Bài tập file word Sinh học 7 chân trời sáng tạo Ôn tập Chủ đề 7: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P3)

Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 7 (Sinh học) chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 7: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P3). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 7 chân trời sáng tạo.

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 7: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở SINH VẬT
(PHẦN 3 – 20 CÂU)

Câu 1: Hô hấp tế bào là gì?

Trả lời:

Hô hấp tế bào là quá trình tế bào phân giải chất hữu cơ tạo thành carbon dioxide, nước, đồng thời, giải phóng năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống của tế bào và cơ thể.

Câu 2: Trao đổi khí có đặc điểm gì?

Trả lời:

Đặc điểm trao đổi khí:

- Trao đổi khí giữa cơ thể sinh vật với môi trường tuân theo cơ chế khuếch tán, các phân tử khí di chuyển từ nơi có nồng độ cao đến nồng độ thấp.

- Quá trình trao đổi khí không tiêu tốn năng lượng.

- Tốc độ khuếch tán phụ thuộc vào kích thước, hình dạng phân tử, nhiệt độ, diện tích bề mặt trao đổi khí,…

Câu 3: Nước có vai trò quan trọng như thế nào đối với sự sống trên Trái Đất?

Trả lời:

- Là thành phần chủ yếu cấu tạo nên tế bào cơ thể sinh vật

- Là dung môi hòa tan và vận chuyển các chất

- Là nguyên liệu và môi trường diễn ra các phản ứng chuyển hóa

- Tham gia điều hòa thân nhiệt

- Là môi trường sống cho nhiều loài sinh vật

Câu 4: Quá trình thoát hơi nước ở lá cây dựa trên cơ chế nào?

Trả lời:

Cơ chế thoát hơi nước:

- Quá trình thoát hơi nước ở lá cây diễn ra chủ yếu qua khí khổng ở lá cây.

- Hoạt động đóng, mở khí khổng có vai trò điều chỉnh tốc độ thoát hơi nước và tạo điều kiện cho quá trình trao đổi khí ở lá: Khi tế bào hạt đậu trương nước, thành tế bào căng ra làm lỗ khí mở → tốc độ thoát hơi nước tăng. Khi tế bào hạt đậu mất nước, thành tế bào trở lại bình thường làm lỗ khí đóng lại → tốc độ thoát hơi nước giảm.

Câu 5: Trình bày quá trình vận chuyển các chất trong hệ tuần hoàn ở người.

Trả lời:

Quá trình vận chuyển các chất trong hệ tuần hoàn ở người được thực hiện thông qua 2 vòng tuần hoàn:

- Vòng tuần hoàn phổi (vòng tuần hoàn nhỏ): Máu đỏ thẫm (giàu carbon dioxide) từ tâm thất phải theo động mạch phổi đi lên phổi, tại đây, diễn ra quá trình trao đổi khí giữa máu và khí ở các phế nang thông qua các mao mạch phổi, máu đỏ thẫm trở thành đỏ tươi (giàu oxygen). Máu giàu oxygen theo tĩnh mạch phổi về tim, đổ vào tâm nhĩ trái.

- Vòng tuần hoàn các cơ quan (vòng tuần hoàn lớn): Máu giàu oxygen và các chất dinh dưỡng từ tâm thất trái theo động mạch chủ đi đến các cơ quan trong cơ thể, tại đây, diễn ra quá trình trao đổi chất giữa máu và các cơ quan thông qua hệ thống mao mạch. Oxygen và các chất dinh dưỡng được cung cấp cho các tế bào, mô, cơ quan; đồng thời, máu nhận các chất thải, carbon dioxide và trở thành máu đỏ thẫm. Các chất thải được vận chuyển đến cơ quan bài tiết, carbon dioxide theo tĩnh mạch về tim, đổ vào tâm nhĩ phải.

Câu 6: Nêu một số biện pháp bảo vệ cây xanh mà em từng làm.

Trả lời:

- Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho những người xung quanh về bảo vệ, phát triển rừng.

- Nghiêm cấm mọi hành động phá hoại rừng, gây cháy rừng, lấn chiếm rừng và đất rừng, săn bắt, mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản cũng như các loài động vật bị cấm khai thác, săn bắt,..

- Tích cực trồng cây, hăng hái tham gia các phong trào bảo vệ môi trường.

- Vứt rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi.

- Lựa chọn sử dụng những đồ vật thân thiện với môi trường để mua và sử dụng một cách hợp lý.

- Không bẻ cây, bẻ cành, ngắt hoa.

- Thông báo đến cơ quan chức năng về cá nhân hay tổ chức phá hoại rừng.

Câu 7: Ánh sáng ảnh hưởng đến quang hợp như thế nào?

Trả lời:

Ánh sáng có ảnh hưởng trực tiếp đến quang hợp: Cường độ ánh sáng mạnh hoặc yếu và thời gian chiếu sáng nhiều hoặc ít có thể làm quang hợp của lá cây tăng lên hay giảm đi.

Câu 8: Tại sao chúng ta không nên vận động quá mức khi đang đeo khẩu trang?

Trả lời:

Khi vận động mạnh, cơ thể cần nhiều năng lượng nên sẽ tăng tốc độ hô hấp tế bào, vì vậy lượng oxygen cần lấy vào sẽ nhiều hơn mức bình thường. Việc đeo khẩu trang, đặc biệt là loại khẩu trang dày, không thoáng khí sẽ hạn chế quá trình trao đổi khí nên sẽ gây khó thở, mệt mỏi, mồ hôi ra nhiều còn gây cảm giác khó chịu.

Câu 9: Cơ sở khoa học của biện pháp bảo quản trong điều kiện nồng độ carbon dioxide cao là gì? Biện pháp này được áp dụng cho thực phẩm nào?

Trả lời:

- Cơ sở khoa học: Khi nồng độ carbon dioxide tăng sẽ ức chế quá trình hô hấp, nhờ đó, tăng hiệu quả của quá trình bảo quản.

- Đây là phương pháp hiện đại và cho hiệu quả bảo quản cao nhưng việc xác định nồng độ carbon dioxide thích hợp là điều kiện rất quan trọng đối với các đối tượng bảo quản và mục đích bảo quản.

- Loại thực phẩm được áp dụng: nhiều loại trái cây.

Câu 10: Trình bày nhu cầu sử dụng nước ở động vật.

Trả lời:

Nhu cầu sử dụng nước ở động vật là khác nhau tùy theo loài, kích thước cơ thể, điều kiện môi trường, độ tuổi, loại thức ăn,…

Đối với cơ thể người, nhu cầu nước thay đổi theo độ tuổi: trẻ em cần cung cấp khoảng 1L nước, còn người trưởng thành khoảng 1,5 – 2L nước mỗi ngày. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng nước ở mỗi người còn phụ thuộc vào các yếu tố khác nhưgiới tính, cường độ hoạt động, tình trạng sức khỏe,…

Câu 11: Khi thiếu nguyên tố Mn, cây có biểu hiện như thế nào?

Trả lời:

Khi thiếu nguyên tố Mn, cây có biểu hiện: lá mất màu xanh, gân chính và gân phụ màu xanh đậm, tạo thành dạng các ô vuông.

Câu 12: Để cây trồng có năng suất cao, cần tuân thủ các nguyên tắc nào khi bón phân?

Trả lời:

Để cây trồng có năng suất cao, cần tuân thủ các nguyên tắc khi bón phân: đúng loại, đúng liều lượng và thành phần dinh dưỡng, đúng nhu cầu của giống và loài cây, đúng lúc và phù hợp với điều kiện đất đai cũng như thời tiết, mùa vụ.

Câu 13: Kể tên một số bệnh do thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Trả lời:

Một số bệnh do thiếu hụt chất dinh dưỡng: thiếu máu do thiếu sắt, còi xương do thiếu canxi, bướu cổ do thiết iodine,...

Câu 14: Vì sao người ta thường trồng nhiều cây xanh ở các công viên, khu dân cư,...?

Trả lời:

Quá trình quang hợp ở sinh vật tự dưỡng lấy CO2, thải ra O2, góp phần điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường nên thường được trồng nhiều ở công viên, khu dân cư.

Câu 15: Quang hợp có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển và sinh trưởng của thực vật?

Trả lời:

- Năng lượng cho quá trình tổng hợp thức ăn: Quang hợp cung cấp năng lượng để chuyển cacbonic và nước thành glucose và các hợp chất hữu cơ khác. Glucose và các chất này là nguồn năng lượng và nguyên liệu xây dựng cho hầu hết các hoạt động sống của thực vật.

- Kích thích sinh trưởng và phát triển: Năng lượng từ quang hợp được sử dụng để tạo ra tất cả các thành phần cần thiết cho sự phát triển của cây.

- Tạo ra oxy cho môi trường: Quang hợp tạo ra sản phẩm là oxy, duy trì sự sống mọi sinh vật.

- Tạo ra hệ sinh thái: Sự phát triển và sinh trưởng của thực vật tạo ra một môi trường sống phong phú cho động và thực vật khác. Từ đó tạo ra hệ sinh thái.

Câu 16: Thực vật có hô hấp giống con người không? Giải thích.

Trả lời:

Thực vật cũng hấp thụ khí oxygen và thải khí carbon dioxide khi hô hấp như động vật nhưng hoạt động lấy khí oxygen và thải khí carbon dioxide là thụ động, còn ở động vật là chủ động (hoạt động hít – thở).

Câu 17: Phân tử nước liên kết với các phân tử phân cực bằng cách nào?

Trả lời:

Phân tử nước liên kết với một phân tử phân cực bằng cách: đầu oxygen tích điện âm của nước sẽ liên kết với đầu tích điện dương của phân tử đó, còn đầu hydrogen tích điện dương sẽ liên kết với đầu điện tích âm. 

Câu 18: Nêu một số yếu tố ảnh hưởng đến hô hấp ở tế bào.

Trả lời:

- Nhiệt độ: Nhiệt độ ảnh hưởng đến quá trình hô hấp tế bào thông qua sự tác động đến các enzyme xúc tác phản ứng hóa học. Nhiệt độ thuận lợi cho quá trình hô hấp ở sinh vật là khoảng 30 – 35oC.

- Hàm lượng nước: Nước vừa là nguyên liệu, vừa là môi trường cho các phản ứng hóa học trong quá trình hô hấp tế bào. Cường độ hô hấp tỉ lệ thuận với hàm lượng nước trong tế bào.

- Nồng độ oxygen: Nồng độ oxygen là nguyên liệu tham gia vào quá trình hô hấp, nồng độ oxygen trong không khí giảm xuống dưới 5% thì cường độ hô hấp giảm.

- Nồng độ carbon dioxide: Nồng độ carbon dioxide trong không khí thuận lợi cho hô hấp tế bào là 0,03%. Khi nồng độ carbon dioxide tăng sẽ ức chế quá trình hô hấp.

Câu 19: Động vật trao đổi khí bằng cơ quan nào?

Trả lời:

Cơ quan trao đổi khí ở động vật rất đa dạng:

- Động vật đơn bào và một số động vật đa bào như ruột khoang, giun tròn, giun dẹp,… trao đổi khí qua bề mặt cơ thể.

- Các loài côn trùng như châu chấu, ruồi,… trao đổi khí qua hệ thống ống khí.

- Các loài sống dưới nước như cá, tôm, cua, trai,… trao đổi khí qua mang.

- Động vật thuộc lớp Bò sát, Chim, Thú trao đổi khí qua phổi.

Câu 20: Tại sao cung cấp đủ nước để hạt nảy mầm?

Trả lời:

- Nước có vai trò hoạt hóa các enzyme hô hấp → nước có liên quan trực tiếp đến cường độ hô hấp.

- Các hạt khô đang ở trạng thái ngủ, nghỉ có hàm lượng nước rất thấp, quá trình hô hấp tế bào bị ức chế. Khi hạt có đủ nước, cường độ hô hấp tăng mạnh tạo ra sản phẩm và năng lượng đủ để hạt nảy mầm.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Sinh học 7 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay