Câu hỏi tự luận Công nghệ trồng trọt 10 cánh diều Ôn tập Chủ đề 2: Đất trồng (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Công nghệ 10 - Công nghệ trồng trọt cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 2: Đất trồng (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Công nghệ 10 cánh diều.

ÔN TẬP CHƯƠNG 2. ĐẤT TRỒNG (PHẦN 2)

Câu 1: Đất trồng được chia thành mấy loại chính?

Trả lời:

Dựa vào thành phần cơ giới, người ta chia đất trồng thành 3 loại chính: đất cát, đất thịt và đất sét. Giữa các loại đất này còn có các loại đất trung gian như: đất cát pha thịt, đất thịt pha limon, đất thịt pha sét.... Tỉ lệ các hạt trong đất quyết định tính chất và độ phì nhiêu của đất.

Câu 2: Keo đất có vai trò như thế nào?

Trả lời:

Keo đất giữ vai trò rất quan trọng vì chúng quyết định nhiều tính chất cơ bản của đất về mặt lí học, hoá học, đặc biệt là đặc tính hấp phụ của đất.

Câu 3: Lớp ion vai trò như thế nào?

Trả lời:

Lớp ion nằm sát nhân là lớp ion quyết định điện (quyết định là keo âm hay keo dương). Lớp ion không di chuyển và lớp ion khuếch tán, mang điện trái dấu với lớp ion quyết định điện. Lớp ion khuếch tán trao đổi ion với dung dịch đất.

Nhờ tính chất hấp phụ ion mà đất giữ được các dưỡng chất, từ đó hạn chế được sự rửa trôi. Nhờ hiện tượng trao đổi ion mà các cation đang bị hấp phụ trên bề mặt keo đất chuyển vào dung dịch đất cho cây trồng sử dụng (NH, K, Ca²).

Câu 4: Khả năng hấp thụ của đất được chia thành những dạng nào?

Trả lời:

Khả năng hấp phụ của đất được chia thành 5 dạng: hấp phụ sinh học (thực vật, vi sinh vật hút các chất khoáng từ đất, vi sinh vật cố định đạm lấy nitrogen tử khi trời), hấp phụ cơ học (giữ các vật chất nhỏ trong khe hở của đất), hấp phụ lý học (sự thay đổi nồng độ của các phân tử chất lỏng và chất khí trên bề mặt hạt đất), hấp phụ hóa học (sự tạo thành các muối ít tan từ các muối dễ hòa tan trong đất) và hấp phụ lý hoá học (trao đổi ion trên bề mặt keo đất với ion của dung dịch đất tiếp xúc).

Câu 5: Độ phì nhiêu của đất được chia thành những loại nào?

Trả lời:

Căn cứ vào nguồn gốc hình thành, độ phì nhiêu của đất được chia thành 2 loại: độ phì nhiêu tự nhiên và độ phì nhiêu nhân tạo.

- Độ phì nhiêu tự nhiên: được hình thành do kết quả quá trình hình thành đất, không có sự tác động của con người.

- Độ phì nhiêu nhân tạo: được hình thành trong hoạt động sản xuất của con người.

 

Câu 6: Phản ứng dung dịch của đất được biểu hiện như thế nào?

Trả lời:

Phản ứng của dung dịch đất là tính chua, kiềm hay trung tính của đất, được biểu thị bằng trị số pH (pH = -log[H+]). Đất chua khi pH < 6,5. Đất trung tính có pH từ 6,5 – 7,5. Đất kiềm khi pH > 7,5. Đa số cây trồng sống được khi đất có pH từ 4,5 – 8,5 nhưng thích hợp nhất là từ 5,5 – 7,5.

Phản ứng chua của đất: Độ chua của đất do H' trong dung dịch đất hoặc H+ và Al3+ trên bề mặt keo đất gây nên. Độ chua ảnh hưởng trực tiếp đến cây, đến các quá trình oxy hoá - khử trong đất.

Phản ứng kiềm của đất: Do đất chứa nhiều ion K+, Na+, Ca2+, Mg2+,... thuỷ phân tạo thành NaOH và Ca(OH),,... làm cho đất hoá kiềm.

Phản ứng trung tính của đất: Trong dung dịch đất có nồng độ [H+] = [OH-].

 

Câu 7: Phân tích các thành phần trong đất trồng?

Trả lời:

- Nước trong đất tồn tại ở các dạng khác nhau (nước liên kết hoá học, nước hấp thu, hơi nước, nước tự do,...). Cây trồng hấp thụ chủ yếu là nước tự do.

- Thành phần không khí trong đất tương tự trong khí quyền nhưng ít O, và nhiều CO, hơn. Không khí trong đất cung cấp O, cho rễ cây và hệ sinh vật đất hô hấp; cung cấp N, cho quá trình cố định đạm trong đất,...

- Các hạt khoáng là phần cốt lõi và quan trọng nhất của chất rắn, quyết định các tính chất của đất. Các hạt khoáng có nguồn gốc chính là từ đá mẹ và mẫu chất, chứa các chất khoáng cần thiết cho cây trồng như N, P, K và các chất dinh dưỡng khác. Chất hữu cơ quyết định các tính chất và độ phì của đất, có nguồn gốc từ xác sinh vật.

- Sinh vật chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong đất. Dưới tác động của vi sinh vật, chất hữu cơ biến đổi thành các chất dinh dưỡng cung cấp cho cây và hình thành hợp chất mùn cho đất.

Câu 8: Những yếu tố nào quyết định đến độ phì nhiêu của đất?

Trả lời:

Độ phì nhiêu của đất phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Độ màu của đất: Đất có màu sẫm thường chứa nhiều chất hữu cơ, là nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho cây trồng.

  • Cấu trúc của đất: Đất có cấu trúc tơi xốp, thoáng khí giúp rễ cây phát triển mạnh, dễ dàng hấp thụ nước và chất dinh dưỡng.

  • Độ pH của đất: pH đất thích hợp (khoảng 6-7) giúp cây trồng hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất.

  • Hàm lượng chất dinh dưỡng trong đất: Đất có hàm lượng chất dinh dưỡng cao sẽ cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây trồng, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt.

  • Hoạt động của vi sinh vật trong đất: Vi sinh vật trong đất giúp phân hủy chất hữu cơ, giải phóng các chất dinh dưỡng cho cây trồng hấp thụ.

  • Hệ thống thủy văn: Hệ thống thủy văn tốt giúp đất có đủ nước cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.

Trong đó, chất dinh dưỡng là yếu tố quyết định nhất đến độ phì nhiêu của đất.

Câu 9: Trình bày nguyên nhân hình thành đất xám bạc màu?

Trả lời:

Đất xám bạc màu được hình thành do một số nguyên nhân sau:

- Địa hình: dốc thoải nên dễ bị xói mòn và rửa trôi các hạt sét, keo và chất dinh dưỡng.

- Đá mẹ: đất hình thành trên các loại đá mẹ (đá cát, đá magma acid,...) có tính chua, rời, không có kết cấu nên không giữ được chất dinh dưỡng.

- Khí hậu: mưa nhiều, nhiệt độ cao (quá trình phong hoá, phân huỷ các chất nhanh).

- Con người: tập quán canh tác lạc hậu nên đất bị thoái hoá mạnh.

Câu 10: Trình bày nguyên nhân chính gây xói mòn đất?

Trả lời:

Nguyên nhân chính gây xói mòn đất:

- Khí hậu: lượng mưa, cường độ mưa và thời gian mưa.

- Địa hình: độ dốc lớn; chiều dài dốc.

- Con người: đốt rừng làm rẫy; phá rừng; khai thác gỗ không hợp lý, kỹ thuật canh tác không phù hợp.

Câu 11: Trình bày nguyên nhân chính gây nhiễm mặn ở đất?

Trả lời:

Đất nhiễm mặn do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của nước biển (thuỷ triều, bão, vỡ đê,...), do tưới tiêu không hợp lý.

Câu 12: Trình bày nguyên nhân chính hình thành đất phèn?

Trả lời:

Đất phèn thường được hình thành và phát triển ở những vùng địa mạo đầm lầy, rừng ngập mặn, cửa sông có địa hình trũng, khó thoát nước. Đất phèn là sản phẩm bồi tụ phù sa kết hợp với vật liệu sinh phèn (xác sinh vật chứa nhiều lưu huỳnh) và muối phèn.

 

Câu 13: Trình bày biện pháp cải tạo đất xám bạc màu?

Trả lời:

Các biện pháp cải tạo đều hướng tới cải thiện tính chất của đất. Một số biện pháp chính:

- Làm đất: làm đường đồng mức đối với đất dốc; cày sâu để đưa sét tầng dưới lên tầng mặt.

- Thuỷ lợi: củng cố bờ vùng, bờ thửa, xây dựng hệ thống tưới, tiêu hợp lý.

- Bón phân: bón nhiều phân hữu cơ và vôi, giảm lượng phân bón hoá học.

- Bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý: luân canh, xen canh,...

- Trồng cây cải tạo đất: cây họ đậu, cây phân xanh,...

Câu 14: Trình bày biện pháp cải tạo đất xói mòn mạnh trơ sỏi đá?

Trả lời:

Biện pháp cải tạo đất xói mòn mạnh trơ sỏi đá

- Trồng cây theo luống: trồng cây thành từng luống. Giữa các luống, trồng xen các loại cây có khả năng chống xói mòn như cây họ đậu.

- Trồng cây có bộ rễ khoẻ, có khả năng phả lớp đất rắn bề mặt như cỏ Vetiver, có Mombasa Guinea, có Ruzi,...

- Trồng cây che phủ đất: đảm bảo đất luôn được che phủ bằng cây trồng chính hoặc cây che phủ, nhất là mùa mưa.

- Che phủ đất bằng các bộ phận dư thừa của cây trồng sau khi thu hoạch.

- Luân canh cây trồng.

- Trồng cây theo đường đồng mức, theo băng.

- Bón vôi, bón phân hữu cơ kết hợp với phân hoá học.

Trồng rừng trên đất xói mòn mạnh trơ sỏi đá bằng các loại cây lấy gỗ (thông, bạch đàn, keo,...) và sử dụng hệ thống nông lâm kết hợp.

Câu 15: Trình bày biện pháp cải tạo đất mặn?

Trả lời:

Biện pháp cải tạo đất mặn:

- Thuỷ lợi: xây dựng hệ thống tưới tiêu hợp lý. Dẫn nước ngọt vào ruộng, cày, bừa, sục bùn để các muối hoà tan, ngâm ruộng sau đó tháo nước ra kênh tiêu.

- Bón vôi: bón vôi có tác dụng đẩy Na ra khỏi keo đất (Hình 5.7). Sau khi bón vôi, tháo nước rửa mặn, bón bổ sung chất hữu cơ để nâng cao độ phì nhiêu cho đất.

- Trồng cây chịu mặn: trồng các loại cây chịu mặn (đậu nành, dứa, cói,...) để hấp bớt Na trong đất trước khi trồng các loại cây khác.

Câu 16: Nêu những tác dụng của việc sử dụng viên nén xơ dừa?

Trả lời:

Viên nén xơ dừa có chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho quá trình hạt nảy mầm các loại hạt giống rau, hoa,... Sử dụng viên nén sẽ tiết kiệm chi phí nhân công (không có công đoạn đóng bầu ươm); đồng thời rút ngắn thời gian chăm sóc do viên nén đã chứa đầy đủ dưỡng chất cho hạt mầm phát triển tự nhiên, tự tăng tính đề kháng chống sâu bệnh. Viên nén xơ dừa dễ vận chuyển, tiện dụng, sạch sẽ và thân thiện với môi trường do không dùng túi nilon.

Câu 17: Nêu quy trình sản xuất sỏi nhẹ Keramzit?

Trả lời:

Quy trình sản xuất sỏi nhẹ Keramzit:

Chuẩn bị nguyên liệu đất sét -> Xử lý đất sét lần 1 -> Xử lý đất sét lần 2 ->Nhào đất và phối trộn -> Vẽ viên, phơi sỏi -> Nung sỏi -> Ngâm dung dịch dinh dưỡng -> Sử dụng.

Câu 18: Nêu những ưu điểm khi sử dụng sỏi nhẹ Keramzit?

Trả lời:

Giá thể sỏi nhẹ Keramzit có ưu điểm là giữ nước, chất hữu cơ cung cấp cho cây, tránh hiện tượng ngập úng, thối rễ cây. Giá thể còn tạo môi trường thông giúp rễ cây phát triển mạnh, các cộng đồng vi sinh vật có lợi sống và sinh sôi liên tục. thời, môi trường sạch mầm bệnh, pH trung tính giúp cây có môi trường sinh trưởng và phát triển tốt.

Khi phủ bề mặt chậu cây bằng sỏi nhẹ sẽ giúp hạn chế xói đất khi tưới, hạn chế cỏ dại, tăng tính thẩm mĩ.

Câu 19: Nêu một số ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giá thể mà em biết?

Trả lời:

Giả thể được áp dụng phổ biến trong trồng trọt công nghệ cao. Đây là yếu tố không thể thiếu trong nhiều hệ thống trồng cây không dùng đất. Dưới đây là một số ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giá thể trồng cây:

- Công nghệ sản xuất viên nén xơ dừa

- Công nghệ sản xuất giá thể sỏi nhẹ Keramzit

 

Câu 20: Sau khi mụn dừa đã được xử lý tanin và lignin có thể sử dụng làm gì?

Trả lời:

Sau khi mụn dừa đã được xử lý tanin và lignin có thể sử dụng làm giá thể hoặc phối trộn với các vật liệu khác thành giá thể tuỳ theo loại cây trồng. Chẳng hạn: sử dụng 100% giá thể mụn dừa để trồng rau mầm, giá thể trồng thuỷ canh; trộn mụn dừa và phân hữu cơ (phân trùn quế) với tỉ lệ 7:3 khi ươm hạt giống....

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận công nghệ trồng trọt 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay