với văn chương Việt Nam?

Trả lời:

Em hãy chú ý đến những điểm sau:

Nguyễn Du có ảnh hưởng đến các thế hệ nhà văn, nhà thơ đương đại và cả những thế hệ viết văn sau này bởi tinh thần tươi mới cho văn chương, ngôn ngữ. Hai ảnh hưởng lớn nhất của Nguyễn Du đối với văn chương Việt Nam, thứ nhất là nhân cách luôn chứa đựng lòng yêu thương con người sâu thẳm của đại thi hào; thứ hai là sự kỳ diệu tuyệt đỉnh của thể loại lục bát trong thơ Nguyễn Du. Với "Truyện Kiều", Nguyễn Du là người đầu tiên duy nhất cho đến giờ đưa tiếng Việt lên đến đỉnh cao và làm cho nó trở thành cổ điển.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 11: Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về lòng nhân đạo, tình yêu thương con người trong thời đại ngày nay?

Trả lời:

Xã hội bồn bề với bao nhiêu thứ khiến con người phải lo toan, quên mất đi những tình cảm tốt đẹp đáng trân trọng. Một trong những tình cảm tốt đẹp ấy là tình yêu thương giữa con người vậy con người. Vậy tình yêu thương là gì? Đó là sự đùm bọc san sẻ trong mọi khó khăn và lòng trắc ẩn của con người. Người có tình yêu thương là người luôn giúp đỡ người khác. Thật không khó để bắt gặp những người luôn sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau. Chúng ta có thể thấy qua chương trình "Cặp lá yêu thương" của đài truyền hình Việt Nam. Thật vậy, lòng yêu thương là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Lòng yêu thương không chỉ đem đến hạnh phúc cho người khác mà còn giúp tâm hồn bạn nhẹ nhàng hơn, thư thái hơn. Chưa dừng lại ở đó, tình yêu, sự san sẻ, gắn bó với nhau khi gặp khó khăn còn chính là động lực to lớn giúp những "lá rách", mảnh đời bất hạnh vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta phải thật sự tỉnh táo khi dành tình cảm, sự sẻ chia cho người khác. Vì bây giờ có rất nhiều kẻ chuyên đi lợi dụng tấm lòng tốt của người khác để chuộc lợi cho bản thân. Chính vì vậy, mỗi người hãy bồi dưỡng cho mình một tình yêu thương giữa con người với con người, và khi đã nhận sự giúp đỡ của người khác, hãy biết phấn đấu và nỗ lực để không phụ lại lòng tốt của họ.

Câu 12: Kể tên những tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ Truyện Kiều mà em biết.

Trả lời:

Ở thời hiện đại, sức sống của Kiều càng mạnh mẽ khi được chuyển thể sang nhiều loại hình sân khấu.

-  Đó là phim Kim Vân Kiều của Công ty Phim và Chiếu bóng Đông Dương (Indochine Films et Cinémas), là vở opera Định mệnh bất chợt của Nguyễn Thiện Đạo, hợp xướng Truyện Kiều của Vũ Đình Ân, vở chèo Dòng lệ Tố Như, kịch hình thể Nguyễn Du với Kiều của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lan Hương, kịch nói Kiều của NSND Anh Tú, phim điện ảnh Kiều của Mai Thu Huyền, hay mới đây là các vở rối Thân phận nàng Kiều, nhạc kịch Kim Vân Kiều, ballet Truyện Kiều, múa Kiều…

- Cùng với các hình thức chuyển thể sân khấu, Truyện Kiều được giới họa sĩ hết sức quan tâm. Xưa, nhiều danh họa như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm... đều đã minh họa Truyện Kiều. Mới đây, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn mở triển lãm tranh cá nhân Thư họa Truyện Kiều tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, rồi là Hội họa Truyện Kiều tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

=> Giáo án Ngữ văn 11 kết nối Bài 6 Đọc 1: Tác giả Nguyễn Du

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay