Bài tập file word Sinh học 7 chân trời sáng tạo Ôn tập Chủ đề 7: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P4)

Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 7 (Sinh học) chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 7: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P4). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 7 chân trời sáng tạo.

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 7: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở SINH VẬT
(PHẦN 4 – 20 CÂU)

Câu 1: Trao đổi khí là gì? Trao đổi khí ở động vật và thực vật diễn ra nhờ quá trình nào?

Trả lời:

- Trao đổi khí là sự trao đổi khí oxygen và khí carbon dioxide giữa cơ thể sinh vật với môi trường ngoài.

- Ở động vật, trao đổi khí diễn ra trong quá trình hô hấp.

- Ở thực vật, trao đổi khí được thực hiện trong cả quá trình quang hợp và hô hấp.

Câu 2: Nếu thực vật không nhận được đủ ánh sáng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng?

Trả lời:

- Giảm quá trình quang hợp: Nếu cây không nhận được đủ ánh sáng, quá trình quang hợp sẽ bị giảm, dẫn đến sự giảm lượng glucose và năng lượng, làm giảm sự sinh trưởng và phát triển của cây cỏ.

- Giảm sản xuất chất hữu cơ: Thiếu ánh sáng có thể dẫn đến giảm sản xuất chất hữu cơ và tích tụ các chất thải, gây hại cho cây.

- Cây còi cọc, khó phát triển: Thiếu ánh sáng có thể làm cây trở nên mảnh mai, dẻo dai, và mọc về phía ánh sáng để tối ưu hóa việc hấp thụ ánh sáng. Điều này có thể làm thay đổi tỷ lệ lá, chiều cao và hình dạng của cây.

- Giảm khả năng đề kháng: Thiếu ánh sáng có thể làm giảm khả năng đề kháng của cây cỏ đối với các bệnh tật và sâu bệnh. Thực vật trở nên yếu đuối và dễ bị tấn công hơn.

- Giảm khả năng sinh sản: Thiếu ánh sáng có thể làm giảm khả năng sinh sản của thực vật, gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hạt và mầm khó duy trì thế hệ sau.

Câu 3: Trình bày vai trò của quá trình thoát hơi nước ở lá cây.

Trả lời:

Vai trò của quá trình thoát hơi nước đối với cây:

- Tạo lực hút để vận chuyển nước và các chất trong cây.

- Giúp lá cây không bị nóng dưới tác động của ánh sáng Mặt Trời.

- Tạo điều kiện cho quá trình trao đổi khí ở thực vật.

Câu 4: Hệ tuần hoàn vận chuyển các chất như thế nào?

Trả lời:

Hệ tuần hoàn có chức năng vận chuyển các chất trong cơ thể động vật nhờ sự vận chuyển máu:

- Hệ tuần hoàn nhận khí oxygen từ hệ hô hấp, các chất dinh dưỡng từ hệ tiêu hóa đến cung cấp cho các hoạt động của các cơ quan, đồng thời, carbon dioxide và những sản phẩm thải được vận chuyển đến phổi và cơ quan bài tiết.

- Hệ tuần hoàn còn vận chuyển các kháng thể, vitamin, muối khoáng,…

Câu 5: Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng có vai trò gì trong cơ thể?

Trả lời:

Quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng có nhiều vai trò quan trọng giúp đảm bảo cho sinh vật có thể duy trì sự sống, sinh trưởng, phát triển và sinh sản bao gồm:

- Cung cấp nguyên liệu cấu tạo, thực hiện chức năng của tế bào và cơ thể.

- Cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của cơ thể: Quá trình phân giải các chất hữu cơ giải phóng năng lượng để cung cấp cho các hoạt động sống của cơ thể.

- Đào thải các chất không cần thiết để ổn định môi trường trong cơ thể.

Câu 6: Quang hợp ở thực vật có vai trò như thế nào đối với môi trường tự nhiên và đời sống của con người cũng như các sinh vật khác?

Trả lời:

Quang hợp ở thực vật có nhiều vai trò đối với môi trường tự nhiên và đời sống của con người cũng như các sinh vật khác:

- Tạo ra chất hữu cơ cung cấp cho các sinh vật khác thông qua chuỗi thức ăn.

- Giúp cân bằng hàm lượng khí carbon dioxide và oxygen trong không khí

→ Giúp điều hòa khí hậu (hạn chế hiện tượng hiệu ứng nhà kính) đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hô hấp duy trì sự sống của nhiều sinh vật khác trong đó có con người.

Câu 7: Cơ sở khoa học của biện pháp bảo quản lạnh là gì? Bảo quản lạnh được áp dụng cho thực phẩm nào?

Trả lời:

- Cơ sở khoa học: Nhiệt độ bảo quản thấp làm ức chế sự hoạt động của các enzyme xúc tác cho các phản ứng trong hô hấp tế bào → có thể làm chậm quá trình hô hấp của tế bào.

- Loại thực phẩm được áp dụng: thịt, cá, rau, củ, quả,… Tùy theo mỗi loại thực phẩm mà chúng sẽ được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ khác nhau.

Câu 8: Em hãy cho biết ý nghĩa của việc đeo khẩu trang.

Trả lời:

Đeo khẩu trang giúp ngăn khói, bụi đi vào đường hô hấp; hạn chế các loại vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp; ngăn chặn phát tán nguồn bệnh cho những người xung quanh,...

Câu 9: Ở người, sự trao đổi khí giữa cơ thể và môi trường ngoài được thực hiện thông qua hoạt động nào?

Trả lời:

Ở người, sự trao đổi khí carbon dioxide và oxygen giữa cơ thể và môi trường ngoài được thực hiện thông qua hoạt động hít vào, thở ra: Khi hít vào, khí oxygen trong không khí được dẫn vào phổi đến các phế nang. Tại các phế nang, khí oxygen khuếch tán vào mạch máu và được vận chuyển đi khắp cơ thể; khí carbon dioxide từ máu sẽ khuếch tán vào phế nang và thải ra môi trường qua hoạt động thở ra.

Câu 10: Khi thiếu nguyên tố lưu huỳnh, cây có biểu hiện như thế nào?

Trả lời:

Khi thiếu nguyên tố lưu huỳnh, cây có biểu hiện: lá xanh nhạt, gân lá nhợt nhạt, không có đốm chết.

Câu 11: Vì sao vào những ngày nắng nóng cần tăng tưới nước cho cây?

Trả lời:

Vào mùa hè, nhiệt độ trong không khí tăng, làm các tế bào lá tăng thoát hơi nước để làm hạ nhiệt độ trong không khí, mà lượng nước cây hút vào bị mất đi qua quá trình thoát hơi nước ở lá chiếm đến 98%, do đó vào những ngày mùa hè nóng bức người ta thường tưới nước nhiều hơn cho cây trồng để cung cấp đủ lượng nước cho hoạt động của cây.

Câu 12: Giữa vận động viên và nhân viên văn phòng, đối tượng nào có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn? Vì sao?

Trả lời:

Vận động viên có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn. Vì vận động viên phải hoạt động nhiều, liên tục, trải qua các bài luyện tập khắc nghiệt, quá trình chuyển hóa năng lượng diễn ra nhanh chóng nên nhu cầu dinh dưỡng cao hơn. Còn nhân viên văn phòng thường không vận động nhiều, quá trình chuyển hóa năng lượng cũng diễn ra chậm hơn nên nhu cầu dinh dưỡng thấp hơn.

Câu 13: Tại sao gọi thực vật là sinh vật tự dưỡng?

Trả lời:

Thực vật là sinh vật tự dưỡng vì chúng có khả năng tự tổng hợp các chất hữu cơ cần thiết cho cơ thể từ các chất vô cơ.

Câu 14: Nêu một số biện pháp giúp tăng cường quá trình trao đổi chất ở cơ thể người.

Trả lời:

Một số biện pháp giúp tăng cường quá trình trao đổi chất:

- Ăn uống đầy đủ và đa dạng chất dinh dưỡng.

- Có kế hoạch tập luyện thể dục thể thao hợp lý.

- Ngủ đủ giấc và ổn định tâm lý hạn chế bị stress.

Câu 15: Những chất nào gây ức chế quá trình hô hấp tế bào ở người? Hãy để xuất các biện pháp để cải thiện sức khỏe hô hấp ở người.

Trả lời:

- Một số chất gây ức chế quá trình hô hấp tế bào ở người là: fentanyl, heroin hoặc morphin, benzodiazepin, barbiturat,...

- Tác dụng của các chất ức chế hô hấp tế bào là kích thích sự gia tăng nồng độ CO2, được ứng dụng trong gây mê, giảm đau.

- Biện pháp để cải thiện sức khỏe hô hấp ở người:

+ Giữ gìn lối sống lành mạnh, không sử dụng các loại chất cấm gây nghiện

+ Sử dụng các loại thuốc giảm đau hợp lý, theo chỉ định của bác sĩ.

+ Thường xuyên tập luyện thể thao và ăn uống hợp lý.

Câu 16: Các loài cây ăn thịt (cây gọng vó, cây nắp ấm,...) thu hút côn trùng đến, tiết ra các chất dính làm cho côn trùng không thể thoát được, đồng thời tiết ra enzyme để tiêu hóa thức ăn của mình. Theo em, các loài cây này thường sinh sống ở những nơi có điều kiện như thế nào và chúng lấy chất gì từ côn trùng?

Trả lời:

Những loài thực vật này thường sống ở những nơi ít dinh dưỡng, đặc biệt là nitrogen. Để cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho quá trình sống chúng đã lấy chất hữu cơ (protein) từ các loài động vật, chủ yếu là các loài côn trùng.

Câu 17: Một bạn học sinh dùng nhiệt kế đo nhiệt độ ở bề mặt lá cây phát tài, bạn nhận thấy rằng nhiệt độ ở bề mặt lá thấp hơn nhiệt độ môi trường khoảng 0,5 – 1oC. Tuy nhiên, bạn không giải thích được tại sao lại như vậy. Em hãy giải thích giúp bạn.

Trả lời:

Do ở lá diễn ra quá trình thoát hơi nước, nước bay hơi làm giảm nhiệt độ ở bề mặt lá, do đó. ở bề mặt lá có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ môi trường khoảng 0,5 – 1o.

 Câu 18: Yếu tố nào ảnh hưởng đến hoạt động của khí khổng?

Trả lời:

Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của khí khổng: Khí khổng mở khi cây được chiếu sáng và được cung cấp đủ nước.

Câu 19: Trình bày con đường trao đổi nước ở động vật.

Trả lời:

Lượng nước được giữ ổn định nhờ sự cân bằng giữa lượng nước lấy vào với lượng nước cơ thể sử dụng và bài tiết ra khỏi cơ thể:

- Lấy vào: Nước được cơ thể lấy vào thông qua thức ăn và nước uống.

- Sử dụng: Nước được hấp thụ vào máu nhờ ống tiêu hóa (chủ yếu ở ruột già). Thông qua hoạt động của hệ tuần hoàn, máu vận chuyển nước đến các tế bào và các cơ quan trong cơ thể. Tại đây, nước được dùng làm nguyên liệu tham gia vào quá trình trao đổi chất.

- Bài tiết: Một lượng nước cũng được bài tiết ra khỏi cơ thể thông qua nhiều hoạt động khác nhau như hô hấp, thoát hơi nước qua da, toát mồ hôi, bài tiết nước tiểu và phân.

Câu 20: Nêu nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư phổi.

Trả lời:

- Nguyên nhân:

+ Hút thuốc lá: hiện nay, 90% bệnh nhân bị ung thư phổi bởi hút thuốc lá, 4% bệnh nhân do hít phải số lượng đáng kể khói thuốc hàng ngày.

+ Môi trường làm việc là yếu tố dễ gây ra bệnh ung thư phổi. Các tác nhân từ môi trường gây ung thư phổi như: khói bụi, những người làm việc trong môi trường luyện thép, niken, crom và khí than.

+ Tiếp xúc với tia phóng xạ: nguyên nhân gây ra bệnh ung thư, trong đó có ung thư phổi. Bệnh nhân làm việc trong các mỏ uranium, fluorspar và hacmatite có thể tiếp xúc với tia phóng xạ do hít thở không khí có chứa khí radon.

- Triệu chứng thường gặp:

+ Bị ho kéo dài không khỏi.

+ Có cảm giác khó thở, thở ngắn, có đờm lẫn  máu.

+ Bị đau ngực.

+ Sau một thời gian ủ bệnh, người bệnh có thể bị gầy sút, mệt mỏi, khàn giọng, khó nuốt, thở khò khè, đau xương thậm chí bị tràn dịch màng phổi

- Biện pháp phòng ngừa:

+ Không hút thuốc lá hoặc tránh tiếp xúc với khói thuốc.

+ Cải thiện môi trường sống cũng như môi trường làm việc bằng việc cải thiện vệ sinh công nghiệp, tránh tiếp xúc với khói vụi.

+ Định kỳ đi khám sức khỏe để kịp thời phòng tránh và có phương pháp điều trị.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Sinh học 7 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay