Bài tập file word Sinh học 7 kết nối tri thức Ôn tập Chương 7: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 7 (Sinh học) kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 7: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 7 kết nối tri thức.

ÔN TẬP CHƯƠNG 7: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở SINH VẬT

(PHẦN 1 – 20 CÂU)

Câu 1: Trình bày khái niệm trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng. Nêu mối quan hệ giữa trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng. Nêu vai trò của chúng.

Trả lời:

- Trao đổi chất là quá trình cơ thể lấy các chất từ môi trường, biến đổi chúng thành các chất cần thiết cho cơ thể và tạo năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống, đồng thời trả lại cho môi trường các chất thải.

- Chuyển hóa năng lượng là sự biến đổi của năng lượng từ dạng này sang dạng khác.

- Mối quan hệ giữa trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng: Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng luôn gắn liền luôn gắn liền với nhau.

- Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng có vai trò giúp sinh vật tồn tại, sinh trưởng, phát triển, sinh sản, cảm ứng và vận động:

+ Cung cấp nguyên liệu để xây dựng cơ thể: Các chất hữu cơ được cơ thể tổng hợp trong quá trình trao đổi chất cung cấp nguyên liệu để xây dựng tế bào và cơ thể, giúp cơ thể lớn lên, sinh sản.

+ Cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của cơ thể: Quá trình chuyển hóa năng lượng tạo ra năng lượng dễ sử dụng cung cấp cho các hoạt động sống của cơ thể, trong đó có hoạt động cảm ứng và vận động.

+ Đào thải các chất không cần thiết để ổn định môi trường trong cơ thể.

Câu 2: Trình bày cấu tạo của lá phù hợp với chức năng quang hợp. Quang hợp ở thực vật chủ yếu diễn ra ở đâu?

Trả lời:

 

Bộ phận

Đặc điểm

Vai trò trong quang hợp

Phiến lá

Dạng bản mỏng, diện tích bề mặt lớn

Giúp hấp thu được nhiều ánh sáng.

Lục lạp

Chứa diệp lục

Giúp hấp thu và chuyển hóa năng lượng ánh sáng.

Gân lá

Phân bố ở khắp phiến lá

Giúp vận chuyển nước, muối khoáng đến các tế bào lá để thực hiện quá trình quang hợp đồng thời vận chuyển chất hữu cơ do quang hợp tổng hợp ra đến bộ phận khác của cây.

Khí khổng

Phân bố nhiều ở lớp biểu bì, có khả năng đóng mở

Giúp trao đổi khí: Khí khổng là nơi carbon dioxide từ bên ngoài vào trong lá để cung cấp cho quá trình quang hợp đồng thời cũng là nơi khí oxygen được tạo ra trong quang hợp đi từ trong lá ra ngoài môi trường.

 

- Quang hợp ở thực vật diễn ra chủ yếu ở lá, trong bào quan quang hợp là lục lạp.

Câu 3: Nêu vai trò và ảnh hưởng của carbon dioxide tới quá trình quang hợp.

Trả lời:

- Vai trò: Carbon dioxide là nguyên liệu của quá trình quang hợp.

- Ảnh hưởng: Nồng độ carbon dioxide thích hợp để cây quang hợp là khoảng 0,03%.

+ Nếu nồng độ carbon dioxide tăng lên thì hiệu quả của quá trình quang hợp tăng nhưng khi tăng quá cao (khoảng 0,2%) có thể làm cây chết vì ngộ độc.

+ Nếu nồng độ carbon dioxide quá thấp (nồng độ CO2 thấp nhất mà cây quang hợp được là khoảng 0,008% đến 0,01%), quang hợp sẽ không xảy ra.

Câu 4: Ở một vận động viên đang tập luyện, quá trình hô hấp tế bào xảy ra mạnh hay yếu? Giải thích.

Trả lời:

- Quá trình hô hấp tế bào ở một vận động viên đang tập luyện sẽ diễn ra rất mạnh mẽ, vì trong khi tập luyện các tế bào cơ cần rất nhiều năng lượng để hoạt động, vì vậy quá trình hô hấp tế bào cần phải tăng cường.

- Có thể thấy biểu hiện của việc tăng cường quá trình hô hấp tế bào thông qua việc tăng tần số thở - tăng cường hấp thụ oxy và tăng thải CO2 (thở nhanh, mạnh). Trong trường hợp vận động viên tập luyện quá sức, dẫn đến việc quá trình hô hấp ngoài không cung cấp oxy đủ cho quá trình hô hấp tế bào, làm cho các tế bào cơ phải sử dụng quá trình hô hấp yếm khí (lên men) để tạo ra ATP. Điều này gây nên sự tích lũy axit lactic trong tế bào, đây là một chất độc với tế bào nên dẫn tới hiện tượng đau mỏi cơ làm ta không thể tiếp tục tập luyện được, cần phải nghỉ ngơi, xoa bóp giúp thải axit lactic ra ngoài cơ thể thì mới luyện tập tiếp tục được.

Câu 5: Biện pháp bảo quản lạnh dựa trên cơ sở khoa học nào và được áp dụng cho các loại nông sản nào?

Trả lời:

- Cơ sở khoa học: Nhiệt độ bảo quản thấp làm ức chế sự hoạt động của các enzyme xúc tác cho các phản ứng trong hô hấp tế bào → có thể làm chậm quá trình hô hấp của tế bào.

- Loại nông sản được áp dụng: Đây là cách bảo quản phần lớn các loại thực phẩm, rau quả,… Mỗi một loại rau, quả cần có một nhiệt độ bảo quản thích hợp để bảo quản.

Câu 6: Tại sao cơ thể động vật bắt buộc phải lấy O2 từ môi trường và thải CO2 ra môi trường?

Trả lời:

Bởi vì quá trình hô hấp sử dụng  khí O2 để cung cấp cho các hoạt động sống của cơ thể, mà động vật trao đổi khí với môi trường nhờ quá trình hô hấp. Cơ thể động vật bắt buộc phải lấy O2 từ môi trường và thải CO2 ra môi trường vì O2 cung cấp cho sự hô hấp của tế bào, tạo năng lượng để duy trì hoạt động sống cho cơ thể. CO2 sinh ra sẽ được thải ra môi trường để đảm bảo cân bằng môi trường bên trong cơ thể.

Câu 7: Trẻ còi xương nên bổ sung chất gì? Những chất đó có nhiều trong thực phẩm nào?

Trả lời:

- Trẻ còi xương nên bổ sung thêm canxi, vitamin D

- Thực phẩm chứa nhiều canxi: các loại hạt, phô mai, sữa chua, cá hồi, rau lá xanh, đậu nành,...

- Thực phẩm chứa nhiều vitamin D: cá hồi, tôm, lòng đỏ trứng, nấm,...

Câu 8: Khi bón quá nhiều phân đạm cho một số loại cây ngũ cốc thì xảy ra hiện tượng gì? Vì sao?

Trả lời:

- Ở mức độ nhẹ, cây sẽ không có độ cứng cáp, thân cây yếu và rễ cây thối nhũn, đổ gãy. Do cây phát triển nhanh hơn khiến thân cây yếu.

- Ở mức độ nặng, cây có thể bị ngộ độc đạm và khả năng sống thấp, cây dễ bị bệnh hơn. Do hàm lượng phân đạm nhiều sẽ giết chết các vi sinh vật có lợi để bảo vệ đất trồng khỏi bệnh tật, khiến cây dễ mắc bệnh.

Câu 9: Kể tên một số bệnh tiêu hóa thường gặp, nêu nguyên nhân và cách phòng tránh.

Trả lời:

Các bệnh tiêu hoá

Nguyên nhân

Cách phòng tránh

1. Viêm loét dạ dày

Vi khuẩn HP, thường xuyên sử dụng các loại thuốc giảm đau và kháng viêm, stress, ăn uống và sinh hoạt không điều độ, các nguyên nhân tự miễn, do hóa chất ...

- Tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh có giờ giấc khoa học.

- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý

- Hạn chế làm việc quá sức, luôn giữ cho tinh thần được thư giãn, giảm căng thẳng

- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/1 lần

2. Trào ngược dạ dày

Suy cơ thắt dưới thực quản, ứ đọng lại thức ăn tại dạ dày, áp lực ổ bụng tăng đột ngột, stress,  ăn uống không lành mạnh, yếu tố bẩm sinh

3. Bệnh trĩ

Ngồi lâu trên bồn cầu, tiêu chảy hoặc táo bón mãn tính, giao hợp qua đường hậu môn, chế độ ăn ít chất xơ, bệnh trĩ gia tăng theo tuổi vì cấu trúc mô nâng đỡ các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn trở nên lỏng lẻo, nhão dần.

4. Viêm đại tràng

Ngộ độc thức ăn, dị ứng thức ăn, không giữ vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, chế độ sinh hoạt hằng ngày không lành mạnh

5. Sỏi thận

Uống ít nước; yếu tố bẩm sinh; bệnh nhân bị phì đại tiền liệt tuyến, u xơ, chấn thương nặng không thể đi lại mà chỉ nằm một chỗ; bị nhiễm trùng vùng sinh dục; chế độ ăn uống nhiều oxalate, canxi.

 

Câu 10: Giải thích hiện tượng lá cây héo khi bị tách ra khỏi thân cây.

Trả lời:

Lá cây héo khi bị tách ra khỏi thân cây là do: Sau khi lá cây bị tách ra khỏi thân cây, nước vẫn tiếp tục thoát hơi qua lá nhưng lá lại không còn được bổ sung nguồn nước từ rễ nữa. Điều đó dẫn đến lá bị mất cân bằng nước nên lá bị héo.

Câu 11: Khi chúng ta đói hoặc sau khi ăn xong, cơ thể có phản ứng như thế nào?

Trả lời:

- Sau khi chúng ta ăn vào, cơ thể sẽ phân hủy các năng lượng chứa trong phân tử thức ăn, gọi là glucose và chuyển hóa thành glycogen, đây là nguồn dự trữ năng lượng của cơ thể.

- Ngược lại khi chúng ta đói, cơ thể thiếu năng lượng, cơ thể phân giải glycogen thành đường giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Câu 12: Trong điều kiện môi trường khô hạn, việc đóng mở khí khổng ảnh hưởng đến quá trình quang hợp như thế nào?

Trả lời:

Trong điều kiện môi trường khô hạn, việc đóng mở khí khổng là một yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến quá trình quang hợp. Khi thực vật gặp phải môi trường khô hạn, chúng sẽ  đóng khí khổng để giảm quá trình thoát hơi nước. Khí khổng đóng làm cây không thể lấy CO2 cho quá trình quang hợp. Do đó, quá trình quang hợp bị hạn chế và thực vật có thể trải qua tình trạng thiếu nước, ảnh hưởng đến sự sinh tồn và phát triển của chúng.

Câu 13: Vì sao quá trình tổng hợp và phân giải chất hữu cơ có biểu hiện trái ngược nhau nhưng phụ thuộc lẫn nhau?

Trả lời:

Quá trình tổng hợp và phân giải chất hữu cơ có biểu hiện trái ngược nhau vì: Quá trình tổng hợp thực hiện tổng hợp các chất hữu cơ phức tạp từ những chất đơn giản, đồng thời, tích lũy năng lượng. Ngược lại, quá trình phân giải là quá trình phân giải các chất hữu cơ phức tạp tạo thành các chất đơn giản như nước, carbon dioxide, đồng thời, giải phóng năng lượng cung cấp cho hoạt động sống của cơ thể.

Quá trình tổng hợp và phân giải chất hữu cơ phụ thuộc lẫn nhau vì: Sản phẩm của quá trình tổng hợp cung cấp nguyên liệu cho quá trình phân giải; ngược lại, quá trình phân giải cung cấp năng lượng và nguyên liệu cho quá trình tổng hợp.

Câu 14: Vì sao quá trình quang hợp ảnh hưởng rất lớn đến sự sống của con người và các loài sinh vật trên Trái Đất?

Trả lời:

Vì: quá trình quang hợp tạo ra nguồn năng lượng cho sự sống. Và ngược lại nó bù đắp lại cho những chất hữu cơ đã sử dụng trong quá trình sống. Quá trình này giúp cân bằng lại khí O2 và CO2 trong không khí. Đảm bảo sự sống cho Trái đất.

Câu 15: Tại sao cần ngâm hạt giống vào nước và ủ hạt trước khi gieo trồng?

Trả lời:

Hạt ngâm trong nước → cường độ hô hấp tăng → tạo đủ sản phẩm và năng lượng cho hạt nảy mầm.

Sau khi ngâm ủ hạt, cung cấp đủ nước và nhiệt độ, bên trong hạt sẽ xảy ra phản ứng hóa học sinh ra các hormone kích thích tế bào trong chồi và rễ của chồi phát triển.

Câu 16: Hệ hô hấp của cá xương có đặc điểm gì để thích nghi với việc trao đổi khí với nước?

Trả lời:

- Mang được cấu gồm nhiều cung mang, một cung mang lại gồm nhiều phiến mang → diện tích trao đổi khí rất lớn.

- Dòng máu trong mao mạch chảy song song và ngược chiều với dòng nước đi qua phiến mang, tối ưu hóa trao đổi khí giữa máu mao mạch với nước

- Các cơ hô hấp làm thay đổi thể tích khoang miệng và khoang mang → dòng nước giàu O2 đi theo một chiều liên tục

Câu 17: Liệu có nên không ăn tinh bột để giảm cân?

Trả lời:

- Cắt bỏ tinh bột hoàn toàn để giảm cân là sai lầm. Carbohydrat, thành phần chính của các thức ăn tinh bột đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể.

- Nhiều người có thói quen ăn cơm vào ban ngày nhưng lại cắt giảm, thậm chí không ăn tinh bột vào buổi tối vì sợ tăng cân, điều này là thiếu chính xác. Tinh bột, đạm và chất béo là các chất sinh năng lượng, do đó việc nạp không đủ tinh bột có thể gây suy nhược, ảnh hưởng tới trí nhớ cũng như năng suất công việc.

- Trên thực tế, các bữa ăn tối không chỉ cung cấp năng lượng mà còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Ngoài ra, việc nạp tinh bột vào buổi tối cũng rất có ích với những trường hợp có nguy cơ hạ đường huyết.

Vì vậy, không nên loại bỏ hoàn toàn tinh bột trong bữa ăn mà chỉ nên giảm bớt, một bữa ăn tối lành mạnh sẽ có 50% rau củ quả, 50% protein và tinh bột.

Câu 18: Khi bón quá ít hoặc quá nhiều phân bón sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đất và cây trồng?

Trả lời:

Trong giới hạn nhất định, lượng phân bón cung cấp tỉ lệ thuận với năng suất cây trồng.

- Nếu bón phân với quá ít, triệu chứng thiếu khoáng sẽ xuất hiện, cây còi cọc, chậm lớn, làm giảm năng suất cây trồng.

- Nếu bón phân quá nhiều sẽ dẫn đến dư thừa và gây độc cho cây.

Câu 19:  Kể tên các loại cây cảnh trồng trong nhà mà vẫn tươi tốt. Em hãy giải thích cơ sở khoa học của hiện tượng đó.

Trả lời:

- Một số loại cây cảnh trồng trong nhà mà vẫn tươi tốt như: cây lan ý, cây lưỡi hổ, cây vạn niên thanh, cây kim tiền, cây trầu bà,…

- Giải thích cơ sở khoa học của hiện tượng: Những cây cảnh trồng trong nhà mà vẫn tươi tốt vì những cây này có khả năng quang hợp trong điều kiện ánh sáng yếu ở trong nhà. Nhờ đó, cây vẫn có đủ nguồn chất hữu cơ, năng lượng để cây vẫn tươi tốt.

Câu 20: Bà ngoại của Mai có một mảnh vườn nhỏ trước nhà. Bà đã gieo hạt rau cải ở vườn. Sau một tuần, cây cải đã lớn và chen chúc nhau. Mai thấy bà nhổ bớt những cây cải mọc gần nhau, Mai không hiểu được tại sao bà lại làm thế. Em hãy giải thích cho bạn Mai hiểu ý nghĩa việc làm của bà.

Trả lời:

Ý nghĩa của việc nhổ bớt những cây cải mọc gần nhau:

- Nếu để cây cải với mật độ quá dày sẽ khiến các cây chen lấn, che lấp lẫn nhau dẫn đến hiện tượng thiếu dinh dưỡng khoáng, thiếu nước (nguyên liệu của quang hợp), không nhận đủ ánh sáng để quang hợp (tổng hợp chất hữu cơ) khiến cây sinh trưởng kém, còi cọc.

- Việc nhổ bớt những cây cải mọc gần nhau sẽ giúp cho mật độ của các cây cải trở nên phù hợp hơn, cây có đủ ánh sáng, dinh dưỡng khoáng và nước cho quá trình quang hợp diễn ra hiệu quả. Nhờ đó, các cây cải sẽ sinh trưởng, phát triển tốt nhất.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Sinh học 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay