Nội dung chính Ngữ văn 9 cánh diều Bài 6: Chuyện người con gái Nam Xương
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 6: Chuyện người con gái Nam Xương sách Ngữ văn 9 cánh diều. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.
Xem: => Giáo án ngữ văn 9 cánh diều
BÀI 6: TRUYỆN TRUYỀN KÌ VÀ TRUYỆN TRINH THÁM
VĂN BẢN 1: CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG
I. Giới thiệu bài học
- Chủ đề Truyện truyền kì và truyện trinh thám: Gồm VB truyện truyền kì đề cập đến những đặc điểm cơ bản nhất của truyện truyền kì và vai trò của trí tưởng tượng, khắc họa chân dung những số phận người phụ nữ với phẩm chất, đức hạnh đáng trân trọng. Bên cạnh đó là VB truyện trinh thám đi đến khám phá, giải mã những bí ẩn không chỉ để thoả mãn trí tò mò, khả năng phán đoán, mà còn góp phần giúp con người giải quyết nhiều vấn đề hệ trọng của cuộc sống.
- Tên và thể loại của các VB đọc chính và thực hành đọc hiểu:
Tên văn bản | Thể loại |
Chuyện người con gái Nam Xương | Truyện truyền kì |
Vụ cải trang bất thành | Truyện trinh thám |
Dế chọi | Truyện truyền kì |
II. Kiến thức Ngữ văn
1. Truyện truyền kì
a. Nguồn gốc
Truyện truyền kì là thể loại văn xuôi tự sự có nguồn gốc từ Trung Quốc, kể về những chuyện kì ảo.
b. Cốt truyện
Cốt truyện thường được xây dựng dựa trên những câu chuyện trong dân gian hoặc trong cuộc sống.
c. Chủ đề
Sử dụng nhiều yếu tố kì ảo nhưng nội dung của truyện lại thường là vấn đề của đời sống nhân sinh (hạnh phúc gia đình, tình yêu nam nữ,...).
d. Không gian, thời gian
- Không gian, thời gian, sự việc, con người,... có sự kết hợp giữa những chi tiết có thật với không có thật.
- Trong truyện, không gian cõi trần và cõi âm, con người và thánh thần, ma quỷ có sự hoà trộn, kết nối.
- Con người có thể chết đi sống lại, khi ở dương gian, lúc ở địa phủ; có thể “phiêu diêu trong thế giới ảo huyền ở cả bốn cõi không gian... và hành trình trong thời gian phi tuyến tính”.
e. Nhân vật
- Nhân vật chính chủ yếu là người bình dân, người trí thức, quan lại, thương nhân, ca nữ,...
- Có một số nhân vật như thần, phật, vua, quan, ma quỷ.... nhưng cũng được khắc hoạ ở phương diện con người cá nhân, đời thường,...
III. Tìm hiểu chung về văn bản
1. Đọc
- Cách đọc: Khi đọc truyện truyền kì, cần tóm tắt truyện, xác định không gian, thời gian trong truyện, tìm hiểu các nhân vật, chỉ ra và nêu tác dụng của các chi tiết kì ảo, nêu chủ đề của truyện…
- Chiến lược đọc:
Câu hỏi | Câu trả lời của tôi |
Nhân vật Vũ Thị Thiết và Trương Sinh được giới thiệu như thế nào? | - Vũ Thị Thiết: quê ở Nam Xương, tính tình thùy mị, nết na lại thêm tư dung tốt đẹp. - Trương Sinh: có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá mức |
Người vợ muốn nhắn gửi điều gì với chồng qua lời tiễn đưa này? | Vũ Thị Thiết muốn nhắn gửi chồng: nàng không cần công danh phù phiếm, chỉ mong chàng bình an trở về. Hơn nữa nàng cũng bộc lộ nỗi khắc khoải nhớ chồng, coi hạnh phúc gia đình là trên hết. |
Tình huống bất ngờ nào xuất hiện? | Tình huống bất ngờ xuất hiện: Hết hạn đi lính, Trương Sinh trở về, nhưng Vũ Nương chưa được hưởng hạnh phúc sum họp gia đình được bao lâu thì xảy ra bi kịch. Trong một lần, bé Đản buột miệng nói “Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói chứ không như cha tôi trước kia chỉ im thin thít...”. |
Người vợ đã nói gì khi bị chồng nghi ngờ? | Tự biện bạch cho bản thân, khẳng định không hề có chuyện “hư thân”, bị oan ức. |
Vũ Nương là ai? Chi tiết nào không có thật? | - Vũ Nương là người cùng làng với Phan Lang. - Chi tiết không có thật: Các nàng tiên trong cung nước thương tôi vô tội, rẽ một đường nước cho tôi thoát chết… |
Truyện kết thúc thế nào? | Vũ Nương không trở về nhân gian được nữa mà sống dưới thủy cung cùng đức Linh Phi. |
2. Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm
a. Tác giả
- Nguyễn Dữ sống trong thế kỷ XVI, thời gian cụ thể về năm sinh và mất vẫn chưa rõ.
- Là người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân nay là xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, Hải Dương.
- Ông là người tài năng, trí thức lớn, đã từng đỗ đạt và làm quan dưới thời Lê. Tuy nhiên, nội chiến và cuộc đấu tranh giữa nhà Mạc, Lê, Trịnh đã khiến ông chán nản. Do đó, sau một năm làm quan, ông quyết định rút lui và sống ẩn dật bên cạnh mẹ già, theo đuổi đam mê viết văn.
b. Tác phẩm
- Truyền kì mạn lục được Nguyễn Dữ viết bằng chữ Hán gồm 20 truyện, ra đời vào nửa đầu thế kỉ XVI. Tác phẩm vừa có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo cao cả, vừa là một tuyệt tác của thể loại truyền kì, được mệnh danh là áng “thiên cổ kì bút”.
- Chuyện người con gái Nam Xương là truyện thứ 16 trong số 20 truyện của tập Truyền kì mạn lục.
IV. Khám phá văn bản
1. Cốt truyện, không gian, thời gian trong Chuyện người con gái Nam Xương
a. Cốt truyện
Vũ Nương là người con gái thúy mị, nết na, lấy Trương Sinh (người ít học, có tính đa nghi) à Trương Sinh phải đi lính đánh giặc Chiêm; ở nhà, Vũ Nương sinh con, hết lòng chăm sóc mẹ chồng, khi mẹ chồng mất, lo đám tang chu đáo à Trương Sinh trở về, nghe câu nói của con và nghi ngờ vợ; mắng nhiếc và đánh đuổi; dù Vũ Nương giải thích cũng nhất quyết không tin nàng à bị oan nhưng không thể minh oan, Vũ Nương quyên sinh ở bến Hoàng Giang, nhưng được đức Linh Chi cứu giúp à Ở nơi cung nước, Vũ Nương gặp Phan Lang (người cùng làng), nàng hờ nói với Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng, nàng sẽ trở về à Vũ Nương trở về gặp Trương Sinh, từ giữ dòng nói vọng vào mấy lời để chồng thấu nỗi oan của mình rồi biến mất.
=> Nội dung bao quát của truyện: thói cả ghen của người chồng và số phận bất hạnh của nàng Vũ Thị Thiết.
b. Không gian, thời gian
- Thời gian: sắp xếp theo trình tự tuyến tính (việc gì xảy ra trước kể trước).
- Không gian: Sự kiện được kể theo các phạm vi khác nhau nối tiếp nhau: trần thế - thuỷ phủ – trần thế; không gian trần thế là thế giới thực, không gian thuỷ phủ là thế giới kì ảo. Con người có thể đi về giữa hai thế giới.
2. Chi tiết kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương
Yếu tố kì ảo | Tác dụng khắc họa nhân vật | Tác dụng thể hiện chủ đề |
Nhân vật và thế giới kì ảo: thuỷ phủ của Linh Phi; các đồ vật kì ảo. | Nỗi oan và lời than của Vũ Thị làm động lòng Linh Phi, được xoa dịu nỗi đau thương, oan khổ; được sống trong thế giới xứng đáng hơn. | Thể hiện niềm cảm thương, mong ước: có một thế giới tốt đẹp trọng ân nghĩa. |
Hành động kì ảo: việc Linh Phi báo mộng và được Phan Lang cứu sống; việc cứu sống Vũ Thị, trả ơn Phan Lang của Linh Phi. | Hành động ân nghĩa phù trợ lẫn nhau giữa Linh Phi, Phan Lang dành cho Vũ Thị, cho thấy Vũ Thị là người đáng được trân trọng cứu giúp. | Thể hiện niềm cảm thương, mong ước: người tốt sẽ được thần nhân phù trợ. |
Cảnh gặp gỡ kì ảo: đàn tràng giải oan, cảnh gặp gỡ trong cách biệt. | Vũ Thị trở về, vẫn thuỳ mị nết na nhưng đã trong một tư thế khác, yếu tố kì ảo như hứa hẹn một sự đổi khác, một cuộc đời mới. | Thể hiện sự đồng cảm, người tốt sẽ có được cuộc sống tốt đẹp. |
- Phân tích cảnh gặp gỡ kì ảo: đàn tràng giải oan ở bến sông Hoàng Giang.
=> Các chi tiết như Phan kể chuyện với Trương ở nhà, Trương lập đàn tràng ở bến Hoàng Giang, Trương gọi vợ,... là các chi tiết đời thường, trần tục, hoàn toàn có thể có thật. Còn các chi tiết như Trương nhận lại chiếc hoa vàng, Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất,.... là chi tiết không có thật. Ngay trong một chi tiết nhỏ cũng có sự kết hợp các yếu tố đời thường và kì ảo. Chẳng hạn: việc Trương nhận lại chiếc hoa vàng từ Phan. Chiếc hoa vàng là một vật dụng có thật, một đồ vật của Vũ Nương. Nhưng việc Phan nhận chiếc hoa vàng từ Vũ Nương ở chỗ của Linh Phi để rồi về nhà trao lại cho Trương thì lại là kì ảo. Nhìn chung, sự kết hợp giữa các chi tiết trên giúp câu chuyện trở nên hấp dẫn, vừa hư vừa thực, vừa gắn với những vấn đề của cuộc sống hằng ngày, gần gũi với mọi người vừa thể hiện trí tưởng tượng phong phú và ước mơ của tác giả về những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
3. Nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương
a. Nhân vật chính/ phụ:
- Nhân vật chính: Vũ Nương (Vũ Thị Thiết).
- Nhân vật phụ: Trương Sinh, bé Đản, mẹ Trương Sinh, Linh Phi, Phan Lang.
b. Nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Vũ Nương
Nguyên nhân gây ra bi kịch của Vũ Nương | |
Trực tiếp | Gián tiếp |
+ Chiếc bóng trên tường (Vũ Nương thường chỉ vào và bảo với con rằng đó là cha nó). + Câu nói ngây thơ của đứa trẻ: “Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít.” đã thổi bùng lên ngọn lửa ghen tuông trong lòng Trương Sinh. + Tính cách của Trương Sinh: đa nghi, ghen tuông, mù quáng, hồ đồ, gia trưởng. | + Cuộc hôn nhân không bình đẳng: Vũ Nương là “con kẻ khó” được Trương Sinh, là con nhà khá giả, đem trăm lạng vàng để xin cưới. + Lễ giáo phong kiến cùng chế độ nam quyền đã hạn chế tiếng nói bình đẳng, quyền được bảo vệ bản thân của người phụ nữ. + Những cuộc chiến tranh phi nghĩa gây nên cảnh sinh li tử biệt, vợ chồng xa cách. |
c. Tính cách nhân vật Vũ Nương
Chi tiết, hành động tiêu biểu | Đặc điểm tính cách |
- “Tính đã thuỳ mị, nết na” lại thêm “tư dung tốt đẹp”. | Một người vợ “đẹp người” lẫn “đẹp nết", vẻ đẹp toàn diện, xứng đáng được quý trọng và được hưởng hạnh phúc. |
- Phụng dưỡng mẹ chồng già yếu, bệnh tật; lo tang mẹ chu toàn khi về già; chăm nuôi con nhỏ khôn lớn,... | Người con dâu hiếu nghĩa; người vợ thuỷ chung, người mẹ hiền thảo. |
- Chịu oan một bề, mọi lời phân trần (với Trương Sinh) đều vô hiệu; phải kêu oan cùng trời đất (lời độc thoại, mình nói với mình, với trời đất); phải tìm cái chết trên bến Hoàng Giang, khi sự thật sáng tỏ thì đã quá muộn màng. | Trọng danh dự, phẩm giá, là tiếng nói cảm thương, thái độ phê phán thói ghen tuông gia trưởng chà đạp nhân phẩm của người phụ nữ. |
Mẹ chồng cảm kích thấy nàng xứng đáng có cuộc sống tương lại hạnh phúc: “Sau này, trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”; hàng xóm bênh vực, thanh minh giúp nàng; Linh Phi cứu nàng; cuộc trở về trang trọng như một sự tôn vinh (cảnh tượng Vũ Thị hiển linh giữa dòng sông...). | Người tốt đẹp bị vu oan được thần nhân cứu thoát; giải oan, khẳng định sự trong sạch thuỷ chung, vị tha, độ lượng của Vũ Thị. |
Điểm khác biệt trong cách ứng xử của nàng lúc còn sống với gia đình ở trần gian và khi đã về thủy phủ. | |
Lúc còn sống với gia đình ở trần gian: Vũ Nương nặng tình với mẹ chồng, chịu thương chịu khó, gánh vác việc nhà. | Khi đã về thủy phủ: Vũ Nương vẫn thương chồng con sẵn sàng tha thứ tất cả; nặng ân nghĩa, sống báo đáp ân nhân. |
4. Tổng kết
a. Nội dung
- Khẳng định vẻ đẹp tâm hồn truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
- Niềm cảm thương cho số phận bi kịch của họ đồng thời lên án tố cáo các lễ giáo phong kiến vô nhân đạo, các hủ tục hà khắc trong chế độ phong kiến đương thời.
b. Nghệ thuật
- Cốt truyện tuyến tính.
- Lời thoại mang đậm màu sắc truyền kì, sử dụng nhiều điển tích, điển cố.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình, nhân vật được xây dựng qua lời nói và hành động.
- Sử dụng yếu tố kỳ ảo đan xen với yếu tố thực làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm.
=> Giáo án Ngữ văn 9 Cánh diều bài 6: Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ)