Đáp án Lịch sử 10 chân trời sáng tạo Bài 20: Khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam

File đáp án Lịch sử 10 chân trời sáng tạo Bài 20: Khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Toàn bộ câu hỏi, bài tập ở trong bài học đều có đáp án. Tài liệu dạng file word, tải về dễ dàng. File đáp án này giúp kiểm tra nhanh kết quả. Chỉ có đáp án nên giúp học sinh tư duy, tránh học vẹt

BÀI 20. KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC VIỆT NAM

I. Khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam

  1. Sự hình thành khối đại đoàn kết dân tộc

Câu 1: Khối đại đoàn kết dân tộc được hình thành từ những cơ sở nào?

Trả lời:

Cơ sở hình thành khối đại đoàn kết dân tộc:

 - Nhu cầu trị thủy và thủy lợi, phát triển nông nghiệp, đấu tranh chống lại các cuộc xâm lược của ngoại bang,...các dân tộc trên đất nước Việt Nam đã sớm hình thành tinh thần đoàn kết và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

- Thực hiện nhiều chính sách nhằm xây dựng mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc qua từng thời kì, góp phần hình thành khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam trong lịch sử. 

  1. Vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước

Câu 1: Tinh thần đoàn kết của các dân tộc Việt Nam trong lịch sử được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

Tinh thần đoàn kết của các dân tộc Việt Nam trong lịch sử được thể hiện trên phương diện:

- Đời sống sản xuất: Các dân tộc cùng khai phá đất đai, tiến hành sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, sáng tạo các giá trị vật chất và tinh thần, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam. 

- Chống giặc ngoại xâm: Chung vai sát cánh trong các cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược và thống trị của ngoại bang.  Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, đồng bào các dân tộc tích cực đóng góp sức người, sức của làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống đế quốc Mỹ cũng như các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc sau năm 1975.

Câu 2: Em hãy kể tên một số anh hùng thuộc cộng đồng dân tộc ít người trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của Việt Nam?

Trả lời:

Một số anh hùng thuộc cộng đồng dân tộc ít người trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của Việt Nam: 

  • Phùng Hưng
  • Hai Bà Trưng
  • Mai Thúc Loan
  • Vừ A Dính
  • Đinh Núp
  • Võ Thị Sáu
  • Lý Bí
  • Kim Đồng
  • Bế Văn Đàn

Câu 3: Hãy kể tên một số bài hát ca ngợi các anh hùng dân tộc Việt Nam mà em biết. 

Trả lời:

Một số bài hát ca ngợi các anh hùng dân tộc Việt Nam: 

  • Bài ca không quên
  • Kim Đồng
  • Biết ơn chị Võ Thị Sáu
  • Vết chân tròn trên cát
  • Màu hoa đỏ
  • Bế Văn Đàn sống mãi,...

 

  1. Vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Câu 1: Em hãy nêu ý nghĩa của việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Trả lời:

Ý nghĩa của việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay:

 - Tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, góp phần hình thành lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng, noi theo truyền thống đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam từ thời xa xưa.

 - Tạo ra môi trường hòa bình, ổn định cho việc phát triển kinh tế, văn hóa dựa trên mối quan hệ hòa hợp, tương trợ và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc. 

 - Tạo nên nguồn sức mạnh để cộng đồng các dân tộc Việt Nam bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước thông qua khối đại đoàn kết dân tộc.

Câu 2: Theo em, nội dung chính yếu trong bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu sử miền Nam tại Play-ku là gì?

Trả lời:

Theo em, nội dung chính yếu trong bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu sử miền Nam tại Play-ku là:

 - Việt Nam ta có tới 54 dân tộc, các dân tộc thiểu số đều là con cháu Việt Nam, là anh em ruột thịt, sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói cùng nhau. Giang sơn và chính phủ là của chúng ta. 

 - Tư tưởng đoàn kết và thống nhất dân tộc trong một nước đa dân tộc. Đây là đạo lý, tình nghĩa dân tộc, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, thủy chung son sắt, tạo nên sức mạnh chống lại mọi âm mưu chia rẽ dân tộc, kích động tâm lý hẹp hòi, nghi kỵ, thành kiến dân tộc mà kẻ thù ra sức xuyên tạc hòng làm suy yếu sức cố kết của đồng bào ta.

 - Tất cả dân tộc phải toàn kết và bình đẳng, thương yêu và kính trọng, giúp đỡ lẫn nhau với tất cả sự chân thành, tin cậy, cùng nhau phấn đấu cho hạnh phúc chung của dân tộc, của muôn đời con cháu.

Câu 3: Em hãy cho biết câu nói "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công" là của ai? Câu nói đó nhắc nhở em điều gì khi học về cộng đồng các dân tộc Việt Nam? 

Trả lời:

- Câu nói "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công" là của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua câu nói trên: 

  • Thấy rõ vai trò quan trọng của đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa: nếu muốn chiến thắng kẻ thù, thống nhất đất nước, đạt được thành công lớn, thì phải đoàn kết lại, tất cả mọi người cùng chung mục tiêu, quyết tâm, có như vậy mới đạt được thành công lớn
  • Khuyên nhủ mọi người cả trong bối cảnh đất nước đang chiến đấu chống kẻ thù, cũng như trong cuộc sống ngày nay phải biết đoàn kết với nhau, không nên chia rẽ, mâu thuẫn nội bộ.
  • Thể hiện niềm tin của Bác về chiến thắng cuối cùng trước kẻ thù của dân tộc ta, Bác luôn tin rằng muốn đất nước Việt Nam sẽ thống nhất, độc lập nhờ vào sức mạnh của khối đại đoàn kết.

 

II. Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước hiện nay

  1. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc

Câu 1: Theo em, các nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước có mối quan hệ như thế nào?

Trả lời:

Các nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. 

* Giải thích:

  • Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc không phải hình thành ngay một lúc, mà trải qua một quá trình được bổ sung, hoàn thiện, nâng cao để ngày nay chúng ta cần nghiên cứu, vận dụng thực hiện để tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết giữa các dân tộc.
  • Phải luôn luôn tôn trọng nguyên tắc nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau để đất nước ngày càng bên chặt, xây dựng mối quan hệ ngày càng bền chặt trong thời kỳ mở cửa, hội quốc tế ở nước ta hiện nay.
  1. Nội dung cơ bản trong chính sách của Đảng và Nhà nước

Câu 1: Nội dung chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước có ý nghĩa như thế nào đối với việc củng cố khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam?

Trả lời:

Ý nghĩa nội dung chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với việc củng cố khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam:

  • Góp phần quan trọng vào việc cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc.
  • Góp phân xây dựng khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, thúc đẩy cộng đồng các dân tộc Việt Nam tăng cường đoàn kết, ngày càng phát triển về mọi mặt.

 

LUYỆN TẬP

Câu 1: Tác động của chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam là gì?

Trả lời:

Tác động của chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam:

- Kinh tế: 

  • Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế các vùng dân tộc và miền núi, tăng cường nguồn lực huy động vào việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào. 
  • Phát triển các ngành sản xuất phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc. 
  • Có chính sách hỗ trợ động bào về đất đai, thuế và vay vốn để phát triển sản xuất. 

=> Ví dụ: Hỗ trợ đồng bào mua giống cây trồng và phân bón, vật tư, gia súc, tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất. Khuyến khích đồng bào dân tộc khai thác thêm tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng đời sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc. 

- Văn hóa xã hội: 

  • Tập trung vào công tác giáo dục, đào tạo, chăm sóc y tế, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, điện nước,…
  • Đào tạo cán bộ và đội ngũ tri thức dân tộc thiểu số. 

 

Câu 2: Vì sao khối đại đoàn kết dân tộc có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?

Trả lời:

Khối đại đoàn kết dân tộc có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay vì: 

  • Tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, góp phần hình thành lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc. 
  • Tạo ra môi trường hòa bình, ổn định cho việc phát triển kinh tế, văn hóa dựa trên mối quan hệ hòa hợp, tương trợ và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc
  • Khối đại đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh để cộng đồng các dân tộc Việt Nam bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. 

VẬN DỤNG

Câu 1: Vì sao cần giữ gìn và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc? Hãy viết một đoạn văn ngắn bày tỏ suy nghĩ của bản thân em về vấn đề này. 

Trả lời:

Cần giữ gìn và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc vì:

  • Truyền thống đoàn kết quý báu trên cơ sở đại đoàn kết toàn dân tộc là nền tảng sức mạnh tinh thần to lớn của dân tộc, là cơ sở cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù, trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. 
  • Nêu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới mà trước đây chưa từng trải qua, thì tinh thần đoàn kết quý báu của dân tộc lại càng phát huy giá trị to lớn. 
  • Đối với sự nghiệp cách mạng hiện nay càng đòi hỏi cần phải quan tâm hơn nữa đến việc giữ gìn và phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc lên một tầm cao mới. 
  • Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả và hình thức hoạt động, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Câu 2: Hãy lựa chọn để thuyết trình về một chính sách văn hóa - xã hội với cộng đồng dân tộc ít người. 

Trả lời:

 Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách… nhờ vậy, chất lượng giáo dục của các trường học, trường dạy nghề ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước được cải thiện và nâng lên. Hầu hết trẻ em trong độ tuổi được đến trường, học sinh dân tộc thiểu số được học tiếng phổ thông, học văn hóa, được giao lưu và tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật. Đây là những kết quả tích cực cho thấy chủ trường, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm đảm bảo sự công bằng, đoàn kết của các dân tộc trên mọi miền tổ quốc.

   Nhiều chính sách ưu tiên phát triển giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS) được ban hành và triển khai đồng bộ.

   Trong nhiều năm qua, thực hiện chính sách dân tộc trên nguyên tắc: “Bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc và giúp nhau cùng phát triển”, Đảng và Chính phủ đã chú trọng đến công tác giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thành lập nhiều mô hình trường học dành cho con em đồng bào các dân tộc, như trường thanh niên dân tộc, trường vừa học vừa làm, trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú, trường dự bị đại học dân tộc, trường thiếu sinh quân... Hệ thống giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông được củng cố và phát triển, đáp ứng bước đầu nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc thiểu số.

   Phát triển giáo dục, đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số để đồng bào có điều kiện vươn lên hòa nhập cùng đồng bào cả nước và thực hiện quyền bình đẳng của mình về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết, nhưng cũng rất khó khăn. Công cuộc đổi mới của Đảng và toàn dân ta đã đạt nhiều thành tựu đáng kể về kinh tế, đồng thời nó cũng làm bộc lộ những khó khăn trong việc nâng cao dân trí của nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm bức thiết thêm nhu cầu phát triển giáo dục đối với mỗi dân tộc. Vì vậy cần có sự giải quyết một cách khoa học và phải xem đó là nhiệm vụ cấp bách. Chỉ khi nào đồng bào dân tộc thiểu số có được một trình độ học vấn cao thì khi ấy họ mới có điều kiện để vượt qua nghèo nàn, lạc hậu và góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước, tức là mới có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ của mình, và cũng chỉ khi ấy các dân tộc thiểu số mới thực sự được bình đẳng.

   Do vậy, để đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay, các cấp, các ngành cần quan tâm những vấn đề sau:

   Một là, tăng nguồn đầu tư cho công tác phát triển giáo dục ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có dân số ít. Phối hợp đồng bộ giữa chính sách của Đảng và Nhà nước với hoạt động của ngành giáo dục và sự đóng góp của toàn dân cho sự nghiệp giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xã hội hóa giáo dục để toàn dân cùng quan tâm đóng góp một cách thiết thực là một trong những biện pháp hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

   Hai là, đào tạo đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số có trình độ cả về sư phạm và kiến thức cho từng vùng, từng dân tộc. Bên cạnh việc đào tạo, cần xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, để họ yên tâm với nghề nghiệp, gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở chính quê hương của họ.

   Ba là, ngành giáo dục cần xây dựng chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học của từng dân tộc, từng vùng. Cần chú trọng xây dựng trên cơ sở cả 2 ngôn ngữ là ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ phổ thông.

   Bốn là, có chính sách đặc thù đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, nếu không thi được vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học thì bố trí đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau khi ra trường để tránh lãng phí tiền của, công sức của bản thân học sinh, gia đình và nguồn nhân lực cho sự phát triển các vùng dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.

(Nguồn: http://www.cema.gov.vn/tin-tuc/tin-tuc-su-kien/y-te-giao-duc/tang-cuong-cong-tac-phat-trien-giao-duc-o-vung-dan-toc-thieu-so-co-so-quan-trong-de-thuc-hien-binh-dang-giua-cac-dan-toc.htm)

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: File word đáp án Lịch sử 10 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay