Bài tập file word Sinh học 7 kết nối tri thức Ôn tập Chương 9: Sinh trưởng và phát triển ở sinh vật (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 7 (Sinh học) kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 9: Sinh trưởng và phát triển ở sinh vật (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 7 kết nối tri thức.

Xem: => Giáo án sinh học 7 kết nối tri thức (bản word)

ÔN TẬP CHƯƠNG 9: SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN Ở SINH VẬT
(PHẦN 2 – 20 CÂU)

Câu 1: Sự sinh trưởng và phát triển ở sinh vật chịu sự tác động của các nhân tố nào?

Trả lời:

Sự sinh trưởng và phát triển ở sinh vật chịu sự tác động của các nhân tố như nhiệt độ, ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng và hormone,…

Câu 2: Nhiệt độ ảnh hưởng như thế nào đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật?

Trả lời:

- Mỗi loài sinh vật sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ thích hợp (khoảng thuận lợi).

- Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp có thể làm chậm quá trình sinh trưởng và phát triển, đặc biệt là đối với thực vật và động vật biến nhiệt.

- Để động vật sinh trưởng và phát triển bình thường khi trời lạnh, cần bổ sung thêm thức ăn cho động vật để chống rét.

Câu 3: Ánh sáng ảnh hưởng như thế nào đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật?

Trả lời:

- Ở thực vật, ánh sáng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và thời gian ra hoa.

- Ở động vật:

+ Ánh sáng mặt trời giúp tổng hợp vitamin D – chất đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ calcium để hình thành xương, từ đó, tác động đến sự sinh trưởng của cơ thể.

+ Ánh sáng cũng giúp động vật thu thêm nhiệt từ môi trường và giảm mất nhiệt trong những ngày trời rét để tập chung các chất cho sự sinh trưởng và phát triển.

Câu 4: Nước ảnh hưởng như thế nào đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật?

Trả lời:

- Nước tham gia vào quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng nên ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật.

- Nếu thiếu nước, quá trình sinh trưởng và phát triển của sinh vật sẽ bị chậm lại hoặc ngừng lại, thậm chí là chết.

Câu 5: Chất dinh dưỡng ảnh hưởng như thế nào đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật?

Trả lời:

- Nếu thiếu chất dinh dưỡng, sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật bị ảnh hưởng.

+ Ở động vật, nếu thiếu chất dinh dưỡng đặc biệt là protein thì sẽ chậm lớn, gầy yếu, sức đề kháng kém.

+ Ở thực vật, thiếu các nguyên tố khoáng đặc biệt là nitrogen thì quá trình sinh trưởng bị ức chế, thậm chí là chết.

- Nếu thừa chất dinh dưỡng, quá trình sinh trưởng và phát triển của sinh vật cũng bị ảnh hưởng.

Câu 6: Trình bày khái niệm sinh trưởng.

Trả lời:

Khái niệm sinh trưởng: Sinh trưởng là sự tăng về kích thước và khối lượng của cơ thể do sự tăng lên về số lượng và kích thước tế bào, nhờ đó cơ thể lớn lên.

Câu 7: Nêu khái niệm phát triển.

Trả lời:

Khái niệm phát triển: Phát triển bao gồm sinh trưởng, phân hóa tế bào, phát sinh hình thái cơ quan và cơ thể.

Câu 8: Lấy ví dụ minh họa sự ảnh hưởng của nước tới sinh trưởng và phát triển ở sinh vật.

Trả lời:

Ví dụ:

- Ở thực vật, nước là nguyên liệu cho quá trình quang hợp để tổng hợp các chất hữu cơ giúp cây lớn lên.

- Ở động vật, nước là nguyên liệu và môi trường cho quá trình tổng hợp các chất xây dựng cơ thể.

Câu 9: Con người đã thực hiện các biện pháp nào để tăng năng suất cây trồng?

Trả lời:

Con người đã chủ động thực hiện các biện pháp điều khiển các yếu tố bên ngoài như chiếu sáng nhân tạo, trồng cây trong nhà kính, bón phân, tưới nước hợp lý,… để thúc đẩy sinh trưởng và phát triển ở thực vật, nhằm tăng năng suất cây trồng.

Câu 10: Nêu mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển.

Trả lời:

Mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển: Trong vòng đời của sinh vật, các giai đoạn sinh trưởng và phát triển diễn ra đan xen với nhau. Sinh trưởng gắn với phát triển, phát triển dựa trên cơ sở của sinh trưởng.

Câu 11: Con người đã tổng hợp và sử dụng các chất kích thích và ức chế sinh trưởng nhân tạo trong trồng trọt với nhiều mục đích gì?

Trả lời:

Con người đã tổng hợp và sử dụng các chất kích thích và ức chế sinh trưởng nhân tạo trong trồng trọt với nhiều mục đích khác nhau:

- Dùng các chất kích thích để kích thích cây ra rễ, ra hoa, thúc hạt nảy mầm, kích thích tăng chiều cao, phát triển lá, tạo quả,….

- Dùng các chất ức chế để kìm hãm sự nảy mầm của củ, hạt để bảo quản, kìm hãm sự phát triển của thân và lá để duy trì hình dáng của cây cảnh,…

Câu 12: Sử dụng chất kích thích trong chăn nuôi để làm gì? Cần chú ý điều gì khi sử dụng chúng?

Trả lời:

Con người sử dụng các chất kích thích sinh trưởng trộn lẫn vào thức ăn giúp vật nuôi lớn nhanh. Tuy nhiên, khi sử dụng các chất kích thích sinh trưởng nhân tạo cho vật nuôi dùng làm thực phẩm cho con người cần chú ý tuân thủ các nguyên tắc nhất định về liều lượng, thời điểm, đối tượng để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Câu 13: Nêu khái niệm và vai trò của mô phân sinh. Mô phân sinh được chia thành mấy loại?

Trả lời:

- Khái niệm mô phân sinh: Mô phân sinh là nhóm tế bào chưa phân hóa nên còn duy trì được khả năng phân chia.

- Chức năng của mô phân sinh: Sự hoạt động của mô phân sinh giúp thực vật sinh trưởng.

- Phân loại mô phân sinh: Có 2 loại mô phân sinh chính gồm mô phân sinh đỉnh và mô phân sinh bên.

Câu 14: Để vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, ta cần phải làm gì?

Trả lời:

Để vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, cần cho vật nuôi ăn uống đầy đủ, chăm sóc chuồng trại thường xuyên, chú ý chống nóng, chống rét cho vật nuôi,…

Câu 15: Dựa vào hiểu biết về sinh trưởng, phát triển của muỗi, người ta có thể làm gì để diệt trừ chúng?

Trả lời:

Để diệt trừ muỗi, người ta thường loại bỏ các vũng nước đọng để tránh muỗi đẻ trứng vào đó hay tiêu diệt ấu trùng vì đây là các giai đoạn dễ tác động nhất trong vòng đời của chúng.

Câu 16: Lấy ví dụ về sinh trưởng.

Trả lời:

Ví dụ: Sau 1 năm, một em học sinh lớp 1 cao thêm 10cm; sự tăng kích thước lá của cây;…

Câu 17: Lấy ví dụ về phát triển.

Trả lời:

Ví dụ: Cây bưởi ra thêm lá mới, ra hoa, ra quả; trứng gà nở ra gà con;…

Câu 18: Mô tả các dấu hiệu thể hiện sự sinh trưởng ở cây cam và con ếch. Những biến đổi nào diễn ra trong đời sống của chúng thể hiện sự phát triển?

Trả lời:

- Dấu hiệu sinh trưởng ở cây cam: từ cây con thành cây trưởng thành

- Dấu hiệu sinh trưởng ở con ếch: từ ếch con cơ thể bé thành ếch trưởng thành với cơ thể lớn hơn.

- Những biến đổi của cây cam: hạt nảy mầm thành cây con sau đó phát triển thành cây trưởng thành, ra hoa kết quả sau đó tạo thành hạt và tiếp tục một vòng đời mới.

- Những biến đổi của con ếch: trứng đã thụ tinh phát triển thành ấu trùng và phát triển các chi, rụng đuôi thành ếch trưởng thành, sau đó lại sinh sản tạo ra trứng ếch và tiếp tục một vòng đời mới.

Câu 19: Tại sao nhiều loài thực vật không ngừng dài ra và to lên?

Trả lời:

Vì nhiều loài thực vật mô phân sinh không ngừng phân chia nên chúng không ngừng dài ra và to lên

Câu 20: Nhiệt độ thuận lợi nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của cá rô phi là bao nhiêu? Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp so với nhiệt độ cực thuận có ảnh hưởng như thế nào tới mức độ sinh trưởng và phát triển của sinh vật?

Trả lời:

Nhiệt độ thuận lợi nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của cá rô phi là khoảng từ 23oC đến 37oC.  Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp so với nhiệt độ cực thuận gây giảm sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật hoặc có thể làm cho sinh vật chết.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Sinh học 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay