Câu hỏi tự luận Sinh học 7 kết nối tri thức Bài 30: Trao đổi nước và chất dinh dưỡng ở thực vật

Bộ câu hỏi tự luận Sinh học 7 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 30: Trao đổi nước và chất dinh dưỡng ở thực vật. Cấu trúc tuần tự trong thuật toán. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 7 kết nối tri thức.

Xem: => Giáo án sinh học 7 kết nối tri thức (bản word)

CHƯƠNG VII: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở SINH VẬT

BÀI 30 - TRAO ĐỔI NƯỚC VÀ CHẤT DINH DƯỠNG Ở THỰC VẬT

I. NHẬN BIẾT (7 câu)

Câu 1: Nước và chất khoáng được thực vật hấp thụ chủ yếu nhờ cơ quan nào?

Trả lời:

Ở đa số thực vật, sự hấp thụ nước và chất khoáng diễn ra chủ yếu ở các tế bào lông hút ở rễ → Sự phát triển của bộ rễ ảnh hưởng lớn đến quá trình hấp thụ nước và muối khoáng của cây.

Câu 2: Trình bày con đường nước và chất khoáng từ đất đi vào mạch gỗ của cây.

Trả lời:

Con đường nước và chất khoáng từ đất đi vào mạch gỗ của cây: Nước và chất khoáng hòa tan trong đất được lông hút hấp thụ sẽ được vận chuyển đi qua các tế bào vỏ rễ rồi vào mạch gỗ của cây đi đến các bộ phận khác (dòng đi lên).

 

Câu 3: Sự vận chuyển các chất trong cây được thực hiện thông qua hệ thống nào?

Trả lời:

Sự vận chuyển các chất trong cây được thực hiện thông qua hệ thống mạch gỗ và mạch rây:

Loại mạch

Hướng vận chuyển chủ yếu

Chất được vận chuyển

Nguồn gốc của chất được vận chuyển

Mạch gỗ

Từ rễ lên thân và lá cây (dòng đi lên).

Chủ yếu là nước và chất khoáng hòa tan.

Từ môi trường bên ngoài được hấp thụ vào rễ.

Mạch rây

Từ lá cây đến các cơ quan cần sử dụng hoặc cơ quan dự trữ của cây như hạt, củ, quả (dòng đi xuống).

Chủ yếu là chất hữu cơ (đường).

Được tổng hợp từ quá trình quang hợp của cây.

 

Câu 4: Thoát hơi nước diễn ra chủ yếu ở đâu có vai trò gì ở cây?

Trả lời:

  • Thoát hơi nước diễn ra chủ yếu qua khí khổng ở lá.
  • Thoát hơi nước có vai trò quan trọng đối với cây:
  • Tạo động lực đầu trên của dòng đi lên, đóng vai trò như lực kéo giúp vận chuyển dòng nước và các chất khoáng từ rễ lên lá và đến các bộ phận khác của cây trên mặt đất.
  • Khí khổng mở rộng trong quá trình thoát hơi nước tạo điều kiện cho khí CO2 đi vào bên trong tế bào lá, cung cấp nguyên liệu cho quá trình quang hợp và giải phóng O2 ra ngoài không khí.
  • Hơi nước thoát ra ngoài mang theo một lượng nhiệt nhất định giúp hạ nhiệt độ của lá, bảo vệ lá cây vào những ngày nắng nóng, đảm bảo cho các quá trình sinh lí diễn ra bình thường.

 

Câu 5: Trình bày cơ chế điều chỉnh sự thoát hơi nước.

Trả lời:

Cơ chế điều chỉnh sự thoát hơi nước chính là cơ chế điều tiết độ đóng mở của khí khổng:

  • Khi cây đủ nước, tế bào khí khổng trương nước, căng ra, làm khí khổng mở rộng khiến hơi nước thoát ra ngoài nhiều.
  • Khi tế bào khí khổng thiếu nước sẽ xẹp xuống, khí khổng khép bớt lại khiến hàm lượng hơi nước thoát ra ngoài giảm đi.

 

Câu 6: Độ đóng mở khí khổng phụ thuộc và các yếu tố nào?

Trả lời:

Độ đóng mở của khí khổng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ yếu là hàm lượng nước và ánh sáng.

  • Ánh sáng: Khi cây chuyển từ ban đêm sang ban ngày hoặc từ tối ra ngoài sáng, trong tế bào khí khổng xảy ra quá trình phân giải tinh bột thành đường, làm tăng hoạt tính thẩm thấu, tăng sự hút nước → tế bào khí khổng mở ra. Còn khi cây chuyển từ ngoài sáng vào trong tối thì xảy ra quá trình ngược lại, làm giảm sự hút nước của tế bào khí khổng → tế bào khí khổng đóng lại.
  • Hàm lượng nước: Trong điều kiện khô hạn hoặc đất bị nhiễm mặn thì tế bào khí khổng ức chế quá trình phân giải tinh bột thành đường và giảm sự hút nước của tế bào → tế bào khí khổng đóng lại.

 

Câu 7: Nêu một số yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến trao đổi nước và chất dinh dưỡng ở thực vật.

Trả lời:

  • Khả năng hấp thụ nước và chất khoáng của rễ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như các đặc điểm của đất (độ ẩm đất, hàm lượng khí O2 trong đất,…), ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm không khí,…
  • Độ ẩm đất: Cây chỉ hút được các chất khoáng khi chúng được hòa tan trong nước, vì vậy, độ ẩm của đất thích hợp sẽ tăng cường khả năng hấp thụ nước và các chất dinh dưỡng của cây.
  • Hàm lượng khí O2 trong đất: Đất tơi xốp, thoáng khí sẽ giúp rễ hoạt động tốt tạo thuận lợi cho quá trình hút nước và chất dinh dưỡng của cây.
  • Ánh sáng: Ánh sáng chủ yếu ảnh hưởng đến quá trình thoát hơi nước ở lá – động lực đầu trên của quá trình vận chuyển nước và muối khoáng với vai trò là tác nhân gây mở khí khổng.
  • Nhiệt độ: Nhiệt độ ảnh hưởng đến sự hấp thụ nước ở rễ, vận chuyển nước trong thân và thoát hơi nước ở lá.
  • Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí liên quan chặt chẽ đến quá trình thoát hơi nước ở lá, độ ẩm không khí càng thấp thì thoát hơi nước càng mạnh.

 

II. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Căn cứ vào đâu để có chế độ chăm sóc cây hợp lý?

Trả lời:

Cần căn cứ vào nhu cầu của từng loài, từng giai đoạn phát triển của cây về nước, ánh sáng, chất dinh dưỡng,… và điều kiện thời tiết để có chế độ tưới nước, bón phân hợp lí nhằm để cây sinh trưởng và phát triển tốt, thu được năng suất cao.

Câu 2: Lấy ví dụ vận dụng hiểu biết về trao đổi chất và dinh dưỡng ở thực vật vào thực tiễn.

Trả lời:

Ví dụ: Những loại rau ăn thân, lá như rau cải, rau muống,… cần bổ sung nhiều nitrogen (N); những ngày hanh khô, có gió mạnh cần phải bổ sung nhiều nước cho cây;…

Câu 3: Khi tưới nước cho cây trồng, cần chú ý nguyên tắc nào?

Trả lời:

Nguyên tắc của việc tưới nước hợp lí cho cây trồng là tưới khi cây cần nước, tưới với lượng vừa đủ và tưới đúng cách.

 

Câu 4: Khi bón phân cho cây trồng, cần chú ý nguyên tắc nào?

Trả lời:

Nguyên tắc bón phân hợp lí cho cây trồng:

  • Bón phân cân đối
  • Đúng lúc, đúng liều lượng
  • Đúng thời tiết, mùa vụ
  • Đúng loại phân
  • Đúng đối tượng
  • Đúng cách

III. VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Khi bón quá nhiều phân đạm cho một số loại cây ngũ cốc thì xảy ra hiện tượng gì? Vì sao?

Trả lời:

  • Ở mức độ nhẹ, cây sẽ không có độ cứng cáp, thân cây yếu và rễ cây thối nhũn, đổ gãy. Do cây phát triển nhanh hơn khiến thân cây yếu.
  • Ở mức độ nặng, cây có thể bị ngộ độc đạm và khả năng sống thấp, cây dễ bị bệnh hơn. Do hàm lượng phân đạm nhiều sẽ giết chết các vi sinh vật có lợi để bảo vệ đất trồng khỏi bệnh tật, khiến cây dễ mắc bệnh.

 

Câu 2: Thực vật có thể sử dụng trực tiếp nitrogen tự do có trong không khí hay không? Vì sao?

Trả lời:

Thực vật không thể sử dụng trực tiếp nitrogen trong không khí. Vì nitrogen trong không khí tồn tại dưới dạng nitrogen phân tử N2, có liên kết ba rất chặt chẽ, nên thực vật không thể hấp thụ được.

Câu 3: Khi bón quá ít hoặc quá nhiều phân bón sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đất và cây trồng?

Trả lời:

Trong giới hạn nhất định, lượng phân bón cung cấp tỉ lệ thuận với năng suất cây trồng.

  • Nếu bón phân với quá ít, triệu chứng thiếu khoáng sẽ xuất hiện, cây còi cọc, chậm lớn, làm giảm năng suất cây trồng.
  • Nếu bón phân quá nhiều sẽ dẫn đến dư thừa và gây độc cho cây.

Câu 4: Các chất dự trữ trong củ sẽ được vận chuyển lên các cơ quan phía trên trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển nào của thực vật?

Trả lời:

Chất dự trữ trong củ sẽ được vận chuyển lên các cơ quan phía trên khi cơ quan nguồn như lá bị tổn thương, quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng bị kém đi, quá trình trao đổi chất giảm.

IV. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Tại sao khi ngập úng kéo dài thì cây dễ bị chết?

Trả lời:

  • Khi đất bị ngập nước, oxy trong không khí không thể khuếch tán vào đất, rễ cây không thể lấy oxy để thực hiện quá trình hô hấp.
  • Nếu quá trình ngập úng kéo dài ® thiếu oxy ® cản trở quá trình hô hấp của rễ ® hiện tượng hô hấp kị khí sinh ra các chất độc hại tích lũy ở tế bào
  • Rễ không hút được nước, trong khi quá trình thoát hơi nước vẫn diễn ra bình thường, nên cây bị héo và chết.

Câu 2: Tại sao nhu cầu nước và chất dinh dưỡng khác nhau trong các giai đoạn phát triển của thực vật?

Trả lời:

  • Nhu cầu về nước và chất dinh dưỡng của thực vật thay đổi theo từng giai đoạn phát triển vì mỗi giai đoạn đều đòi hỏi sự tiêu thụ và sử dụng các nguyên liệu khác nhau để hỗ trợ quá trình sinh trưởng và phát triển.
  • Trong giai đoạn mọc mầm và cây non, nhu cầu về nước tăng lên do sự tiêu tốn lớn trong quá trình sinh tổng hợp và phát triển của cây. Cũng trong giai đoạn này, chất dinh dưỡng như nitrogen, phosphorus và potassium cũng cần thiết để tạo ra protein, ADP và ATP cho các hoạt động sống.
  • Khi cây bắt đầu ra hoa và phát triển trái, lượng nước tiêu thụ có thể giảm đi, nhưng nhu cầu chất dinh dưỡng tăng lên mạnh mẽ để hỗ trợ quá trình ra hoa kết trái, cùng với tạo ra hạt giống và dự trữ chất dinh dưỡng cho giai đoạn sau này.
  • Sau đó, khi cây đạt đến giai đoạn quả chín và rụng, nước và chất dinh dưỡng tiếp tục được sử dụng để hoàn thiện quá trình chín và quá trình tạo và phát triển hạt giống cho thế hệ sau.

 

=> Giáo án KHTN 7 kết nối bài 30: Trao đổi nước và chất dinh dưỡng ở thực vật

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Sinh học 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay