Bài tập file word Sinh học 7 kết nối tri thức Ôn tập Chương 10: Sinh sản ở sinh vật (P3)

Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 7 (Sinh học) kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 10: Sinh sản ở sinh vật (P3). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 7 kết nối tri thức.

ÔN TẬP CHƯƠNG 10: SINH SẢN Ở SINH VẬT
(PHẦN 3 – 20 CÂU)

Câu 1: Trình bày mối quan hệ giữa các hoạt động sống.

Trả lời:

Mối quan hệ giữa các hoạt động sống: Các hoạt động sống trong cơ thể có mối quan hệ qua lại chặt chẽ với nhau.

- Quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng cung cấp vật chất và năng lượng đảm bảo cho cơ thể sinh trưởng và phát triển, sinh sản và cảm ứng.

- Ngược lại, các quá trình sinh trưởng, phát triển, sinh sản và cảm ứng có tác động trở lại đối với quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể sinh vật.

Câu 2: Kể tên một số loại cây thường được ghép cây, nuôi cấy tế bào và mô thực vật.

Trả lời:

- Ghép cây: mít với mít, xoài với xoài, cam với bưởi, chanh với bưởi, hoa quỳnh với thanh long,…

- Nuôi cấy tế bào và mô thực vật: các giống hoa, cây thuốc, cây gỗ quý hiếm như hoa phong lan, sâm ngọc linh, trầm hương,…

Câu 3: Em hãy nêu một số thành tựu về điều khiển sinh sản ở động vật trong chăn nuôi?

Trả lời:

Một số thành tựu về điều khiển sinh sản ở động vật trong chăn nuôi:

+ Tạo ra đàn bò toàn con đực để lấy thịt

+ Tạo ra đàn gà toàn con cái để lấy trứng

+ Tạo ra đàn bò sữa toàn con cái để lấy sữa

Câu 4: Phương pháp nuôi cấy tế bào và mô thực vật có ưu điểm gì?

Trả lời:

Ưu điểm: Đây là phương pháp nhân giống vô tính hiệu quả nhất, tạo ra số lượng lớn các cây con đồng đều, sạch bệnh, giữ được đặc tính tốt của cây mẹ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi cần phải trang bị thiết bị hiện đại và trình độ kỹ thuật cao.

Câu 5: Nêu một số biện pháp điều hòa và điều khiển sinh sản ở sinh vật trong chăn nuôi.

Trả lời:

- Con người đã tác động vào sinh sản ở động vật nhằm điều khiển số lượng hay giới tính của đàn con.

- Điều khiển số lượng đàn con bằng một số biện pháp như sử dụng hormone nhân tạo kích thích trứng chín sớm, thụ tinh nhân tạo giúp tăng hiệu quả thụ tinh, nuôi cấy phôi và điều chỉnh các yếu tố môi trường.

- Tùy từng mục đích chăn nuôi, con người có thể điều khiển giới tính vật nuôi bằng cách sử dụng hormone hoặc lọc, tách tinh trùng và lựa chọn tinh trùng đem thụ tinh với trứng để tạo đàn con có giới tính mong muốn.

Câu 6: Điều khiển số con và giới tính của đàn con có ý nghĩa như thế nào trong chăn nuôi?

Trả lời:

Điều khiển số con và giới tính của đàn con có ý nghĩa quan trọng trong chăn nuôi, ta có thể điều khiển số con và giới tính của đàn con để đáp ứng tốt nhất mục đích, nhu cầu mong muốn của người chăn nuôi

Câu 7: Phương pháp ghép cây có ưu điểm gì?

Trả lời:

Ưu điểm: Kết hợp được các ưu điểm của cành/mắt ghép và gốc ghép theo mong muốn của con người.

Câu 8: Mô tả mối quan hệ giữa tế bào, cơ thể và môi trường?

Trả lời:

Mối quan hệ giữa tế bào, cơ thể và môi trường:

- Tế bào thực hiện trao đổi chất và năng lượng, cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể sống.

- Sự phân chia của tế bào giúp cơ thể lớn lên và sinh sản

- Cảm ứng giúp cơ thể phản ứng với kích thích từ môi trường bên ngoài

Như vậy, mọi hoạt động sống của cơ thể là tổng hợp các hoạt động sống của tế bào.

Câu 9: Nếu quá trình trao đổi chất và năng lượng gặp trục trặc thì các hoạt động sống khác của cơ thể bị ảnh hưởng như thế nào?

Trả lời:

Nếu quá trình trao đổi chất và năng lượng gặp trục trặc thì các hoạt động sống khác của cơ thể cũng bị gặp trục trặc. Vì quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng cung cấp vật chất và năng lượng cho các hoạt động sống khác như sinh trưởng và phát triển, sinh sản và cảm ứng. Khi không đủ vật chất và năng lượng thì các hoạt động sống đó cũng không thể diễn ra thuận lợi.

Câu 10: Phương pháp giâm cành và chiết cành có ưu điểm gì?

Trả lời:

- Giâm cành: Đơn giản, dễ thực hiện.

- Chiết cành: Giúp rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây con, nhanh cho thu hoạch.

Câu 11: Tại sao khi ghép cành phải buộc chặt cành ghép vào gốc ghép?

Trả lời:

Phải buộc chặt cành ghép vào gốc ghép để mô dẫn (mạch gỗ và mạch rây) của cành ghép và gốc ghép dễ nối liền với nhau, đảm bảo thông suốt cho dòng nước, chất dinh dưỡng ở từ gốc ghép đến cành ghép một cách dễ dàng.

Câu 12: Nghỉ hè, Lan được bố mẹ cho về quê chơi với ông bà. Ông rủ Lan ra vườn làm cỏ với ông để chuẩn bị trồng rau. Ông chỉ cho Lan một số loại cỏ cần phải nhổ bỏ, nếu không chúng sẽ cạnh tranh với cây rau về ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng,... làm cho rau còi cọc, chậm lớn, thậm chí bị sâu bệnh. Ông dặn phải nhổ hết gốc, bỏ toàn bộ thân rễ ngầm dưới đất thì cỏ mới không mọc lại được. Em hãy giải thích cho Lan hiểu tại sao ông lại hướng dẫn như vậy.

Trả lời:

- Nhiều loài cỏ dại có khả năng sinh sản bằng thân rễ nên chỉ cần sót lại một mẫu thân rễ là từ đó có thể mọc chồi và ra rễ, phát triển thành cây mới, có khả năng lan rộng khi có điều kiện thời tiết thuận lợi (mưa, đất ẩm).

- Vì vậy, muốn diệt cỏ dại hại cây trồng cần phải nhặt bỏ toàn bộ thân rễ ngầm dưới đất.

Câu 13: Giải thích tại sao khi ruộng ngô nếp trồng gần ruộng ngô tẻ thì khi thu hoạch có những bắp ngô có cả hạt ngô nếp và hạt ngô tẻ trong cùng một bắp.

Trả lời:

Ngô thụ phấn nhờ gió hoặc nhờ côn trùng, vì vậy nếu trồng hai ruộng ngô tẻ và ngô nếp gần nhau, khi hoa ngô trổ bông cùng thời điểm sẽ xảy ra hiện tượng hạt phấn của cây ngô tẻ sẽ nhờ gió hoặc côn trùng rơi vào hoa cái của cây ngô nếp và ngược lại. Vì vậy, khi hình thành bắp ngô tẻ có một số hạt ngô nếp và một số bắp ngô nếp có lẫn hạt ngô tẻ.

Câu 14: Hiện nay, nhiều giống ngô mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Dựa trên những kiến thức đã học, em hãy dự đoán biện pháp được sử dụng để tạo ra những giống ngô đó.

Trả lời:

Có nhiều giống ngô như ngô nếp bắp lớn, ngô nếp tím,... vừa cho năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu cao được tạo ra bằng biện pháp lai hữu tính (giữa các giống mang những đặc điểm mong muốn) kết hợp với chọn lọc để được con lai mang những đặc điểm tốt của giống bố mẹ.

Câu 15: Vụ trước, bà của Hoa trồng giống lúa mới, bà thấy giống lúa này cho năng suất cao, nấu cơm dẻo và thơm, vụ này bà muốn tiếp tục trồng giống lúa đó nên bà đi mua lúa giống. Hoa thắc mắc tại sao không lấy hạt lúa nhà mình vừa thu hoạch để trồng tiếp vụ này. Em hãy vận dụng những kiến thức đã học để giải thích cho Hoa hiểu.

Trả lời:

Lúa thu hoạch từ vụ trước có những hạt được tạo thành từ hạt phấn của những cây lúa ở ruộng khác, nếu dùng những hạt lúa đó làm giống, thế hệ con sẽ mang những đặc điểm của cả cây bố, mẹ nên có thể chất lượng và năng suất sẽ không được như trồng từ lúa giống đi mua.

Câu 16: Giải thích tại sao khi trồng thanh long, để kích thích ra hoa trái vụ, người ta thường thắp đèn vào ban đêm (từ 6 giờ đến 10 giờ trong một đêm, kéo dài khoảng 15 đến 20 đêm). Biết rằng, thanh long chỉ ra hoa, tạo quả vào mùa hè.

Trả lời:

Thanh long là cây ngày dài, chỉ ra hoa trong điều kiện ánh sáng kéo dài nên vào những thời gian ngày ngắn, thắp đèn để kéo dài thời gian chiếu sáng trong ngày nhằm kích thích cho cây phân hoá để ra hoa và tạo quả trái vụ.

Câu 17: Nghiên cứu những thí nghiệm dưới đây rồi rút ra nhận xét về sự sinh sản của động vật phụ thuộc vào những yếu tố nào của môi trường.

Thí nghiệm 1: Gà mái thường đẻ 1 quả trứng/ngày, khi tăng chế độ chiếu sáng lên 16 giờ/ngày thì gà đẻ 2 quả trứng/ngày.

Thí nghiệm 2: Cá rô phi Việt Nam có nguồn gốc ở vùng xích đạo, nơi nhiệt độ trung bình là 30°C, mỗi năm đẻ 11 lứa. Nếu nuôi cá ở nhiệt độ từ 16°C đến 18°C thì cá ngừng sinh sản.

Thí nghiệm 3: Cóc đẻ rộ trong tháng 4 nên sau khi đẻ, khối lượng hai buồng trứng giảm. Sau đó, nếu được ăn đầy đủ thì đến tháng 10, hai buồng trứng phục hồi khối lượng và lại có khả năng sinh sản.

Trả lời:

- Ở thí nghiệm 1, sự sinh sản của gà phụ thuộc vào chế độ chiếu sáng.

- Ở thí nghiệm 2, khả năng sinh sản của cá rô phi Việt Nam phụ thuộc vào nhiệt độ. Ở thí nghiệm 3, khả năng sinh sản ở cóc phụ thuộc chế độ dinh dưỡng. Như vậy, nhiệt độ, chế độ chiếu sáng và dinh dưỡng phù hợp sẽ làm tăng khả năng sinh sản ở động vật.

Câu 18: Một trang trại nuôi bò lấy thịt có số lượng bò đực rất lớn. Theo em, để duy trì nguồn bò đực với số lượng lớn, trang trại này nên thực hiện biện pháp gì?

Trả lời:

Để tăng số lượng con đực trong đàn vật nuôi, biện pháp nên thực hiện là lựa chọn tinh trùng (quy định giới tính đực), đem thụ tỉnh với trứng để tạo ra thế hệ con mang giới tính mong muốn.

Câu 19:  Khi xây dựng và sửa chữa sân trường hoặc vỉa hè, người ta thường xén rễ của những cây cổ thụ để đổ bê tông xung quanh gốc cây. Em hãy dự đoán điều gì có thể xảy ra đối với cây cổ thụ này và giải thích tại sao.

Trả lời:

Khi cây cổ thụ bị xén rễ và đổ bê tông xung quanh, nếu mất phần lớn rễ, quá trình cung cấp nước và chất dinh dưỡng cho cây sẽ bị ảnh hưởng, cây có thể bị chết vì thiếu nước và chất dinh dưỡng. Mặt khác, khi đổ bê tông xung quanh, rễ không mọc dài ra được để bám vào đất sẽ dẫn đến nguy cơ đổ cây vào mùa mưa bão.

Câu 20: Em hãy lấy một ví dụ để chứng minh cho khẳng định “Khi một cơ quan bị tổn thương hoặc ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể”

Trả lời:

Khi một cơ quan trong hệ hô hấp bị tổn thương (ví dụ: bị viêm phổi) thì việc lấy O2 và thải CO2 của tế bào sẽ bị ảnh hưởng. Tế bào của các cơ quan sẽ không có đủ  O2 cho hoạt động trao đổi chất và năng lượng, tế bào sẽ không có đủ năng lượng để hoạt động gây tổn thương tế bào và tế bào có thể chết. Đồng thời, CO2 là sản phẩm trao đổi chất của tế bào không được đưa ra khỏi cơ thể sẽ gây độc đối với tế bào và cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, khi bị viêm phổi nặng có thể dẫn tới ngừng thở, gây tổn thương tim, não và nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Sinh học 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay