Câu hỏi tự luận Địa lí 11 kết nối tri thức bài 13: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 11 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 13: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).  Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 11 kết nối tri thức.

BÀI 13: HIỆP HỘI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á (ASEAN)

(17 câu)

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Kể tên 5 quốc gia là thành viên ban đầu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Trả lời:

5 quốc gia là thành viên ban đầu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á là: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Xin-ga-po, Thái Lan

Câu 2: Kể tên các quốc gia tham gia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong giai đoạn sau này (từ năm 1984 trở đi).

Trả lời:

Các quốc gia tham gia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong giai đoạn sau này là: Bru-nây, Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam, Đông Ti-mo.

Câu 3: Kể tên ba trụ cột tạo nền tảng cho sự ra đời của Cộng đồng ASEAN.

Trả lời:

Ba trụ cột tạo nền tảng cho sự ra đời của Cộng đồng ASEAN là: Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội.

Câu 4: Lá cờ ASEAN tượng trưng cho điều gì? Lá cờ ASEAN có mấy màu? Nêu ý nghĩa của mỗi màu sắc trên lá cờ.

Trả lời:

- Lá cờ ASEAN tượng trưng cho sự hòa bình, bền vững, đoàn kết và năng động của ASEAN.

- Bốn màu của lá cờ là: xanh, đỏ, trắng, vàng.

- Ý nghĩa của mỗi màu sắc:

+ Màu xanh: tượng trưng cho hòa bình và sự ổn định.

+ Màu đỏ: thể hiện cho dũng khí và sự năng động.

+ Màu trắng: nói lên sự thuần khiết.

+ Màu vàng: tượng trưng cho sự thịnh vượng.

Câu 5: Hình ảnh vòng tròn màu đỏ viền trắng và hình ảnh bó lúa xuất hiện trong lá cờ ASEAN có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

- Hình ảnh vòng tròn màu đỏ viền trắng thể hiện sự thống nhất của cộng đồng ASEAN.

- Hình ảnh bó lúa là tượng trưng cho ước mơ của các thành viên sáng lập về một ASEAN bao gồm tất cả các nước ở Đông Nam Á, gắn bó với nhau trong tình hữu nghị và đoàn kết.

 

2. THÔNG HIỂU (6 câu)

Câu 1: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được thành lập như thế nào? Nêu mục tiêu của ASEAN.

Trả lời:

* Sự thành lập:

- Ngày thành lập: 8/8/1967 tại Băng Cốc (Thái Lan).

- Số lượng thành viên: 11/11.

- Năm 2015: Cộng đồng ASEAN ra đời dựa trên ba trụ cột đã đánh dấu bước phát triển mới của Hiệp hội.

* Mục tiêu:

- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa của các nước thành viên, thu hẹp khoảng cách phát triển.

- Thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực, duy trì một khu vực không có vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt.

- Thúc đẩy hợp tác, tích cực và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước thành viên về vấn đề cùng quan tâm.

- Duy trì hợp tác chặt chẽ cùng có lợi giữa ASEAN với các nước hoặc tổ chức quốc tế khác.

* Mục tiêu chung: đoàn kết và hợp tác vì một ASEAN hòa bình, an ninh, ổn định, cùng phát triển hướng đến “Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, Một Cộng đồng”.

Câu 2: Trình bày cơ chế hoạt động của ASEAN.

Trả lời:

* Nguyên tắc chủ đạo và phương thức hoạt động: không can thiệp vào công việc nội bộ, tham vấn và ra quyết định bằng đồng thuận.

* Các cơ quan của ASEAN:

- Cấp cao ASEAN:

+ Chức năng: là cơ quan hoạch định chính sách cao nhất của ASEAN.

+ Nhiệm vụ: xem xét, đưa ra các chỉ đạo về chính sách và quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu của ASEAN, đến lợi ích của các quốc gia thành viên.

+ Hội nghị Cấp cao ASEAN được tổ chức 2 năm/lần.

- Hội đồng Điều phối ASEAN:

+ Chuẩn bị các cuộc họp Cấp cao ASEAN.

+ Điều phối việc thực hiện các thoải thuận và quyết định của Hội nghị Cấp cap ASEAN.

+ Xem xét và theo dõi tổng thể tất cả các hoạt động của ASEAN.

- Các Hội đồng Cộng đồng ASEAN:

+ Đảm bảo việc thực hiện các quyết định có liên quan đến Hội nghị Cấp cao ASEAN.

+ Điều phối công việc trong các lĩnh vực phụ trách.

- Các cơ quan chuyên ngành cấp Bộ trưởng ASEAN:

+ Thực hiện những thoải thuận và quyết định của Cấp cao ASEAN trong phạm vi phụ trách.

+ Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức trách để hỗ trợ liên kết và xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Câu 3: Nêu những nét đặc trưng của hợp tác về kinh tế giữa các nước ASEAN.

Trả lời:

* Mục đích: Khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và dân cư – xã hội để phát triển kinh tế, xây dựng Đông Nam Á trở thành một khu vực phát triển năng động.

* Biểu hiện:

- Hợp tác kinh tế nội khối:

+ Khu vực thương mại tự do (AFTA): thành lập năm 1992 bằng cách xóa ỏ các hàng rào thuế quan và tăng cường giao lưu kinh tế giữa các nước trong khu vực.

+ Hiệp định Thương mại hàng hóa (ATIGA): được kí năm 2009 nhằm tăng cường cam kết về một nền thương mại khu vực mở và hội nhập.

+ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC): ra đời tại Cu-a-la Lăm-pơ năm 2015.

+ Hầu hết các quốc gia đều thành lập các khu kinh tế đặc biệt (SEZ) nhằm phát huy lợi thế thương mại biên giới.

- Hợp tác kinh tế giữa ASEAN và các quốc gia, khu vực trên thế giới:

+ Triển khai nhiều hình thức liên kết kinh tế, thương mại với nhiều đối tác lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc.

+ Thành lập các quỹ hợp tác khu vực và quốc tế như: Quỹ hợp tác đầu tư ASEAN – Trung Quốc, Quỹ liên kết ASEAN – Nhật Bản,…

Câu 4: Nêu những biểu hiện hợp tác về văn hóa, y tế giữa các nước ASEAN.

Trả lời:

* Xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC):

- Mục tiêu: Xây dựng một cộng đồng các dân tộc ASEAN hài hòa, đoàn kết và chia sẻ, hướng tới người dân, chăm lo về thể chất, phúc lợi, môi trường sống ngày càng tốt hơn, thu hẹp khoảng cách phát triển và tạo dựng một bản sắc chung của khu vực.

- Hợp tác văn hóa ASEAN hướng tới xây dựng một cộng đồng văn hóa “Thống nhất trong đa dạng”.

- Các hoạt động tiêu biểu:

+ Liên hoan nghệ thuật ASEAN.

+ Dự án dịch các tác phẩm văn học ASEAN.

+ Số hóa di sản ASEAN.

+ Dự án sách ảnh ASEAN.

* Các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo:

- Trao đổi nhân sự, cung cấp dịch vụ giáo dục xuyên biên giới, trao đổi thông tin, cải cách thể chế, phát triển các quan hệ đối tác.

- Hình thành Tổ chức Mạng lưới các trương học ASEAN (AUN), Tổ chức các Hội nghị Bộ trưởng giáo dục ASEAN (SEAMEO),…

- Đẩy mạnh hợp tác giáo dục đào tạo với các quốc gia ngoài ASEAN, đặc biệt là Đông Á.

* Các quốc gia thành lập Kho dự phòng vật tự y tế khẩn cấp khu vực, Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19.

* Tổ chức các hoạt động thể thao của khu vực như: SEA Games, ASEAN Para Games,…

Câu 5: Trong quá trình hơn 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã đạt được những thành tựu và đối mặt với những thách thức gì?

Trả lời:

* Thành tựu:

- Về kinh tế:

+ Trở thành một khu vực kinh tế năng đồng và có tốc độ phát triển cao trên thế giới.

+ Hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

+ Thông qua nhiều thỏa thuận và Hiệp định quan trọng.

- Về văn hóa, xã hội:

+ Đời sống nhân dân được cải thiện.

+ Chất lượng, thể lực lao động ngày càng tăng.

+ Phát triển cơ sở hạ tầng và những phong cách sống tích cực.

+ Chỉ số phát triển con người được cải thiện.

- Về an ninh, chính trị:

+ Tạo dựng được một môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.

+ Hợp tác quốc phòng được đẩy mạnh, hợp tác an ninh biển được đảm bảo.

* Thách thức:

- Về kinh tế: Trình độ phát triển còn chênh lệch, liên kết kinh tế chưa cao.

- Về văn hóa, xã hội:

+ Vẫn còn tình trạng đói nghèo.

+ Các vấn đề tôn giáo, dân tộc, ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại.

- Về an ninh, chính trị: diễn biến phức tạp trên Biển Đông.

Câu 6: Nêu những biểu hiện về sự hợp tác của Việt Nam trong ASEAN. Việt Nam có vai trò như thế nào trong ASEAN.

Trả lời:

* Sự hợp tác của Việt Nam trong ASEAN:

- Các hội nghị: Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC), Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN,…

- Các hiệp ước, hiệp định, tuyên bố: Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA),…

- Các diễn đàn: Diễn đàn Kinh tế ASEAN, Diễn đàn Văn hóa Thanh niên ASEAN,…

- Các dự án, chương trình phát triển: Dự án hợp tác về Mạng lưới Điện ASEAN, Dự án hợp tác văn hóa đa dân tộc ASEAN,…

- Các hoạt động văn hóa, thể thao: Tuần Văn hóa ASEAN, Liên hoan Nghệ thuật ASEAN,…

* Vai trò của Việt Nam:

- Vai trò trong việc kết nạp các thành viên mới Lào, Mi-an-ma và Cam-pu-chia vào ASEAN; xây dựng triển khai các thỏa thuận hợp tác kinh tế nội khối.

- Thúc đẩy kí kết các Tuyên bố, thể chế: phối hợp cùng các quốc gia xây dựng Hiến chương ASEAN (2008), Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC),…

- Đảm nhiệm nhiều vai trò và đăng cai nhiều hội nghị tiêu biểu: Chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEAN 6, chủ tích Ủy ban thường trực ASEAN (2000 – 2001), Chủ nhà đăng cai tổ chức SEA Games 31 (2021),…

 

3. VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Vì sao từ khi thành lập đến nay ASEAN lại coi trọng vấn đề an ninh chính trị?

Trả lời:  

- Từ khi thành lập đến nay ASEAN lại coi trọng vấn đề an ninh chính trị vì:

+ Vấn đề an ninh luôn vô cùng quan trọng trong việc hợp tác chính trị.

+ Những thông tin bảo mật cần được lưu giữ và mục đích chung đó là bảo vệ an ninh quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

+ Sự hoà bình giữa các quốc gia trong khu vực luôn là vấn đề tiên quyết.

→ Vì vậy, nên phải luôn đặt vấn đề an ninh lên hàng đầu đầu.

Câu 2: Tại sao ASEAN không có đồng tiền chung giống như EU?

Trả lời: ASEAN không có đồng tiền chung giống như EU vì trình độ phát triển không đồng đều giữa các nước trong khu vực, sự chậm phát triển trong lĩnh vực tài chính của một số quốc gia quốc gia làm cho việc thành lập đồng tiền chung gặp trở ngại. Ngoài ra, một đồng tiền chung cần hệ thống tài chính và thị trường mạnh mẽ, cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ từ thể chế nhưng không phải tất cả các nước ASEAN đều có thể chế như vậy để đối phó với các mối đe dọa trong lĩnh vực tài chính.

Câu 3: Tại sao mục tiêu của ASEAN lại nhấn mạnh đến sự ổn định?

Trả lời: Mục tiêu của ASEAN nhấn mạnh đến sự ổn định vì:

- Các nước Đông Nam Á có nhiều dân tộc, một số dân tộc phân bố không theo biên giới quốc gia gây khó khăn trong quản lí, ổn định chính trị, xã hội.

- Là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa lớn trên thế giới, các tôn giáo và phong tục tập quán đa đa dạng.

- Có sự tranh chấp, phức tạp về biên giới, đảo, vùng biển (vấn đề biển Đông).

- Trong lịch sử, các nước Đông Nam Á từng bị chiến tranh xâm lược, chính trị mất ổn định.

- Sự ổn định trong khu vực sẽ không tạo cớ để các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của khu vực.

Câu 4: Cho bảng số liệu sau:

Bảng 1. GDP/người của các nước Đông Nam Á năm 2020 (USD)

Nước

GDP/người

Nước

GDP/người

Bru-nây

23,117

Ma-lai-xi-a

10,192

Cam-pu-chia

1,572

Mi-an-ma

1,333

In-đô-nê-xi-a

4,038

Thái Lan

7,295

Xin-ga-po

58,484

Việt Nam

3,498

(Theo: IMF, 2020)

  1. Vẽ biểu đồ so sánh GDP/người của một số quốc gia ở Đông Nam Á năm 2020.
  2. Nhận xét về GDP/người của các nước và giải thích.

Trả lời:  

  1. Vẽ biểu đồ:

Biểu đồ thể hiện GDP/người của một số nước Đông Nam Á năm 2020

  1. Nhận xét và giải thích:

* Nhận xét:

- GDP/người giữa các nước ASEAN không đều.

- Nước có GDP/người cao nhất là Xin-ga-po (58484 USD), tiếp theo là Bru- nây (23117 USD), Ma-lai-xi-a (10192 USD), Thái Lan (7295 USD).

- Các nước có GDP/người thấp là Cam-pu-chia (1572 USD), Mi-an-ma (1333 USD).

- GDP/người của Xin-ga-po gấp 44 lần GDP/người của Mi-an-ma và gấp 37 lần GDP/người của Cam-pu-chia.

* Giải thích:

- Có sự chênh lệch là do khác nhau về tổng sản phẩm trong nước và quy mô dân số.

- Do sự khác nhau về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1. Khi trở thành một thành viên của ASEAN, Việt Nam đã gặp rất nhiều lợi thế và khó khăn. Em hãy chứng minh điều đó.

Trả lời:

* Những lợi thế:

- Có nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ.

- Có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng.

- Môi trường chính trị - xã hội trong nước ổn định.

* Khó khăn:

- Khi mới gia nhập, trình độ công nghiệp hóa của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a,…

- Chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động còn thấp, sức cạnh tranh của nhiều loại hàng hóa chưa cao.

- Sự khác biệt về thể chế chính trị dẫn đến việc giải quyết các mối quan hệ kinh tế, văn hoá, xã hội gặp khó khăn.

- Sự bất đồng về ngôn ngữ cũng gây khó khăn lớn khi nước ta mở rộng giao lưu với các nước.

Câu 2: Có ý kiến cho rằng “Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, ảnh hưởng lớn đến cấu trúc thống nhất của ASEAN”. Em có đồng ý với ý kiến đó không? Giải thích lí do.

Trả lời: Em đồng ý với ý kiến trên vì:

- Việt Nam đưa ra nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy tăng cường liên kết nội và ngoại khối, đóng góp chủ động vào sự phát triển chung của cộng đồng.

- Khi giữ chức Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến mở rộng thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) bằng việc thúc đẩy kết nạp Nga và Mỹ.

- Việt Nam cũng đóng góp trong việc xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả và hiệu lực

- Năm 2020, với những thách thức to lớn của đại dịch COVID-19 nhưng dưới sự chủ trì của Việt Nam, ASEAN đã tổ chức một loạt hội nghị trực tuyến nhằm thảo luận cách ứng phó với dịch, như tổ chức thành công hai hội nghị cấp cao ASEAN 36 và ASEAN 37.

=> Giáo án Địa lí 11 kết nối bài 13: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 11 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay