Bài tập file word sinh học 10 kết nối Bài 4: Các nguyên tố hóa học và nước

Bộ câu hỏi tự luận sinh học 10 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 4: Các nguyên tố hóa học và nước Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học sinh học 10 KNTT.

PHẦN I: SINH HỌC TẾ BÀO

CHƯƠNG I: THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA TẾ BÀO

BÀI 4 - CÁC NGUYÊN TỐ HÓA HỌC VÀ NƯỚC

I. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Trình bày học thuyết tế bào hiện đại.

Trả lời:

Học thuyết tế bào hiện đại bao gồm ba nội dung sau:

  • Tất cả mọi sinh vật đều được cấu tạo từ một hoặc nhiều tế bào. Sự sống được tiếp diễn do có sự chuyển hóa và sự di truyền xảy ra bên trong các tế bào.
  • Tế bào là đơn vị nhỏ nhất, đơn vị cấu trúc và đơn vị chức năng cấu tạo nên mọi cơ thể sinh vật.
  • Tế bào chỉ được sinh ra từ sự phân chia các tế bào có trước.

Câu 2: Các nguyên tố trong cơ thể sinh vật được chia thành mấy nhóm? Nếu cơ thể thiếu một số nguyên tố thì điều gì sẽ xảy ra?

Trả lời:

  • Dựa vào tỉ lệ phần trăm khối lượng cơ thể, các nguyên tố trong cơ thể sinh vật được chia thành hai nhóm: nguyên tố đại lượng (đa lượng) và nguyên tố vi lượng.
  • Cơ thể thiếu một số nguyên tố đại lượng và vi lượng có thể gây ra một số rối loạn về chuyển hóa và bệnh.

Câu 3: Carbon có vai trò gì trong cấu tạo tế bào?

Trả lời:

Carbon có vai trò đặc biệt quan trọng trong cấu tạo tế bào:

  • Nguyên tử carbon có 4 electron hóa trị ở vòng ngoài nên có thể tạo nên bốn liên kết cộng hóa trị với các nguyên tử carbon khác hình thành nên bộ khung carbon đa dạng về kích thước, cấu hình không gian.
  • Bộ khung carbon liên kết với các nguyên tử hydrogen tạo khung hydrocarbon đa dạng. Từ bộ khung hydrocarbon liên kết với các nhóm chức khác nhau tạo nên các hợp chất hữu cơ đa dạng.
  • Ngoài ra, nguyên tử carbon linh hoạt có thể tạo nên các phân tử có cấu trúc và tính chất khác nhau từ cùng một số lượng nguyên tử (cùng công thức hóa học).

 

Câu 4: Nêu cấu trúc và tính chất vật lí, hóa học của nước.

Trả lời:

  • Cấu trúc hóa học của nước: Mỗi phân tử nước có một nguyên tử oxygen liên kết với hai nguyên tử hydrogen bằng liên kết cộng hóa trị.
  • Tính chất của nước:
  • Nước có tính phân cực: Nguyên tử oxygen có khả năng hút điện nhiều hơn so với hydrogen.Do vậy, trong phân tử nước, nguyên tử hydrogen sẽ tích điện (+), còn oxygen tích điện (-) tạo cho nước có tính phân cực.
  • Sức căng bề mặt lớn: Nhờ tính phân cực, các phân tử nước có thể liên kết với nhau bằng liên kết hydrogen nên các phân tử nước ở nơi bề mặt tiếp xúc với không khí liên kết chặt với nhau tạo nên sức căng bề mặt.
  • Nhiệt dung riêng cao: Các phân tử nước liên kết với nhau bằng rất nhiều liên kết hydrogen nên phải cung cấp một lượng nhiệt lớn mới có thể làm tăng nhiệt độ của nước.
  • Nhiệt bay hơi cao: Nước bay hơi sẽ lấy đi một lượng lớn nhiệt độ từ cơ thể sinh vật giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể cũng như nhiệt độ của môi trường.

Câu 5: Nêu vai trò sinh học của nước đối với tế bào.

Trả lời:

Nước có có trò đặc biệt quan trọng đối với tế bào:

  • Là thành phần chủ yếu cấu tạo nên tế bào và cơ thể.
  • Là dung môi có khả năng hòa tan nhiều chất cần thiết cho hoạt động sống của tế bào.
  • Là nguyên liệu và môi trường của các phản ứng chuyển hóa vật chất diễn ra trong tế bào.
  • Góp phần định hình cấu trúc không gian của nhiều phân tử hữu cơ trong tế bào, đảm bảo cho chúng thực hiện các chức năng sinh học.
  • Góp phần điều hòa nhiệt độ tế bào và cơ thể nhờ có nhiệt dung đặc trưng cao và nhiệt bay hơi cao.

II. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Vì sao tế bào được coi là đơn vị cấu trúc của cơ thể sống?

Trả lời:

Tế bào là đơn vị cấu trúc của cơ thể sống vì: Mọi sinh vật được cấu tạo từ một hoặc nhiều tế bào.Đồng thời, tế bào là cấp độ tổ chức sống cơ bản thể hiện đầy đủ các hoạt động của một hệ sống.

Câu 2: Vì sao tế bào được coi là đơn vị chức năng cơ bản của mọi sinh vật sống?

Trả lời:

Tế bào là đơn vị chức năng cơ bản của mọi sinh vật sống vì: Các quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, di truyền của cơ thể sinh vật đều diễn ra bên trong tế bào.

Câu 3: Lấy ví dụ minh họa sự thiếu hụt nguyên tố trong cơ thể gây ra bệnh.

Trả lời:

Ví dụ: Ở người, nếu thiếu iondine, tuyến giáp sẽ phát triển bất thường và dẫn đến bị bệnh bướu cổ. Ở thực vật, thiếu Fe gây bệnh vàng lá ở lá non.

 

Câu 4: Vì sao một số phân tử có cùng số lượng nguyên tử carbon nhưng lại có tính chất hoá học khác nhau?

Trả lời:

Vì:

  • Nguyên tử carbon có thể đồng thời tạo bốn liên kết cộng hoá trị với các nguyên tử carbon khác ® bộ khung carbon đa dạng. 
  • Nguyên tử cacbon liên kết với nhau thành mạch cacbon, khi thứ tự liên kết thay đổi chúng sẽ tạo ra một chất khác.
  • Bộ khung hydrocacbon liên kết với các nhóm chức khác nhau ® hợp chất khác nhau.
  • Carbon tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau và có ái lực lớn để tạo ra liên kết với các nguyên tử nhỏ khác, có khả năng tạo ra liên kết phức tạp.

III. VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Các chuyên gia y tế luôn khuyên chúng ta cần uống đủ nước mỗi ngày. Giải thích.

Trả lời:

Vì nước có vai trò quan trọng đối với cấu tạo và sự hoạt động chức năng của cơ thể. Cơ thể luôn phải duy trì một mức cân bằng nước ổn định, nếu thiếu nước cơ thể không thể hoạt động sống bình thường.

Câu 2: Cơ thể người lấy carbon từ nguồn nào?

Trả lời:

Nguồn carbon cung cấp cho tế bào trong cơ thể chúng ta được lấy từ các chất dinh dưỡng có trong các loại thức ăn. Khi thức ăn được đưa vào trong cơ thể ® phân giải ® chất dinh dưỡng đơn giản ® hấp thụ vào máu đưa đến các tế bào ® diễn ra hàng loạt các phản ứng sinh hóa để tổng hợp nên các chất cần thiết.

Câu 3: Nước uống hàng ngày của chúng ta có nguồn gốc từ đâu?

Trả lời:

  • Nước uống được cung cấp cho gia đình mỗi chúng ta được lấy từ nguồn nước bề mặt hoặc nguồn nước ngầm. Nguồn nước mặt được lấy từ các con suối, sông, hồ hoặc hồ chứa. Nước ngầm được lấy từ nguồn dưới mặt đất, nơi nước tích tụ trong các mạch nước ngầm hoặc các tầng chứa nước. Nước ngầm được lấy bằng cách khoan giếng và dùng máy bơm để hút nước lên trên bề mặt.
  • Hệ thống nước công cộng cung cấp nước từ nước mặt và nước ngầm cho mục đích sử dụng công cộng. Hệ thống xử lý nước có thể do nhà nước hoặc tư nhân quản lý. Hệ thống nước mặt rút nước từ nguồn, xử lý và cung cấp đến nhà của người dân. Hệ thống nước ngầm cũng rút và cung cấp nước, nhưng không phải lúc nào chúng cũng xử lý được.

Câu 4: Chất lượng lượng gặp vấn đề có thể dẫn đến các nguy cơ nào về sức khỏe?

Trả lời:

Sự hiện diện của một số chất gây ô nhiễm trong nước có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe, bao gồm các bệnh về đường tiêu hóa, các vấn đề sinh sản và rối loạn thần kinh. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người già và những người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn sau khi uống phải nguồn nước bị ô nhiễm. Ví dụ, hàm lượng chì tăng cao có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.

IV. VẬN DỤNG CAO (3 câu)

Câu 1: Các chất gây ô nhiễm xâm nhập vào nguồn nước bằng cách nào?

Trả lời:

Các chất gây ô nhiễm có thể có nhiều hướng xâm nhập vào nguồn nước sử dụng. Dưới đây là danh sách các nguồn gây ô nhiễm phổ biến nhất: Các hóa chất và khoáng chất tự nhiên (ví dụ, asen, radon, uranium), Các loại hóa chất sử dụng đất ở các địa phương (phân bón, thuốc trừ sâu, chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi tập trung), quá trình sản xuất, hệ thống xử lý nước thải bị trục trặc (ví dụ: hệ thống hố xí tự hoại gần nguồn nước). Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) cho biết có nhiều chất gây ô nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. EPA đảm bảo rằng nguồn nước cung cấp cho người dân đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định, vì vậy người tiêu dùng có thể chắc chắn rằng mức độ ô nhiễm cao không có trong nước uống của mình.

Câu 2: Nêu một số chất gây ô nhiễm nước phổ biến nhất.

Trả lời:

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đặt ra các tiêu chuẩn và quy định về sự hiện diện và số lượng của hơn 90 chất gây ô nhiễm khác nhau trong nước uống của người dân tại công cộng, bao gồm các loài vi khuẩn E.coli, vi khuẩn Salmonella và Cryptosporidium.

Câu 3: Nêu vai trò của Kali đối với sức khỏe con người theo từng lứa tuổi          .

Trả lời:

  • Đối với người lớn:
  • Kali giữ cho nhịp tim điều hòa, ổn định. Khẩu phần ăn giàu Kali cũng làm giảm lượng cholesterol trong máu, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
  • Kali có tác dụng điều hòa huyết áp, làm giảm nguy cơ đột quỵ.
  • Kali còn hỗ trợ quá trình chuyển hóa chất đạm và chất đường bột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, kích thích sự phát triển của hệ cơ bắp và hệ thần kinh.
  • Đối với phụ nữ mang thai:
  • Kali giúp cân bằng nước và chất điện giải trong cơ thể. Bà bầu cần bổ sung Kali để ổn định huyết áp.
  • Kali còn làm giảm hiện tượng chuột rút ở chân. Phụ nữ mang thai cần khoảng 4,7 g Kali mỗi ngày.
  • Đối với trẻ em:
  • Kali cần thiết cho sự phát triển cơ bắp và não bộ ở trẻ. Trẻ em ở độ tuổi đi học thường hay bị thiếu hụt Kali.
  • Kali giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh huyết áp, tim mạch, sỏi thận cho trẻ trong tương lai.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Bài tập file word sinh học 10 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay