Bài tập file word Sinh học 7 kết nối tri thức Ôn tập Chương 7: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 7 (Sinh học) kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 7: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 7 kết nối tri thức.

ÔN TẬP CHƯƠNG 7: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở SINH VẬT

(PHẦN 2 – 20 CÂU)

Câu 1: Nêu vai trò của ánh sáng. Ánh sáng ảnh hưởng như thế nào tới quang hợp? Dựa vào nhu cầu ánh sáng, người ta chia thực vật thành mấy nhóm?

Trả lời:

Vai trò: Ánh sáng cung cấp năng lượng cho cây thực hiện quá trình quang hợp.

- Ảnh hưởng: Khi cường độ ánh sáng tăng thì hiệu quả quang hợp tăng và ngược lại. Nhưng khi ánh sáng quá mạnh sẽ làm giảm hiệu quả quang hợp do cây bị “đốt cháy”.

- Các loài cây khác nhau có nhu cầu về ánh sáng khác nhau. Dựa vào nhu cầu ánh sáng, người ta chia thực vật thành 2 nhóm: Nhóm cây ưa sáng sống ở nơi có ánh sáng mạnh và nhóm cây ưa bóng thường sống nơi bóng râm, dưới bóng các cây khác.

Câu 2: Nguyên liệu và sản phẩm của hô hấp tế bào là gì? Quá trình hít thở của con người có phải là quá trình hô hấp tế bào không?

Trả lời:

Nguyên liệu của hô hấp tế bào là chất hữu cơ và khí oxygen 

Sản phẩm của hô hấp tế bào là carbon dioxide, nước, năng lượng.

Quá trình hít thở của con người được gọi là quá trình hô hấp ngoài. Quá trình này giúp trao đổi O2 và CO2 giữa trong và ngoài cơ thể, hỗ trợ cho quá trình hô hấp tế bào.

Câu 3: Những cây có lá tiêu biến (ví dụ cây xương rồng lá biến đổi thành gai) tiến hành quang hợp như thế nào?

Trả lời:

- Ở thực vật, tất cả các bộ phận chứa diệp lục của cây như thân non, cành non, lá, quả xanh,… đều có khả năng quang hợp. Do đó, lá chỉ là bộ phận chính thực hiện chức năng quang hợp chứ không phải là bộ phận duy nhất có khả năng quang hợp.

- Cây có lá tiêu biến như cây xương rồng thì vẫn có thể quang hợp được bằng thân, thân xương rồng chứa lục lạp (biểu hiện là thân có màu xanh) sẽ thay lá làm nhiệm vụ quang hợp.

Câu 4: Cá heo, cá voi sống trong nước nhưng phải thường xuyên nhô lên mặt nước để thở. Giải thích hiện tượng này.

Trả lời:

Giải thích: vì chúng hô hấp bằng phổi nên phải thường xuyên nhô lên lấy oxy trong không khí thì mới có thể hô hấp bình thường.

Câu 5: Trao đổi khí giữa cơ thể sinh vật với môi trường diễn ra theo cơ chế nào? Nêu mối quan hệ giữa quá trình trao đổi khí và hô hấp tế bào.

Trả lời:

- Trao đổi khí giữa cơ thể sinh vật với môi trường diễn ra theo cơ chế khuếch tán (các phân tử khí di chuyển từ vùng có nồng độ cao sang vùng có nồng độ thấp hơn).

- Quá trình trao đổi khí và hô hấp tế bào có mối quan hệ chặt chẽ, nguyên liệu của quá trình này là sản phẩm của quá trình kia:

+ Quá trình trao đổi khí lấy khí oxygen từ môi trường ngoài cung cấp cho hoạt động hô hấp tế bào.

+ Ngược lại, khí carbon dioxide – sản phẩm của quá trình hô hấp tế bào sẽ được quá trình trao đổi khí để thải ra ngoài môi trường.

Câu 6: Nêu vai trò của chất dinh dưỡng đối với động vật.

Trả lời:

Các chất dinh dưỡng được chia thành 4 nhóm dựa vào bản chất hóa học cơ thể gồm carbohydrate (chất đường bột), lipid (chất béo), protein (chất đạm), vitamin và chất khoáng. Trong đó, carbohydrate, lipid, protein là các chất cung cấp năng lượng; còn vitamin và chất khoáng là các chất không cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Chất dinh dưỡng

Vai trò chính đối với cơ thể

Protein

- Cấu tạo tế bào và cơ thể.

- Giúp các quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng diễn ra thuận lợi hơn.

Carbohydrate

Nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu.

Lipid

- Dự trữ năng lượng.

- Chống mất nhiệt.

- Là dung môi hòa tan một số loại vitamin giúp cơ thể hấp thụ được.

Vitamin và chất khoáng

- Tham gia cấu tạo enzyme, xương, răng,…

- Tham gia các hoạt động trao đổi chất của cơ thể.

 

Câu 7: Độ đóng mở khí khổng phụ thuộc và các yếu tố nào?

Trả lời:

Độ đóng mở của khí khổng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ yếu là hàm lượng nước và ánh sáng.

- Ánh sáng: Khi cây chuyển từ ban đêm sang ban ngày hoặc từ tối ra ngoài sáng, trong tế bào khí khổng xảy ra quá trình phân giải tinh bột thành đường, làm tăng hoạt tính thẩm thấu, tăng sự hút nước → tế bào khí khổng mở ra. Còn khi cây chuyển từ ngoài sáng vào trong tối thì xảy ra quá trình ngược lại, làm giảm sự hút nước của tế bào khí khổng → tế bào khí khổng đóng lại.

- Hàm lượng nước: Trong điều kiện khô hạn hoặc đất bị nhiễm mặn thì tế bào khí khổng ức chế quá trình phân giải tinh bột thành đường và giảm sự hút nước của tế bào → tế bào khí khổng đóng lại.

Câu 8: Nêu một số biện pháp để đảm bảo vệ sinh ăn uống và hình thành các thói quen ăn uống đúng cách.

Trả lời:

- Ăn uống hợp vệ sinh;

- Thiết lập khẩu phần ăn hợp lý;

- Ăn chậm, nhai kỹ; ăn đúng giờ, đúng bữa, hợp khẩu vị;

- Tạo bầu không khí vui vẻ thoải mái khi ăn;

- Sau khi ăn cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý;…

Câu 9: Hệ tiêu hóa và hệ hô hấp đóng vai trò gì trong sự trao đổi chất?

Trả lời:

- Qua hệ tiêu hóa, cơ thể tổng hợp nên những sản phẩm đặc trưng của mình, đồng thời thải bỏ các sản phẩm thừa ra ngoài hậu môn

- Hệ hô hấp lấy oxi từ môi trường ngoài để cung cấp cho các phản ứng sinh hóa trong cơ thể, và thải ra ngoài khí carbonic.

Câu 10: Vận dụng kiến thức về hô hấp tế bào, giải thích hiện tượng con người khi ở trên đỉnh núi cao thường thở nhanh hơn so với khi ở vùng đồng bằng.

Trả lời:

Con người khi ở trên đỉnh núi cao thường thở nhanh hơn so với khi ở vùng đồng bằng vì: Khi ở trên đỉnh núi cao, không khí loãng, nồng độ oxygen thấp hơn so với ở vùng đồng bằng. Vì vậy, để lấy đủ lượng oxygen cần thiết cho hoạt động hô hấp tế bào, con người thường phải thở nhanh hơn so với khi ở vùng đồng bằng.

Câu 11: Nêu vai trò và ảnh hưởng của nước tới quá trình quang hợp.

Trả lời:

- Vai trò: Nước vừa là nguyên liệu của quang hợp, vừa là yếu tố tham vào việc đóng, mở khí khổng, liên quan đến sự trao đổi khí.

- Ảnh hưởng: Khi cây đủ nước, khí khổng mở ra giúp khí carbon dioxide khuếch tán vào trong lá, tăng hiệu quả quang hợp. Khi cây thiếu nước, khí khổng đóng lại làm lượng khí carbon dioxide đi vào lá giảm dẫn đến quang hợp gặp khó khăn.

Câu 12: Nêu đặc điểm và vai trò của hô hấp tế bào.

Trả lời:

- Đặc điểm: Hô hấp tế bào xảy ra ở hầu hết các tế bào trong cơ thể. Cường độ của quá trình hô hấp tế bào diễn ra mạnh hay yếu tùy thuộc vào nhu cầu năng lượng của cơ thể.

- Vai trò:

+ Hô hấp tế bào phân giải năng lượng khó sử dụng tích lũy trong các hợp chất hữu cơ thành năng lượng dễ sử dụng trong ATP để cung cấp cho các hoạt động sống của tế bào và cơ thể.

+ Hô hấp tế bào cũng tạo ra nhiều sản phẩm trung gian cho quá trình tổng hợp các chất đặc trưng của cơ thể.

+ Ngoài năng lượng ATP, hô hấp tế bào cũng sinh ra nhiệt giúp cơ thể duy trì sự sống.

Câu 13: Quang hợp có vai trò gì trong chu trình carbon và quá trình sinh tồn của thực vật?

Trả lời:

- Hấp thụ CO2: Quang hợp cho phép thực vật hấp thụ khí CO2 từ không khí và sử dụng nó để sản xuất glucose và các chất hữu cơ khác thông qua quá trình quang hợp.

- Tạo năng lượng: Quang hợp chuyển đổi năng lượng ánh sáng thành năng lượng hóa học, cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho các quá trình sinh tồn và phát triển của thực vật.

- Cung cấp chất dinh dưỡng: Qua quá trình quang hợp, thực vật sản xuất glucose và các hợp chất hữu cơ khác, cung cấp nguồn dinh dưỡng cho chính nó và cũng là nguồn dinh dưỡng cho các sinh vật ăn thực vật.

- Thải oxygen: Quang hợp cũng giúp thực vật thải ra khí oxy thông qua quá trình quang hợp, làm phong phú khí quyển và cung cấp nguồn oxy cần thiết cho sự sống của các sinh vật khác.

Câu 14: Biện pháp bảo quản khô dựa trên cơ sở khoa học nào và được áp dụng cho các loại nông sản nào?

Trả lời:

- Cơ sở khoa học: Trong điều kiện thiếu nước, cường độ hô hấp tế bào giảm.

- Loại nông sản được áp dụng: các loại hạt. Các hạt cần được phơi khô hoặc sấy đến khi độ ẩm còn khoảng 13% - 16% tùy loại hạt.

Câu 15: Thuỷ tức và giun đất trao đổi khí với môi trường sống như thế nào? Tại sao phải giữ cho môi trường nuôi luôn ẩm ướt khi nuôi ếch và giun đất?

Trả lời:

- Ở thuỷ tức và giun đất: Khí O2 và CO2 khuếch tán qua toàn bộ bề mặt cơ thể.

- Vì ếch và giun đất chủ yếu hô hấp qua da. Da ếch và giun đất cần ẩm để thực hiện khuếch tán không khí dễ dàng, nếu môi trường không đủ ẩm, da ếch và giun đất bị khô, chúng không thực hiện được quá trình trao đổi khí và sẽ chết.

Câu 16: Cây thiếu nitrogen có biểu hiện như thế nào?

Trả lời:

Đạm là chất dinh dưỡng quan trọng của cây trồng, giúp thúc đẩy sự phát triển của rễ, cành, thân, lá cây. Khi thiếu đạm, cây sẽ có các biểu hiện như:

- Thân và cành còi cọc, sinh trưởng kém, ít đẻ nhánh, phân cành.

- Lá mỏng, màu nhạt, bị chuyển sang màu vàng và rụng sớm.

Câu 17: Khi bón phân cho cây trồng, cần chú ý nguyên tắc nào?

Trả lời:

Nguyên tắc bón phân hợp lí cho cây trồng:

- Bón phân cân đối

- Đúng lúc, đúng liều lượng

- Đúng thời tiết, mùa vụ

- Đúng loại phân

- Đúng đối tượng

- Đúng cách

Câu 18: Kể tên một số bệnh do chế độ dinh dưỡng không lành mạnh và nêu tác hại của bệnh đó.

Trả lời:

- Suy dinh dưỡng: khiến tất cả các cơ quan giảm phát triển, thứ nhất là hệ cơ xương, ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao và tầm vóc của trẻ. Thứ hai là giảm phát triển trí não, chậm chạp, giảm học hỏi, tiếp thu, giao tiếp xã hội kém và khả năng làm việc thấp hơn khi trưởng thành.

- Béo phì: dễ mắc sỏi mật, chức năng gan suy giảm, ruột nhiễm mỡ. Chất béo dư thừa có thể gây hại hoặc khiến các mô sẹo phát triển dẫn đến xơ gan. Lượng mỡ tích tụ nhiều gây bệnh gan nhiễm mỡ. Bệnh thường không có triệu chứng, lâu dần dẫn đến suy gan.

- Tiểu đường (đái tháo đường) nếu không kiểm soát tốt đường huyết sẽ gây nhiều biến chứng tiểu đường nguy hiểm như: suy thận, suy tim, tổn thương võng mạc, nhiễm toan ceton, cắt bỏ bàn chân,…

- Tăng huyết áp: khiến tim làm việc nặng nề, mệt mỏi, áp lực tác động lên thành mạch máu lớn, làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa mắt...

Câu 19: Bạn An đã làm thí nghiệm như sau:

Thí nghiệm 1: Chọn 20 hạt lạc đã được cất làm giống cách đây 3 tháng, ngâm nước và ủ cho hạt nảy mầm.

Thí nghiệm 2: Lấy 20 hạt lạc ở thùng khác, đã được cất làm giống cách đây 1 năm, ngâm nước và ủ cho hạt nảy mầm. Biết rằng điều kiện nhiệt độ, nồng độ khí oxygen và carbon dioxide, độ ẩm đều giống nhau ở cả hai thí nghiệm; lạc ở hai thí nghiệm cùng giống và thời điểm thu hoạch như nhau.

Em hãy cho biết:

  1. a) Bạn An làm thí nghiệm trên nhằm mục đích gì?
  2. b) Em hãy dự đoán kết quả thí nghiệm và giải thích dự đoán của em.
  3. c) Từ thí nghiệm trên, em rút ra kết luận gì?

Trả lời:

  1. a) Mục đích thí nghiệm: chứng minh thời gian bảo quản hạt có ảnh hưởng tới hô hấp thể hiện qua tỷlệ nảy mầm của hạt giống.
  2. b) Dự đoán kết quả: thí nghiệm 1 có số hạt nảy mầm nhiều hơn thí nghiệm 2. Hạt phơi khô làm giống nhưng trong hạt vẫn xảy ra quá trình hô hấp, phân giải các chất dự trữ. Do đó, hạt bảo quản lâu sẽ giảm khả năng nảy mầm.
  3. c) Ngoài các yếu tố như nhiệt độ, oxygen, carbon dioxide, độ ẩm của môi trường thì khả năng nảy mầm của hạt còn phụ thuộc vào thời gian bảo quản hạt giống.

Câu 20: Giải thích tại sao khi sưởi ấm bằng than hoặc củi trong phòng kín, người trong phòng có thể bị ngất hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Em hãy đề xuất biện pháp giúp hạn chế nguy hiểm trong trường hợp sưởi ấm bằng than hoặc củi.

Trả lời:

Khi sưởi ấm bằng cách đốt than, củi trong phòng kín, lượng khí O2 trong phòng tiêu hao dần, đồng thời sinh ra khí CO và CO2 trong quá trình cháy. Khi hít vào cơ thể, CO và CO2 sẽ thay thế O2 liên kết với tế bào hồng cầu dẫn đến tình trạng cơ thể thiếu O2 gây nguy hiểm đến tính mạng. Để hạn chế nguy hiểm trong trường hợp sưởi ấm bằng than, củi, nên mở cửa để khí lưu thông, không đốt than, củi khi ngủ.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Sinh học 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay