Câu hỏi tự luận Địa lí 11 Cánh diều bài 5: Một số vấn đề an ninh toàn cầu

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 11 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Đia lí 11 Cánh diều bài 5: Một số vấn đề an ninh toàn cầu , Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 11 Cánh diều.

BÀI 5: MỘT SỐ VẤN ĐỀ AN NINH TOÀN CẦU

(15 câu)

1. NHẬN BIẾT (2 câu)

Câu 1: Trình bày khái niệm về an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống ở Việt Nam.

Trả lời:

- An ninh truyền thống là các vấn đề liên quan đến quân sự.

- An ninh phi truyền thống bao gồm một số vấn đề mang tính toàn cầu như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, xung đột sắc tộc,…

Câu 2: Kể tên một số vấn đề an ninh toàn cầu nổi bật hiện nay.

Trả lời:

Một số vấn đề an ninh toàn cầu nổi bật hiện nay là an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, an ninh năng lượng, an ninh con người,…

 

2. THÔNG HIỂU (6 câu)

Câu 1: Trình bày khái niệm, biểu hiện của vấn đề an ninh lương thực. Đâu là nguyên nhân gây ra khủng hoảng an ninh lương thực? Hãy đề xuất một số giải pháp cho vấn đề này.

Trả lời:

* Khái niệm: An ninh lương thực là sự đảm bảo của mỗi quốc gia về nguồn cung cấp lương thực cho người dân để hạn chế và đẩy lùi tình trạng thiếu lương thực, nạn đói. Người dân có quyền được tiếp cận các thực phẩm an toàn, bổ dưỡng, đầy đủ mọi lúc mọi nơi để duy trì cuộc sống khỏe mạnh, năng động

* Biểu hiện:

- Tình trạng khủng hoảng an ninh lương thực là vấn đề toàn cầu và đang có xu hướng gia tăng.

- Năm 2020, trên toàn thế giới có 345 triệu người ở 82 quốc gia trong tình trạng thiếu lương thực.

- Châu Phi là khu vực có tình trạng khủng hoảng an ninh lương thực cao nhất trên thế giới và xu hướng tăng nhanh nhất.

* Nguyên nhân gây ra khủng hoảng an ninh lương thực:

- Các cuộc xung đột vũ trang và nội chiến

- Thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh

- Bùng nổ dân số

* Các quốc gia trên thế giới cần hợp tác, triển khai một số giải pháp để giải quyết khủng hoảng an ninh lương thự toàn cầu như:

- Cung cấp lương thực và cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho những vùng có nguy cơ mất an ninh lương thực cao nhất.

- Tăng cường sản xuất lương thực, tăng năng suất và hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững, hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu.

- Tăng cường phát huy vai trò của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP),… trong sản xuất và phân phối lương thực toàn cầu.

Câu 2: Nêu khái niệm của an ninh năng lượng. Đâu là những thách thức về vấn đề an ninh năng lượng mà thế giới đang phải đối mặt? Trình bày một số giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Trả lời:

* Khái niệm: An ninh năng lượng là đảm bảo đầy đủ năng lượng dưới nhiều dạng khác nhau, ưu tiên các nguồn năng lượng sạch và giá thành rẻ. An ninh năng lượng luôn trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia trên thế giới.

* Những thách thức về vấn đề an ninh năng lượng mà thế giới đang phải đối mặt:

- Cạn kiệt các nguồn năng lượng truyền thống.

- Sự gia tăng mức tiêu thụ năng lượng của các quốc gia.

- Nguy cơ gián đoạn nguồn cung do tình hình bất ổn chính trị ở các khu vực có nguồn cung cấp dầu mỏ và khí tự nhiên hóa lỏng lớn.

- Khủng hoảng thiếu năng lượng đang diễn ra gay gắt tại nhiều khu vực và quốc gia,…

* Giải pháp:

- Đẩy mạnh sử dụng tiết kiệm năng lượng; mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cần có trách nhiệm sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng.

- Đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng; chủ động trong khai thác hợp lí, sử dụng để tránh lãng phí các tài nguyên năng lượng (dầu mỏ, khí tự nhiên, than đá,…)

- Đầu tư khoa học – công nghệ, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy triều,…); phát triển năng lượng gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường.

- Các tổ chức quốc tế, khu vực có vai trò điều phối, thúc đẩy các chính sách, tăng cường đối thoại, hợp tác nhằm đảm bảo an ninh năng lượng thế giới.

Câu 3: An ninh nguồn nước là gì? Đâu là những thách thức về vấn đề an ninh nguồn nước mà thế giới đang phải đối mặt? Trình bày một số giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Trả lời:

* Khái niệm: An ninh nguồn nước là đảm bảo về số lượng nước, chất lượng nước để phục vụ cho sức khỏe, cho sinh kế, cho hoạt động sản xuất, cho môi trường sinh thái đối với cộng đồng dân cư; đồng thời cũng là sự đảm bảo được bảo vệ trước các loại dịch bệnh, thiên tai liên quan đến nước.

* Vấn đề an ninh nguồn nước trên thế giới hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức:

- Nguồn nước ở nhiều nơi bị ô nhiễm

- Tình trạng khan hiếm nước ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu

- Sử dụng nước kém hiệu quả, lãng phí

- Tranh chấp nguồn nước của các quốc gia có chung lưu vực sông

* Giải pháp:

- Mỗi quốc gia chủ dộng xây dựng các giải pháp (hệ thống thủy lợi, công nghệ xử lí nước…) để bảo vệ nguồn nước và khắc phục tình trạng ô nhiễm nước.

- Mỗi cá nhân có ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm, góp phần bảo vệ an ninh nguồn nước chính nơi mình sống.

Câu 4: Nêu những nét chính về vấn đề an ninh mạng.

Trả lời:

- Khái niệm: An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không nhưng không gây tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Hiện nay, trên thế giới còn tồn tại các hiện tượng như;

+ Xâm nhập trái phép vào hệ thống thông tin quan trọng của các quốc gia

+ Tấn công hệ thống giám sát điều khiển công nghiệp

+ Chiếm đoạt thông tin cá nhân và dữ liệu người dùng để sử dụng vào mục đích chính trị, an ninh, quốc phòng,…

- Việc bảo vệ an ninh mạng đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết ở nhiều quốc gia trên thế giới.

- Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lí hành vi xâm phạm an ninh mạng.

- Các cá nhân, tổ chức, các quốc gia trên thế giưới cần cùng nhau xây dựng chiến lược bảo vệ an ninh mạng như:

+ Xây dựng luật an ninh mạng phù hợp ở từng quốc gia

+ Phối hợp chặt chẽ trong việc chống khủng bố an ninh mạng xuyên quốc gia

+ Các quốc gia đầu tư cơ sở vật chất, nguồn vốn để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng,…

Câu 5: Hòa bình là gì? Bảo vệ hòa bình là gì? Tại sao cần phải bảo vệ nền hòa bình thế giới?

Trả lời:

* Hòa bình là tình trạng không có chiến tranh hay xung đột vũ trang.

* Bảo vệ hòa bình là gìn giữ cuộc sống xã hội bình yên, không để xảy ra chiến tranh hay xung đột vũ trang.

* Cần phải bảo vệ hòa bình thế giới vì:

- Bảo vệ hòa bình thế giới có ý nghĩa to lớn, nhằm hạn chế các xung đột, phát triển kinh tế, tạo ra sự thịnh vượng chung.

- Hòa bình là điều kiện tốt nhất cho cuộc sống của mỗi con người.

- Một đất nước hòa bình thì mới đảm bảo đầy đủ các quyền của con người, bảo vệ con người trước sự bất công và bất bình đẳng.

Câu 6: Để bảo vệ hòa bình, các quốc gia cần làm gì?

Trả lời:

- Để bảo vệ hòa bình, các quốc gia cần:

+ Tăng cường đối thoại để giải quyết mâu thuẫn, xung đột.

+ Loại bỏ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.

+ Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

+ Tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm nâng cao vai trò của các tổ chức quốc tế.

 

3. VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Tại sao vấn đề an ninh mạng lại được quan tâm và phát triển hiện nay?

Trả lời:  Vấn đề an ninh mạng được quan tâm và phát triển hiện nay vì:

- Yêu cầu đảm bảo an ninh tài nguyên mạng của người dùng.

- Sự phát triển nhanh của các cuộc xâm nhập tài nguyên mạng bất hợp pháp.

- Khối lượng tài nguyên của mạng máy tính ngày càng tăng và có giá trị cao.

- Thời đại công nghệ 4.0 nên các hoạt động sử dụng mạng ngày càng trở nên phổ biến.

Câu 2: Cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na đã ảnh hưởng như thế nào đến tình hình thế giới, trong đó có Việt Nam?

Trả lời: Ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na:

- Người dân của 2 quốc gia, nhất là U-crai-na luôn sống trong chiến tranh, tang thương.

- Kinh tế kiệt quệ, thành phố đổ nát, hoang tàn.

- Giá cả hàng hóa thiết yếu liên tục tăng nhanh.

- Chuỗi sản xuất, cung ứng của Việt Nam cũng bị đứt gãy.

- Giá dầu tăng cao kéo theo các nguyên liệu đàu vào cũng tăng.

Câu 3: Tại sao cần phải đảm bảo an ninh năng lượng trên thế giới?

Trả lời:

Cần phải đảm bảo an ninh năng lượng trên thế giới vì:

- Năng lượng cung cấp nguyên, nhiên liệu cho mọi lĩnh vực trong đời sống như sinh hoạt, đi lại.

- Năng lượng là nhân tố tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế.

Câu 4: Giải thích tại sao vấn đề an ninh lương thực luôn là vấn đề trọng yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới?

Trả lời: Vấn đề an ninh lương thực luôn là vấn đề trọng yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới vì:

- Tiếp cận với thực phẩm an toàn, bổ dưỡng và đầy đủ là quyền cơ bản của con người, ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương nhất.

- Ngoài dinh dưỡng cơ bản, an ninh lương thực có liên quan đến ổn định kinh tế, sức khỏe lâu dài, trao quyền cho phụ nữ và môi trường.

 

4. VẬN DỤNG CAO (3 câu)

Câu 1: Theo em, là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em cần làm gì để bảo vệ hòa bình trên thế giới?

Trả lời:

- Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, để bảo vệ hòa bình em cần:

+ Học tập thật chăm chỉ và rèn luyện đạo đức tốt.

+ Chung sống hoà đồng, khoan dung với mọi người xung quanh

+ Hiểu được tầm quan trọng của chữ đức và sống có nhân cách tốt để không ngừng nỗ lực cống hiến cho đất nước, Tổ quốc.

+ Hưởng ứng những phong trào về hoà bình mà trường, lớp tổ chức.

Câu 2: Có ý kiến cho rằng “An ninh nguồn nước gắn liền với an ninh quốc gia”. Em có đồng ý với ý kiến trên không? Vì sao?

Trả lời: Em đồng ý với ý kiến trên vì:

- An ninh nguồn nước liên quan đến phát triển bền vững và ổn định chính trị của mỗi quốc gia.

- Nguồn nước sạch là nhu cầu thiết yếu trong đời sống của con người, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần duy trì và phát triển an sinh xã hội của mỗi quốc gia.

- Nguồn nước đóng góp đến sự tồn tại của các sinh vật trên Trái Đất, là thành phần không thể thiếu của hệ sinh thái.

Câu 3: Hãy tìm hiểu và nêu một số hoạt động của Việt Nam trong việc tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Trả lời:

- Đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, được Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế đánh giá cao; góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế. Hoạt động của lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam tại địa bàn phái bộ đã để lại dấu ấn tích cực về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới.

- Theo Thông tin từ Cục giữ gìn hòa bình Việt Nam, từ tháng 6/2014 đến tháng 8/2022, Quân đội đã cử 512 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc.

- Các lực lượng của Việt Nam đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ; được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đóng góp vào sự thành công trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 của Việt Nam với tỷ lệ phiếu bầu rất cao.

- Lực lượng Quân đội tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc đã thể hiện tính chuyên nghiệp, tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết quốc tế, đặc biệt là khả năng thích ứng nhanh trong môi trường làm việc khắc nghiệt tại các phái bộ.

- Một điểm nổi bật nữa trong việc tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam là đã phát huy và khẳng định được vai trò của quân nhân nữ trong hoạt động giữ gìn hòa bình.

- Thực hiện Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong 8 năm qua, Việt Nam đã cử tổng số 74 nữ quân nhân tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình, trong đó, có 8 sĩ quan nữ tham gia theo hình thức cá nhân, hoạt động độc lập (chiếm 20% so với tỷ lệ trung bình của Liên hợp quốc là dưới 10%); 45 nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 (chiếm 16-21% so với tỷ lệ trung bình của Liên hợp quốc là 12%); còn Đội công binh Việt Nam có 21 nữ quân nhân (chiếm gần 12%), trong khi các Đội công binh giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc của các nước khác không có nữ quân nhân tham gia. Điều này được Liên hợp quốc đánh giá cao và ghi nhận.

- Việc tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc đã khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.

=> Giáo án Địa lí 11 cánh diều Bài 5: Một số vấn đề an ninh toàn cầu

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 11 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay