Câu hỏi tự luận Lịch sử 8 cánh diều Ôn tập Chương 7: Việt Nam từ thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 7: Việt Nam từ thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 8 cánh diều.

ÔN TẬP CHƯƠNG 7

VIỆT NAM TỪ THẾ KỈ XIX ĐẾN ĐẦU THẾ KỈ XX

Câu 1: Hãy cho biết Vương triều Nguyễn được thành lập như thế nào?

Trả lời:

Sự thành lập của Vương triều Nguyễn:

- Năm 1792, vua Quang Trung qua đời. Triều Tây Sơn mất đi một trụ cột quan trọng,

mâu thuẫn nội bộ ngày càng sâu sắc, uy tín bị giảm sút, lực lượng suy yếu.

- Năm 1802, được sự ủng hộ của địa chủ ở Gia Định, Nguyễn Ánh đã đánh bại triều Tây Sơn, lập ra triều Nguyễn, lấy niên hiệu là Gia Long, đặt kinh đô ở Phú Xuân (Huế).

Câu 2: Trình bày nét chính về tình hình chính trị dưới thời Nguyễn?

Trả lời:

Những nét chính về tình hình chính trị dưới thời Nguyễn:

- Dưới thời vua Gia Long:

+ Nguyễn Ánh thâu tóm mọi quyền lực, củng cố chế độ quân chủ trung ương tập quyền, lãnh thổ đất nước được thống nhất.

+ Ban hành bộ Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long), bảo vệ quyền uy tuyệt đối của nhà vua, củng cố trật tự phong kiến, trấn áp mọi âm mưu chống lại chính quyền.

- Dưới thời vua Minh Mạng:

+ Bộ máy quản lí nhà nước từ Trung ương xuống địa phương càng được hoàn thiện.

+ Cả nước được chia thành 30 tỉnh và 1 phủ (Thừa Thiên).

- Về đối ngoại:

+ Thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo với nhà Thanh,

+ Khước từ quan hệ và giao thương với các nước  u - Mỹ, kể cả Pháp.

+ Thi hành chính sách cấm đạo gay gắt (bắt đầu từ thời Minh Mạng), gây nhiều hệ luy về sau.

Câu 3: Hãy nêu những nét chính về tình hình kinh tế dưới thời Nguyễn?

Trả lời:

Những nét chính về tình hình kinh tế dưới thời Nguyễn:

- Về nông nghiệp:

+ Quan tâm đến việc tổ chức khai hoang, di dân lập ấp, lập đồn điền ở nhiều tỉnh phía bắc và phía nam,...

+ Nông dân vẫn không có ruộng để cày cấy, phải lưu vong. Ở các tỉnh phía bắc, lụt lội, hạn hán xảy ra thường xuyên.

- Về thủ công nghiệp, thương nghiệp:

+ Có điều kiện phát triển.

+ Thủ công nghiệp có những cải tiến nhất định về kĩ thuật. Nghề khai mỏ được đẩy mạnh.

+ Hoạt động buôn bán trong nước và với nước ngoài ngày càng tăng. Tuy nhiên, do Nhà nước có những quy định ngặt nghèo (về thuế, mẫu mã,...) và thi hành chính sách bế quan tỏa cảng, thợ giỏi bị bắt vào làm trong các quan xưởng nên một số ngành, nghề không phát triển được. Nhiều trung tâm, đô thị dần sa sút.

Câu 4: Hãy mô tả quá trình thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nhà Nguyễn.

Trả lời:

Quá trình thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nhà Nguyễn:

- Vua Gia Long: lập hai đội Hoàng Sa và Bắc Hải, biên chế nằm trong lực lượng quân đội, thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này.

- Vua Minh Mạng: hoạt động thực thi chủ quyền trên quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa tiếp tục được đẩy mạnh:

+ Việc đo đạc kết hợp với vẽ bản đồ được quan tâm thực hiện.

+ Nhà vua cho dựng miếu thờ và trồng cây xanh ở quần đảo Hoàng Sa,...

Câu 5: Em có nhận xét gì về đơn vị hành chính thời Nguyễn?

Trả lời:

Nhận xét về đơn vị hành chính thời Nguyễn: Dưới thời Nguyễn, cả nước được chia thành 30 tỉnh và 1 phủ trực thuộc (Thừa Thiên). Đứng đầu mỗi tỉnh lớn là chức tổng đốc, còn các tỉnh nhỏ là chức tuần phủ.

=> Nhà Nguyễn vẫn duy trì chế độ quân chủ chuyên chế Trung ương tập quyền, tổ chức bộ máy nhà nước quy cũ và hoàn chỉnh. Đơn vị hành chính chặt chẽ hơn

Câu 6: Theo em, chính sách nào của nhà Nguyễn đạt hiệu quả cao nhất trong nông nghiệp? Tại sao?

Trả lời:

Theo em, chính sách của nhà Nguyễn đạt hiệu quả cao nhất trong nông nghiệp là tổ chức việc khai hoang, cho phép đất khai hoang thành đất tư.

� Đem lại hiệu quả kích thích sản xuất nông nghiệp.

Câu 7: Trình bày một vài hiểu biết của em về Nhã nhạc cung đình Huế.

Trả lời:

Nhã nhạc cung đình Việt Nam xuất hiện từ thời Lý - Trần, được bổ sung, phát triển dưới thời Nguyễn. Được biểu diễn vào các dịp lễ hội (vua đăng quang, băng hà, các lễ hội tôn nghiêm khắc) trong năm của các triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam. Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2003, Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (2008).

Câu 8: Em hãy cho biết nguyên nhân nào khiến thực dân Pháp xâm lược Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1874.

Trả lời:

Nguyên nhân khiến thực dân Pháp xâm lược Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1874 là:

- Giữa thế kỉ XIX, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở các nước phương Tây phát triển mạnh.

- Nhu cầu về thị trường, nguyên liệu và nhân lực khiến các nước này đẩy mạnh việc xâm chiếm các nước phương Đông.

- Lợi dụng các mối quan hệ đã có từ trước, lấy cớ bảo vệ đạo Gia-tô (Công giáo), thực

dân Pháp đưa quân xâm lược Việt Nam.

Câu 9: Nêu quá trình thực dân Pháp xâm lược Bắc Kì lần thứ nhất và cuộc chiến đấu của quân dân ta.

Trả lời:

Quá trình thực dân Pháp xâm lược Bắc Kì lần thứ nhất và cuộc chiến đấu của quân dân ta:

- Cuối năm 1873, thực dân Pháp cử Ph. Gác-ni-ê đưa quân ra Bắc, dùng vũ lực chiếm thành Hà Nội.

- Tổng đốc Nguyễn Tri Phương chỉ huy binh sĩ anh dũng chống cự.

- Ph. Gác-ni-ê cho quân mở rộng đánh chiếm nhiều tỉnh thành vùng đồng bằng sông

Hồng. Quân dân ta ở khắp nơi đã nổi lên kháng chiến.

- Ngày 20 - 11, quân Pháp tiến lên Sơn Tây, qua khu vực Cầu Giấy. Chiến thắng tại đây đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta, làm quân Pháp hoang mang, dao động.

- Năm 1874, triều đình Huế lại kí với Pháp bản Hiệp ước Giáp Tuất, thừa nhận chủ quyền của Pháp ở cả sáu tỉnh Nam Kì và nhiều điều khoản bất lợi khác.

Câu 10: Những bản điều trần, đề nghị cải cách của tầng lớp văn thân, sĩ phu Việt Nam gửi lên triều đình Huế ra đời trong hoàn cảnh nào?

Trả lời:

Hoàn cảnh ra đời của những bản điều trần, đề nghị cải cách của tầng lớp văn thân, sĩ phu Việt Nam gửi lên triều đình Huế: chế độ phong kiến đang lâm vào khủng hoảng, lại phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

� Tầng lớp văn thân, sĩ phu Việt Nam có điều kiện tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài đã mạnh dạn gửi lên triều đình Huế những bản điều trần, đề nghị cải cách.

Câu 11: Những bản điều trần, đề nghị cải cách của tầng lớp văn thân, sĩ phu Việt Nam gửi lên triều đình Huế có được thực hiện không? Ý nghĩa của việc làm đó là gì?

Trả lời:

- Những đề nghị cải cách vì nhiều lí do (thiếu cơ sở kinh tế, xã hội lại vấp phải tư tưởng bảo thủ của cả triều đình và nhân dân,...) nên đã không được thực hiện, hoặc chỉ thực hiện một phần rất nhỏ.

- Tư tưởng cải cách nửa sau thế kỉ XIX đã phản ánh sự tiến bộ trong nhận thức mới của người Việt Nam, góp phần chuẩn bị tiền đề về tư tưởng cho sự ra đời phong trào Duy tân đầu thế kỉ XX.

Câu 12: Hãy cho biết nguyên nhân bùng nổ của phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX.

Trả lời:

Nguyên nhân bùng nổ của phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX:

- Với Hiệp ước Pa-tơ-nốt, thực dân Pháp về cơ bản đã hoàn thành quá trình xâm lược nước ta. Một bộ phận quan lại trong triều đình Huế, đứng đầu là Tôn Thất Thuyết, được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân và quan lại các tỉnh thành, vẫn nêu cao y chí chống Pháp, giành lại độc lập dân tộc.

- Sau cuộc phản công quân Pháp ở kinh thành Huế của phái chủ chiến bất thành, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành ra Tân Sở (Quảng Trị).

� Lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết ban bố Dụ Cần vương, kêu gọi các văn thân, sĩ phu và nhân dân cả nước giúp vua cứu nước.

=> Phong trào Cần vương bùng nổ, kéo dài đến cuối thế kỉ XIX.

Câu 13: Đoạn tư liệu dưới đây cho em biết điều gì về hậu quả của Hiệp ước Nhâm Tuất đối với nền độc lập dân tộc?

“Hiệp ước Nhâm Tuất thừa nhận việc cai quản của Pháp ở ba tỉnh miền Đông Nam Kì và đảo Côn Lôn; bồi thường cho Pháp 20 triệu phrăng (ước tính bằng 280 vạn lạng bạc),... Pháp sẽ “trả lại” tỉnh Vĩnh Long khi nào triều đình buộc dân chúng ngừng chống Pháp”.

(Theo Đinh Xuân Lâm (Chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam,

Tập II, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr. 26)

Trả lời:

Hiệp ước Nhâm Tuất đe dọa nghiêm trọng nền độc lập dân tộc, vi phạm chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Hiệp ước này cho thấy sự chính thức đầu hàng Pháp của triều đình Nguyễn, làm mất 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, khiến nhân dân ta phải chịu nhiều thiệt thòi.

Câu 14: Qua việc kí kết các Hiệp ước Giáp Tuất, Hác-măng và Pa-tơ-nốt, em đánh giá thế nào về thái độ của triều đình nhà Nguyễn trước cuộc tấn công xâm lược của thực dân Pháp?

Trả lời:

Việc kí kết hiệp ước Giáp Tuất, Hác-măng và Pa-tơ-nốt cho thấy sự yếu đuối, bất lực, bạc nhược của Triều đình Huế, không lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược mà nhanh chóng đầu hàng Pháp. Các bản Hiệp ước này đã từng bước đặt dấu chấm hết cho triều đại phong kiến Việt Nam với tư cách là một quốc gia độc lập, thay vào đó là chế độ thuộc địa nửa phong kiến, đặt Việt Nam trước ách đô hộ của thực dân Pháp.

Câu 15: Nêu nhận xét của em về phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX.

Trả lời:

Nhận xét về phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX:

- Phong trào Cần vương là một trong những phong trào giải phóng dân tộc xuất hiện sớm trong thời kỳ đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta. Phong trào bắt đầu từ năm 1885 và kết thúc vào năm 1896.

- Dù thất bại nhưng phong trào đã gây cho Pháp tổn thất nặng nề, làm chậm bước tiến trong âm mưu bình định. Đồng thời, để lại nhiều bài học kinh nghiệm về xây dựng lực lượng, về chiến tranh du kích, về tổ chức đấu tranh cho phong trào giải phóng dân tộc sau này.

Câu 16: Trình bày một vài hiểu biết của em về Nguyễn Tri Phương.

Trả lời:

Một số thông tin về Nguyễn Tri Phương:

Nguyễn Tri Phương quê ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), làm quan ở cả ba triểu vua Nguyễn. Ông được giao làm tổng chỉ huy lực lượng chống Pháp ở Đà Nẵng, Gia Định, sau đó được cử làm Kinh lược sứ Bắc Kì, trực tiếp chỉ huy trận chiến đấu ở cửa phía nam thành Hà Nội khi quân Pháp tấn công.

Câu 17: Tại sao các nhà yêu nước của Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX lại noi theo con đường cứu nước của Nhật Bản?  

Trả lời:

Các nhà yêu nước của Việt Nam thời bấy giờ noi theo con đường cứu nước của Nhật Bản là vì: Nhật Bản là một nước ở châu Á, có điều kiện tự nhiên và xã hội gần giống Việt Nam. Đầu thế kỉ XX, Nhật Bản nhờ có cuộc cải cách duy tân và con đường tư bản chủ nghĩa mà trở nên giàu mạnh nên đã kích thích nhiều người yêu nước Việt Nam muốn đi theo con đường của họ.

Câu 18: Phan Châu Trinh từng nói “Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là chi bằng học”. Em hãy chứng minh câu này nói của Phan Châu Trinh qua các hoạt động yêu nước của ông.

Trả lời:

Các hoạt động yêu nước của Phan Châu Trinh được thể hiện qua câu nói:

- Năm 1906: Phan Châu Trinh cùng nhóm sĩ phu tiến bộ mở cuộc vận động Duy tân ở Trung Kì với chủ trương dựa vào Pháp để cải cách nhằm “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh“. Cuộc vận động Duy tân diễn ra trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội.

- Ông chủ trương tuyên truyền mở mang công thương nghiệp, phát triển sản xuất, mở trường học kiểu mới, tổ chức diễn thuyết về các đề tài sinh hoạt xã hội, đả phá hủ tục lạc hậu, hô hào cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn, chế giễu bọn quan tham,...

- Cuộc vận động Duy tân đã châm ngòi cho phong trào chống sưu thuế của nhân dân Trung Kì (1908).

Câu 19: Em hiểu gì về tinh thần yêu nước của Phan Châu Trinh qua hai câu thơ sau:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn

Lừng lẫy làm cho lở núi non.

Trả lời:

Tinh thần yêu nước của Phan Châu Trinh được thể hiện qua 2 câu thơ: giữa gông cùm, xiềng xích, khí phách và bản lĩnh anh hùng được tôi luyện thêm, tự khẳng định được mình.

Câu 20: Em có đồng ý với quan điểm “chi bằng học” như là con đường ưu tiên để giành độc lập tự do của dân tộc vào đầu thế kỉ XX không? Tại sao?

Trả lời:

- Đồng ý với quan điểm.

- Giải thích:

+ Cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX: đất nước Việt Nam đã mất độc lập, trở thành thuộc địa của thực dân Pháp - một kẻ thù văn minh hơn, hùng mạnh hơn (lúc này, Pháp đứng thứ 4 thế giới về sản xuất công nghiệp). Mặt khác, kinh tế Việt Nam còn non yếu, phát triển thiếu cân đối; trong xã hội đầy rẫy những hủ tục, tệ nạn; đại bộ phận dân cư có trình độ dân trí thấp,… Trong bối cảnh đó, việc nêu cao tinh thần học hỏi có ý nghĩa rất quan trọng.

+ Việc học hỏi, tiếp thu những tiến bộ, văn minh của nhân loại sẽ giúp cho: người dân được giác ngộ, thức tỉnh tinh thần dân tộc; mở mang trình độ hiểu biết; có ý thức phát huy tinh thần tự lực, tự cường,… đây chính là một con đường hiệu quả để tiến lên giành lại độc lập cho nước nhà.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Lịch sử 8 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay