Câu hỏi tự luận Công nghệ 7 cánh diều Ôn tập Chủ đề 2: Chăn nuôi và thuỷ sản (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Công nghệ 7 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 2: Chăn nuôi và thuỷ sản (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Công nghệ 7 cánh diều.

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 2: CHĂN NUÔI VÀ THỦY SẢN
(PHẦN 2 – 20 CÂU)

Câu 1: Nêu vai trò của nuôi dưỡng và chăm sóc vật nuôi?

Trả lời:

- Vật nuôi khỏe mạnh có sức đề kháng tốt chống lại bệnh tật.

- Vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

- Vật nuôi sinh sản có khả năng sinh sản tốt cho ra số lượng con nhiều và chất lượng đàn con tốt.

Câu 2: Nêu vai trò phòng, trị bệnh cho vật nuôi? Nêu vai trò của vệ sinh trong chăn nuôi? Nêu những yêu cầu của vệ sinh trong chăn nuôi? Chất thải trong chăn nuôi là gì?

Trả lời:

- Phòng, trị bệnh cho vật nuôi là một trong những hoạt động quan trọng trong chăn nuôi. Phòng, trị bệnh hiệu quả sẽ đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững; cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.

- Vệ sinh trong chăn nuôi giúp phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ vật nuôi, nâng cao năng suất chăn nuôi và bảo vệ môi trường.

- Vệ sinh trong chăn nuôi gồm: vệ sinh chuồng và dụng cụ; vệ sinh thức ăn, nước uống; vệ sinh thân thể vật nuôi; quản lý chất thải giúp cho việc phòng bệnh và bảo vệ môi trường.

- Chất thải trong chăn nuôi bao gồm phân, nước tiểu, thức ăn thừa, xác vật nuôi và các loại rác thải khác như túi nylon, chai lọ,...

Câu 3: Trình bày những biện pháp để bảo vệ rừng?

Trả lời:

Để bảo vệ rừng, cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Một số biện pháp bảo vệ rừng cần chú trọng là:

- Cá nhân, tổ chức kinh doanh rừng, đất rừng phải được Nhà nước cho phép theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức định canh, định cư cho người dân, phòng chống cháy rừng, quản lý chăn thả vật nuôi.

- Nâng cao nhận thức, năng lực thực thi pháp luật bảo vệ rừng.

- Nghiêm cấm và ngăn chặn mọi hành vi phá hoại tài nguyên rừng, đất rừng.

Câu 4: Phân biệt các phương thức chăn nuôi phổ biến ở Việt Nam?

Trả lời:

- Nuôi chăn thả tự do: vật nuôi có thể đi lại tự do, tự kiếm thức ăn. Phương thức này có mức đầu tư thấp, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên. Tuy nhiên, nuôi chăn thả tự do cho năng suất thấp và khó kiểm soát dịch bệnh.

- Nuôi công nghiệp: vật nuôi được nuôi nhốt hoàn toàn trong chuồng trại, chỉ ăn các loại thức ăn do con người cung cấp. Phương thức này cho năng suất cao, chủ động kiểm soát được dịch bệnh nhưng cần mức đầu tư cao.

- Nuôi bán công nghiệp là phương thức kết hợp của hai phương thức trên. Vật nuôi được nuôi trong chuồng kết hợp với chăn thả, sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp với thức ăn địa phương sẵn có.

Câu 5: Trình bày những công việc nuôi dưỡng và chăm sóc phù hợp cho gia cầm con?

Trả lời:

- Nuôi dưỡng: Tập ăn sớm với các loại thức ăn đủ chất dinh dưỡng

- Chăm sóc:

+ Giữ ấm cơ thể

+ Cho vật nuôi vận động, tắm nắng

+ Tiêm vaccine và vệ sinh phòng bệnh

Câu 6: Vệ sinh thân thể vật nuôi có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Tuỳ loại vật nuôi, giai đoạn phát triển và thời tiết mà cho vật nuôi tắm, chải và vận động hợp lý nhằm làm sạch thân thể, phòng ngừa các bệnh ngoài da, tăng cường trao đổi chất và nâng cao sức khoẻ.

Câu 7: Kể tên những loài thủy sản được xuất khẩu ở nước ta?

Trả lời:

Những loài thủy sản được xuất khẩu của nước ta: tôm hùm, cá mú, cá cam,  cá măng biển, cá mú vàng nước ngọt, cá ba sa, cá tra, cá chình, ếch đồng, cua biển,…

Câu 8: Trình bày đặc điểm của một số vật nuôi bản địa của nước ta?

Trả lời:

- Lợn (heo) Móng Cái có nguồn gốc từ huyện Đầm Hà và Móng Cái tỉnh Quảng Ninh, được nuôi phổ biến khắp cả nước. Giống lợn này có thân và cổ ngắn, tai nhỏ, lưng võng và bụng xệ, cơ thể có một khoang trắng nối giữa hai bên hông với nhau vắt qua vai giống như cái yên ngựa.

- Lợn Sóc được nuôi phổ biến ở vùng Tây Nguyên. Lợn có tầm vóc cơ thể nhỏ, mõm dài và nhọn, da dày mốc, lông đen dài, chân nhỏ đi bằng móng.

- Gà Ri được nuôi phổ biến ở miền Bắc và miền Trung. Màu lông phổ biến là vàng, nâu; tầm vóc nhỏ, dáng thanh gọn, chân có hai hàng vảy xếp hình mái ngói.

- Trâu Việt Nam (trâu nội) có ngoại hình vạm vỡ với phần bụng lớn, toàn thân màu đen với vài đốm trắng, đầu nhỏ, sừng dài và tai nhỏ; thường được nuôi để lấy sức kéo và lấy thịt.

- Dê cỏ được nuôi chủ yếu ở vùng trung du, đồng bằng và ven biển. Dê có màu lông đa dạng như trắng, ghi, nâu, đen; tầm vóc nhỏ; chủ yếu được nuôi lấy thịt.

- Bò vàng có lông màu nâu vàng toàn thân, u vai nổi rõ, tầm vóc nhỏ, được nuôi phổ biến khắp cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.

Câu 9: Nêu những lợi ích của từng công việc nuôi dưỡng và chăm sóc vật nuôi con?

Trả lời:

- Cho bú sữa đầu có đủ chất dinh dưỡng, nhiều kháng thể giúp cho cơ thể vật nuôi non chống lại bệnh tật.

- Tập cho ăn sớm để cung cấp dinh dưỡng cho vật nuôi non và giúp hệ tiêu hoá phát triển hoàn thiện.

- Sưởi ấm để tránh nhiễm lạnh làm phát sinh các bệnh về hô hấp, tiêu hoá cho vật nuôi non.

- Cho vật nuôi non vận động, tiếp xúc nhiều với nắng sớm để cơ thể khỏe mạnh và trao đổi chất tốt.

- Giữ vệ sinh chuồng sạch sẽ, khô ráo, cho uống hoặc tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ.

- Thường xuyên theo dõi để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Nhanh chóng cách li vật nuôi non nhiễm bệnh để tránh lây lan.

Câu 10: Vật nuôi có những biểu hiện khác thường gì khi bị bệnh?

Trả lời:

Những biểu hiện khác thường khi bị bệnh của vật nuôi:

- Suy nhược và gầy yếu

- Bỏ ăn, nằm một chỗ, trên da nổi nhiều nốt đỏ bằng đồng xu

- Mệt mỏi, buồn ngủ.

- Cơ thể phình to.

Câu 11: Phân biệt cá chép và cá rô phi?

Trả lời:

+ Cá chép: Thân hình thon, mình dày dẹp bên, vảy tròn lớn. đầu thuôn cân đối, có 2 đôi râu, vây lưng dài

+ Cá rô phi: Thân màu xanh xám, vảy cứng sáng bóng, viền vây lưng và vây đuôi có màu hồng nhạt.

Câu 12: Em sẽ làm gì để góp phần giảm thiểu thiên tai?

Trả lời:

Những việc cần làm của bản thân em góp phần giảm thiểu thiên tai:

+ Tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng cho những người trong gia đình và người dân khu vực.

+ Đề cao vai trò của người dân bản địa.

+ Tuân thủ quy định về bảo vệ rừng khi tham quan.

+ Không sử dụng sản phẩm từ động vật rừng quý hiếm.

+ Sử dụng các sản phẩm từ nguồn năng lượng tái tạo.

Câu 13: Nêu một số công việc nuôi dưỡng và chăm sóc vật nuôi đực giống?

Trả lời:

- Cho vật nuôi đực giống vận động hằng ngày để cơ thể săn chắc, nhanh nhẹn, trao đổi chất tốt.

- Tiêm vaccine và vệ sinh phòng bệnh: để vật nuôi đực có sức khỏe tốt, giữ chuồng nuôi sạch sẽ, tránh mầm bệnh.

- Kiểm tra định kì thể trọng và tinh dịch của vật nuôi đực giống: Thường xuyên theo dõi để phát hiện bệnh kịp thời. Nhanh chóng cách li và điều trị các vật nuôi đực giống nhiễm bệnh.

- Cho ăn lượng thức ăn phù hợp và đủ chất dinh dưỡng: năng lượng, protein, chất khoáng, vitamin giúp vật nuôi đực giống phát triển, có cơ thể khỏe mạnh và thể trạng tốt.

Câu 14: Thế nào là chuồng nuôi hợp vệ sinh?

Trả lời:

Chuồng nuôi hợp vệ sinh là chuồng có điều kiện khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, độ chiếu sáng,...) phù hợp cho vật nuôi. Khi xây dựng chuồng cần chú ý chọn địa điểm, hướng chuồng và kiểu chuồng phù hợp. Chuồng và dụng cụ chăn nuôi cần được làm sạch hằng ngày, tiêu độc khử trùng trước và sau mỗi lứa nuôi hoặc khi có dịch bệnh.

Câu 15: Trình bày yêu cầu và công việc nuôi dưỡng con cái ở giai đoạn mang thai?

Trả lời:

Yêu cầu: vật nuôi khỏe mạnh để nuôi thai, có nhiều sữa, con sinh ra khỏe mạnh.

Công việc nuôi dưỡng, chăm sóc:

- Cho ăn đủ lượng thức ăn và đủ chất dinh dưỡng (đặc biệt là protein và khoáng chất);

- Thường xuyên tắm chải;

- Cho vật nuôi vận động nhẹ nhàng.

Tiêm phòng; chuồng nuôi sạch sẽ, thoáng khí; vệ sinh thân thể, uống đủ nước.

Câu 16: Nêu phương pháp phòng bệnh bằng vaccine?

Trả lời:

Vaccine là chế phẩm sinh học được chế ra từ chính mầm bệnh (virus, vi khuẩn) gây ra bệnh đó. Ví dụ: Vaccine tụ huyết trùng được chế ra từ vi khuẩn gây bệnh tụ huyết trùng.

Vaccine được đưa vào cơ thể (bằng cách tiêm, uống, nhỏ mũi), sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập và nhân lên của mầm bệnh. Sau tiêm 2 – 3 tuần, kháng - thể sinh ra đủ mạnh để chống được mầm bệnh nghĩa là vật nuôi đã có khả năng miễn dịch cao.

Câu 17: Trình bày yêu cầu và công việc nuôi dưỡng con cái ở giai đoạn nuôi con ở gia súc và giai đoạn đẻ trứng ở gia cầm?

Trả lời:

- Yêu cầu:

+ Gia súc mẹ có nhiều sữa và chất lượng sữa tốt; cơ thể mẹ khỏe mạnh sau kỳ sinh sản.

+ Gia cầm có năng suất và sức bền đẻ trứng cao.

- Nuôi dưỡng, chăm sóc: Cho ăn thức ăn có mức năng lượng và protein cao, đầy đủ chất khoáng và vitamin.

- Tiêm phòng; chuồng nuôi sạch sẽ, thoáng khí; vệ sinh thân thể, uống đủ nước.

Câu 18: Thời gian trước đây, vật nuôi đặc sản chưa được nuôi nhiều do năng suất chăn nuôi thấp. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều người đã từng thay thế việc chăn nuôi các vật nuôi phổ biến, đạt năng suất cao sang chăn nuôi vật nuôi đặc sản. Không phải ai cũng thành công ngay từ đầu nhưng họ đều quyết tâm theo đuổi việc chăn nuôi vật nuôi đặc sản như nuôi gà Đông Tảo, lợn Mường…

Qua nội dung em đã trong bài học kết hợp với kinh nghiệm, hiểu biết của bản thân, em hãy cho biết lí do vì sao họ lại chuyển sang chăn nuôi vật nuôi đặc sản và quyết tâm thực hiện công việc này.

Trả lời:

Theo em, họ lại chuyển sang chăn nuôi vật nuôi đặc sản và quyết tâm thực hiện công việc này vì:

+ Sản phẩm có chất lượng cao, sử dụng nguyên liệu để chế biến món ăn đặc sản.

+ Tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, chi phí lao động thấp, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

+ Giá bán ra thị trường cao gấp nhiều lần so với vật nuôi thường, mang lại kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Câu 19: Tìm hiểu, xác định xem ở gia đình, địa phương em có thể nuôi được loại vật nuôi đặc sản nào? Đề xuất ý tưởng nuôi vật nuôi đặc sản với người thân và nêu những việc em sẽ tham gia làm khi gia đình em nuôi loại vật nuôi đặc sản đó? Mô tả 1 – 2 công việc em có thể làm được.

Trả lời:

– Theo em ở địa phương với diện tích đất nuôi trồng lớn với nhiều đồng cỏ có thể thích hợp để nuôi gà Đông Tảo, bò tơ Củ Chi.

– Tại gia đình em có thể nuôi gà Đông Tảo. Khi nuôi gà, bản thân em có thể giúp bố, mẹ cho gà ăn, tìm hiểu kỹ thuật nuôi gà và phòng bệnh cho gà.

Câu 20: Bạn Sơn thích nuôi dưỡng và chăm sóc động vật. Sơn ước mơ sau này sẽ làm một nghề nào đó góp phần tạo ra nhiều thực phẩm cho con người. Theo em, bạn Sơn phù hợp với nghề nào trong chăn nuôi? Vì sao?

Trả lời:

Bạn Sơn phù hợp với nghề chăn nuôi vì sở thích và ước mơ của bạn rất gần với yêu cầu và vai trò của nghề này.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận công nghệ 7 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay