Bài tập file word Sinh học 7 chân trời sáng tạo Ôn tập Chủ đề 7: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 7 (Sinh học) chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 7: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 7 chân trời sáng tạo.

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 7: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở SINH VẬT
(PHẦN 2 – 20 CÂU)

Câu 1: Quang hợp là gì và diễn ra ở đâu?

Trả lời:

- Quang hợp là quá trình tổng hợp các chất hữu cơ từ các chất vô cơ nhờ năng lượng ánh sáng. Trong đó, năng lượng ánh sáng mặt trời được lục lạp ở lá cây hấp thụ, chuyển hóa thành dạng năng lượng hóa học tích trữ trong các hợp chất hữu cơ (glucose, tinh bột), đồng thời giải phóng khí oxygen.

- Quá trình quang hợp diễn ra chủ yếu trong bào quan lục lạp (chứa chất diệp lục) của tế bào lá cây.

Câu 2: Trong quá trình hô hấp tế bào, trao đổi chất luôn đi kèm với quá trình nào?

Trả lời:

Trong quá trình hô hấp tế bào, trao đổi chất luôn đi kèm với chuyển hóa năng lượng:

- Mặt trao đổi chất: Chất hữu cơ bị phân giải thành sản phẩm cuối cùng là carbon dioxide và nước.

- Mặt chuyển hóa năng lượng: Một phần năng lượng được tích lũy trong ATP để cung cấp cho các hoạt động sống, phần còn lại được giải phóng dưới dạng nhiệt.

Câu 3: Trao đổi khí có vai trò gì đối với sinh vật?

Trả lời:

Vai trò của sự trao đổi khí với cơ thể sinh vật: Sự trao đổi khí giúp cơ thể sinh vật trao đổi khí đối với môi trường bên ngoài, đảm bảo cho các hoạt động sống của cơ thể được diễn ra bình thường.

Câu 4: Nêu khái niệm chất dinh dưỡng.

Trả lời:

Chất dinh dưỡng là các chất hóa học được cơ thể sinh vật hấp thụ từ môi trường bên ngoài (thức ăn, phân bón,…), có vai trò cung cấp nguyên liệu cấu tạo nên tế bào, tham gia các phản ứng hóa học trong tế bào và cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống, sinh trưởng và phát triển của cơ thể sinh vật.

Câu 5: Yếu tố nào ảnh hưởng đến quá trình thoát hơi nước ở lá cây?

Trả lời:

Quá trình trao đổi nước và các chất dinh dưỡng ở thực vật chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố môi trường:

- Ánh sáng và nhiệt độ: ảnh hưởng đến quá trình đóng, mở khí khổng; ảnh hưởng đến quá trình trao đổi nước và hấp thụ các chất dinh dưỡng của cây. Ngoài ra, nhiệt độ còn ảnh hưởng tới quá trình hô hấp của rễ, làm tăng hoặc giảm quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng ở rễ cây.

- Nước và độ ẩm: nước trong đất hòa tan muối khoáng, giúp rễ cây dễ dàng hấp thụ; độ ẩm không khí ảnh hưởng đến quá trình trao đổi nước thông qua ảnh hưởng quá trình thoát hơi nước ở lá.

- Độ pH của đất: ảnh hưởng đến sự hòa tan của các muối khoáng trong đất, do đó, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ muối khoáng của rễ.

- Độ tơi xốp, thoáng khí của đất: làm tăng hàm lượng khí oxygen trong đất, nhờ đó, rễ hô hấp mạnh, thúc đẩy quá trình hấp thụ nước và muối khoáng ở rễ.

Câu 6: Lấy ví dụ về nhu cầu nước ở động vật.

Trả lời:

Ví dụ: Nhu cầu nước ở voi khoảng 300 L/ngày; các loài gia súc lớn như trâu bò là khoảng 30 – 40 L/ngày; cừu và dê chỉ cần khoảng 4 – 5 L/ngày.

Câu 7: Nước có vai trò và ảnh hưởng như thế nào tới quang hợp?

Trả lời:

- Vai trò của nước đến quá trình quang hợp của thực vật:

+ Nước vừa là nguyên liệu của quá trình quang hợp, vừa là yếu tố tham gia vào việc đóng mở khí khổng để trao đổi khí nên nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình quang hợp của cây.

+ Nước cần cho cây để bù lại sự mất nước do thoát hơi nước, làm cho mô không khô, lá không bị đốt nóng.

+ Ngoài ra, nước còn có vai trò trong việc dẫn truyền các sản phẩm quang hợp đến các cơ quan khác của cây.

- Ảnh hưởng của nước đến quá trình quang hợp của thực vật:Quang hợp đạt hiệu quả cao khi lá cây no nước, quang hợp giảm mạnh và có thể dẫn tới ngừng quang hợp khi thiếu nước từ 40 – 60%.

Câu 8: Em hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 100 từ nói về tác dụng của việc trồng cây xanh.

Trả lời:

Một trong những tác dụng lớn nhất của cây xanh cho đô thị, đó là nó cải thiện rõ rệt môi trường sống của người dân. Với mật độ dân cư đông, cùng với lượng khí thải từ nhà máy, xe cộ,… tình trạng chung của các khu đô thị chính là môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cây xanh sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí bằng cách hấp thụ những khí độc như NO2, CO2, CO,… Theo nhiều nghiên cứu, cây xanh có thể hấp thụ tới 6% các loại khí thải độc. Cây xanh sẽ giúp lọc bớt bụi bẩn, đồng thời thải ra nhiều O2. Vì vậy có thể xem cây xanh là lá phổi của thành phố. Bên cạnh đó, cây xanh còn có tác dụng hấp thụ bức xạ, thải ra hơi nước làm không khí bức bối của đô thị trở nên mát mẻ, trong lành hơn. Đồng thời, khi ánh sáng mặt trời gay gắt, tán cây sẽ che chở cho con người, tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngoài ra cây xanh còn giúp chắn gió và giảm tiếng ồn, giúp cuộc sống của người dân trở nên yên tĩnh hơn.

Câu 9: Carbon dioxide ảnh hưởng như thế nào tới quang hợp?

Trả lời:

Nồng độ khí carbon dioxide trong không khí ảnh hưởng trực tiếp đến quang hợp.

- Nồng độ khí carbon dioxide thấp nhất mà cây quang hợp được là 0,008 đến 0,01%. Ở nồng độ thấp hơn, quang hợp yếu và có thể ngừng trệ.

- Khi nồng độ khí carbon dioxide tăng thì quang hợp tăng. Nhưng nếu nồng độ khí carbon dioxide tăng quá cao, cây sẽ có thể chết vì bị ngộ độc.

Câu 10: Cơ sở khoa học của biện pháp bảo quản trong điều kiện nồng độ oxygen thấp là gì? Biện pháp này được áp dụng cho thực phẩm nào?

Trả lời:

- Cơ sở khoa học: Làm giảm nồng độ oxygen có tác dụng làm giảm hô hấp tế bào, nhờ đó, tăng hiệu quả của quá trình bảo quản.

- Loại thực phẩm được áp dụng: thường áp dụng đối với các loại thịt, cá,…

Câu 11: Tại sao những người sống ở vùng núi cao có số lượng hồng cầu trong máu nhiều hơn người sống ở vùng đồng bằng?

Trả lời:

Do không khí trên cao có áp lực thấp → oxygen kết hợp với hemoglobin (Hb) thấp → số lượng hồng cầu tăng để đảm bảo nhu cầu oxygen cho hoạt động của con người.

Câu 12: Khi bón phân Kali cần lưu ý điều gì?

Trả lời:

- Bón Kali chia ra làm nhiều lần để hạn chế bị rửa trôi. Bón trong suốt mùa vụ: không nên tập trung bón 1 lần vào lúc mới gieo trồng hoặc chỉ bón vào giai đoạn tăng trưởng, ra hoa, kết quả

- Phân Kali có thể dùng để bón lót bằng cách trộn và đất. Hoặc bón thúc bằng cách phun dung dịch lên lá vào thời gian cây ra hoa, kết quả, tạo củ.

Câu 13: Tại sao trước khi trồng cây, người ta thường khoét lỗ dưới đáy chậu?

Trả lời:

Người ta thường khoét lỗ bên dưới đáy các chậu dùng để trồng cây để giúp cây loại bỏ lượng nước thừa mà cây không hấp thụ được, giảm thiểu các tác động xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.

Câu 14: Vì sao cá voi xanh to lớn như vậy nhưng lại thích ăn những loài cá và tôm nhỏ?

Trả lời:

- Cá và tôm nhỏ có kích thước tương đối nhỏ nhưng hàm lượng năng lượng tương đối cao. Nghĩa là cá voi xanh có thể nhận được nhiều năng lượng hơn khi săn cá và tôm nhỏ.

- Các loài cá, tôm nhỏ thường sinh sống theo đàn với số lượng khổng lồ. Bằng cách săn mồi các loài cá và tôm nhỏ, cá voi xanh không chỉ có thể có đủ năng lượng mà còn có thể kiểm soát số lượng và cấu trúc của các đàn cá này. Sự kiểm soát này giúp duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái biển và thúc đẩy sự sinh sản và phát triển của các loài khác.

- Mặc dù cá voi xanh thích ăn cá nhỏ nhưng trong một số trường hợp, cá voi xanh sẽ săn những con cá lớn hơn. Khi số lượng cá và tôm nhỏ giảm đi hoặc không có sẵn, cá voi xanh phải chuyển sang săn cá lớn.

Câu 15: Tại sao việc trao đổi chất quan trọng đối với sức khỏe của con người?

Trả lời:

Trao đổi chất quan trọng đối với sức khỏe của con người vì nó liên quan trực tiếp đến việc cung cấp năng lượng và các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Quá trình này giúp cơ thể duy trì hoạt động của các cơ quan và hệ thống cũng như phục hồi tế bào và mô. Ngoài ra, trao đổi chất cũng ảnh hưởng đến cân nặng, sức đề kháng và năng suất lao động. Nếu trao đổi chất không hoạt động hiệu quả, có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như tiểu đường, béo phì, và rối loạn chuyển hóa. Do đó, việc duy trì một trao đổi chất lành mạnh rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe tốt.

Câu 16: Ở một số loại cây như cây lẻ bạn, cây tía tô, cây huyết dụ, lá cây không có màu xanh lục. Ở những loại cây này, lá cây có thực hiện chức năng quang hợp không? Vì sao?

Trả lời:

Lá cây của các cây như cây lẻ bạn, cây tía tô, cây huyết dụ vẫn thực hiện chức năng quang hợp. Vì ngoài sắc tố màu xanh lục (chlorophyll) chức trong lục lạp, lá còn có sắc tố cam, đỏ, tím,… (carotenoid, anthocyanin,…). Tùy vào tỉ lệ sắc tố chứa trong lá cây mà chúng sẽ có màu sắc khác nhau. Do đó, các loại lá dù không có màu xanh lục nhưng chúng vẫn chứa chất diệp lục và có khả năng quang hợp bình thường.

Câu 17: Để bảo quản nhiều loại rau, củ, quả được lâu, chúng ta không nên rửa chúng trước khi cho vào tủ lạnh. Hãy giải thích tại sao.

Trả lời:

Việc rửa rau, củ, quả trước khi cho vào tủ lạnh sẽ làm tăng độ ẩm dẫn đến kích thích quá trình hô hấp làm chúng bị hư hỏng nhanh hơn, đồng thời, độ ẩm tăng sẽ kích thích sự phát triển của nấm mốc gây hại. Chỉ nên rửa rau, củ, quả trước khi ăn.

Câu 18: Lá có đặc điểm cấu tạo, hình thái như thế nào để phù hợp với chức năng quang hợp?

Trả lời:

Lá có những đặc điểm về hình thái và cấu tạo giải phẫu phù hợp với chức năng quang hợp:

- Phiến lá thường có bản dẹt và rộng giúp thu nhận ánh sáng được hiệu quả, đảm bảo có đủ năng lượng ánh sáng để cung cấp cho quá trình quang hợp.

- Mạng gân lá dày đặc có vai trò dẫn nước – nguyên liệu cho quá trình quang hợp đồng thời dẫn các sản phẩm quang hợp đến các cơ quan khác.

- Bào quan lục lạp trong tế bào thịt lá chứa chất diệp lục có khả năng hấp thu và chuyển hóa năng lượng ánh sáng trong quá trình quang hợp.

- Lớp biểu bì lá có các khí khổng giúp cho khí carbon dioxide, oxygen, hơi nước đi vào và đi ra khỏi lá một cách dễ dàng.

- Ngoài ra, lá thường xếp so le và mặt lá thường vuông góc với tia sáng mặt trời để thu nhận được nhiều ánh sáng nhất.

Câu 19: Nêu mối quan hệ giữa tổng hợp và phân giải chất hữu cơ ở tế bào.

Trả lời:

Tổng hợp và phân giải các chất trong tế bào là hai quá trình có biểu hiện trái ngược nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau:

- Tổng hợp và phân giải các chất trong tế bào là hai quá trình có biểu hiện trái ngược vì:

+ Tổng hợp sử dụng các chất hữu cơ đơn giản làm nguyên liệu để tổng hợp các chất hữu cơ phức tạp, đồng thời tích lũy năng lượng dưới dạng hóa năng.

+ Phân giải biến đổi các chất hữu cơ thành những chất đơn giản, đồng thời giải phóng năng lượng.

- Tổng hợp và phân giải các chất trong tế bào là hai quá trình có mối quan hệ mật thiết với nhau: Sản phẩm của quá trình tổng hợp cung cấp nguyên liệu cho quá trình phân giải; ngược lại, quá trình phân giải cung cấp năng lượng và nguyên liệu cho quá trình tổng hợp.

Câu 20: Quá trình trao đổi khí qua khí khổng ở lá diễn ra như thế nào?

Trả lời:

- Ở thực vật, sự trao đổi khí trong quang hợp diễn ra vào ban ngày; sự trao đổi khí trong hô hấp diễn ra cả ngày và đêm.

- Trong quá trình quang hợp: Khí carbon dioxide trong không khí di chuyển từ môi trường ngoài qua khí khổng vào khoang chứa khí rồi vào trong tế bào thịt lá để cung cấp nguyên liệu cho quá trình quang hợp. Ngược lại, khí oxygen – sản phẩm của quá trình quang hợp từ các tế bào thịt lá di chuyển vào khoang chứa khí rồi qua khí khổng và được đẩy ra ngoài môi trường qua khí khổng.

- Trong quá trình hô hấp: Khí oxygen trong không khí di chuyển từ môi trường ngoài qua khí khổng vào khoang chứa khí rồi vào trong tế bào thịt lá để cung cấp nguyên liệu cho quá trình hô hấp tế bào. Ngược lại, khí carbon dioxide – sản phẩm của quá trình hô hấp tế bào từ các tế bào thịt lá di chuyển vào khoang chứa khí rồi qua khí khổng và được đẩy ra ngoài môi trường qua khí khổng.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Sinh học 7 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay