Bài tập file word Sinh học 7 chân trời sáng tạo Ôn tập Chủ đề 10: Sinh sản ở sinh vật; 11: Cơ thể sinh vật là một thể thống nhất (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 7 (Sinh học) chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 10: Sinh sản ở sinh vật; 11: Cơ thể sinh vật là một thể thống nhất (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 7 chân trời sáng tạo.

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 10+11: SINH SẢN Ở SINH VẬT VÀ CƠ THỂ SINH VẬT LÀ MỘT THỂ THỐNG NHẤT
(PHẦN 2 – 20 CÂU)

Câu 1: Nêu một số yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật và các yếu tố ấy ảnh hưởng như thế nào?

Trả lời:

Một số yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sự sinh sản ở sinh vật: ánh sáng, nhiệt độ, gió, độ ẩm, thức ăn,…

- Nhiệt độ quá thấp hạt phấn kém nảy mầm, ống phấn không sinh trưởng; nhiệt độ quá cao thì sự nảy mầm và sinh trưởng của ống phấn không bình thường. Ví dụ: Hoa cúc không ra hoa khi nhiệt độ lớn hơn 30oC hoặc ra hoa chậm khi nhiệt độ dưới 12oC.

- Độ ẩm quá thấp hạt phấn không nảy mầm; độ ẩm quá cao hạt phấn bị trôi.

- Gió: Đối với cây thụ phấn nhờ gió, tốc độ gió vừa phải thuận lợi cho thụ phấn; gió to hạt phấn bị bay mất.

Một số yếu tố bên trong cơ thể ảnh hưởng đến sự sinh sản ở sinh vật: hormone sinh sản, di truyền,…

- Hormone: Hormone là yếu tố bên trong ảnh hưởng trực tiếp đến sinh sản ở sinh vật, tham gia điều hòa sinh sản ở sinh vật.Ở thực vật, có hormone kích thích sự nở hoa. Ở động vật, có hormone điều khiển sự phát sinh giao tử đực và giao tử cái.

- Đặc điểm di truyền (loài): Tùy thuộc mỗi loài có đặc điểm sinh sản khác nhau về độ tuổi sinh sản, mùa vụ sinh sản và trung bình số con trong một lứa đẻ.

Câu 2: Tế bào với cơ thể có mối quan hệ như thế nào?

Trả lời:

- Tế bào là đơn vị cấu trúc của cơ thể sống: Mọi cơ thể sống từ đơn bào đến đa bào đều được cấu tạo từ tế bào.

+ Cơ thể đơn bào được cấu tạo từ 1 tế bào.

+ Trong cơ thể đa bào, sự thống nhất về mặt cấu trúc thể hiện qua các cấp độ tổ chức tế bào – mô – cơ quan – hệ cơ quan – cơ thể.

- Tế bào là đơn vị chức năng của cơ thể sống: Mọi hoạt động sống trong cơ thể sinh vật đều diễn ra trong tế bào, giúp cho cơ thể sinh trưởng, phát triển và thích nghi với môi trường ngoài.

+ Trong cơ thể đơn bào, các hoạt động sống được thực hiện thông qua sự phối hợp của các thành phần cấu trúc cấu tạo nên tế bào.

+ Trong cơ thể đa bào, mỗi loại tế bào thực hiện chức năng nhất định thông qua các tổ chức mô, cơ quan, hệ cơ quan. Đồng thời các tổ chức phối hợp hoạt động chặt chẽ giúp cơ thể thực hiện các hoạt động sống nhịp nhàng.

Câu 3: Tế bào – cơ thể – môi trường có mối quan hệ như thế nào?

Trả lời:

Cơ thể trao đổi chất với môi trường, sau đó chuyển đến tế bào để thực hiện trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, giúp tế bào lớn lên, sinh sản, cảm ứng. Song song với quá trình đó, các hoạt động sống được thực hiện ở cấp độ cơ thể.

Câu 4: Nuôi cấy tế bào/ mô ở thực vật được ứng dụng như thế nào?

Trả lời:

Ứng dụng: Sử dụng phương pháp này có thể nhân nhanh giống cây trồng, tạo giống cây sạch bệnh, phục chế giống quý đang bị thoái hóa,… Phương pháp này thường được áp dụng đối với các cây như phong lan, sâm ngọc linh, hoa lan,…

Câu 5: Lấy ví dụ minh họa ảnh hưởng của nhiệt độ tới sự sinh sản của sinh vật.

Trả lời:

Ví dụ:

- Hoa cúc không ra hoa khi nhiệt độ lớn hơn 30oC hoặc ra hoa chậm khi nhiệt độ dưới 12oC.

- Chuột nhắt trắng (Mus musculus) nuôi trong phòng thí nghiệm sinh sản mạnh ở nhiệt độ 18oC; khi nhiệt độ tăng quá 30oC, mức sinh sản giảm xuống, thậm chí dừng hẳn lại.

Câu 6: Nêu ví dụ minh họa cho mối quan hệ giữa các hoạt động sống.

Trả lời:

Ví dụ: Ở thực vật, sự trao đổi chất giữa thực vật với môi trường (hút nước và khoáng, trao đổi khí) giúp thực vật có nguyên liệu thực hiện quá trình quang hợp. Nhờ có quá trình quang hợp, thực vật có nguồn chất hữu cơ để tạo ra vật chất và năng lượng cho các hoạt động sống như sinh trưởng, phát triển, cảm ứng, sinh sản..

Câu 7: Vì sao sinh sản hữu tính có thể tạo ra sự đa dạng sinh học hơn?

Trả lời:

- Cơ sở của sinh sản hữu tính là sự hình thành giao tử đực (tinh trùng) và giao tử cái (noãn) và sự kết hợp giữa chúng.

- Sinh sản hữu tính làm tăng tính biến dị di truyền ở thế hệ con. Thông qua giảm phân và sự thụ tinh ngẫu nhiên, rất nhiều tổ hợp gen khác nhau sẽ được hình thành từ một số ít bộ gen ban đầu. Mức biến dị di truyền của một quần thể càng lớn thì khả năng thì khả năng thích nghi với môi trường biến động ngày càng cao. Khi môi trường thay đổi hoàn toàn và đột ngột, những cá thể con có mang tổ hợp di truyền biến dị rất khác lạ sẽ dễ thích nghi hơn những cá thể con có kiểu gen đồng nhất và giống hệt bố mẹ.

Câu 8: Lấy ví dụ minh họa ảnh hưởng của thức ăn tới sự sinh sản của sinh vật.

Trả lời:

Ví dụ: Ở cóc, mùa sinh sản vào khoảng tháng 4 hằng năm. Sau sinh sản, khối lượng hai buồng trứng ở cóc giảm. Sau tháng 4, nếu nguồn thức ăn dồi dào, khối lượng buồng trứng tăng, cóc có thể đẻ tiếp lứa thứ hai trong năm.

Câu 9: Ví dụ nào minh họa cho yếu tố bên trong ảnh hưởng đến sinh sản của sinh vật?

Trả lời:

Ví dụ:

Ở nữ giới, khi đến tuổi dậy thì, cơ thể bắt đầu sản sinh ra hormone FSH và LH kích thích trứng chín và rụng báo hiệu cơ thể bắt đầu có khả năng sinh sản.

Câu 10: Ví dụ nào minh họa cho yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến sinh sản của sinh vật?

Trả lời:

Ví dụ:

- Ở thực vật, độ ẩm và nhiệt độ quá cao hay quá thấp đều làm giảm hiệu quả thụ phấn và thụ tinh, làm tăng số hạt lép.

- Ở động vật, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp làm giảm sinh trứng ở động vật.

Câu 11: Vì sao nói tế bào là đơn vị cấu trúc và chức năng của cơ thể?

Trả lời:

- Tế bào là đơn vị cấu tạo của cơ thể vì:

+ Mọi cơ thể từ đơn bào đến đa bào đều có cấu tạo từ tế bào.

+ Cơ thể đa bào được cấu tạo từ nhiều tế bào phân hóa thành nhiều mô, cơ quan, hệ cơ quan. Trong đó, mỗi hệ cơ quan do nhiều cơ quan hợp lại, mỗi cơ quan được tập hợp từ nhiều mô có chức năng giống nhau, mỗi mô do nhiều tế bào có hình dạng và kích thước, cấu tạo và chức năng giống nhau tạo thành.

- Tế bào là đơn vị chức năng của cơ thể vì tất cả những hoạt động sống như trao đổi chất gắn liền với chuyển hóa năng lượng, sinh trưởng, phát triển, cảm ứng và sinh sản của cơ thể đều được thực hiện ở tế bào. Khi các tế bào phân chia thì cơ thể lớn lên và có thể thực hiện chức năng sinh sản.

Câu 12: Muốn tăng nhanh đàn gia súc, thu hoạch nhiều trứng, sữa, ta cần làm gì? Muốn thu nhiều thịt, tơ tằm,… ta cần làm gì?

Trả lời:

Muốn tăng nhanh đàn gia súc, thu hoạch nhiều trứng, sữa, cần tăng số lượng con cái. Muốn thu nhiều thịt, tơ tằm,… cần tăng số lượng con đực.

Câu 13: Tại sao tia UV có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh sản ở sinh vật?

Trả lời:

Tia UV có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh sản ở sinh vật vì nó có khả năng gây hại cho các tế bào và mô trong cơ thể sinh vật. Mức độ tác động của tia UV phụ thuộc vào loại tia và mức độ chiếu sáng, cũng như vào loại sinh vật và giai đoạn sinh trưởng của chúng:

- Ảnh hưởng đến di truyền: Tia UV có khả năng làm đột biến gen và gây ra khuyết tật di truyền.

- Ảnh hưởng đến sản xuất hormone: Tia UV có thể ảnh hưởng đến hệ thống hormone của sinh vật, gây ra sự suy giảm hoặc tăng cường hormon sinh dục.

- Ảnh hưởng đến môi trường: Tia UV có thể có tác động tiêu cực đến các loại vi sinh vật cần thiết cho quá trình sinh sản của sinh vật. Sự suy giảm vi sinh vật có thể làm giảm khả năng sinh sản của các loài sinh vật khác.

Câu 14: Cơ thể tương tác với môi trường xung quanh như thế nào?

Trả lời:

- Hấp thụ: Cơ thể hấp thụ các dạng năng lượng và các chất dinh dưỡng từ môi trường. Ví dụ, thực phẩm và nước được hấp thụ qua tiêu hóa, oxy được hấp thụ qua hô hấp.

- Trao đổi: Cơ thể trao đổi chất và năng lượng với môi trường xung quanh. Quá trình này diễn ra thông qua quá trình trao đổi khí qua hô hấp, trao đổi chất qua hệ tuần hoàn.

- Tương tác vật lý: Cơ thể tương tác với môi trường thông qua các tác động vật lý. Ví dụ, mắt tương tác với ánh sáng, tai tương tác với âm thanh, và da tương tác với nhiệt độ và ánh sáng mặt trời.

- Tương tác hóa học: Cơ thể tương tác với môi trường thông qua các phản ứng hóa học. Ví dụ, quá trình tiêu hóa thức ăn, và các chất tiếp xúc với da có thể gây ra các phản ứng hóa học như dị ứng.

- Tương tác sinh học: Cơ thể tương tác với các sinh vật khác trong môi trường, bao gồm sự cạnh tranh cho nguồn tài nguyên, sự tương tác giữa các cơ thể sống và vi sinh vật, và sự lây lan của bệnh tật.

Câu 15: Em biết ví dụ thực tế nào về khả năng tự điều chỉnh của thực vật?

Trả lời:

Ví dụ về khả năng tự điều chỉnh của thực vật: trong môi trường khô cằn, lá cây xương rồng tiêu biến để giảm việc bốc hơi nước, đồng thời rễ đâm sâu xuống dưới để lấy nước từ tầng ngầm.

Câu 16: Em biết ví dụ thực tế nào về khả năng tự điều chỉnh của động vật?

Trả lời:

Ví dụ về khả năng tự điều chỉnh của động vật: chim én có thể bay qua các cơn bão để tìm kiếm thức ăn.

Câu 17: Em biết ví dụ thực tế nào chứng minh cơ thể sinh vật là hệ thống mở và tự điều chỉnh?

Trả lời:

Ví dụ: Ở người, khi nhiệt độ môi trường cao hoặc vận động mạnh làm cơ thể nóng lên, hệ mạch dưới da giãn ra, lỗ chân lông mở ra,… mồ hôi tiết ra làm mát cơ thể; khi cơ thể ở môi trường có nhiệt độ thấp, các mạch máu dưới da co lại để tránh mất nhiệt qua lỗ chân lông và có hiện tượng run để làm ấm cơ thể.

Câu 18: Trong cơ thể sinh vật, hoạt động sống nào là trung tâm chỉ phối trực tiếp hoặc gián tiếp đến tất cả các hoạt động sống còn lại? Giải thích.

Trả lời:

- Hoạt động: Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng

- Vì: Trong cơ thể sinh vật, các hoạt động sống tác động qua lại với nhau. Trong đó hoạt động trao đổi chất gắn liền với chuyển hoá năng lượng là tiền đề tạo nên nguồn vật chất và nguyên liệu giúp cơ thể thực hiện các hoạt động sống khác như sinh trưởng và phát triển, cảm ứng, sinh sản, đồng thời thúc đẩy quá trình trao đổi chất diễn ra mạnh mẽ.

Câu 19: Theo em, chúng ta nên làm gì để cơ thể phát triển cân đối?

Trả lời:

Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, luyện tập thể dục, thể thao hằng ngày, thúc đẩy cho các hoạt động sống diễn ra mạnh mẽ

-> Cơ thể phát triển cân đối và khỏe mạnh.

Câu 20: Nêu các bước thụ phấn nhân tạo cho thực vật.

Trả lời:

- Bước 1. Quét hạt phấn từ hoa đực.

- Bước 2. Đưa hạt phấn đã quét lên đầu nhụy hoa cái.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Sinh học 7 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay