Câu hỏi tự luận Địa lí 11 Cánh diều bài 2: Toàn cầu hóa, khu vực hóa kinh tế

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 11 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Đia lí 11 Cánh diều  bài 2: Toàn cầu hóa, khu vực hóa kinh tế , Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 11 Cánh diều.

BÀI 2: TOÀN CẦU HÓA, KHU VỰC HÓA KINH TẾ

(15 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Kể tên một số tổ chức toàn cầu lớn trên thế giới hiện nay mà em biết.

Trả lời:

Một số tổ chức toàn cầu lớn trên thế giới hiện nay mà em biết là: Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB),…

Câu 2: Liệt kê ít nhất 3 tổ chức kinh tế toàn cầu trên thế giới hiện nay.

Trả lời:

3 tổ chức kinh tế toàn cầu trên thế giới hiện nay là: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB),…

Câu 3: Kể tên ít nhất 5 tổ chức khu vực kinh tế trên trên thế giới mà em biết.

Trả lời:

5 tổ chức khu vực kinh tế tế trên thế giới mà em biết: Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC),…

Câu 4: Liệt kê ít nhất 3 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia, tổ chức trên thế giới.

Trả lời:

3 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia, tổ chức trên thế giới là: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA),…

Câu 5: Kể tên ít nhất 5 công ty xuyên quốc gia ở Việt Nam mà em biết.

Trả lời:

5 công ty đa quốc gia ở Việt Nam mà em biết là: Unilever, Microsoft, Nestlé, Honda, Coca Cola,…

 

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Toàn cầu hóa kinh tế là gì? Nêu những biểu hiện của toàn cầu hóa kinh tế.

Trả lời:

* Khái niệm: Toàn cầu hóa kinh tế là sự gia tăng nhanh chóng các hoạt động kinh tế vượt qua mọi biên giới quốc gia và khu vực trên toàn thế giới về hàng hóa, dịch vụ, công nghệ, vốn,… Từ đó tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế nhằm hướng tới nền kinh tế thế giới hội nhập và thống nhất.

* Biểu hiện của toàn cầu hóa kinh tế:

- Sự chuyển dịch hàng hóa, dịch vụ, công nghệ, vốn, lao động… giữa các quốc gia ngày càng dễ dàng, phạm vi mở rộng.

- Các hợp tác song phương, đa phương trở nên phổ biến, nhiều hiệp định được kí kết.

- Các công ty xuyên quốc gia ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động. Hệ thống các công ty xuyên quốc đã có mặt ở nhiều nước, tạo nên sự liên kết chặt chẽ, góp phần làm cho quá trình toàn cầu hóa trở nên sâu sắc hơn.

- Mạng lưới tài chính toàn cầu phát triển nhanh, việc di chuyển các luồng vốn quốc tế, tự do tham gia dịch vụ tài chính trên toàn thế giới thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển.

- Nhiều tổ chức kinh tế thế giới được hình thành, ngày càng mở rộng, có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và thế giới

- Các hiệp ước, nghị định, hiệp định và tiêu chuẩn toàn cầu trong sản xuất kinh doanh được nhiều nước tham gia, áp dụng rộng rãi như Tiêu chuẩn quản lí môi trường, quản lí năng lượng,…

Câu 2: Trình bày các hệ quả và phân tích ảnh hưởng của toàn cầu hóa kinh tế đối với các nước trên thế giới.

Trả lời:

* Hệ quả:

- Tích cực:

+ Thúc đẩy chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tăng trưởng nhanh kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển chuỗi liên kết toàn cầu.

+ Gia tăng mối liên hệ, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các quốc gia, khu vực; mở ra nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi, những thành tựu của khoa học kĩ thuật tiên tiến và công nghệ hiện đại.

+ Làm xuất hiện và nhân rộng các mạng lưới liên kết.

- Tiêu cực:

+ Gia tăng nhanh chóng khoảng cách giàu nghèo

+ Đặt ra nhiều vấn đề: giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ vững tính tự chủ quốc gia về kinh tế…

* Ảnh hưởng:

- Tích cực:

+ Mang lại nhiều cơ hội để các nước tiếp cận những nguồn lực cần thiết cho quá trình sản xuất kinh doanh (nguyên liêu, vốn, công nghệ,…)

+ Tạo khả năng để các nước nâng cao năng suất và hiệu quả trong sản xuất; mở rộng thị trường quốc tế… góp phần cải thiện mức sống cho người dân và giải quyết việc làm cho người lao động.

+ Thúc đẩy các nước thay đổi chính sách để tiếp cận thị trường; cải cách kinh tế xây dựng cơ cấu kinh tế phù hợp để đáp ứng được quá trình hội nhập.

+ Thay đổi công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thu hút đầu tư.

- Tiêu cực:

+ Gia tăng sự bất bình đẳng, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước

+ Gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Câu 3: Trình bày khái niệm và những biểu hiện của khu vực hóa kinh tế.

Trả lời:

* Khái niệm: khu vực hóa kinh tế là sự liên kết hợp tác kinh tế của các quốc gia trong mỗi khu vực trên cơ sở tương đồng về địa lí, văn hóa, xã hội, hoặc có chung mục tiêu, lợi ích phát triển.

* Biểu hiện:

- Nhiều tổ chức khu vực trên thế giới được hình thành và quy mô ngày càng lớn: Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC),…

- Các hợp tác trong khu vực ngày càng đa dạng và có nhiều hình thức khác nhau: liên minh kinh tế, hợp tác kinh tế, liên minh thuế quan…

Câu 4: Trình bày hệ quả và phân tích ý nghĩa của khu vực hóa kinh tế đối với các nước trên thế giới.

Trả lời:

* Hệ quả:

- Tích cực:

+ Tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để tạo sự gắn kết, xây dựng một môi trường phát triển ổn định và hợp tác.

+ Tạo khả năng để khai thác hiệu quả và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, góp phần đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội.

+ Góp phần làm giảm sức ép và sự phụ thuộc từ các nước ngoài khu vực, tạo vị thế của khu vực trên trường quốc tế.

- Tiêu cực: làm xuất hiện các vấn đề như: tự chủ về kinh tế, cạnh tranh kinh tế, trình độ phát triển kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực.

* Ý nghĩa:

- Mỗi nước có điều kiện thuận lợi để thu hút được nguồn vốn bên ngoài, hợp tác phát triển; đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa.

- Mỗi quốc gia thành viên đều có điều kiện mở rộng quan hệ kinh tế; xây dựng một khu vực phát triển hài hòa, ổn định bền vững, giải quyết các vấn đề chúng của khu vực.

Câu 5: Nêu biểu hiện, hệ quả của toàn cầu hóa kinh tế và khu vực hóa kinh tế.

Trả lời:

 

Toàn cầu hóa kinh tế

Khu vực hóa kinh tế

Biểu hiện

- Sự chuyển dịch hàng hóa, dịch vụ, công nghệ, vốn, lao động… giữa các quốc gia ngày càng dễ dàng, phạm vi mở rộng.

- Các hợp tác song phương, đa phương trở nên phổ biến, nhiều hiệp định được kí kết.

- Các công ty xuyên quốc gia ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động. Hệ thống các công ty xuyên quốc đã có mặt ở nhiều nước, tạo nên sự liên kết chặt chẽ, góp phần làm cho quá trình toàn cầu hóa trở nên sâu sắc hơn.

- Mạng lưới tài chính toàn cầu phát triển nhanh, việc di chuyển các luồng vốn quốc tế, tự do tham gia dịch vụ tài chính trên toàn thế giới thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển.

- Nhiều tổ chức kinh tế thế giới được hình thành, ngày càng mở rộng, có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và thế giới

- Các hiệp ước, nghị định, hiệp định và tiêu chuẩn toàn cầu trong sản xuất kinh doanh được nhiều nước tham gia, áp dụng rộng rãi như Tiêu chuẩn quản lí môi trường, quản lí năng lượng,…

- Nhiều tổ chức khu vực trên thế giới được hình thành và quy mô ngày càng lớn: Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC),…

- Các hợp tác trong khu vực ngày càng đa dạng và có nhiều hình thức khác nhau: liên minh kinh tế, hợp tác kinh tế, liên minh thuế quan…

 

Hệ quả

- Tích cực:

+ Thúc đẩy chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tăng trưởng nhanh kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển chuỗi liên kết toàn cầu.

+ Gia tăng mối liên hệ, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các quốc gia, khu vực; mở ra nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi, những thành tựu của khoa học kĩ thuật tiên tiến và công nghệ hiện đại.

+ Làm xuất hiện và nhân rộng các mạng lưới liên kết.

- Tiêu cực:

+ Gia tăng nhanh chóng khoảng cách giàu nghèo

+ Đặt ra nhiều vấn đề: giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ vững tính tự chủ quốc gia về kinh tế…

- Tích cực:

+ Tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để tạo sự gắn kết, xây dựng một môi trường phát triển ổn định và hợp tác.

+ Tạo khả năng để khai thác hiệu quả và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, góp phần đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội.

+ Góp phần làm giảm sức ép và sự phụ thuộc từ các nước ngoài khu vực, tạo vị thế của khu vực trên trường quốc tế.

- Tiêu cực: làm xuất hiện các vấn đề như: tự chủ về kinh tế, cạnh tranh kinh tế, trình độ phát triển kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Tại sao toàn cầu hóa kinh tế lại làm gia tăng nhanh chóng khoảng cách giàu nghèo?

Trả lời:  Toàn cầu hóa kinh tế làm gia tăng nhanh chóng khoảng cách giàu nghèo vì: quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực ,các quốc gia,các dân tộc trên thế giới.

- Quốc gia nào biết tận dụng một cách khôn ngoan, khai thác có hiệu quả nguồn tài chính khổng lồ từ toàn cầu hóa mang lại thì sẽ giàu lên nhanh chóng.

- Ngược lại nếu không nắm bắt, tận dụng được các cơ hội thì thời cơ sẽ bị bỏ lỡ, thách thức sẽ trở thành khó khăn dài hạn rất khó khắc phục và là lực cản trở cho sự phát triển.

Câu 2: Chọn một tổ chức kinh tế toàn cầu hoặc một tổ chức liên kết khu vực và trình bày những hiểu biết của mình về tổ chức đó.

Trả lời:  Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN):

- Thời gian thành lập: 1967 tại Băng Cốc, Thái Lan.

- Thành viên: 11 nước trong khu vực Đông Nam Á.

- Mục tiêu của ASEAN: Là tiến hành sự hợp tác giữa các nước thành viên nhằm phát triển kinh tế và văn hóa trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

Câu 3: Lấy một ví dụ về biểu hiện của khu vực hóa kinh tế.

Trả lời: Sự ra đời của khu vực hóa kinh tế Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) năm 1991:

- Nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại và phát triển kinh tế của các nước thành viên.

- Các nước trong khu vực này khẳng định quyết tâm tăng cường đoàn kết, hợp tác và liên kết trong khối nhằm đưa MERCOSUR trở thành một công cụ thúc đẩy các nước thành viên phát triển bền vững, hội nhập kinh tế toàn cầu.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Có ý kiến cho  rằng “Toàn cầu hóa vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các nước đang phát triển”. Em có đồng ý với ý kiến đó không? Vì sao?

Trả lời:

Em đồng ý với ý kiến đó vì:

* Về thời cơ:

- Các quốc gia đều ra sức lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, tăng cường hợp tác tham gia các liên minh kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

- Các quốc gia có thể khai thác nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài

- Xu thế chung của thế giới là hòa bình, ổn định hợp tác phát triển lâu dài, tạo cơ hội cho tất cả các nước phát triển.

* Về thách thức:

- Phần lớn các nước đang phát triển có điểm xuất phát thấp về kinh tế.

- Sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường trên thế giới.

- Bản sắc văn hóa dân tộc có nguy cơ mai một.

- Tình trạng phân hóa giàu nghèo gia tăng.

Câu 2: Thu thập thông tin và liên hệ thực tế về một số kết quả mà Việt Nam đã đạt được kể từ khi gia nhập ASEAN.

Trả lời:

- Gia nhập ASEAN, đặc biệt là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là cơ sở để Việt Nam thúc đẩy chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn 26 năm qua.

- Năm 1995, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 289 USD và đến năm 2020 con số này đã là 3.520 USD, tăng hơn 12 lần so với năm 1995.

- Quy mô nền kinh tế tăng gần 17 lần từ 20,8 tỷ USD vào năm 1995 lên khoảng 343 tỷ USD vào năm 2020, đứng thứ tư trong khu vực ASEAN (chỉ sau Indonesia, Thái Lan và Philippines).

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ 5,2 tỷ USD vào năm 1995 lên 283 tỷ USD vào năm 2020.

- Cùng với hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia vào các tổ chức trong khu vực và trên thế giới, nguồn vốn nước ngoài đầu tư (FDI) vào Việt Nam tăng mạnh qua các năm, đạt 29 tỷ USD vào năm 2020.

- Năm 2020, với việc Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và đảm nhiệm vai trò thúc đẩy việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đã cùng các nước thành viên phát huy đúng tinh thần "Gắn kết và Chủ động thích ứng" với hàng trăm cuộc họp được tổ chức thành công theo hình thức trực tuyến đồng thời đề xuất nhiều sáng kiến nhằm tạo điều kiện củng cố chuỗi cung ứng khu vực, khắc phục hậu quả tiêu cực do đại dịch COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế tiêu biểu như Kế hoạch phục hồi tổng thể ASEAN, Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng.

- Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực trong việc dung hòa các quan điểm trong đàm phán Hiệp định RCEP nhằm xử lý các vấn đề vướng mắc, từ đó thúc đẩy kết thúc đàm phán và ký kết thành công Hiệp định RCEP trong năm 2020.

- Thách thức: Một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam khi tham gia vào AEC là sự chênh lệch về trình độ phát triển so với 06 nước thành viên ban đầu của ASEAN (ASEAN-6).

- Tuy nhiên, trong thời gian 26 năm qua, khoảng cách giữa chúng ta với nhóm 6 nước ASEAN đã được thu hẹp một cách đáng kể. Thậm chí ở nhiều tiêu chí:

+ Chỉ số phát triển con người (HDI) (chỉ số HDI năm 2019 của Việt Nam là 0,704, thuộc nhóm phát triển con người cao) và thu nhập bình quân đầu người (đạt 2.660 USD vào năm 2020), chúng ta đã có bước tiến tiệm cận các nước ASEAN đi trước.

+ Riêng về kim ngạch xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta thậm chí đã vượt nhiều nước ASEAN-6 khác.

 

=> Giáo án Địa lí 11 cánh diều Bài 2: Toàn cầu hoá, khu vực hoá kinh tế

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 11 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay