Bài tập file word Sinh học 7 kết nối tri thức Ôn tập Chương 7: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P4)
Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 7 (Sinh học) kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 7: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P4). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 7 kết nối tri thức.
Xem: => Giáo án sinh học 7 kết nối tri thức (bản word)
ÔN TẬP CHƯƠNG 7: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở SINH VẬT
(PHẦN 4 – 20 CÂU)
Câu 1: Trình bày khái niệm quang hợp. Viết phương trình tổng quát cho quá trình quang hợp.
Trả lời:
- Quang hợp là quá trình lá cây sử dụng nước và khí carbon dioxide nhờ năng lượng ánh sáng đã được diệp lục hấp thu để tổng hợp chất hữu cơ và giải phóng oxygen.
- Phương trình tổng quát cho quá trình quang hợp:
Nước + Carbon dioxide Glucose + Oxygen
Câu 2: Nồng độ khí oxygen và khí carbon dioxide có vai trò và ảnh hưởng như thế nào đến hô hấp tế bào?
Trả lời:
Với nồng độ khí oxygen:
- Vai trò: Oxygen là nguyên liệu của quá trình hô hấp tế bào.
- Ảnh hưởng: Ở thực vật, khi nồng độ oxygen ngoài môi trường giảm xuống dưới 5% thì cường độ hô hấp giảm.
Nồng độ carbon dioxide ngoài môi trường khoảng 0,03% thì thuận lợi cho hô hấp tế bào. Nếu nồng độ quá cao từ 3% đến 5% sẽ gây ức chế quá trình hô hấp.
Câu 3: Trao đổi khí ở người diễn ra theo phối thông qua con đường nào? Trình bày sự trao đổi khí ở người.
Trả lời:
- Ở người, trao đổi khí được diễn ra ở phổi thông qua đường dẫn khí: Khoang mũi → Hầu → Khí quản → Phế quản → Phổi.
- Sự trao đổi khí ở người:
+ Khi hít vào, không khí đi qua khoang mũi tới hầu, khí quản, phế quản để vào phổi. Tại phổi, khi hít vào, O2 khuếch tán từ phế nang vào máu đến cung cấp cho các tế bào trong cơ thể.
+ Tại các tế bào, CO2 được chuyển vào máu đến phổi, sau đó sẽ khuếch tán vào phế nang và được đưa ra ngoài môi trường qua động tác thở ra.
Câu 4: Trình bày cấu tạo của nước. Trình bày tính phân cực của nước.
Trả lời:
- Cấu tạo: Mỗi phân tử nước có 2 nguyên tử hydrogen liên kết với 1 nguyên tử oxygen bằng liên kết cộng hóa trị.
- Tính phân cực của phân tử nước: Cặp electron trong liên kết cộng hóa trị bị lệch về phía nguyên tử oxygen nên đầu mang nguyên tử oxygen của phân tử nước tích điện âm còn đầu mang nguyên tử hydrogen tích điện dương. Do tính chất phân cực nên các phân tử nước hút lẫn nhau và hút các phân tử phân cực khác, nhờ đó nước trở thành dung môi hòa tan nhiều chất.
Câu 5: Thực vật có thể sử dụng trực tiếp nitrogen tự do có trong không khí hay không? Vì sao?
Trả lời:
Thực vật không thể sử dụng trực tiếp nitrogen trong không khí. Vì nitrogen trong không khí tồn tại dưới dạng nitrogen phân tử N2, có liên kết ba rất chặt chẽ, nên thực vật không thể hấp thụ được.
Câu 6: Các chất dinh dưỡng ở động vật được vận chuyển như thế nào?
Trả lời:
- Ở động vật đơn bào chưa có hệ vận chuyển, các chất được trao đổi trực tiếp với môi trường qua thành cơ thể.
- Ở động vật đa bào, việc vận chuyển các chất trong cơ thể là do hệ tuần hoàn thực hiện: Các chất dinh dưỡng lấy từ hệ tiêu hóa và O2 lấy từ phổi được sử dụng để thực hiện quá trình trao đổi chất. Đồng thời, quá trình trao đổi chất tạo ra các sản phẩm thải, những chất này được vận chuyển tới phổi và cơ quan bài tiết để thải ra ngoài.
- Ở người, các chất được vận chuyển theo 2 vòng tuần hoàn:
+ Vòng tuần hoàn nhỏ vận chuyển máu đỏ thẫm(máu nghèo O2) từ tâm thất phải theo động mạch phổi đi tới phổi.Tại phổi, diễn ra quá trình trao đổi khí, máu nhận O2 và thải ra CO2 trở thành máu đỏ tươi theo tĩnh mạch phổi và trở về tâm nhĩ trái của tim.
+ Vòng tuần hoàn lớn vận chuyển máu đỏ tươi (máu giàu O2) mang chất dinh dưỡng và O2 từ tâm thất trái tới các tế bào của cơ thể để thực hiện quá trình trao đổi chất. Tại các tế bào, máu nhận các chất bài tiết và CO2 trở thành máu đỏ thẫm và trở về tâm nhĩ phải của tim.
Câu 7: Cơ chế chuyển hóa năng lượng từ thức ăn thành năng lượng cơ thể diễn ra như thế nào?
Trả lời:
- Tiêu hóa: Thức ăn được tiêu hóa trong dạ dày và ruột để tách chất dinh dưỡng ra khỏi thức ăn và hấp thụ chúng vào hệ tuần hoàn.
- Hấp thụ: Các chất dinh dưỡng như carbohydrate, protein, và chất béo được hấp thụ từ ruột vào hệ tuần hoàn để vận chuyển đến các tế bào trong cơ thể.
- Chuyển hóa tế bào: Các chất dinh dưỡng được chuyển hóa bởi tế bào thành ATP, là nguồn năng lượng chính cho các hoạt động tế bào.
- Năng lượng cơ thể: ATP được tạo ra từ các chất dinh dưỡng được sử dụng bởi cơ thể để cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể, bao gồm cả hoạt động vận động và các chức năng sinh lý khác.
Câu 8: Nêu vai trò của cây xanh đối với môi trường tự nhiên và đời sống con người.
Trả lời:
- Quang hợp ở cây xanh mang lại rất nhiều lợi ích cho môi trường tự nhiên và đời sống con người: Cung cấp chất hữu cơ và năng lượng cần thiết cho mọi sinh vật; cân bằng, điều hòa khí trong không khí;…
- Ngoài ra, cây xanh còn có nhiều vai trò khác như tạo ra nơi ở, nơi sinh sản cho các loài sinh vật khác; bảo vệ nguồn nước ngầm; bảo vệ đất tránh sạt lở; hạn chế thiên tai;…
→ Việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh là rất quan trọng, cần được thực hiện thường xuyên, rộng rãi.
Câu 9: Tại sao cần đưa cường độ hô hấp của nông sản về mức tối thiểu khi bảo quản nông sản?
Trả lời:
Duy trì cường độ hô hấp của nông sản ở mức tối thiểu để sự hao hụt xảy ra ở mức thấp nhất vì hô hấp là quá trình phân giải các chất hữu cơ dự trữ trong các sản phẩm. Hô hấp mạnh dẫn đến phân giải kị khí khiến thực phẩm nhanh hỏng hoặc tích lũy các chất có hại
Câu 10: Sau những trận mưa lớn kéo dài, hầu hết cây trong vườn bị ngập úng lâu và bị chết. Theo em, tại sao khi bị ngập nước cây lại chết mặc dù nước có vai trò rất quan trọng đối với sự sống của cây?
Trả lời:
Do ngập nước lâu ngày, rễ cây bị thiếu oxygen nên quá trình hô hấp ở rễ bị ngưng trệ, điều này khiến cho tế bào rễ nói chung và tế bào lông hút nói riêng bị huỷ hoại, mất đi khả năng hút nước và chất khoáng. Cây sẽ bị chết vì thiếu nước trong tế bào mặc dù rễ cây ngập trong nước.
Câu 11: Vì sao một số loài thực vật có lá màu đỏ hoặc tím (rau dền, tía tô,...) vẫn có thể quang hợp?
Trả lời:
Một số loài thực vật (tía tô, rau dền,..) lại có màu đỏ hoặc tím trong khi lá ở các loài khác thì không vì ngoài Chlorophyll thì chúng còn có sắc tố anthocyanin tạo nên màu đỏ hoặc tím. Ở thực vật có các sắc tố thực vật như Chlorophyll, carotenoid, Anthocyanin,... có vai trò hấp thu năng lượng ánh sáng để thực vật thực hiện quang hợp.
Câu 12: Nhiệt độ ảnh hưởng như thế nào đến hô hấp tế bào?
Trả lời:
- Nhiệt độ ảnh hưởng đến quá trình hô hấp tế bào thông qua sự tác động đến các enzyme xúc tác phản ứng hóa học.
- Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp đều ảnh hưởng đến hô hấp tế bào.
Câu 13: Động vật trao đổi khí với môi trường nhờ cơ quan nào?
Trả lời:
Ở động vật, sự trao đổi khí giữa cơ thể với môi trường diễn ra qua cơ quan trao đổi khí:
+ Động vật đơn bào và một số động vật đa bào như ruột khoang, giun tròn, giun dẹp,… trao đổi khí qua bề mặt cơ thể.
+ Các loài côn trùng như châu chấu, ruồi,… trao đổi khí qua hệ thống ống khí.
+ Các loài sống dưới nước như cá, tôm, cua, trai,… trao đổi khí qua mang.
+ Động vật thuộc lớp Bò sát, Chim, Thú trao đổi khí qua phổi.
Câu 14: Lượng calo cần cho một người lớn là khoảng 1500 - 2000 calo/ngày.Em hãy xây dựng thực đơn khoảng 2500 calo cho người cần phải luyện tập. Biết 40:40:20 là tỷ lệ 3 nhóm dưỡng chất cho người luyện tập.
Trả lời:
- Bữa sáng: 2 quả trứng luộc, 130g bột yến mạch, 130g trái việt quất, một chút siro. Với chế độ này, cơ thể nhận được 595 calo, gồm 15g chất béo, 75g carbs và 40g protein.
- Giữa buổi sáng: 2 muỗng bột yến mạch cùng táo. Với chế độ này, cơ thể nhận được 376 calo, gồm 4g chất béo, 35g carbs và 50g protein.
- Buổi trưa: 170g thịt gà phần ức, 85g bông cải xanh luộc chín, 85g gạo lứt. Với chế độ này, cơ thể nhận được 419 calo, gồm 6,5g chất béo, 45g carbs và 45g protein.
- Bữa chiều: 2 lát bánh mì đen, bột ngũ cốc, cùng 1 trái cam. Với chế độ này, cơ thể nhận được 476 calo, gồm 4g chất béo, 64g carbs và 46g protein.
- Bữa tối: 170g thịt bò làm bít tết, 1 củ khoai lang, 1 miếng pho mai con bò cười, 15 cây măng tây, 85g cà rốt thái nhỏ, 2 thìa dầu oliu. Với chế độ này, cơ thể nhận được 676 calo, gồm 28g chất béo, 46g carbs và 60g protein.
→ Thực đơn chứa 2542 calo. Cùng với đó là 57,5g chất béo, 265g carbs, 241g chất đạm.
Câu 15: Sự vận chuyển các chất trong cây được thực hiện thông qua hệ thống nào?
Trả lời:
Sự vận chuyển các chất trong cây được thực hiện thông qua hệ thống mạch gỗ và mạch rây:
Loại mạch |
Hướng vận chuyển chủ yếu |
Chất được vận chuyển |
Nguồn gốc của chất được vận chuyển |
Mạch gỗ |
Từ rễ lên thân và lá cây (dòng đi lên). |
Chủ yếu là nước và chất khoáng hòa tan. |
Từ môi trường bên ngoài được hấp thụ vào rễ. |
Mạch rây |
Từ lá cây đến các cơ quan cần sử dụng hoặc cơ quan dự trữ của cây như hạt, củ, quả (dòng đi xuống). |
Chủ yếu là chất hữu cơ (đường). |
Được tổng hợp từ quá trình quang hợp của cây. |
Câu 16: Trình bày con đường thu nhận và tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa ở người
Trả lời:
- Con người thu nhận thức ăn từ môi trường bên ngoài chủ yếu thông qua hoạt động ăn và uống.
- Các chất dinh dưỡng có trong thức ăn như carbohydrate, protein, lipid,… cần được biến đổi thành các chất đơn giản mà cơ thể có thể hấp thụ được nhờ hoạt động tiêu hóa trong ống tiêu hóa. Sau đó, các chất dinh dưỡng đơn giản này sẽ được hấp thụ vào máu.
- Các chất cặn bã còn lại không được cơ thể hấp thụ sẽ được thải ra ngoài dưới dạng phân qua hậu môn.
Câu 17: Con người cần làm gì để bảo vệ cây xanh?
Trả lời:
- Con người có thể vận dụng những hiểu biết về quang hợp trong việc trồng và bảo vệ cây xanh nhằm giúp cây sinh trưởng nhanh, phát triển tốt, nâng cao năng suất cây trồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường
- Bảo vệ cây xanh, đặc biệt là bảo vệ bộ lá – bộ máy quang hợp của cây xanh.
- Cần điều chỉnh hợp lí các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây thông qua chế độ chiếu sáng, tưới nước, bón phân,...
Câu 18: Hô hấp có vai trò như thế nào đối với sự hút nước và khoáng của cây?
Trả lời:
Quá trình hấp thụ nước và chất khoáng liên quan chặt chẽ với quá trình hô hấp của rễ vì:
- Sản phẩm quá trình hô hấp là ATP tham gia vào quá trình vận chuyển chủ động chất khoáng, CO2 tham gia vào quá trình hút bám trao đổi.
- Các sản phẩm trung gian của hô hấp và sự hấp thụ các chất khoáng làm tăng áp suất thẩm thấu của tế bào làm tăng khả năng hút nước của tế bào.
Câu 19: Sau khi học về quá trình thoát hơi nước ở cây xanh, bạn Mai băn khoăn muốn biết xem nếu sự thoát hơi nước ở lá không diễn ra thì điều gì sẽ xảy ra, còn Khối thì không biết tưới nước hợp lí cho cây trồng là như thế nào. Em hãy giúp Mai và Khôi giải đáp các băn khoăn trên.
Trả lời:
Tưới nước hợp lí cho cây trồng nghĩa là cần phải dựa vào nhu cầu nước của loài, giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây, đặc điểm của đất cũng như thời tiết để quyết định lượng nước và thời gian tưới nước cho cây. Giải thích băn khoăn của Mai: Nếu thoát hơi nước ở lá không diễn ra thì sự vận chuyển nước và muối khoáng từ rễ lên thân sẽ bị chậm hoặc có thể dừng lại; khí khổng không mở hoặc mở nhỏ nên CO; không khuếch tán vào trong lá để cung cấp cho quang hợp, dẫn đến không đảm bảo cung cấp nước và chất dinh dưỡng cho hoạt động sống của tế bào. Bên cạnh đó, khi nhiệt độ môi trường cao, lá cây sẽ bị đốt nóng nếu không có sự thoát hơi nước. Nếu quá trình thoát hơi nước không diễn ra trong thời gian dài, sự sinh trưởng và phát triển của cây bị chậm lại, cây có thể chết.
Câu 20: Dự đoán điều gì sẽ xảy ra với cơ thể nếu sự vận chuyển các chất trong cơ thể bị dừng lại.
Trả lời:
Nếu sự vận chuyển các chất trong cơ thể bị dừng lại thì các tế bào thiếu oxygen và chất dinh dưỡng, sự trao đổi chất trong tế bào dừng lại và tế bào có thể chết. Cơ thể sẽ bị nhiễm độc bởi các chất bài tiết trong tế bào do không được thải ra ngoài. Cơ thể sẽ có nguy cơ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.