Nội dung chính Ngữ văn 9 cánh diều Bài 2: Kiều ở lầu Ngưng Bích (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 2: Kiều ở lầu Ngưng Bích (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du) sách Ngữ văn 9 cánh diều. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.

Xem: => Giáo án ngữ văn 9 cánh diều

BÀI 2.4. THỰC HÀNH ĐỌC HIỂU: KIỀU Ở LẦU NGƯNG BÍCH

I. TÌM HIỂU CHUNG VỀ VĂN BẢN

1. Đọc

- Cách đọc: Khi đọc, HS cần nhấn mạnh vào các điển tích, điển cố và chú ý đến phần giải thích nghĩa các từ khó.

- Câu hỏi trong thẻ chỉ dẫn:

Câu trả lời của tôi

1, Khóa xuân, xa trông, bẽ bàng, nửa tình nửa cảnh, chia tấm lòng.

2, Được sử dụng trong tám câu thơ cuối với điệp ngữ “buồn trông”.

3, “Gió cuốn mặt duềnh” và “ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”.

2. Xuất xứ đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

­Sau khi bị Mã Giám Sinh làm nhục, biết mình bị lừa bán vào lầu xanh, Kiều liều minh tự vẫn. Mụ chủ nhà chứa sợ mất “cả vốn lẫn lời” nên đã vỡ hứa hẹn sẽ gả chồng cho Kiều, rồi đưa nàng ra ở lầu Ngưng Bích để kén chồng nhưng thực chất là giam lỏng và chuẩn bị thực hiện âm mưu bắt nàng phải tiếp khách làng chơi.

=> Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích nằm ở Phần thứ hai: Gia biến và lưu lạc.

II. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

1. Bố cục

- Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích có thể chia làm ba phần:

+ 6 câu đầu: Hoàn cảnh cô đơn tội nghiệp của Thúy Kiều.

+ 8 câu tiếp: Nỗi nhớ thương Kim Trọng và nhớ thương cha mẹ của Kiều.

+ 8 câu cuối: Tâm trạng đau buồn và dự cảm trước tương lai sóng gió.

2. Diễn biến tâm trạng của nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

a. Khung cảnh được miêu tả ở sáu dòng thơ đầu

Trong sáu câu thơ đầu, khung cảnh thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích với không gian, thời gian được nhìn qua con mắt của nhân vật, bộc lộ hoàn cảnh tâm trạng cô đơn, tội nghiệp của Thuý Kiều:

- Cảnh thiên nhiên, không gian trước lầu Ngưng Bích hiện ra mênh mông, hoang vắng:

+ Theo chiều rộng (bốn bề bát ngát xa trông, cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia).

+ Chiều cao (dãy núi xa và mảnh trăng như ở cùng trong một vòm trời); không gian cảnh vật rợn ngợp, mênh mông, hoang vắng.

- Thời gian qua cảm nhận của Thúy Kiều: “Mây sớm đèn khuya” gợi thời gian tuần hoàn khép kín. Thời gian cũng như không gian giam hãm con người. Sớm và khuya, ngày và đêm, Kiều chỉ có một mình thui thủi. Thời gian cứ trôi đi rồi gặp lại.

=> Qua khung cảnh thiên nhiên có thể thấy Kiều đang ở trong hoàn cảnh cô đơn tuyệt đối với tâm trạng bẽ bàng, cô đơn, buồn tủi, hổ thẹn. Cụm từ “như chia tấm lòng” diễn tả nỗi niềm chua xót, nỗi lòng tan nát của Kiều.

=> Bút pháp chấm phá đặc sắc, khung cảnh làm nền cho Kiều thổ lộ tâm tình. Thiên nhiên rộng lớn mà con người nhỏ bé, đơn côi.

b. Nỗi nhớ của Thúy Kiều

* Thứ tự của nỗi nhớ:

- Kiều nhớ Kim Trọng trước, nhớ cha mẹ sau.

- Nguyễn Du đã để Kiều nhớ Kim Trọng trước, nhớ cha mẹ sau vì:

+ Điều này không phù hợp với trật tự lễ giáo phong kiến nhưng lại rất hợp logic tâm trạng. Đối với cha mẹ, trong cơn gia biến, Kiều đã quyết định chọn bên hiếu, bán mình chuộc cha. Còn đối với Kim Trọng, Kiều vẫn tự xem mình là kẻ phụ bạc. Cho nên trong nỗi nhớ người thân, nàng dành nỗi nhớ đầu tiên cho Kim Trọng. 

=>  Sự đảo lộn trật tự đó cho thấy sự cảm thông sâu sắc của tấm lòng thấu suốt nghìn đời, sự tinh tế của ngòi bút tâm lý bậc thầy Nguyễn Du.

* Từ ngữ, hình ảnh diễn tả nỗi nhớ:

- Nhớ Kim Trọng: 

+ “Dưới nguyệt chén đồng” - Kiều hồi tưởng về đêm trăng cùng Kim Trọng uống chén rượu thề nguyện đồng lòng.

+ Kiều nhớ người yêu đến da diết và Kim Trọng cũng vẫn chờ mong Kiều khiến Kiều cảm thấy vô cùng xót xa. Lời thề nguyền vẫn còn đó, tình yêu đôi lứa vẫn đong đầy trong trái tim nàng nhưng sóng gió ập đến, đường đời chia hai ngả. Nàng nghĩ về phận đời hẩm hiu của mình và cuộc sống "chân trời góc bể bơ vơ". Thành ngữ biến thể "bên trời góc bể" không chỉ gợi không gian rộng lớn nơi xứ người mà còn diễn tả cảm giác lạc lõng, cô đơn của Thúy Kiều.

+ “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”: Nàng thấm thía nỗi đau của bản thân, nàng cũng hiểu được cái éo le, trắc trở của hoàn cảnh đang vây hãm mình. Nàng cũng hiểu rằng "tấm thân" đã chẳng thể gột rửa, tấm lòng son sắt, thủy chung với chàng Kim cũng chẳng thể vẹn nguyên như ban đầu. 

=>  Nỗi nhớ của Thúy Kiều với người yêu không chỉ thể hiện tâm trạng đau đớn, tuyệt vọng của nàng mà qua đó còn thể hiện nỗi đồng cảm, xót thương của đại thi hào với người con gái tài sắc.

- Nhớ cha mẹ:

+ Chữ “xót” đặt ở đầu câu thơ: cho thấy sự xót xa khi nghĩ tới cha mẹ ở quê nhà.

+ Nàng thương xót cha mẹ già yếu ngày ngày “tựa cửa” mong tin con.

+ Thành ngữ “quạt nồng ấp lạnh”, điển tích “sân Lai gốc tử”: chỉ sự xót xa của Kiều khi không được kề bên chăm sóc cha mẹ già.

+ Cụm từ “cách mấy nắng mưa”: chỉ thời gian qua nhanh, cảnh vật biến đổi, Kiều đau đáu nỗi nhớ mẹ cha, day dứt khi phụ công sinh thành.

=> Kiều là một người con hiếu thảo, nàng đã quên đi hoàn cảnh éo le của chính bản thân mà lo lắng, thương xót cho cha mẹ già ở quê nhà bơ vơ, ngày ngày mong chờ tin con đến mòn mỏi, héo hon.

c. Lời của nhân vật trong tám dòng thờ từ dòng 7 đến dòng 14

- Tám dòng thơ từ dòng 7 đến dòng 14 trong đoạn trích là lời của Thuý Kiều. Đó là nỗi nhớ thương của Kiều về người yêu và cha mẹ.

- Ngòi bút tinh tế của Nguyễn Du đã miêu tả tâm lí của Thuý Kiều vô cùng chân thực và chính xác. Chỉ với tám câu thơ, nhưng ông đã làm nổi bật nên tâm trạng của Kiều khi bị giam lỏng tại lầu Ngưng Bích. Dù ở hoàn cảnh cô đơn, lạc lõng, mịt mù về tương lai thế nhưng Kiều vẫn là một người con hiếu thảo, một người tình hết mực thuỷ chung, son sắt. Trong đoạn thơ này, Nguyễn Du cũng kết hợp sử dụng các thành ngữ, các điển tích điển cố, các từ ngữ vô cùng chính xác để miêu tả tâm trạng của Kiều. Ông quả là một bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ miêu tả.

3. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong tám dòng thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

+ Khung cảnh mở ra cho chúng ta thấy được đây là một cảnh hoàng hôn cửa bể chiều hôm gợi cho hình ảnh những tia nắng cuối ngày, phản chiếu trên mặt biển xanh khiến mọi thứ nhuốm màu sẫm. Có cái gì đó tha thiết và nỗi nhớ mong,  Kiều dường như tiếc nuối những ngày tháng trước kia. Các từ ngữ thấp thoáng, xa xa diễn tả sự lẻ loi, đơn độc giống như tình cảnh của Kiều bây giờ.

+ Một mình nơi xứ người bơ vơ nơi lầu Ngưng Bích, Kiều chỉ biết nhớ về quê hương, nhớ về cha mẹ, mong chờ một con thuyền để có thể cứu nàng. Nhưng chiếc thuyền ấy chỉ thấp thoáng ở phía xa xa, lúc mờ lúc hiện Thuyền ai lênh đênh  mất hút phía chân trời xa giống như cuộc đời Kiều lênh đênh chẳng biết trôi về đâu.

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu

+ Cánh hoa mỏng manh dập dìu trong dòng nước bé nhỏ không chống chọi được với sức của mọi nước giống như chính thân phận Kiều trong xã hội cũ. Tuy là một người có đức có tài, có nét đẹp nhưng chính cường quyền áp bức đã vùi dập nàng, vùi dập tài năng của nàng. Thân phận  Kiều giờ đây lạc lõng, lẻ loi trôi theo dòng đời vô định, chẳng biết đi về đâu. 

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

+ Từ láy rầu rầu gợi lên hình ảnh của một bãi cỏ tàn úa xơ xác. Tuổi thanh xuân tươi đẹp của Kiều với một tài sắc vẹn toàn đáng lẽ nàng phải có một cuộc sống đầy đủ, phải có một cuộc đời hạnh phúc thế nhưng tuổi thanh xuân ấy sẽ phai tàn và vô vị như màu xanh héo úa kia. 

+ Màu xanh vốn là màu của hi vọng nhưng nay đã tàn úa giống như niềm tin của Thúy  Kiều đang dần cạn với nỗi xót xa ngày càng dâng cao trong Thúy  Kiều.

Buồn trông gió cuốn mặt dềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi

+ Âm thanh của tiếng sóng ầm ầm, trong cảnh gió cuốn mặt dềnh giống như bão tố phong ba đang chờ đợi Kiều ở phía trước. 

+ Nàng lo lắng không biết khi nào tai họa sẽ ập đến, giống như tiếng sóng ở ngoài xa, tiếng sóng ầm ầm chính là báo hiệu một tương lai đầy sóng gió khiến Kiều sợ hãi.

=> Nghệ thuật nổi bật: Với điệp ngữ Buồn trông đặt ở bốn câu đầu trong bài thơ giống như tiếng thở dài cùng với nhịp thơ trầm trầm và những thanh bằng đã nhấn mạnh một nỗi buồn đang ngày càng dâng lên trong tâm trạng của Thúy  Kiều, cùng với cảnh vật đang càng lúc càng mênh mang những từ láy xa xa, thấp thoáng, man mác, rầu rầu, xanh xanh, ầm ầm như những con sóng đang trào dâng trong tâm hồn của  Kiều.

4. Tổng kết 

a. Nội dung

Đoạn trích thể hiện tâm trạng cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Thúy Kiều. Đồng thơi cho thấy giá trị nhân đạo của tác phẩm bởi nhà thơ đã bày tỏ sự thấu hiểu, niềm cảm thương sâu sắc cho cảnh ngộ, thân phận của Thúy Kiều.

b. Nghệ thuật

- Thể thơ lục bát cổ truyền

- Nghệ thuật miêu tả nội tâm đặc sắc với bút pháp tả cảnh ngụ tình tinh tế kết hợp các biện pháp tu từ quen thuộc (ẩn dụ, nhân hóa, từ láy, thành ngữ ...)

- Ngôn ngữ độc thoại, điệp ngữ “buồn trông”… kết hợp với các hình ảnh đứng sau diễn tả nỗi buồn với nhiều sắc độ khác nhau

=> Nhằm thể hiện tâm trạng buồn đau, cô đơn hiu quạnh trước khung cảnh thiên nhiên cùng bao nỗi nhớ ùa về trong lòng Kiều khi ở lầu Ngưng Bích.

=> Giáo án Ngữ văn 9 Cánh diều bài 2: Kiều ở lầu Ngưng Bích (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay