Bài tập file word Sinh học 7 chân trời sáng tạo Ôn tập Chủ đề 7: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 7 (Sinh học) chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 7: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 7 chân trời sáng tạo.

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 7: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở SINH VẬT
(PHẦN 1 – 20 CÂU)

Câu 1: Trao đổi chất ở sinh vật bao gồm những quá trình nào?

Trả lời:

Trao đổi chất ở sinh vật gồm: quá trình trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường và chuyển hóa các chất diễn ra trong tế bào.

Câu 2: Viết phương trình tổng quát của quá trình quang hợp.

Trả lời:

Câu 3: Cường độ của quá trình hô hấp tế bào diễn ra như thế nào?

Trả lời:

Cường độ của quá trình hô hấp tế bào diễn ra mạnh hay yếu tùy thuộc vào nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Câu 4: Nêu cấu tạo và chức năng của khí khổng.

Trả lời:

- Cấu tạo của khí khổng: Mỗi khí khổng có hai tế bào hình hạt đậu áp sát vào nhau, thành trong dày, thành ngoài mỏng tạo nên một khe hở (lỗ khí) giữa hai tế bào hạt đậu giúp các khí di chuyển ra, vào.

- Vai trò của khí khổng đối với cây:

+ Giúp thực hiện quá trình trao đổi khí giữa cây với môi trường chủ yếu là khí oxygen và khí carbon dioxide.

+ Giúp cây thực hiện quá trình thoát hơi nước.

Câu 5: Chất dinh dưỡng được phân loại như thế nào ở động và thực vật?

Trả lời:

- Ở động vật: Các chất dinh dưỡng được chia thành 4 nhóm dựa vào bản chất hóa học cơ thể gồm carbohydrate (chất đường bột), lipid (chất béo), protein (chất đạm), vitamin và chất khoáng. Trong đó, carbohydrate, lipid, protein là các chất cung cấp năng lượng; còn vitamin và chất khoáng là các chất không cung cấp năng lượng cho cơ thể.

- Ở thực vật: Các chất dinh dưỡng là muối khoáng, được chia thành 2 nhóm lớn: nhóm có tỉ lệ lớn (C, H, O, N, P,…);nhóm có tỉ lệ nhỏ (Fe, Zn, Cu, Mo,…). Trong đó, nhóm có tỉ lệ lớn có vai trò chủ yếu là tham gia cấu tạo nên cơ thể thực vật; còn nhóm có tỉ lệ nhỏ có vai trò chủ yếu là tham gia vào điều hòa quá trình trao đổi chất.

Câu 6: Vận dụng kiến thức đã học, nên tưới nước cho cây trồng như thế nào?

Trả lời:

- Tưới nước hợp lí là đảm bảo sự cân bằng nước trong cây giúp quá trình sinh trưởng, phát triển bình thường của cây → Để đảm bảo việc tưới nước hợp lí, cần tuân thủ nguyên tắc: tưới đúng lúc, đúng lượng và đúng cách.

- Lượng nước hợp lí để tưới cho cây cần dựa vào nhiều yếu tố khác nhau như: loài cây, thời kì sinh trưởng, loại đất trồng và điều kiện thời tiết.

Câu 7: Để xác định được nhu cầu dinh dưỡng của một người, cần dựa vào nhiều yếu tố nào?

Trả lời:

Để xác định được nhu cầu dinh dưỡng của một người, cần dựa vào nhiều yếu tố khác nhau như: độ tuổi, giới tính, trạng thái sinh lí, cường độ hoạt động cơ thể,…

Câu 8: Tại sao một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt sẽ làm giảm quá trình trao đổi chất ở cơ thể?

Trả lời:

- Việc ăn kiêng sẽ làm giảm hàm lượng các chất dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể.

- Thiếu nguyên liệu cho quá trình chuyển hóa các chất.

- Giảm tốc độ quá trình trao đổi chất.

 Câu 9: Vì sao thực vật thủy sinh “ngâm mình” trong nước thời gian dài nhưng không bị thối rữa như thực vật trên cạn?

Trả lời:

- Trong lớp vỏ rễ cây thuỷ sinh đều có những khoang rỗng tương đối lớn giữa các tế bào, thông với nhau thành một hệ thống dẫn khí. Đặc biệt, biểu bì rễ cây là một lớp màng mỏng mờ đục, cho phép lượng oxy ít ỏi hoà tan trong nước thấm qua (thẩm thấu), vào trong rễ. Theo các khoang rỗng giữa các tế bào, oxy được phân tán đi khắp rễ, cung cấp đầy đủ dưỡng khí cho bộ phận này hô hấp.

- Lớp biểu bì của thân thực vật thuỷ sinh cũng có tác dụng như rễ. Lớp cutin (vốn giữ cho khỏi mất nước ở mặt lá) không phát triển hoặc hoàn toàn không có. Tế bào lớp vỏ chứa chất diệp lục có khả năng quang hợp, tự tạo chất hữu cơ. Nhờ có thể hô hấp bình thường, lại có “thức ăn để ăn”, nên thực vật thuỷ sinh có thể sống lâu dài trong nước mà không bị thối rữa.

Câu 10: Nhiệt độ ảnh hưởng như thế nào tới quang hợp?

Trả lời:

Quang hợp của cây diễn ra bình thường ở nhiệt độ môi trường từ 25 – 35oC. Nhiệt độ quá cao (trên 40oC) hoặc quá thấp (dưới 0oC) thì quang hợp của hầu hết các cây sẽ bị giảm hoặc ngừng trệ vì các lục lạp hoạt động kém hoặc bị phá hủy.

Câu 11: Lấy ví dụ về các loại thực phẩm được bảo quản bằng các biện pháp mà em đã được học.

Trả lời:

Ví dụ:

- Bảo quản lạnh: Bảo quản các loại rau, củ trong ngăn mát tủ lạnh, các loại thịt sống được bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh.

- Bảo quản khô: Bảo quản các loại hạt như lúa, ngô, lạc, vừng,…; làm khô cá;…

- Bảo quản trong điều kiện nồng độ carbon dioxide cao: Ví dụ: Bảo quản trái cây trong các túi polyethylene kín có nồng độ carbon dioxide cao.

- Bảo quản trong điều kiện nồng độ oxygen thấp: Nhiều loại thực phẩm được bảo quản bằng cách hút chân không.

Câu 12: Tại sao ở động vật, quá trình trao đổi O2 và CO2 giữa cơ thể và môi trường luôn diễn ra?

Trả lời:

Quá trình trao đổi O2 và CO2 giữa cơ thể và môi trường luôn diễn ra để cung cấp O2 cho các hoạt động sống của tế bào, đồng thời thải CO2 ra ngoài môi trường.

Câu 13: Nêu cách tưới đạm cho cây.

Trả lời:

- Tưới đạm là phương pháp cung cấp đạm mà cây có thể hấp thụ tốt nhất. Để tưới đạm cho cây trồng, cần hòa tan đạm nguyên hạt với nước theo tỉ lệ phù hợp.

- Tỉ lệ hòa tan đảm bảo hiệu quả là 1 kg phân pha 200 lít nước. Cách bón này phù hợp với cây trồng ăn lá, các loại rau ngắn ngày.

- Dựa vào thời tiết, giai đoạn sinh trưởng của cây, và điều kiện đất trồng mà người canh tác chọn loại phân, liều lượng phân đạm thích hợp để bón.

Câu 14: Các lá già sau khi rụng có vai trò gì với cây?

Trả lời:

Sau khi rụng, lá già có vai trò quan trọng trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Dưới tác động của vi khuẩn, nấm mốc và vi sinh vật khác, lá già bị phân hủy thành chất hữu cơ, tạo thành lớp phủ mảng phân trên đất. Quá trình phân hủy này cung cấp chất dinh dưỡng như đạm, kali, và các khoáng chất khác cho cây trồng. Đồng thời, việc phủ lớp phân từ lá già cũng giúp bảo vệ đất khỏi sự xâm nhập của cỏ dại, giữ ẩm và cải tạo đất. Do đó, lá già sau khi rụng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và sự phát triển của cây trồng.

Câu 15: Tại sao chất xơ quan trọng trong việc duy trì sự hấp thụ nước và chất dinh dưỡng trong hệ tiêu hóa của động vật?

Trả lời:

- Giúp duy trì độ ẩm: Chất xơ có khả năng hấp thụ nước, giúp duy trì sự ẩm ướt trong ống tiêu hóa, giúp quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng diễn ra hiệu quả.

- Kích thích co bóp: Chất xơ kích thích ruột co bóp, giúp thức ăn di chuyển qua hệ tiêu hóa một cách hiệu quả hơn.

- Hỗ trợ vi khuẩn có lợi: Chất xơ là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho vi khuẩn có lợi trong ruột, giúp duy trì sự cân bằng vi khuẩn đường ruột cần thiết cho sức khỏe.

- Giúp đào thải độc tố: Chất xơ có khả năng hút và loại bỏ độc tố, sản phẩm cặn từ đường ruột, giúp tăng cường quá trình thanh lọc cơ thể.

- Điều tiết đường huyết: Một số loại chất xơ có khả năng ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ đường huyết, giúp duy trì sự ổn định của đường huyết trong cơ thể.

Câu 16: Em hãy dự đoán những quá trình chuyển hóa năng lượng nào diễn ra khi một con báo đang chạy, biết trong tế bào tồn tại nhiều dạng năng lượng khác nhau như cơ năng, nhiệt năng, hóa năng. Giải thích.

Trả lời:

- Hóa năng – cơ năng: Do quá trình phân giải chất hữu cơ để cung cấp năng lượng cho sự co dãn của các cơ trong cơ thể báo.

- Hóa năng – nhiệt năng: Quá trình trao đổi chất tăng làm nhiệt lượng giải phóng ra môi trường tăng.

Câu 17: Giải thích các tình huống sau:

  1. a) Hô hấp của sinh vật và nhiều hoạt động sống của con người đều thải ra khí carbon dioxide vào không khí, nhưng vì sao tỉ lệ chất khí này trong không khí luôn ở mức ổn định?
  2. b) Năng lượng ánh sáng cho cây quang hợp có thể lấy từ nguồn nào?

Trả lời:

  1. a) Do cây xanh khi quang hợp sẽ hấp thụ khí carbon dioxide nên hàm lượng khí này trong không khí được điều hòa và giữ ở mức ổn định.
  2. b) Năng lượng từ ánh sáng mặt trời, năng lượng từ ánh sáng đèn điện.

Câu 18: Cơ thể con người có thể chuyển hóa năng lượng từ thức ăn như thế nào?

Trả lời:

Khi cơ thể con người tiêu thụ thức ăn, quá trình chuyển hóa năng lượng bắt đầu bằng việc tiêu hóa thức ăn thành các dưỡng chất cơ bản như carbohydrates, protein và chất béo. Các chất này sau đó được hấp thụ qua đường tiêu hóa và chuyển hóa thành năng lượng thông qua quá trình trao đổi chất. Carbohydrates được chuyển hóa thành glucose, protein chuyển hóa thành amino acid, và chất béo chuyển hóa thành acid béo và glycerol. Những hợp chất này sau đó được đưa vào các quá trình phân giải năng lượng như quá trình nhanh ATP để cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể.

Câu 19: Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong quá trình quang hợp có mối quan hệ như thế nào?

Trả lời:

Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong quá trình quang hợp có mối quan hệ chặt chẽ và luôn diễn ra đồng thời với nhau:

- Trong quá trình quang hợp, nước và khí carbon dioxide được chuyển đến lục lạp ở lá cây để tổng hợp thành chất hữu cơ (glucose hoặc tinh bột) và giải phóng khí oxygen.

- Đồng thời, trong quá trình này, năng lượng từ ánh sáng mặt trời (quang năng) được chuyển hóa thành năng lượng hóa học (hóa năng) tích lũy trong các chất hữu cơ.

Câu 20: Hô hấp tế bào diễn ra ở đâu? Viết phương trình hô hấp tế bào.

Trả lời:

- Nơi diễn ra: Ở sinh vật nhân thực, quá trình hô hấp tế bào diễn ra trong ti thể.

- Phương trình hô hấp tế bào:

Glucose + Oxygen → Nước + Carbon dioxide + Năng lượng (ATP + Nhiệt)

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Sinh học 7 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay