Câu hỏi tự luận lịch sử 7 cánh diều Bài 1: Quá trình hình thành và phát triển chế độ phong kiến ở Tây Âu

Bộ câu hỏi tự luận lịch sử 7 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 1: Quá trình hình thành và phát triển chế độ phong kiến ở Tây Âu.  Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học lịch sử 7 cánh diều.

CHƯƠNG 1: TÂY ÂU TỪ THẾ KỈ V ĐẾN NỬA ĐẦU THẾ KỈ XVI

BÀI 1: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN Ở TÂY ÂU

I. NHẬN BIẾT

Câu 1: Em hãy trình bày nguồn gốc của người Giéc-man?

Trả lời:

- Nguồn gốc của người Giéc-man:

+ Các bộ tộc người Giéc-man có nguồn gốc từ Bắc Âu, đến sinh sống ở ngoài cương giới của đế quốc La Mã, thường liên minh với nhau để xâm chiếm đất đai của người La Mã.

+ Trước đó, họ đang trong thời kì nguyên thủy nên người La Mã gọi họ là “man tộc”.

Câu 2: Quá trình phong kiến hóa của Vương quốc Phơ-răng diễn ra như thế nào?

Trả lời:

Quá trình phong kiến hóa của Vương quốc Phơ-răng diễn ra:

- Sau khi xâm chiếm đế quốc La Mã rộng lớn làm cho đế quốc La Mã bị diệt vong, người Giéc-man đã thành lập nhiều vương quốc mới như: Vương quốc của người Ăng-glỗ Xắc-xông, Vương quốc Phơ-răng, Vương quốc Tây Gốt, Vương quốc Đông Gốt,... Trong đó, Vương quốc Phơ-răng qua các cuộc chiến tranh chinh phục của hoàng để Sác-lơ-ma-nhơ đã trở thành đế quốc rộng lớn, tồn tại lâu dài và giữ vai trò quan trọng trong lịch sử Tây Âu thời trung đại.

- Quá trình phong kiến hóa diễn ra mạnh mẽ và sâu sắc ở Vương quốc Phơ-răng với sự hình thành của các giai cấp mới: lãnh chúa phong kiến và nông nô.

+ Lãnh chúa phong kiến được hình thành từ những quý tộc thị tộc người Giéc-man được phong tước vị, chiếm được nhiều ruộng đất của chủ nô La Mã. Và những quý tộc quy phục chính quyền mới được giữ lại ruộng đất.

+ Nông nô được hình thành từ những nô lệ được giải phóng và nông dân tự do mất ruộng đất phải phụ thuộc vào các lãnh chúa phong kiến.

Câu 3: Hãy cho biết các giai cấp cơ bản được hình thành như thế nào trong xã hội tây Âu?

Trả lời: 

- Trong xã hội phong kiến Châu Âu: 

+ Những quý tộc thị tộc người Giéc-man và quý tộc La Mã quy thuận trở thành lãnh chúa phong kiến 

+ Những nô lệ được giải phóng và nông dân tự do mất ruộng đất phải phụ thuộc vào các lãnh chủ trở thành nông nô

 

Câu 4: Hãy cho biết thời đại phong kiến Châu Âu bắt đầu từ lúc nào?

Trả lời: 

- Thời đại phong kiến Châu Âu bắt đầu: 

+ Cuối thế kỉ V, đế quốc La Mã bị người Giéc-man xâm chiếm. 

+ Năm 476 đế quốc La Mã bị diệt vong. 

+ Chế độ chiếm nô kết thúc ở khu vực Địa Trung Hải, thời đại phong kiến bắt đầu ở châu Âu. 

 

Câu 5: Thế nào là lãnh địa phong kiến?

Trả lời: 

Hiểu biết về lãnh địa phong kiến: 

- Là một khu đất rộng lớn mà quý tộc tước đoạt được, bao gồm đất canh tác, rừng, ao hồ, nhà thờ, lâu đài của lãnh chúa, nhà ở của nông nô. 

- Đứng đầu mỗi lãnh địa là một lãnh chúa, có mọi quyền hành trong lãnh địa đó. 

- Quyền lực của lãnh chúa trong lãnh địa: quyền sở hữu tối cao ruộng đất, quyền đặt ra các loại tô, thuế. Ngoài ra, lãnh chúa còn đứng đầu cơ quan pháp luật và thống trị nông nô về tinh thần. 

II. THÔNG HIỂU

Câu 1: Hãy mô tả đời sống của các lãnh chúa phong kiến và nông nô trong các lãnh địa.

Trả lời:

Mô tả đời sống của các lãnh chúa phong kiến và nông nô trong các lãnh địa:

- Đời sống của các lãnh chúa phong kiến:

+ Trong các lãnh địa, lãnh chúa phong kiến không lao động sản xuất, họ sống bằng việc bóc lột sức lao động của nông nô. Lãnh chúa có cuộc sống nhàn rỗi, xa hoa và trụy lạc.

+ Nghề nghiệp chính của họ là chiến đấu, vì vậy từ nhỏ con em quý tộc chỉ học tập quân sự như phi ngựa, đấu kiếm, dâm lao...

+ Họ không quan tâm đến học văn hóa để mở rộng trí tuệ nên số đông trong bọn họ rất thô lỗ, dốt nát, thậm chí không biết chữ.

+ Thời bình, quanh năm họ tổ chức tiệc tùng linh đình, tổ chức vũ hội, săn bắn, đua ngựa và thi đấu võ... Không những thế, họ còn đối xử rất tàn nhẫn với nông nô.

- Đời sống của nông nô:

+ Trong các lãnh địa phong kiến, nông nô là người sản xuất chính nuôi sống lãnh địa. Nhưng đời sống của họ vô cùng khốn khổ.

+Nông nô bị phụ thuộc thân thể vào lãnh chúa phong kiến. Họ không được tự ý bỏ di khỏi lãnh địa.

+ Lãnh chúa phong kiến đặt ra nhiều thứ thuế để bóc lột nông nô như thuế thân, thuế cưới xin, thuế thừa kế tài sản,...

+ Người nông nô làm quần quật quanh năm mà không đủ ăn. Họ sống trong những túp lều tồi tàn, bẩn thỉu. Họ bị đói kém bệnh tật, bị đòn roi của bọn lãnh chúa phong kiến hằng ngày.

Câu 2: Từ kiến thức trong sách giáo khoa và kết nối với các tài liệu lịch sử, hãy: Nêu nguyên nhân dẫn đến các cuộc đấu tranh của nông nô chống lại lãnh chúa phong kiến.

Trả lời:

Nguyên nhân dẫn đến các cuộc đấu tranh của nông nô chống lại lãnh chúa phong kiến:

- Thời phong kiến ở Tây Âu, nông nô là người sản xuất chính trong các lãnh địa phong kiến, nhưng đời sống của họ vô cùng cơ cực. Nông nô bị phụ thuộc về thân thể vào lãnh chúa.

- Nông nô bị gắn chặt vào ruộng đất của lãnh chúa, không được tự ý bỏ đi khỏi lãnh địa.

- Lãnh chúa bóc lột nông nô bằng địa tô, nghĩa là lãnh chúa giao ruộng đất cho nông nô cày cấy và hưởng lợi trên mảnh đất đó.

- Nông nô còn phải nộp nhiều thứ thuế và làm nhiều nghĩa vụ khác cho lãnh chúa. Đời sống nông nô vô cùng khốn khổ. Đói rét, bệnh tật, đòn roi của lãnh chúa luôn bám sát và đè nặng lên cuộc đời họ.

- Mâu thuẫn giữa nông nô với lãnh chúa phong kiến trở nên gay gắt.

 

Câu 3: Cuộc đấu tranh chống lãnh chúa phong kiến diễn ra như thế nào?

Trả lời:

- Do bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn, nông nô thường xuyên đấu tranh chống lại lãnh chúa.

- Hình thức đấu tranh: đốt cháy kho tàng của lãnh chúa, bỏ trốn vào rừng và quyết liệt hơn là khởi nghĩa vũ trang.

- Những cuộc khởi nghĩa điển hình: khởi nghĩa Giắc-cơ-ri nổ ra ở Pháp năm 1358 và khởi nghĩa Oát Tay-lơ nổ ra ở Anh năm 1381.

Câu 4: Hoạt động của các hội chợ ở Tây Âu như thế nào?

Trả lời:

- Hoạt động của các hội chợ:

+ Từ sơ kì trung đại, các hội chợ xuất hiện. Hội chợ là nơi hoạt động thương mại. Hội chợ ra đời và phát triển cùng với sự phát triển của thành thị và kinh tế hàng hóa.

+ Hội chợ là nơi giới thiệu hàng hóa, mua bán, đổi chác, đặt hàng, là nơi tập trung định kì các yêu cầu, các dự tính, có thể đảm bảo an toàn và mang lại những món lời chắc chắn cho thương nhân.

+ Trong các hội chợ, hội chợ Săm-ba-nhơ (ở Đông Bắc Pháp) lớn nhất và có ý nghĩa toàn châu Âu.

+ Hội chợ kích thích thương mại và qua đó kích thích nền kinh tế phát triển.

 

Câu 5: Hoạt động buôn bán của thương đoàn ở Tây Âu diễn ra như thế nào?

Trả lời:

- Việc buôn bán của thương đoàn:

+ Từ thế kỉ XIII, thương mại trong các thành thị đã phát triển mạnh. Việc mua bán giữa các nước ngày càng phát triển, đặc biệt xung quanh vùng Địa Trung Hải.

+ Vì phải đi buôn bán xa, thương nhân gặp nhiều khó khăn: bị cướp biển, bị chèn ép... thương nhân đã lập ra thương đoàn để giúp đỡ lẫn nhau.

+ Các thương đoàn là tổ chức nghề nghiệp của thương nhân, có quy chế rất chặt chẽ với mục đích giúp đỡ nhau vận chuyển hàng hóa, bảo vệ dọc đường đi, mua và bán thuận lợi.

+ Hoạt động của thương đoàn đã thúc đẩy sự phát triển của thương mại. Đồng thời góp phần làm cho kinh tế hàng hóa phát triển.

+ Từ giữa thế kỉ XV trở đi, do sự kìm hãm của nhà nước phong kiến, các thương đoàn hoạt động yếu dần, cho đến thế kỉ XVI thì căn bản chấm dứt.

 

III. VẬN DỤNG

Câu 1: Trình bày sự khác nhau giữa kinh tế lãnh địa phong kiến và kinh tế thành thị trung đại ở Tây Âu.

Trả lời:

Sự khác nhau giữa kinh tế lãnh địa phong kiến và kinh tế thành thị trung đại ở Tây Âu:

+ Kinh tế trong các lãnh địa phong kiến, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp. Còn kinh tế thành thị chủ yếu là sản xuất thủ công nghiệp và buôn bán.

+ Kinh tế trong các lãnh địa phong kiến: Các sản phẩm làm ra chỉ để tiêu dùng trong lãnh địa, hầu như không có trao đổi, mua bán ra bên ngoài. Còn kinh tế thành thị thì sản phẩm làm ra để trao đổi, mua bán.

+ Nền kinh tế trong các lãnh địa phong kiến là nền kinh tế tự cung tự cấp. Còn nền kinh tế thành thị là nền kinh tế hàng hóa.

+ Kinh tế lãnh địa kìm hãm sự phát triển của xã hội phong kiến. Còn kinh tế thành thị tạo điều kiện cho xã hội phong kiến phát triển.

Câu 2: Nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau giữa kinh tế lãnh địa phong kiến và kinh tế thành thị trung đại ở Tây Âu.

Trả lời:

Nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau giữa kinh tế lãnh địa phong kiến và kinh tế thành thị trung đại ở Tây Âu:

+ Do hàng thủ công sản xuất ra ngày càng nhiều cần có sự trao đổi, mua bán.

+ Do sự kìm hãm của nền kinh tế tự cung, tự cấp của các lãnh địa phong kiến nên thợ thủ công tìm mọi cách thoát khỏi lãnh địa để có điều kiện phát triển kinh tế thủ công và thương nghiệp.

 

Câu 3: Dựa vào vai trò của thành thị ở Tây Âu thời trung đại, hãy giải thích câu nói của C. Mác: “Thành thị là bông hoa rực rỡ nhất thời trung đại”.

Trả lời:

- Từ thế kỉ XI, các thành thị trung đại bắt đầu xuất hiện, khi thành thị xuất hiện làm cho kinh tế hàng hóa phát triển ngày càng cao, đã phá vỡ kinh tế tự cấp tự túc, thúc đẩy quá trình sản xuất và mở rộng thị trường, tạo điều kiện thống nhất quốc gia.

- Thành thị xuất hiện, làm cho các thiết chế dân chủ trong thành thị có vai trò to lớn trong việc xác lập nhu cầu và khả năng thực hiện một lí tưởng xã hội mới, đối lập với chế độ phong kiến.

- Thành thị xuất hiện làm cho không khí trong thành thị trở thành môi trường thuận lợi để phát triển văn hóa. Các trường đại học nổi tiếng: O-xphớt, Xoóc-bon, Pra-ha đã được xây dựng tại các thành thị trung đại.

- Như vậy, khi thành thị xuất hiện đã làm cho kinh tế, chính trị, văn hóa ở châu Âu có những biến chuyển rõ rệt, nó phá vỡ dần các lãnh địa phong kiến đưa xã hội Tây Âu bước vào giai đoạn phát triển mới.

  • “Thành thị là bông hoa rực rỡ nhất thời trung đại”.

 

IV. VẬN DỤNG CAO

Câu 1: Hãy trình bày sự ra đời của Thiên Chúa giáo và nêu hiểu biết của em về Chúa Giê-su.

Trả lời:

  • Sự ra đời của Thiên Chúa giáo:

- Do chúa Giê-su sáng lập vào thế kỉ I tại Giu-đê (vùng Giê-su-sa-lem hiện nay)

- Sự hình thành Thiên chúa giáo là sự kế thừa giáo lý cơ bản và tín đồ của đạo Do Thái.

  • Hiểu biết về chúa Giê-su:

- Chúa Giê-su là người sáng lập ra Thiên Chúa giáo.

- Năm Chúa Giê-su ra đời được quy ước là năm khởi đầu cho kỉ nguyên công lịch (dương lịch).

- Chúa Giê-su bắt đầu giảng đạo vào khoảng năm 30 tuổi.

Câu 2: Nêu vai trò của thành thị trung đại đối với Châu Âu thời trung đại?

Trả lời: 

- Vai trò của thành thị trung đại đối với Châu Âu thời trung đại:

+ Thành thị ra đời đã phá vỡ nền kinh tế tự cung, tự cấp, thúc đẩy sản xuất phát triển, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thống nhất quốc gia. 

+ Các thiết chế dân chủ trong thành thị có vai trò to lớn trong việc xác lập nhu cầu và khả năng thực hiện một lí tưởng xã hội mới, đối lập với chế độ phong kiến. 

+ Không khí tự do của thành thị là môi trường thuận lợi để phát triển văn hóa.

 

 

 

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận lịch sử 7 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay