Câu hỏi tự luận Ngữ văn 6 chân trời Bài 3 Văn bản 2: Việt Nam quê hương ta

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 6 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 3 Văn bản 2: Việt Nam quê hương ta. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 6 chân trời sáng tạo.

VĂN BẢN. VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG TA

CHUẨN BỊ ĐỌC

Câu 1: Tìm hiểu về tác giả?

Trả lời

  • Nguyễn Đình Thi (1924- 2003), sinh ra tại Thành phố Luông Pha Băng, nước Lào.
  • Ông tham gia kháng chiến và giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng.
  • Nguyễn Đình Thi được xem là một nghệ sĩ đa tài, ông sáng tác nhạc, làm thơ, viết tiểu thuyết, kịch, tiểu luận phê bình. Ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp đáng trân trọng.
  • Phong cách nghệ thuật: Thơ ông tự do, phóng khoáng mà vẫn hàm súc, sâu lắng, suy tư và có nhiều tìm tòi theo hướng hiện đại.
  • Những tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Đình Thi là sự phản ánh kịp thời cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến. Các tác phẩm của ông đều mang tính thời sự về các cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam.

Câu 2: Các tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Nguyễn Đình Thi?

Trả lời

- Thơ: Người chiến sỹ (1958); Bài thơ Hắc Hải (1958); Dòng sông trong xanh (1974); Tia nắng (1985); Đất nước (1948 – 1955); Việt Nam quê hương ta; Nhớ; Lá đỏ…

- Tiểu thuyết “Xung kích”, “Vỡ bờ”; “Thu đông năm nay” (1954), “Bên bờ sông Lô” (1957), “Vào lửa” (1966), “Mặt trận trên cao” (1967) …

Câu 3: Nội dung chính của bài thơ Việt Nam quê hương ta?

Trả lời

Tác giả đã thể hiện sự tự hào về đất nước, quê hương qua những khung cảnh thiên nhiên và văn hoá, con người như (mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn, Quê hương biết mấy thân yêu), sự đồng cảm với những vất vả, hi sinh của người dân (bao nhiêu đời đã chịu nhiều đau thương,  mặt người vất vả in sâu). Qua đó thể hiện tình  cảm yêu mến, quý trọng với dân tộc.

Câu 4: Bố cục của bài thơ?

Trả lời

Có thể chia văn bản thành 2 đoạn:

- Khổ 1: Vẻ đẹp thiên nhiên

- Khổ 2,3,4,5: Vẻ đẹp con người

Câu 5: Nhan đề bài thơ gợi cho em cảm xúc gì?

Trả lời

Nhan đề bài thơ “Việt Nam quê hương ta” đã gợi ra vẻ tươi đẹp của thiên nhiên, cảnh sắc đất nước ta. Đồng thời dựa vào tiêu đề, tác giả muốn khắc họa những phẩm chất, đức tính tốt đẹp ở con người Việt Nam: chịu thương chịu khó, anh dũng, thủy chung,…

Câu 6: Giá trị nội dung của tác phẩm?

Trả lời

Nhà thơ đã ca ngợi vẻ đẹp giản dị, mộc mạc của thiên nhiên, con người Việt Nam, qua đó thể hiện tình yêu thương, sự gắn bó sâu sắc của tác giả đối với quê hương đất nước.

Câu 7: Giá trị nghệ thuật của tác phẩm?

Trả lời

  • Thể thơ lục bát sử dụng uyển chuyển.
  • Giọng điệu linh hoạt, mượt mà, gần gũi với ca dao dân ca.
  • Từ ngữ tự nhiên và gần gũi với đời thường.

Câu 8: Vẻ đẹp thiên nhiên Việt Nam được miêu tả như thế nào qua bài thơ?

Trả lời

– Tiếng gọi trìu mến, thân thương “Việt Nam đất nước ta ơi”.

– Cảnh sắc thiên nhiên:

  • + “Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”: từ láy “mênh mông” cùng biện pháp so sánh đã tô đậm sự trù phú của những cánh đồng lúa.
  • + “Cánh cò bay lả rập rờn”: gợi hình ảnh cánh cò bay lượn trên bầu trời. -> mở ra không gian thanh bình, yên ả.
  • + “Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”: vẻ đẹp vừa kì vĩ, vừa nên thơ của đỉnh Trường Sơn hùng vĩ.

=> Bức tranh thiên nhiên hiện lên thật tươi đẹp, rực rỡ -> mở ra khung cảnh Việt Nam yên bình, trù phú.

Câu 9:  Vẻ đẹp của con ngừi Việt Nam được miêu tả như thế nào?

Trả lời

  • “Mặt người vất vả in sâu/ Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn”: đức tính cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động của ông cha ta từ ngàn đời xưa.
  • “Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên”: phẩm chất kiên cường, anh dũng, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
  • “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”: nhấn mạnh bản tính lương thiện, hiền hòa vốn có của người Việt Nam.
  • “Yêu ai yêu trọn tấm tình thủy chung”: tấm lòng thủy chung, sắt son của con người.
  • “Tay người như có phép tiên/ Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ”: sự khéo léo, tài hoa của nhân dân.

Câu 10: Nêu nét đặc biệt trong hình thức nghệ thuật của bài thơ?

Trả lời

- Sử dụng các hình ảnh gần gũi, quen thuộc.

- Lời thơ sâu lắng, dạt dào cảm xúc.

- Sử dụng các biện pháp tu từ: nhân hóa “Việt Nam đất nước ta ơi”, so sánh “Tay người như có phép tiên”,…

Câu 11: Các biện pháp tu từ nào được sử dụng trong tác phẩm?

Trả lời

- Biện pháp tu từ nhân hoá: Việt Nam đất nước ta ơi

- Biện pháp tu từ so sánh không ngang bằng: Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Tác dụng: Khiến cho hình ảnh đất nước trở nên gần gũi, thân quen, làm tăng mức độ của đất trời Việt Nam không đâu sánh bằng. Từ đó toát lên vẻ đẹp của quê hương đất nước.

Câu 12: Tác giả thể hiện tình cảm như thế nào đối với quê hương, đất nước thông qua bài thơ?

Trả lời

Tác giả đã thể hiện sự tự hào về đất nước, quê hương qua những khung cảnh thiên nhiên và văn hoá, con người như (mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn, Quê hương biết mấy thân yêu), sự đồng cảm với những vất vả, hi sinh của người dân (bao nhiêu đời đã chịu nhiều đau thương, mặt người vất vả in sâu). Qua đó thể hiện tình  cảm yêu mến, quý trọng với dân tộc.

Câu 13: Bài thơ gợi cho em suy nghĩ và cảm xúc gì về con người và cảnh sắc quê hương ?

Trả lời

Văn bản gợi ra một đất nước Việt Nam luôn tươi đẹp, thơ mộng và tràn đầy sức sống. Con người Việt Nam tuy vất vả nhưng khéo léo, kiên cường và thủy chung.

Câu 14: Qua việc tìm hiểu và phân tích bài thơ, theo em “Quê hương “ là gì?

Trả lời

Theo em quê hương là nơi mà một người sinh ra và lớn lên, nơi mà họ cảm thấy gắn bó và có tình cảm sâu sắc đối với nó. Đó có thể là quê hương của một quốc gia, một vùng miền, một thành phố hoặc một làng quê. Là nơi đánh dấu nơi mà con người có những ký ức, trải nghiệm và tình cảm đặc biệt.

 

Câu 15: Viết một đoạn văn (160 -200 từ) về tình yêu quê hương đất nước trong em sau khi đọc bài thơ ?

Trả lời

Tình yêu quê hương đất nước - một tình cảm tốt đẹp và đáng quý. Trước hết, tình yêu quê hương, đất nước là sự yêu mến, tự hào và gắn bó dành cho quê hương, đất nước của mình. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tình cảm đó nước lại kết thành một làn sóng mạnh mẽ nhấn chìm mọi kẻ thù xâm lược. Trong quá khứ, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng, dưới sự lãnh đạo của những bậc anh hùng như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… để đánh bại kẻ thù phương Bắc. Đồng bào ta ngày nay cũng xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Điều đó được thể hiện qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, không phân biệt tuổi tác hay địa vị, hễ cứ là người Việt Nam thì đều đứng lên. Từ các cụ già đến trẻ nhỏ, từ kiều bào nước ngoài đến đồng bào bị tạm chiếm đều chung một lòng yêu nước ghét giặc. Còn ở thời hòa bình, tình yêu quê hương, đất nước lại biểu hiện theo một cách khác. Tình yêu đến từ những điều thật giản dị như yêu con đường, ngôi nhà, cánh đồng - những sự vật đã gắn bó với chúng ta từ thuở thơ bé. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ đã có lối sống sai lầm, thậm chí gây ra những hành động ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Chúng ta cần phải hiểu được rằng tình yêu quê hương, đất nước cần được giữ gìn và phát huy.

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 6 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay