Câu hỏi tự luận Địa lí 11 kết nối tri thức bài 4: Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 11 kết nối tri thức . Câu hỏi và bài tập tự luận bài 4: Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 11 kết nối tri thức.

BÀI 4: MỘT SỐ TỔ CHỨC QUỐC TẾ VÀ KHU VỰC, AN NINH TOÀN CẦU

(18 câu)

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Kể tên một số tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc mà em biết.

Trả lời:

Một số tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc mà em biết là: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO),…

Câu 2: Kể tên ít nhất 5 quốc gia là thành viên của Liên Hợp Quốc.

Trả lời:

5 5 quốc gia là thành viên của Liên Hợp Quốc là: Việt Nam, Ấn Độ, Lào, Ma-lay-xi-a, Mi-an-ma, Tây Ban Nhà, Hoa Kỳ,…

Câu 3: Kể tên ít nhất 5 quốc gia tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.

Trả lời:

5 quốc gia tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương là: Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ, Việt Nam, Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a,…

Câu 4: Liệt kê ít nhất 5 tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trả lời:

5 tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên là: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Liên Hợp Quốc (UN),…

Câu 5: Kể tên 5 quốc gia có cổ phần lớn nhất trong IMF hiện nay.

Trả lời:

5 quốc gia có cổ phần lớn nhất trong IMF hiện nay là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp.

 

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Trình bày hiểu biết của em về Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới theo các gợi ý sau:

- Năm thành lập:

- Tôn chỉ hoạt động:

- Số thành viên:

- Mục tiêu hoạt động.

Trả lời:

 

Liên hợp quốc (UN)

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

Năm thành lập

1945

1995

Tôn chỉ hoạt động

Bảo đảm một nền hòa bình và trật tự thế giới bền vững.

Thiết lập và duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch.

Số thành viên

193 thành viên

164 thành viên

Mục tiêu hoạt động

- Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

- Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia.

- Thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế trên cơ sở tôn trọng quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người.

- Xây dựng UN là trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế vì các mục tiêu chung.

- Thúc đẩy tăng trưởng thương mại hàng hóa và dịch vụ trên thế giới phục vụ cho sự phát triển, ổn định, bền vững và bảo vệ môi trường.

- Thúc đẩy sự phát triển các thể chế thị trường, giải quyết các bất đồng và tranh chấp thương mại giữa các thành viên.

- Nâng cao mức sống, tạo việc làm cho người dân các nước thành viên, bảo đảo các quyền và tiêu chuẩn lao động tối thiểu.

 

Câu 2: Nêu những nét đặc trưng về Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.

Trả lời:

 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC)

Năm thành lập

1944

1989

Tôn chỉ hoạt động

Thúc đẩy hợp tác tiền tên toàn cầu, bảo đảm sự ổn định tài chính, tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm nghèo trên toàn thế giới.

Thúc đẩy tự do thương mại, đầu tư và mở cửa trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Số thành viên

190 thành viên

21 nền kinh tế thành viên

Mục tiêu hoạt động

- Thúc đẩy hợp tác tiền tệ quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ tài chính tạm thời cho các nước thành viên khi các nước này gặp khó khăn.

- Bảo đảm sự ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế - hệ thống tỉ giá và hệ thống thanh toán toàn cầu để các quốc gia và mọi người dân giao dịch được với nhau và với công dân của nước khác.

- Giữ vững sự tăng trưởng và phát triển trong khu vực.

- Tăng cường hệ thống đa phương mở vì lợi ích của châu Á – Thái Bình Dương và các nền kinh tế khác.

- Phát huy những tác động tích cực của sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau ngày càng tăng của kinh tế khu vực và thế giới, bằng cách đẩy mạnh sự giao lưu hàng hóa – dịch vụ, vốn và công nghệ.

Câu 3: An ninh toàn cầu là gì? An ninh toàn cầu có thể chia ra làm mấy loại?

Trả lời:

* Khái niệm: An ninh toàn cầu là trạng thái bình yên, ổn định và hòa bình của toàn thế giới. Nhân tố quan trọng là đảm bảo an ninh con người.

* Phân loại: chia thành 2 loại:

- An ninh truyền thống: liên quan chủ yếu đến an ninh chính trị và quân sự như chiến tranh, xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ.

- An ninh phi truyền thống: liên quan đến các vấn đề như an ninh kinh tế, lương thực, năng lượng, nguồn nước.

Câu 4: Trình bày mục đích, thực trạng, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp về vấn đề an ninh lương thực.

Trả lời:

* Mục đích:

- Đảm bảo mọi người có quyền tiếp cận các nguồn lương thực một cách đầy đủ, an toàn để duy trì cuộc sống khỏe mạnh.

- Đảm bảo được an ninh lương thực sẽ đáp ứng nhu cầu tồn tại của con người và giảm tỉ lệ đói nghèo trên thế giới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và làm tiền đề để ổn định chính trị - xã hội.

* Thực trạng: là vấn đề trọng yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới.

* Nguyên nhân: xung đột vũ trang, chiến tranh, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,… làm gián đoạn nguồn sản xuất và cung ứng lương thực, thực phẩm.

* Giải pháp:

- Cung cấp lương thực và cứu trợ nhân đạo cho các khu vực mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

- Đẩy mạnh sản xuất lương thực bằng cách cơ cấu lại sản xuất, nâng cấp cơ sở vật chất – kĩ thuật nông nghiệp, đầu tư vào phát triển nông nghiệp bền vững.

- Nâng cao vai trò của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lương thức và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Lương thực thế giới (WEP),… để giải quyết các vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.

Câu 5: Nêu khái niệm, nguyên nhân và giải pháp của vấn đề an ninh năng lượng.

Trả lời:

* Khái niệm: Là sự đảm bảo đầy đủ năng lượng, dưới nhiều hình thức khác nhau để phục vụ cho nhu cầu của con người và cho các hoạt động kinh tế - xã hội.

* Nguyên nhân:

- Sự thay đổi trong thị trường dầu mỏ và các năng lượng khác.

- Sự xuất hiện nhiều nguy cơ như: xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu,…

* Giải pháp:

- Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo.

- Khai thác hợp lí các nguồn tài nguyên và tìm kiếm các nguồn năng lượng mới.

- Tăng cường vai trò của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC),… trong việc đàm phán, hợp tác, phân phối năng lượng.

- Các quốc gia phối hợp với nhau để giải quyết các vấn đề năng lượng.

Câu 6: Nêu những nét chính về vấn đề an ninh mạng.

Trả lời:

- Khái niệm: là sự đảm bảo hoạt động trên không gian mạng không gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Thực trạng: hiện tượng mất an ninh mạng diễn biến nhanh, phức tạp và có tác động lớn đến mọi mặt đời sống của mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.

- Giải pháp:

+ Ban hành chiến lược an ninh mạng, các đạo luật về an ninh mạng.

+ Thành lập các lực lượng chuyên trách về an ninh mạng, chiến tranh mạng, phòng chống khủng bố mạng.

+ Các quốc gia, cơ quan, tổ chức quốc tế,… cần hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống tấn công mạng và tội phạm mạng.

+ Cùng chung tay xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh.

Câu 7: Hòa bình là gì? Bảo vệ hòa bình có vai trò như thế nào đối với mỗi quốc gia, lãnh thổ và thế giới? Để bảo vệ hòa bình, chúng ta cần làm gì?

Trả lời:

- Khái niệm: Hòa bình là sự bình yên, tự do, hạnh phúc giữa con người và các quốc gia với nhau.

- Vai trò:

+ Giúp các nước giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu.

+ Bảo vệ cho đất nước ngày càng thịnh vượng.

- Biện pháp:

+ Tăng cường đối thoại và hợp tác để giải quyết mâu thuẫn và xung đột trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, quyền tự chủ và trách nhiệm của mỗi quốc gia.

+ Gia tăng vai trò trong việc thúc đẩy và gìn giữ hòa bình trên thế giới.

 

3. VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Tại sao vấn đề an ninh mạng lại được quan tâm và phát triển hiện nay?

Trả lời:  Vấn đề an ninh mạng được quan tâm và phát triển hiện nay vì:

- Yêu cầu đảm bảo an ninh tài nguyên mạng của người dùng.

- Sự phát triển nhanh của các cuộc xâm nhập tài nguyên mạng bất hợp pháp.

- Khối lượng tài nguyên của mạng máy tính ngày càng tăng và có giá trị cao.

- Thời đại công nghệ 4.0 nên các hoạt động sử dụng mạng ngày càng trở nên phổ biến.

Câu 2: Cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na đã ảnh hưởng như thế nào đến tình hình thế giới, trong đó có Việt Nam?

Trả lời: Ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na:

- Người dân của 2 quốc gia, nhất là U-crai-na luôn sống trong chiến tranh, tang thương.

- Kinh tế kiệt quệ, thành phố đổ nát, hoang tàn.

- Giá cả hàng hóa thiết yếu liên tục tăng nhanh.

- Chuỗi sản xuất, cung ứng của Việt Nam cũng bị đứt gãy.

- Giá dầu tăng cao kéo theo các nguyên liệu đàu vào cũng tăng.

Câu 3: Tại sao cần phải đảm bảo an ninh năng lượng trên thế giới?

Trả lời:

Cần phải đảm bảo an ninh năng lượng trên thế giới vì:

- Năng lượng có mặt trong mọi thứ xung quanh chúng ta và rất quan trọng trong các hoạt động sống của con người.

- Năng lượng cung cấp nguyên, nhiên liệu cho mọi lĩnh vực trong đời sống như sinh hoạt, đi lại.

Câu 4: Giải thích tại sao vấn đề an ninh lương thực luôn là vấn đề trọng yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới?

Trả lời:

Vấn đề an ninh lương thực luôn là vấn đề trọng yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới vì: Tiếp cận với thực phẩm an toàn, bổ dưỡng và đầy đủ là quyền cơ bản của con người, ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương nhất. Ngoài dinh dưỡng cơ bản, an ninh lương thực có liên quan đến ổn định kinh tế, sức khỏe lâu dài, trao quyền cho phụ nữ và môi trường.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Vì sao vấn đề bảo vệ hòa bình trên thế giới là cần thiết? Theo em, là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em cần làm gì để bảo vệ hòa bình trên thế giới?

Trả lời:

- Vấn đề bảo vệ hòa bình trên thế giới là cần thiết vì không ai muốn chiến tranh xảy ra. Chiến tranh không những gây mất đoàn kết giữa các quốc gia mà còn gây thiệt hại nặng nề cho đất nước đó, người dân, nhà cửa, của cải, vật chất,…

- Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, để bảo vệ hòa bình em cần:

+ Học tập thật chăm chỉ và rèn luyện đạo đức tốt.

+ Hiểu được tầm quan trọng của chữ đức và sống có nhân cách tốt để không ngừng nỗ lực cống hiến cho đất nước, Tổ quốc.

Câu 2: Có ý kiến cho rằng “An ninh nguồn nước gắn liền với an ninh quốc gia”. Em có đồng ý với ý kiến trên không? Vì sao?

Trả lời: Em đồng ý với ý kiến trên vì:

- An ninh nguồn nước liên quan đến phát triển bền vững và ổn định chính trị của mỗi quốc gia.

- Nguồn nước sạch là nhu cầu thiết yếu trong đời sống của con người, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần duy trì và phát triển an sinh xã hội của mỗi quốc gia.

- Nguồn nước đóng góp đến sự tồn tại của các sinh vật trên Trái Đất, là thành phần không thể thiếu của hệ sinh thái.

=> Giáo án Địa lí 11 kết nối bài 4: Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 11 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay