Câu hỏi tự luận Địa lí 10 kết nối tri thức Bài 37: Địa lí ngành thương mại và ngành tài chính ngân hàng
Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 10 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 37: Địa lí ngành thương mại và ngành tài chính ngân hàng. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 10 kết nối tri thức.
Xem: => Giáo án địa lí 11 kết nối tri thức
BÀI 37: ĐỊA LÍ NGÀNH THƯƠNG MẠI VÀ NGÀNH TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
(18 câu)
1. NHẬN BIẾT (8 câu)
Câu 1: Nêu vai trò của ngành thương mại?
Trả lời:
Vai trò của thương mại
+ Cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng thông qua việc trao đổi, luân chuyển hàng hoá, dịch vụ giữa người bán và người mua.
+ Điều tiết sản xuất, giúp hàng hoá được trao đổi, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển sản xuất.
+ Thúc đẩy phân công lao động theo lãnh thổ trong nước và quốc tế, làm cho nền kinh tế của mỗi nước là một bộ phận khăng khít của nền kinh tế thế giới.
+ Hướng dẫn tiêu dùng, tạo ra tập quán tiêu dùng mới, thị hiếu mới.
Câu 2: Trình bày đặc điểm của ngành thương mại?
Trả lời:
Đặc điểm của thương mại
+ Hoạt động theo quy luật cung, cầu gắn liền với giá cả, thị trường và xu hướng trong cung, các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ. cầu của
+ Không gian hoạt động ngày càng mở rộng, không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia (nội thương) mà còn mở rộng ra thế giới, mang tính toàn cầu (ngoại thương).
+ Hoạt động chủ yếu có hai nhóm là mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ.
Câu 3: Nêu các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của ngành thương mại?
Trả lời:
Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của thương mại: trình độ phát triển kinh tế, đặc điểm dân số, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật, tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn...
Câu 4: Trình bày tình hình phát triển và phân bố của ngành thương mại?
Trả lời:
Tình hình phát triển và phân bố của thương mại:
+ Nội thương: Hoạt động thương mại diễn ra trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia (còn gọi là thương mại nội địa); tạo ra thị trường thống nhất trong nước và thúc đẩy phân công lao động giữa các vùng. Thương mại bán lẻ còn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của từng cá nhân. Việc mua bán hàng hoá và dịch vụ thường diễn ra tại các cửa hàng bán lẻ, chợ, cửa hàng tạp hoá, siêu thị, trung tâm thương mại,...
+ Ngoại thương: Hoạt động thương mại diễn ra giữa các quốc gia (còn gọi là thương mại quốc tế). Hoạt động ngoại thương (xuất khẩu, nhập khẩu) gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới. Thông qua việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hoá, nền kinh tế trong nước có động lực mạnh mẽ để phát triển, các lợi thế được khai thác có hiệu quả hơn. Kết quả hoạt động ngoại thương thể hiện bằng trị giá xuất nhập khẩu.
Câu 5: Nêu vai trò của ngành tài chính ngân hàng?
Trả lời:
Vai trò của ngành tài chính ngân hàng :
+ Là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, cung cấp các dịch vụ tài chính, đáp ứng nhu cầu khác nhau của sản xuất và đời sống.
+ Tạo cơ hội cho nhà sản xuất và người dân thanh khoản trên thị trường, duy trì nguồn cung tài chính thông qua việc hình thành và sử dụng quỹ tiền tệ.
+ Điều tiết và ổn định nền kinh tế, tạo đà tăng trưởng và phát triển kinh tế. + Góp phần hình thành quan hệ tích luỹ và tiêu dùng hợp lí.
Câu 6: Trình bày đặc điểm của ngành tài chính ngân hàng?
Trả lời:
Đặc điểm của ngành tài chính ngân hàng:
+Tài chính ngân hàng gồm hai bộ phận khăng khít với nhau là tài chính và ngân hàng. Tài chính liên quan đến vấn đề tiền tệ, còn ngân hàng liên quan đến việc thực hiện các giao dịch tài chính nhằm thanh toán, chi trả trong nội địa và quốc tế.
+ Các tổ chức tài chính và các ngân hàng có quy mô khác nhau dựa trên tài sản, doanh thu và đối tượng phục vụ.
+ Tính thuận tiện, nhanh chóng, lãi suất, phí dịch vụ quyết định tới việc lựa chọn các tổ chức tài chính và các ngân hàng của người tiêu dùng.
Câu 7: Nêu các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của ngành tài chính ngân hàng?
Trả lời:
Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của ngành tài chính ngân hàng:
+Sự phát triển của nền kinh tế: Kinh tế càng phát triển sẽ tạo ra nhiều tổng sản phẩm xã hội, cơ sở để tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ, đáp ứng nhu cầu chi tiêu hoặc tích luỹ tiền tệ của mọi chủ thể trong xã hội.
+ Khoa học - công nghệ, mức thu nhập của dân cư, chính sách tài chính...
Câu 8: Trình bày tình hình phát triển và phân bố của ngành tài chính ngân hàng?
Trả lời:
Tình hình phát triển và phân bố: Hoạt động tài chính ngân hàng sôi động cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, chính sách tài chính năng động và phù hợp.
2. THÔNG HIỂU (3 câu)
Câu 1: Thế nào là ngành thương mại?
Trả lời:
- Thương mại là quá trình mua, bán, trao đổi, lưu thông hàng hoá, dịch vụ bên trong một nước và giữa các nước trên thế giới.
- Thương mại là khâu nối liền sản xuất với tiêu dùng thông qua việc luân chuyển hàng hóa, dịch vụ giữa người bán và người mua.
- Thương mại bao gồm nội thương và ngoại thương.
Câu 2: Phân biệt cán cân xuất nhập khẩu?
Trả lời:
Cán cân xuất nhập khẩu:
+ Quan hệ so sánh giá trị giữa hàng xuất khẩu với giá trị hàng nhập khẩu được gọi là cán cân xuất nhập khẩu.
+ Nếu trị giá hàng xuất khẩu mà lớn hơn trị giá hàng nhập khẩu thì gọi là xuất siêu. Ngược lại, nếu trị giá hàng xuất khẩu mà nhỏ hơn trị giá hàng nhập khẩu thì gọi là nhập siêu.
Câu 3: Phân biệt cơ cấu xuất nhập khẩu?
Trả lời:
Cơ cấu hàng xuất nhập khẩu:
+ Các mặt hàng xuất khẩu có thể chia thành các nhóm: Nguyên liệu chưa qua chế biến và các sản phẩm đã qua chế biến,...
+ Các mặt hàng nhập khẩu có thể chia thành các nhóm: Tư liệu sản xuất (nguyên liệu, máy móc, thiết bị...) và sản phẩm tiêu dùng,...
+ Ngoài việc xuất và nhập khẩu hàng hoá, các nước còn xuất và nhập khẩu các dịch vụ thương mại.
3. VẬN DỤNG (5 câu)
Câu 1: Thương mại được coi là mạch máu của nền kinh tế. Giải thích tại sao?
Trả lời:
Thương mại được coi là mạch máu của nền kinh tế do:
- Thương mại là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng thông qua việc trao đổi, luân chuyển hàng hoá, dịch vụ giữa người bán và người mua. Trong nền kinh tế thị trường thì sản xuất hàng hóa phát triển mạnh làm tăng vai trò của thương mại.
- Điều tiết sản xuất, giúp hàng hoá được trao đổi, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển sản xuất.
- Thúc đẩy phân công lao động theo lãnh thổ trong nước và quốc tế, làm cho nền kinh tế mỗi nước là một bộ phận khăng khít của nền kinh tế thế giới. Thương mại là cầu nối thị trường trong nước với thị trường thế giới. Trong thời đại ngày nay, thương mại phát triển thể hiện rõ xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa, tử đó góp phần đẩy mạnh hội nhập với khu vực và thế giới.
- Hướng dẫn tiêu dùng, tạo ra tập quán tiêu dùng mới, thị hiếu mới.
Câu 2: Sự phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu sẽ thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ giữa các vùng. Giải thích tại sao?
Trả lời:
Sự phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu sẽ thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ giữa các vùng do:
- Phân công lao động theo lãnh thổ: Mỗi lãnh thổ dựa vào thế mạnh của mình để sản xuất ra các sản phẩm hàng hoá, trao đổi với các lãnh thổ khác; mặt khác, lại tiêu thụ các sản phẩm của các lãnh thổ khác mà mình cần. Mỗi lãnh thổ tham gia vào phân công lao động với cả hai khía cạnh: Cung cấp các sản phẩm hàng hoá, tiêu thụ các sản phẩm hàng hoá.
- Xuất nhập khẩu là hoạt động trao đổi hàng hoá giữa các quốc gia. Việc cung cấp và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá giữa các lãnh thổ được tiến hành thông qua xuất nhập khẩu.
- Xuất nhập khẩu đòi hỏi tăng cường sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
- Xuất nhập khẩu tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hoá quy mô lớn.
Câu 3: Phân tích tác động của hoạt động xuất khẩu đến sự phát triển kinh tế của một nước?
Trả lời:
- Tác động của hoạt động xuất khẩu đến sự phát triển kinh tế:
+ Hoạt động xuất khẩu tạo đầu ra cho sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế của nhiều ngành sản xuất.
+ Việc đẩy mạnh xuất khẩu tạo vốn cho công nghiệp hóa, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện để đẩy mạnh nhập khẩu.
Câu 4: Phân tích tác động của hoạt động nhập khẩu đến sự phát triển kinh tế của một nước?
Trả lời:
- Tác động của hoạt động nhập khẩu đến sự phát triển kinh tế:
+ Nhập khẩu thiết bị, máy móc góp phần hiện đại hóa cơ sở vật chất kĩ thuật của các ngành kinh tế.
+ Nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu cho phép mở rộng sản xuất, bù đắp các nhu cầu trong nước mà chưa đáp ứng được, tạo điều kiện nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
+ Việc nhập khẩu hàng hóa còn có thể tạo ra môi trường cạnh tranh cần thiết giữa hàng nội địa và hàng nhập, thúc đẩy các cơ sở sản xuất trong nước nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm...
Câu 5: Tại sao giá cả thị trường luôn biến động?
Trả lời:
- Thị trường được hiểu là nơi gặp gỡ giữa người bán (bên bán) và người mua (bên mua).
- Giá cả trên thị trường luôn biến động vì phụ thuộc vào quan hệ cung và cầu.
+ Nếu cung lớn hơn cầu, thì hàng hóa ế thừa, giá cả trên thị trường có xu hướng giảm.
+ Nếu cung nhỏ hơn cầu, thì hàng hoá khan hiếm, giá cả tăng.
4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1: Tại sao nhập siêu là xu thế chủ yếu trong quá trình công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển?
Trả lời:
Nhập siêu là xu thế chủ yếu trong quá trình công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển do:
- Kinh tế phát triển chưa cao; hàng xuất khẩu chủ yếu từ nông - lâm - thủy sản, khoáng sản, hàng công nghiệp gia công, có giá trị thấp.
- Công nghiệp hóa đòi hỏi nhập trang thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu để phát triển công nghiệp..., đây là những hàng có giá trị cao.
Câu 2: Tại sao trên thế giới hoạt động thương mại ngày càng phát triển mạnh?
Trả lời:
Hoạt động thương mại trên thế giới ngày càng phát triển mạnh do:
- Kinh tế thế giới phát triển mạnh, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn và có nhu cầu cao về máy móc, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng...
- Thị trường thế giới rộng mở cùng với toàn cầu hoá, thị trường trong các nước ngày càng phát triển.
- Điều kiện thương mại ngày càng hiện đại, tiện lợi: Giao thông vận tải, thông tin liên lạc, dịch vụ khác...
=> Giáo án địa lí 10 kết nối tri thức bài 37: Địa lí ngành thương mại và ngành tài chính ngân hàng