Câu hỏi tự luận lịch sử 6 kết nối tri thức Bài 12 - Sự hình thành và bước phát triển của các vương quốc phong kiến ở Đông Nam Á (từ thế kỉ VII đến thế kỉ X)
Bộ câu hỏi tự luận lịch sử 6 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 12 - Sự hình thành và bước phát triển của các vương quốc phong kiến ở Đông Nam Á (từ thế kỉ VII đến thế kỉ X). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học lịch sử 6 kết nối tri thức.
Xem: => Giáo án lịch sử 6 sách kết nối tri thức và cuộc sống
CHƯƠNG 4: ĐÔNG NAM Á TỪ NHỮNG THẾ KỈ TIẾP GIÁP ĐẦU CÔNG NGUYÊN ĐẾN THẾ KỈ X
BÀI 12: SỰ HÌNH THÀNH VÀ BƯỚC PHÁT TRIỂN CỦA CÁC VƯƠNG QUỐC PHONG KIẾN Ở ĐÔNG NAM Á (TỪ THẾ KỈ VII ĐẾN THẾ KỈ X)
- NHẬN BIẾT
Câu 1: Từ thế kỉ VI TCN đến đầu thế kỉ VII, ở Việt Nam nước nào, vương quốc cổ nào đã hình thành?
Trả lời:
Từ thế kỉ VI TCN đến đầu thế kỉ VII, nhiều quốc gia cổ đã hình thành ở Đông Nam Á. Trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay đã xuất hiện nước Văn Lang, Âu Lạc; Vương quốc Chăm-pa, Vương quốc Phù Nam.
Câu 2: Em hãy cho biết sự xuất hiện các vương quốc cổ ở Đông Nam Á từ đầu Công nguyên đến thế kỉ X?
Trả lời:
Sự xuất hiện các vương quốc cổ ở Đông Nam Á từ đầu Công nguyên đến thế kỉ X:
- Từ thế kỉ VI TCN đến đầu thế kỉ VII, nhiều quốc gia cổ đã hình thành ở Đông Nam Á. Trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay đã xuất hiện nước Văn Lang, Âu Lạc; Vương quốc Chăm-pa, Vương quốc Phù Nam.
- Tại khu vực sông Mê Nam, người Môn đã thành lập Vương quốc Đva-ra-va-ti, Ha-ri-bun-giay-a.
- Tại lưu vực sông I-ra-oa-đi, người Môn đã thành lập Vương quốc Tha-tơn và Pê-gu, người Pi-u thành lập Vương quốc Sri Kse-tra.
- Trên bán đảo Mã Lai hình thành Vương quốc Kê-đa, Tam-bra-lin-ga, Tu-ma-sic.
- Trên lãnh thổ In-đô-nê-xi-a đã ra đời Vương quốc Ma-lay-u, Ta-ru-ma, Can-tô-li.
II. THÔNG HIỂU
Câu 1: Trong các vương quốc cổ ở Đông Nam Á từ đầu Công nguyên đến thế kỉ X, Vương quốc nào phát triển nhất?
Trả lời:
Trong các vương quốc đó, Vương quốc Phù Nam là vương quốc phát triển nhất với thương cảng Óc Eo (An Giang, Việt Nam), sầm uất, rực rỡ một thời.
Câu 2: Nhân tố tự nhiên nào thuận lợi cho sự phát triển kinh tế ở khu vực Đông Nam Á?
Trả lời:
- Nhân tố tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển kinh tế ở Đông Nam Á là gió mùa.
+ Đông Nam Á là một khu vực rộng lớn và bị chia cắt nên không có những thảo nguyên mênh mông để chăn nuôi gia súc lớn.
+ Tuy nhiên, thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất này một điều kiện thuận lợi, đó là gió mùa. Gió mùa kèm theo mưa rất thích hợp cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là cây lúa nước.
Câu 3: Trình bày sự phát triển về kinh tế các vương quốc phong kiến Đông Nam Á từ thế kỉ VII – X.
Trả lời:
- Các vương quốc nằm ở vùng lục địa (như Chăm-pa, Chân Lạp), ở hạ lưu sông Chao Phray-a (Thái Lan)l lưu vực sông I-ra-oa-đi… lấy nông nghiệp làm ngành kinh tế chính.
- Một số quốc gia chủ yếu dựa vào hoạt động thương mại biển, như: Sri Vi-giay-a; Ca-lin-ga; Ma-ta-ram (In-đô-nê-xi-a ngày nay).
- Quá trình giao lưu thương mại với nước ngoài đã thúc đẩy sự phát triển của các vương quốc trong khu vực. Vì vậy, trong các thế kỉ VII – X, ở các vương quốc cũng đã xuất hiện một số thương cảng sầm uất, như: Đại Chiêm (Chăm-pa); Pa-lem-bang (Sri Vi-giay-a)… Những thương cảng này đã trở thành điểm kết nối kinh tế, văn hóa giữa các châu lục.
- Quá trình giao lưu thương mại với nước ngoài đã thúc đẩy sự phát triển của các vương quốc trong khu vực: Giúp trao đổi hàng hóa, đa dạng các sản phẩm, giao lưu thương mại đồng thời phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, sản xuất, tiêu dùng; giao thông vận tải phát triển, đời sống vật chất và tinh thần nâng cao và mở rộng. Tất cá những điều đó đã tạo nền tảng kinh tế cho sự ra đời của các quốc gia Đông Nam Á.
Câu 4: Theo em các vương quốc phong kiến Đông Nam Á từ thế kỉ VII đến thế kỉ X có hoạt động kinh tế chính như thế nào?
Trả lời:
- Hoạt động kinh tế chính của các vương quốc phong kiến Đông Nam Á từ thế kỉ VII đến thế kỉ X:
+ Các vương quốc lấy nông nghiệp làm ngành kinh tế chính, chủ yếu nằm ở vùng lục địa (như Chăm-pa, Chân Lạp), ở lưu Vực sông Chao Phray-a (Thái Lan), lưu vực sông l-ra-oa-di (Mi-an-ma ngày nay)....
+ Một số quốc gia chủ yếu dựa vào hoạt động thương mại biển như Sri Vi-giay-a, Ca-lin-ga, Ma-ta-ram (In-đô-nê-xi-a ngày nay).
+ Quá trình giao lưu thương mại với nước ngoài đã thúc đẩy xuất hiện một số thương cảng sầm uất như Đại Chiêm (Chăm-pa), Pa-lem-bang (Sri Vigiay-a),.. Những thương cảng này đã trở thành điểm kết nối kinh tế, văn hoá giữa các châu lục.
Câu 5: Em có nhận xét gì về quá trình giao lưu thương mại của các vương quốc Đông Nam Á với nước ngoài?
Trả lời:
- Quá trình giao lưu thương mại với nước ngoài đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các vương quốc trong khu vực:
+ Hoạt động trao đổi – buôn bán với nước ngoài giúp: xuất khẩu các sản phẩm (hàng hóa) trong nước ra nước ngoài; nhập khẩu các hàng hóa nước ngoài về để đa dạng hóa sản phẩm; đáp ứng nhu cầu của người dân.
+ Góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất: nông nghiệp, thủ công nghiệp… ở trong nước.
+ Góp phần đưa tới sự xuất hiện của các cảng thị sầm uất, ví dụ như: Đại Chiêm (Chăm-pa); Pa-lem-bang (Sri Vi-giay-a)…
III. VẬN DỤNG
Câu 1: Kể tên những sản vật của vương quốc Sri Vi-giay-a và Ma-ta-ram hấp dẫn thương nhân nước ngoài?
Trả lời:
- Những sản vật của vương quốc Sri Vi-giay-a có sức hấp dẫn đối với các thương nhân nước ngoài là: tinh dầu thơm; cây thuốc; long não, trầm hương, đinh hương, đàn hương, đậu khấu, sa nhân…
- Những sản vật của vương quốc Ma-ta-ram có sức hấp dẫn đối với các thương nhân nước ngoài là: đồi mồi, vàng bạc, sừng tê và ngà voi…
Câu 2: Theo em, các vương quốc phong kiến Đông Nam Á có những lợi thế gì để phát triển kinh tế?
Trả lời:
Những lợi thế giúp các vương quốc phong kiến Đông Nam Á phát triển kinh tế: Các vương quốc phong kiến Đông Nam Á đã phát huy lợi thế để phát triển kinh tế thể hiện ở những điểm như sau:
+ Các quốc gia Đông Nam Á trở thành những điểm dừng chân lí tưởng cho các tuyến đường biển kết nối Á- Âu => thuận lợi để trao đổi, buôn bán hàng hóa
+ Thúc đẩy sự phát triển của các vương quốc trong khu vực, xuất hiện một số thương cảng sầm uất như Đại Chiêm, Pa-lem-bang.
+ Điều kiện tự nhiên thuận lợi là gió mùa kèm theo mưa => thích hợp cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa nước.
IV. VẬN DỤNG CAO
Câu 1: Trong khoảng mười thế kỉ đầu công nguyên, ở Đông Nam Á đã xuất hiện một số thương cảng sầm uất nào?
Trả lời:
Trong khoảng mười thế kỉ đầu công nguyên, ở Đông Nam Á đã xuất hiện một số thương cảng sầm uất, như Đại Chiêm, Pa-lem-bang…
Câu 2: Em hiểu “Con đường Gia vị” của các vương quốc Đông Nam Á là gì?
Trả lời:
Với nguồn sản vật phong phú, đặc biệt là gia vị, các vương quóc Đông Nam Á đã góp nhiều mặt hàng chủ lực trên những tuyến đường biển kết nối Á – Âu, mà sau này gọi là “Con đường Gia vị”.