Câu hỏi tự luận Địa lí 10 kết nối tri thức Bài 3: Sử dụng bản đồ trong học tập và đời sống, một số ứng dụng của GPS và bản đồ số trong đời sống

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 10 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 3: Sử dụng bản đồ trong học tập và đời sống, một số ứng dụng của GPS và bản đồ số trong đời sống. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 10 kết nối tri thức.

Xem: => Giáo án địa lí 11 kết nối tri thức

BÀI 3: SỬ DỤNG BẢN ĐỒ TRONG HỌC TẬP VÀ ĐỜI SỐNG, MỘT SỐ ỨNG DỤNG CỦA GPS VÀ BẢN ĐỒ SỐ TRONG ĐỜI SỐNG

(15 câu)

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Nêu cách sử dụng bản đồ trong học tập địa lí và đời sống?

Trả lời:

Cách sử dụng bản đồ trong học tập địa lí và đời sống:

 + Xác định rõ nội dung, yêu cầu của việc đọc bản đồ

 + Chọn bàn đồ phù hợp với nội dung cần tìm hiểu.

 + Hiểu được các yếu tố cơ bản của bản đồ như: tỉ lệ bản đồ, kí hiệu bản đồ, phương pháp biểu hiện các đối tượng địa lí trên bản đồ,...

 + Tìm hiểu kĩ bảng chú giải bản đồ.

 + Xác định mối quan hệ giữa các đối tượng địa lí trên bản đồ.

 + Khi đọc bản đồ để giải thích một hiện tượng địa lý nào đó cần phải đọc các bản đồ có nội dung liên quan để phân tích, so sánh và rút ra nhận định cần thiết.

Câu 2: Nêu cách xác định phương hướng trên bản đồ?

Trả lời:

Để xác định phương hướng trên bản đồ cần:

+ Dựa vào các đường kinh, vĩ tuyến để xác định phương hướng.

+ Dựa vào mũi tên chỉ hướng bắc.

Câu 3: GPS là gì?

Trả lời:

GPS là hệ thống xác định vị trí của bất kì đối tượng nào trên bề mặt Trái Đất thông qua hệ thống vệ tinh.

Câu 4: Bản đồ số là gì?

Trả lời:

Bản đồ số là một tập hợp có tổ chức, lưu trữ các dữ liệu bản đồ trên thiết bị có khả năng đọc như máy tính, điện thoại thông minh và được thể hiện dưới dạng hình ảnh bản đồ?

Câu 5: Quan sát hình bên và mô tả nguyên lí hoạt động của GPS?

Trả lời:

  1. Các vệ tinh nhân tạo bay vòng quanh Trái Đất theo quỹ đạo chính xác và phát tín hiệu có thông tin xuống Trái Đất
  2. Các trạm thu GPS nhận các thông tin để chính xác vị trí của đối tượng. Sau khi vị trí được xác định, trạm thu GPS có thể tính các thông tin như: tốc độ di chuyển, hướng chuyển động, khoảng cách tới điểm đến,…

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Làm thế nào để hiểu mối quan hệ của các yếu tố địa lí trong bản đồ?

Trả lời:

+ Đọc mối quan hệ giữa các dấu hiệu (đối tượng địa lí) ở bản đồ.

+ Khi đọc bản đồ ở Atlat, giải thích một sự vật hoặc một hiện tượng địa lí nào đó, cần tìm hiểu các bản đồ có nội dung liên quan.

+ Khi cần tìm hiểu đặc điểm, bản chất của một đối tượng địa lí ở một khu vực nào đó, cần so sánh với bản đồ cùng loại của khu vực khác.

Câu 2: GPS và bản đồ số có ý nghĩa như nào trong đời sống?

Trả lời:

- Hệ thống xác định vị trí của bất kỳ đối tượng nào trên bề mặt Trái Đất thông qua hệ thống vệ tinh

- GPS và bản đồ số dùng để dẫn đường, quản lí và điều hành sự di chuyển của các đối tượng có gắn thiết bị định vị với các chức năng

- GPS và bản đồ số dùng để tìm người, thiết bị đã mất hay để đánh dấu địa điểm khi chụp ảnh cũng như tối ưu hoá kết quả tìm kiếm dựa trên khu vực....

- GPS và bản đồ số được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như trong giao thông vận tải, trong đo đạc khảo sát và thi công công trình, trong quân sự, trong khí tượng và giám sát Trái Đất,…

Câu 3: Trình bày đặc điểm của bản đồ số?

Trả lời:

+ Mỗi bản đồ số có một hệ quy chiếu nhất định, thường là hệ quy chiếu phẳng. Các thông tin không gian được tính toán và thể hiện trong hệ quy chiếu đã chọn.

+ Mức độ đầy đủ các thông tin về nội dung và độ chính xác các yếu tố trong bản đồ số hoàn toàn đáp ứng yêu cầu các tiêu chuẩn bản đồ theo thiết kế ban đầu.

+ Bản đồ không cần định hình phẳng bằng đồ họa, thực chất là tập hợp có tổ chức các dữ liệu trong một hệ quy chiếu, không có tỷ lệ như bản đồ thông thường.

+ Hệ thống ký hiệu trong bản đồ số thực chất là các ký hiệu của bản đồ thông thường đã số hóa. Nhờ thế có thể thể hiện bản đồ dưới dạng hình ảnh trên màn hình hoặc in ra giấy.

+ Các yếu tố bản đồ giữ nguyên được độ chính xác của dữ liệu đo đạc ban đầu, không chịu ảnh hưởng của sai số đồ họa.

Câu 4: So sánh điểm giống và khác nhau của bản đồ giáo khoa và bản đồ địa lí chung?

Trả lời:

- Giống nhau: Bản đồ giáo khoa mang những đặc điểm của bản đồ địa lí nói chung như: xây dựng trên cơ sở toán học; thể hiện đối tượng một cách chọn lọc, khái quát hoá; dùng ngôn ngữ bản đồ để phản ánh đối tượng.

- Khác nhau: Do mục đích phục vụ cho việc dạy và học trong nhà trường, nên BĐGK còn có những tính chất riêng:

+ Tính khoa học: Giữa bản đồ và thực địa có độ chính xác tương ứng về mặt địa lý và về cơ sở toán học bản đồ; giữa đặc điểm các hiện tượng được biểu hiện và nội dung của phương pháp thể hiện bản đồ có sự phù hợp nhau. Bản đồ giáo khoa có lượng thông tin thích hợp. Ngoài ra, tính khoa học còn thể hiện ở tỉnh chọn lọc và tính tổng hợp, tính bao quát, tính trừu tượng,...

+ Tính trực quan: Bản đồ giáo khoa có tính khái quát cao, dùng nhiều hình ảnh trực quan, phương pháp biểu thị trực quan, trong nhiều trường hợp vượt ra ngoài khuôn khổ của tỷ lệ bản đồ.

+ Tính sư phạm: Bản đồ giáo khoa phải đảm bảo tính tương ứng với chương trình và sách giáo khoa, tâm lý lứa tuổi học sinh, hoàn cảnh của nhà trường và xã hội.

+ Tính giáo dục: Bản đồ giáo khoa phải thể hiện những tiền đề, mà thông qua đó, giáo viên trang bị cho học sinh thế giới quan duy vật.

Câu 5: So sánh điểm khác nhau giữa bản đồ địa lí chung và bản đồ địa lí chuyên đề?

Trả lời:

- Bản đồ địa lí chung thể hiện các hiện tượng địa lý trên bề mặt Trái Đất cả về tự nhiên lẫn kinh tế - xã hội cùng một lúc, một cách đồng đều, không nhấn mạnh yếu tố nào; thường được dùng làm cơ sở để các loại bản đồ khác. Ví dụ: bản đồ tự nhiên các châu, bản đồ tự nhiên thế giới... soạn

Bản đồ địa lí chuyên đề có phân ra các thành phần chính và thành phần phụ. Thành phần chính là trọng tâm của bản đồ, được biểu hiện một cách rõ ràng, nổi bật, chi tiết. Thành phần phụ có tác dụng hỗ trợ cho thành phần chính, giúp cho việc sử dụng bản đồ được dễ dàng. Ví dụ: Trong bản đồ thuỷ văn thì các loại sông, hồ, đầm,... được biểu hiện chi tiết, rõ, còn các điểm quần cư, đường giao thông... chỉ được thể hiện một cách sơ lược.

- Bản đồ địa lí chung chỉ thể hiện các đối tượng theo dấu hiệu bên ngoài. Còn bản đồ địa lý chuyên đề đi sâu vào nội dung bên trong của các hiện tượng.

- Số lượng và các thành phần biểu hiện trên bản đồ chuyên đề hẹp hơn ở bản đồ địa lý chung, nhưng mức độ chi tiết và đặc điểm của các đối tượng chính thì rõ nét hơn.

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: GPS và bản đồ số có ứng dụng như thế nào đến các lĩnh vực trong thực tế?

Trả lời:

- Giao thông: xác định vị trí phương tiện, quản lí điểm đi điểm đến, tốc độ của phương tiện; tính giá cước vận tải, theo dõi tuyến đường và điều phối đội xe nhằm tối đa hóa hiệu quả hoạt động,…

- Nông nghiệp: Tích hợp GPS vào công cụ làm nông nghiệp có thể theo dõi mùa vụ, thời gian thu hoạch,…

- Môi trường: giám sát Trái Đất, theo dõi quỹ đạo của bão, quản lí động vật hoang dã, thực vật quý hiếm;…

- Du lịch: Định hướng khi bị lạc hoặc tìm kiếm các dịch vụ tiễn ích ở một địa phương mới của người đi du lịch,…

- Đời sống: GPS được ứng dụng trong các hoạt động thể thao như đạp xe, đi bộ đường dài, dù lượn,…; tích hợp các thiết bị mang trên người trẻ em hoặc người mắc các bệnh về thần kinh để theo dõi và đảm bảo an toàn,…

Câu 2: Giải thích vì sao hướng trên của tờ bản đồ không phải lúc nào cũng là hướng bắc? Để xác định được hướng bắc cần căn cứ vào những yếu tố nào?

Trả lời:

- Không phải lúc nào cứ hướng phía trên của tờ bản đồ cũng đều là hướng bắc (mặc dù có nhiều bản đồ, hướng bắc trùng với hướng phía trên của tờ bản đồ). Để xác định hướng bắc của tờ bản đồ, phải dựa vào các đường kinh tuyến.

- Trên bề mặt quả Địa Cầu, cực Bắc và cực Nam là nơi hội tụ của các đường kinh tuyến. Nếu quy ước phần giữa bản đồ là trung tâm, thì đầu trên của kinh tuyến chỉ hướng bắc, đầu dưới chỉ hướng nam. Ngoài ra, có thể dựa vào mũi tên chỉ hướng bắc có ở trên tờ bản đồ để xác định hướng bắc của bản đồ.

Câu 3: Đường bình độ giúp nhận biết các đặc điểm nào của địa hình trên bản đồ?

Trả lời:

- Trị số đường bình độ tăng dần từ ngoài vào trong: Vùng đất cao.

- Trị số đường bình độ giảm dần từ ngoài vào trong: Vùng trũng.

- Hai đường bình độ đối xứng nhau: Địa hình yên ngựa.

- Hệ các đường bình độ có dạng chữ V: Sống núi. Qua các điểm mà ở đó đường bình độ có độ cong lớn nhất (hệ các đường bình độ có dạng chữ V), vạch một đường, đó là đường chia nước.

- Hệ các đường bình độ có dạng chữ V ngược: Thung lũng. Qua các điểm mà ở đó đường bình độ có độ cong lớn nhất (hệ các đường bình độ có chữ V ngược), vạch một đường, đó là đường tụ nước (đáy thung lũng).

- Các đường bình độ càng nằm gần nhau, thì địa hình có độ dốc lớn. Các đường binh độ càng nằm xa nhau, thì địa hình càng thoải.

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1:Vì sao lưới chiếu hình vuông thường được dùng trong bản đồ Việt Nam?

Trả lời:

- Bản đồ Việt Nam có lưới chiếu ô vuông, được vẽ theo phép chiếu hình trụ ngang đồng góc Gauss-Kruge.

- Trong phép chiếu này, hình trụ tiếp xúc với quả Địa Cầu theo một đường kinh tuyến nào đó, trục hình trụ nằm trong mặt phẳng Xích đạo và vuông góc với trục của quả Địa Cầu. Để hạn chế sai số, người ta chia bề mặt elipxôit Trái Đất thành 60 múi và đánh số thứ tự từ 1 đến 60, bắt đầu từ kinh tuyến gốc theo hướng từ tây sang đông. Đường kinh tuyến tiếp xúc với hình trụ là kinh tuyến chính. Chiếu riêng biệt mỗi múi mỗi lần. Sau khi chiếu liên tiếp tất cả các múi, sẽ được hình chiếu toàn bộ bề mặt Trái Đất trên mặt phẳng.

- Ưu điểm của lưới chiếu này là các góc hướng đo trên bản đồ đúng với góc hướng tương ứng trên thực địa; sai số về diện tích, hình dạng và cự li được hạn chế do chiếu thành nhiều múi; biến dạng tỉ lệ dài trên kinh tuyến giữa không thay đổi, càng xa kinh tuyến giữa biến dạng độ dài và diện tích càng giảm.

- Phép chiếu Gauss thường dùng cho vẽ bản đồ các nước có lãnh thổ chạy dài theo hướng kinh tuyến. Bản đồ Việt Nam nằm trong trường hợp này.

Câu 2: Vì sao bản đồ có đường kinh, vĩ tuyến là những đường thằng lại được các nhà hàng hải hay dùng?

Trả lời:

- Bản đồ có các đường kinh, vĩ tuyến là những đường thẳng được vẽ theo phép chiếu đồ hình trụ.

- Trong số các phép chiếu dùng để vẽ bản đồ thế giới, người ta thường sử dụng phép chiếu hình trụ thẳng đồng góc - phép chiếu Meccato. Điểm đặc biệt trong phép chiếu này là tỉ lệ theo lưới chiếu các kinh, vì tuyến thay đổi giống nhau, liên tục tăng dần từ Xích đạo đến cực. Xích đạo có độ dài 2R, là vĩ tuyến duy nhất không có sai số độ dài. Từ Xích đạo về cực, các vĩ tuyến lần lượt bị kéo dài ra.

- Ưu điểm của phép chiếu Meccato là góc trên bản đồ có độ lớn tương ứng bằng góc trên quả Địa Cầu vì thế các bản đồ vẽ theo lưới chiếu này được dùng nhiều trong ngành hàng hải, hàng không.

=> Giáo án địa lí 10 kết nối bài 3: Sử dụng bản đồ trong học tập và đời sống, một số ứng dụng của GPS và bản đồ số

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 10 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay