Bài tập file word Sinh học 7 kết nối tri thức Ôn tập Chương 7: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P3)

Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 7 (Sinh học) kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 7: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P3). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 7 kết nối tri thức.

ÔN TẬP CHƯƠNG 7: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở SINH VẬT

(PHẦN 3 – 20 CÂU)

Câu 1: Trình bày khái niệm hô hấp tế bào. Hô hấp tế bào diễn ra ở đâu? Viết phương trình hô hấp tế bào.

Trả lời:

- Hô hấp tế bào là quá trình phân giải chất hữu cơ tạo thành nước và carbon dioxide, đồng thời giải phóng ra năng lượng.

- Nơi diễn ra: Ở sinh vật nhân thực, hô hấp tế bào xảy ra ở ti thể. 

- Phương trình hô hấp tế bào:

Chất hữu cơ + Oxygen → Carbon dioxide + Nước + Năng lượng (nhiệt + ATP)

Nguồn cung cấp glucose cho hô hấp tế bào: Ở đa số thực vật, glucose được tổng hợp từ quá trình quang hợp. Ở động vật, tế bào lấy glucose từ quá trình phân giải thức ăn.

Câu 2: Trình bày mối quan hệ giữa trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong quang hợp.

Trả lời:

Trong quang hợp, trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng luôn diễn ra đồng thời:

- Nước và carbon dioxide được lấy từ môi trường ngoài để tổng hợp thành chất hữu cơ và giải phóng ra khí oxygen.

- Đồng thời, trong quá trình này, năng lượng từ ánh sáng mặt trời (quang năng) được chuyển hóa thành năng lượng hóa học (hóa năng) tích lũy trong các chất hữu cơ.

Câu 3: Nêu mối quan hệ giữa hô hấp tế bào và vấn đề bảo quản nông sản.

Trả lời:

Mối quan hệ giữa hô hấp tế bào và vấn đề bảo quản nông sản: Hô hấp tế bào phân giải chất hữu cơ của tế bào, làm giảm chất lượng, số lượng của nông sản. Tuy nhiên, nếu ngừng hô hấp thì các tế bào chết dẫn đến nông sản bị hỏng. Do đó, để bảo quản nông sản, cần khống chế hô hấp tế bào ở mức tối thiểu bằng cách điều chỉnh các yếu tố môi trường như nước, nhiệt độ, nồng độ khí carbon dioxide,…

Câu 4: Thực vật trao đổi khí với môi trường nhờ cơ quan nào? Nêu cấu tạo và chức năng của cơ quan đó.

Trả lời:

- Thực vật trao đổi khí với môi trường chủ yếu qua khí khổng ở lá cây.

- Cấu tạo khí khổng:

+ Mỗi khí khổng gồm 2 tế bào hình hạt đậu nằm áp sát vào nhau, tạo nên khe khí khổng.

+ Mỗi tế bào khí khổng có thành ngoài mỏng, thành trong dày. Các tế bào hình hạt đậu đều chứa nhiều lục lạp.

- Chức năng trao đổi khí của khí khổng ở lá cây:

+ Trong quang hợp (diễn ra khi có ánh sáng): Khí khổng mở để khí CO2 khuếch tán từ môi trường bên ngoài vào lá, khí O2 khuếch tán từ trong lá ra môi trường bên ngoài.

+ Trong hô hấp (diễn ra cả ngày đêm): Khí khổng mở để khí O2 khuếch tán từ môi trường ngoài vào lá và khí CO2 khuếch tán từ lá ra môi trường ngoài.

+ Quá trình trao đổi khí phụ thuộc vào độ đóng mở của khí khổng: Khí khổng mở khi có ánh sáng và được cung cấp đủ nước. Độ mở của khí khổng tăng từ sáng đến trưa rồi giảm dần và nhỏ nhất ở chiều tối.

Câu 5: Chất dinh dưỡng là gì? Nêu vai trò của chất dinh dưỡng đối với thực vật.

Trả lời:

- Chất dinh dưỡng là các chất hóa học được cơ thể sinh vật hấp thụ từ môi trường bên ngoài (thức ăn, phân bón,…), có vai trò cung cấp nguyên liệu và năng lượng cho các quá trình sống của cơ thể.

- Các chất dinh dưỡng đối với thực vật được chia thành 2 nhóm lớn:

+ Nhóm có tỉ lệ lớn (C, H, O, N, P,…) có vai trò chủ yếu là tham gia cấu tạo nên cơ thể thực vật. Trong đó, N góp phần quan trọng cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng vì N là nguyên tố cần thiết để thực vật tổng hợp protein và diệp lục.

+ Nhóm có tỉ lệ nhỏ (Cu, Mo, B,…) có vai trò chủ yếu là tham gia vào điều tiết quá trình trao đổi chất.

Câu 6: Thoát hơi nước diễn ra chủ yếu ở đâu có vai trò gì ở cây?

Trả lời:

- Thoát hơi nước diễn ra chủ yếu qua khí khổng ở lá.

- Thoát hơi nước có vai trò quan trọng đối với cây:

+ Tạo động lực đầu trên của dòng đi lên, đóng vai trò như lực kéo giúp vận chuyển dòng nước và các chất khoáng từ rễ lên lá và đến các bộ phận khác của cây trên mặt đất.

+ Khí khổng mở rộng trong quá trình thoát hơi nước tạo điều kiện cho khí CO2 đi vào bên trong tế bào lá, cung cấp nguyên liệu cho quá trình quang hợp và giải phóng O2 ra ngoài không khí.

+ Hơi nước thoát ra ngoài mang theo một lượng nhiệt nhất định giúp hạ nhiệt độ của lá, bảo vệ lá cây vào những ngày nắng nóng, đảm bảo cho các quá trình sinh lí diễn ra bình thường.

Câu 7: Khi nào hoạt động tiêu hóa và hấp thụ bị kém hiệu quả?

Trả lời:

Hoạt động tiêu hóa và hấp thụ có thể kém hiệu quả do ăn uống không đúng cách như ăn vội vàng, nhai không kỹ, ăn không đúng giờ, khẩu phần ăn không hợp lý,…

Câu 8: Nói “Chuyển hóa vật chất và năng lượng là đặc trưng cơ bản của sự sống” là đúng hay sai? Vì sao?

Trả lời:

Nói “Chuyển hóa vật chất và năng lượng là đặc trưng cơ bản của sự sống” là đúng vì mọi hoạt động sống của cơ thể đều cần năng lượng, mà năng lượng giải phóng từ quá trình chuyển hóa. Nếu không có chuyển hóa thì không có hoạt động sống.

Câu 9: Nêu vai trò và ảnh hưởng của nhiệt độ tới quá trình quang hợp.

Trả lời:

- Nhiệt độ thuận lợi nhất cho hầu hết các loài cây quang hợp là từ 25oC đến 35oC

- Nhiệt độ giảm xuống quá thấp hoặc tăng lên quá cao sẽ làm quá trình quang hợp giảm hoặc ngừng lại. Nhiệt độ thấp nhất hoặc cao nhất mà cây có thể quang hợp khác nhau ở các loài.

Câu 10: Tại sao khi ở trong phòng kín đông người một thời gian thì nhịp hô hấp của cơ thể thường tăng? Em hãy đề xuất biện pháp để quá trình trao đổi khí ở người diễn ra thuận lợi khi ở trong phòng đông người, phòng ngủ, lớp học,...

Trả lời:

- Trong phòng kín đông người, lượng CO2 ngày càng tăng còn O2 ngày càng giảm do quá trình trao đổi khí của cơ thể dẫn đến không khí hít vào thiếu O2 vì vậy nhịp hô hấp tăng để lấy đủ O2 cho cơ thể.

- Để quá trình trao đổi khí ở người diễn ra thuận lợi, trong các phòng đông người, cần đảm bảo thông thoáng khí bằng các biện pháp như mở cửa hoặc lắp quạt thông gió,....

Câu 11: Để duy trì hoạt động sống, sinh vật cần có năng lượng. Năng lượng đo được tạo ra từ quá trình nào? Hô hấp tế bào có vai trò gì?

Trả lời:

- Năng lượng dùng cho các hoạt động sống của sinh vật được tạo ra nhờ quá trình hô hấp tế bào.

- Vai trò:

+ Hô hấp tế bào giúp phân giải chất hữu cơ, giải phóng năng lượng ATP cung cấp cho các hoạt động sống của tế bào và cơ thể sinh vật.

+ Hô hấp tế bào tạo ra nhiệt năng giúp cơ thể duy trì được thân nhiệt ổn định.

Câu 12: Tại sao không nên trồng cây với mật độ quá dày?

Trả lời:

Trồng cây mật độ quá dày làm cho cây không thể phát triển bộ rễ, ánh sáng và không khí nhận được không phân bố đều làm ảnh hưởng đến quá trình quang hợp khiến năng suất không được cao.

Câu 13: Nước có vai trò và ảnh hưởng như thế nào đến hô hấp tế bào?

Trả lời:

- Vai trò: Nước vừa là dung môi vừa là môi trường cho các phản ứng hô hấp xảy ra, do đó, hàm lượng nước là yếu tố liên quan trực tiếp đến hô hấp của tế bào.

- Ảnh hưởng: Cường độ hô hấp tỉ lệ thuận với hàm lượng nước trong tế bào.

Câu 14: Trình bày khái niệm trao đổi khí ở sinh vật. Quá trình trao đổi khí ở động vật và thực vật thực hiện qua quá trình nào?

Trả lời:

- Trao đổi khí là quá trình sinh vật lấy O2 hoặc COtừ môi trường vào cơ thể, đồng thời thải ra môi trường khí CO2 hoặc O2.

- Quá trình trao đổi khí ở động vật thực hiện thông qua quá trình hô hấp: Các chất khí khuếch tán ra vào cơ thể thông qua bề mặt trao đổi khí.

- Quá trình trao đổi khí ở thực vật thực hiện ở quá trình quang hợp và hô hấp: Các chất khí khuếch tán ra vào lá thông qua khí khổng của lá.

Câu 15: Nêu vai trò của nước đối với sinh vật.

Trả lời:

Nước có vai trò quan trọng đối với sự sống của sinh vật trên Trái Đất:

+ Là thành phần chủ yếu tham gia cấu tạo nên tế bào và cơ thể sinh vật: Ở người, nước chiếm khoảng 70% khối lượng cơ thể. Một số loài thực vật và động vật sống dưới nước thì nước có thể chiếm đến hơn 90 % khối lượng cơ thể.

+ Là nguyên liệu và môi trường của nhiều quá trình sống trong cơ thể như quá trình quang hợp, tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng,…

+ Góp phần vận chuyển các chất dinh dưỡng trong cơ thể.

+ Góp phần điều hòa nhiệt độ cơ thể.

+ Nếu cơ thể bị thiếu nước, các quá trình sống cơ bản sẽ bị rối loạn và có thể bị chết.

Câu 16: Tại sao nhu cầu nước và chất dinh dưỡng khác nhau trong các giai đoạn phát triển của thực vật?

Trả lời:

- Nhu cầu về nước và chất dinh dưỡng của thực vật thay đổi theo từng giai đoạn phát triển vì mỗi giai đoạn đều đòi hỏi sự tiêu thụ và sử dụng các nguyên liệu khác nhau để hỗ trợ quá trình sinh trưởng và phát triển.

- Trong giai đoạn mọc mầm và cây non, nhu cầu về nước tăng lên do sự tiêu tốn lớn trong quá trình sinh tổng hợp và phát triển của cây. Cũng trong giai đoạn này, chất dinh dưỡng như nitrogen, phosphorus và potassium cũng cần thiết để tạo ra protein, ADP và ATP cho các hoạt động sống.

- Khi cây bắt đầu ra hoa và phát triển trái, lượng nước tiêu thụ có thể giảm đi, nhưng nhu cầu chất dinh dưỡng tăng lên mạnh mẽ để hỗ trợ quá trình ra hoa kết trái, cùng với tạo ra hạt giống và dự trữ chất dinh dưỡng cho giai đoạn sau này.

Sau đó, khi cây đạt đến giai đoạn quả chín và rụng, nước và chất dinh dưỡng tiếp tục được sử dụng để hoàn thiện quá trình chín và quá trình tạo và phát triển hạt giống cho thế hệ sau.

Câu 17: Nhu cầu trao đổi nước ở người và động vật gồm mấy giai đoạn?

Trả lời:

Con đường trao đổi nước ở động vật và người gồm 3 giai đoạn: lấy vào, sử dụng, thải ra.

+ Lấy vào: Đa số động vật và người lấy nước vào cơ thể qua thức ăn và nước uống. Sau khi được lấy vào cơ thể, nước được hấp thụ trực tiếp ở các bộ phận thuộc ống tiêu hóa (chủ yếu là ruột già) vào máu rồi vận chuyển tới các tế bào và các cơ quan trong cơ thể.

+ Sử dụng: Ở tế bào và các cơ quan trong cơ thể, nước được sử dụng trong trao đổi chất và các hoạt động sống.

+ Thải ra: Một lượng nước từ trong cơ thể sẽ được thải ra ngoài chủ yếu qua nước tiểu và mồ hôi.

Câu 18: Trong cơ thể người, chất hữu cơ được phân giải để giải phóng năng lượng có nguồn gốc từ sự trao đổi chất ở hệ cơ quan nào?

Trả lời:

Con người là sinh vật dị dưỡng. Cơ thể lấy thức ăn từ môi trường thông qua hệ tiêu hóa – đây chính là nguồn cung cấp chất hữu cơ cho cơ thể. Như vậy, trong cơ thể người, chất hữu cơ được phân giải để giải phóng năng lượng có nguồn gốc từ sự trao đổi chất ở hệ tiêu hóa.

Câu 19: Em hãy giải thích vì sao cây bị héo khi thiếu nước?

Trả lời:

Tế bào thực vật chứa khoảng 70% là nước, ở thực vật thuỷ sinh, tỉ lệ này có thể lên đến 90%. Tế bào thực vật khi có đủ nước sẽ cứng và chắc. Ngược lại, khi thiếu nước, tế bào sẽ không duy trì được hình dạng, mất sức trương nước dẫn đến hiện tượng cây bị héo.

Câu 20: Ở người, iodine là thành phần cấu tạo của hormone tuyến giáp, nếu chế độ ăn thiếu iodine sẽ có nguy cơ bị bệnh bướu cổ (tuyến giáp bị phì đại). Em hãy tìm hiểu và nêu một số loại thức ăn nên có trong bữa ăn hằng ngày để phòng tránh bệnh bướu cổ.

Trả lời:

Để phòng tránh bệnh bướu cổ, nên bổ sung các loại thức ăn có chứa iodine trong bữa ăn hằng ngày như trứng gà, rau cần, tảo bẹ, cá biển,... Ngoài ra, muối iodine hay muối biển cũng là nguồn cung cấp iodine.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Sinh học 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay