Câu hỏi tự luận công nghệ trồng trọt 10 cánh diều Bài 15: biện pháp phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng

Bộ câu hỏi tự luận công nghệ trồng trọt 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 15: biện pháp phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng. Cấu trúc tuần tự trong thuật toán. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học công nghệ trồng trọt 10 cánh diều.

BÀI 15: BIỆN PHÁP PHÒNG, TRỪ SÂU BỆNH HẠI CÂY TRỒNG

(14 câu)

1. Nhận biết (4 câu)

Câu 1: Nêu các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng chủ yếu?

Trả lời:

Các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng chủ yếu gồm: canh tác; cơ giới và vật lí; sinh học; sử dụng giống chống chịu sâu, bệnh; hoá học.

 

Câu 2: Khi phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng cần thực hiện những nguyên tắc nào?

Trả lời:

Trong phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng, cần thực hiện nguyên tắc: phòng là chính; trừ sớm, kịp thời, nhanh chóng, toàn diện, triệt để và có hiệu quả kinh tế cao.

 

Câu 3: Thế nào là phòng trừ tổng hợp sâu, bệnh hại cây trồng?

Trả lời:

Phòng trừ tổng hợp sâu, bệnh hại cây trồng (IPM) là phối hợp các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại một cách hợp lí để vừa bảo vệ được cây trồng, vừa giữ được cân bằng sinh thái trong tự nhiên và bảo vệ được môi trường sống.

 

Câu 4: Nêu nguyên lí chính trong phòng trừ tổng hợp sâu, bệnh hại cây trồng?

Trả lời:

Có 4 nguyên lí chính trong phòng trừ tổng hợp sâu, bệnh hại cây trồng:

 - Trồng cây khoẻ

 - Bảo tồn thiên địch

 - Thường xuyên thăm đồng ruộng

 - Nông dân trở thành chuyên gia

 

2. Thông hiểu (6 câu)

Câu 1: Trình bày biện pháp canh tác phòng, trừ sâu bệnh?

Trả lời:

 - Nội dung: làm đất, vệ sinh đồng ruộng; gieo trồng đúng thời vụ; chăm sóc kịp thời, bón phân hợp lí; luân canh cây trồng.

 - Ưu điểm: dễ áp dụng, hiệu quả lâu dài; không gây ô nhiễm môi trường; an toàn cho sức khoẻ của người sản xuất và tiêu dùng.

 - Nhược điểm: hiệu quả thấp khi sâu, bệnh đã phát sinh thành dịch.

 

Câu 2: Trình bày biện pháp cơ giới, vật lí phòng, trừ sâu bệnh?

Trả lời:

 - Nội dung: dùng tay, dùng vợt bắt sâu; ngắt bỏ bộ phận cây trồng bị bệnh; dùng bẫy đèn, bẫy dính để diệt sâu hại.

 - Ưu điểm: đơn giản, dễ thực hiện; không gây ô nhiễm môi trường; an toàn cho sức khoẻ của người sản xuất và tiêu dùng.

 - Nhược điểm: khó áp dụng với diện tích lớn vì tốn công; hiệu quả thấp khi sâu, bệnh đã phát sinh thành dịch.

 

Câu 3: Trình bày biện pháp sử dụng giống chống chịu sâu, bệnh?

Trả lời:

 - Nội dung: sử dụng những giống cây trồng mang gen chống chịu sâu, bệnh hại. Ví dụ: giống lúa CP10 kháng rầy nâu; giống ngô nếp lai HN88 kháng sâu đục bắp, giống cà phê TR4 kháng bệnh gỉ sắt, giống cà chua CVR9 kháng bệnh virus vàng xoăn lá,...

 - Ưu điểm: giảm chi phí phòng trừ sâu, bệnh; không gây ô nhiễm môi trường; an toàn cho sức khoẻ của người sản xuất và tiêu dùng.

 - Nhược điểm: số lượng giống chống chịu sâu, bệnh còn hạn chế; nhiều giống kháng không triệt để nên vẫn có thể bị nhiễm sâu, bệnh hại.

 

Câu 4: Trình bày biện pháp sinh học phòng, trừ sâu bệnh?

Trả lời:

 - Nội dung: sử dụng các loài động vật, thực vật, vi sinh vật có ích và chế phẩm từ chúng để phòng trừ sâu, bệnh hại.

 + Các loại động vật có ích (thiên địch): ong mắt đỏ, ong đen kén trắng, bọ rùa, ếch, chim,...

 + Chế phẩm vi sinh vật có ích: chế phẩm vi khuẩn Bt, chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma, chế phẩm tuyến trùng EPN Biostar....

 + Thực vật: cây neem, hạt củ đậu,...

 + Chất dẫn dụ: pheromone, protein thuỷ phân,...

 - Ưu điểm: đảm bảo cân bằng sinh thái, thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khoẻ của người sản xuất và tiêu dùng.

 - Nhược điểm: hiệu quả chậm, không có tác dụng dập dịch.

Lưu ý: cần bảo vệ, duy trì và phát triển quần thể thiên địch trên đồng ruộng.

 

Câu 5: Trình bày biện pháp hóa học phòng, trừ sâu bệnh?

Trả lời:

 - Nội dung: sử dụng thuốc hoá học để trừ sâu, bệnh hại cây trồng. Mỗi loại thuốc hoá học có khả năng trừ một hoặc một số loại sâu, bệnh hại nhất định. Chỉ phun thuốc hoá học khi sâu, bệnh đã đến ngưỡng phun để diệt trừ.

 - Ưu điểm: tiết kiệm thời gian và công sức vì có hiệu quả cao, diệt sâu, bệnh nhanh.

 - Nhược điểm: gây độc cho con người, cây trồng, vật nuôi; ô nhiễm môi trường; tiêu diệt cả các sinh vật có lợi khác.

 - Lưu ý: để nâng cao hiệu quả của thuốc và đảm bảo an toàn lao động cần thực hiện nguyên tắc 4 đúng (đúng liều lượng, đúng loại, đúng cách, đúng lúc) và quy định an toàn lao động.

 

Câu 6: Trình bày biện pháp ứng dụng công nghệ vi sinh trong phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng?

Trả lời:

Nhờ thành tựu của công nghệ vi sinh, người ta đã sản xuất được các chế phẩm phòng trừ sâu, bệnh hại cho cây trồng có nguồn gốc từ vi sinh vật. Các chế phẩm này không gây hại cho môi trường, an toàn đối với con người. Do hiệu quả của chế phẩm chậm, cần phun sớm vào đầu vụ để nâng cao hiệu quả phòng trừ.

 

3. Vận dụng (2 câu)

Câu 1: Nêu cơ sở khoa học của việc sản xuất chế phẩm vi sinh phòng trừ sâu, bệnh hại?

Trả lời:

Một số loại chế phẩm phổ biến:

 - Chế phẩm vi khuẩn trừ sâu: chế phẩm Bt (Bacillus thuringiensis) chủ yếu trừ các loại sâu ăn lá như: sâu khoang, sâu tơ, sâu cuốn lá, sâu xanh,...

 - Chế phẩm virus trừ sâu: chế phẩm NPV (Nuclear Polyhedrosis Virus) phòng trừ sâu xanh da láng trên nhiều loại cây trồng như bông, đậu đỗ, ngô, hành, nho,...

 - Chế phẩm nấm trừ sâu: chế phẩm nấm xanh Metarhizium diệt trừ được mối, bọ hung, sâu xanh, bọ nhảy, bọ hà, sâu đục thân.

 - Chế phẩm nấm trừ bệnh: chế phẩm nấm Trichoderma trừ bệnh thối rễ do nấm Phytophthora palmirova, bệnh héo vàng do một số nấm bệnh (Fusarium solani, Pythium. sp, Sclerotium rolfsii) gây ra.

 

Câu 2: Cần chú ý những vấn đề gì khi bảo quản chế phẩm vi sinh phòng trừ sâu hại cây trồng?

Trả lời:

Khi bảo quản chế phẩm vi sinh phòng trừ sâu hại cây trồng cần chú ý những vấn đề sau:

 + Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Nhiệt độ bảo quản thích hợp là 15-25 độ C.

 + Không bảo quản chế phẩm vi sinh ở nơi có nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. Nhiệt độ quá cao sẽ làm chết các vi sinh vật có ích trong chế phẩm. Nhiệt độ quá thấp sẽ làm giảm khả năng hoạt động của các vi sinh vật có ích.

 + Không bảo quản chế phẩm vi sinh ở nơi có độ ẩm cao. Độ ẩm cao sẽ tạo điều kiện cho vi sinh vật có hại phát triển, làm giảm hiệu quả của chế phẩm.

 + Không bảo quản chế phẩm vi sinh ở nơi có nhiều hóa chất độc hại. Hóa chất độc hại có thể làm chết các vi sinh vật có ích trong chế phẩm.

Ngoài ra, cần chú ý những vấn đề sau:

 + Chế phẩm vi sinh thường có hạn sử dụng. Cần chú ý kiểm tra hạn sử dụng trước khi sử dụng.

 + Sau khi mở nắp, cần sử dụng hết chế phẩm trong thời gian ngắn. Nếu không sử dụng hết, cần bảo quản chế phẩm trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4-8 độ C.

Việc bảo quản chế phẩm vi sinh phòng trừ sâu hại cây trồng đúng cách sẽ giúp đảm bảo hiệu quả sử dụng, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh hại gây ra.

 

4. Vận dụng cao (2 câu)

Câu 1: Việc phòng trừ tổng hợp sâu, bệnh hại cây trồng lại giữ được cân bằng được sinh thái. Giải thích tại sao?

Trả lời:

Việc áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu, bệnh hại cây trồng giúp giữ được cân bằng sinh thái trong tự nhiên và bảo vệ được môi trường sống vì những lý do sau:

 + Bảo tồn các sinh vật thiên địch: các sinh vật thiên địch là những sinh vật tự nhiên giúp tiêu diệt sâu, bệnh hại cây trồng. Việc sử dụng các biện pháp sinh học trong IPM giúp bảo tồn các sinh vật thiên địch, góp phần duy trì cân bằng sinh thái trong tự nhiên.

 + Không làm ô nhiễm môi trường: các biện pháp hóa học có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các sinh vật khác. Việc sử dụng các biện pháp hóa học trong IPM chỉ được thực hiện khi cần thiết và phải được thực hiện đúng cách để hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.

 + Tăng cường khả năng chống chịu sâu, bệnh hại của cây trồng: các biện pháp kỹ thuật trong IPM giúp tăng cường khả năng chống chịu sâu, bệnh hại của cây trồng, từ đó giảm thiểu việc sử dụng thuốc hóa học.

Như vậy, phòng trừ tổng hợp sâu, bệnh hại cây trồng là một phương pháp phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng hiệu quả, giúp vừa bảo vệ được cây trồng, vừa giữ được cân bằng sinh thái trong tự nhiên và bảo vệ được môi trường sống.

 

Câu 2: Tại sao việc thăm đồng phải diễn ra thường xuyên?

Trả lời:

Thăm đồng thường xuyên là một biện pháp quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giúp bà con nông dân phát hiện sớm các dấu hiệu sâu bệnh hại cây trồng, từ đó có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại.

Cụ thể, thăm đồng thường xuyên giúp bà con nông dân phát hiện sớm các dấu hiệu sâu bệnh hại cây trồng như:

 + Sâu hại: như rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân,...

 + Bệnh hại: như bệnh đạo ôn, bệnh vàng lá gân xanh,...

 + Dấu hiệu bất thường khác: như vàng lá, rụng lá, thối rễ,...

Việc phát hiện sớm các dấu hiệu sâu bệnh hại cây trồng giúp bà con nông dân có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại. Nếu không phát hiện sớm, sâu bệnh hại sẽ phát triển nhanh, gây hại nặng, khó có thể kiểm soát được.

Ngoài ra, thăm đồng thường xuyên còn giúp bà con nông dân:

 + Kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng.

 + Đánh giá hiệu quả của các biện pháp chăm sóc cây trồng.

 + Chuẩn bị các biện pháp chăm sóc cây trồng cho giai đoạn tiếp theo.

Thăm đồng thường xuyên là một biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả, giúp bà con nông dân nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh hại gây ra.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận công nghệ trồng trọt 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay