Câu hỏi tự luận Lịch sử 8 cánh diều Ôn tập Chương 7: Việt Nam từ thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 7: Việt Nam từ thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 8 cánh diều.

ÔN TẬP CHƯƠNG 7

VIỆT NAM TỪ THẾ KỈ XIX ĐẾN ĐẦU THẾ KỈ XX

Câu 1: Nêu những điểm mới trong xu hướng cứu nước ở Việt Nam đầu thế kỉ XX.  

Trả lời:

Những điểm mới của xu hướng cứu nước đầu thế kỉ XX.

- Mục đích: Đánh Pháp cứu nước, giành độc lập dân tộc, xây dựng xã hội mới theo thể chế cộng hòa hoặc quân chủ lập hiến.

- Thành phần tham gia: nhà Nho yêu nước tiếp thu được nền học vấn mới của phương Tây, nhiều tầng lớp xã hội mới hình thành sau khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp.

Câu 2: Phan Bội Châu đã có những hoạt động yêu nước nào trong những năm đầu thế kỉ XX?

Trả lời:

Những hoạt động yêu nước của Phan Bội Châu trong những năm đầu thế kỉ XX:

- Năm 1904: Phan Bội Châu cùng các nhà yêu nước khác thành lập Hội Duy tân với mục đích đấu tranh, lập nên nước Việt Nam độc lập.

- Năm 1905:

+ Phan Bội Châu sang Nhật Bản nhờ giúp đỡ về khí giới, tiền bạc để đánh Pháp.

+ Hội Duy tân phát động phong trào Đông du, đưa các thanh niên Việt Nam yêu nước sang Nhật học tập.

- Năm 1909: Phan Bội Châu bị trục xuất khỏi Nhật Bản, phong trào tan rã.

- Năm 1912: Phan Bội Châu đã thành lập Việt Nam Quang phục hội, nhằm “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục Việt Nam, thành lập Cộng hoà Dân quốc Việt Nam”.

- Đầu năm 1913:

+ Quang phục hội đã đưa người về nước nhằm thực hiện một số cuộc ám sát các tên thực dân đầu sỏ và tay sai, nhưng thất bại.

+ Phan Bội Châu bị bắt và bị tù ở Quảng Đông. Giai đoạn hoạt động cách mạng sôi nổi nhất của ông chấm dứt.

Câu 3: Phan Châu Trinh đã có những hoạt động yêu nước nào trong những năm đầu thế kỉ XX?

Trả lời:

Những hoạt động yêu nước của Phan Châu Trinh trong những năm đầu thế kỉ XX:

- Năm 1906: Phan Châu Trinh cùng nhóm sĩ phu tiến bộ mở cuộc vận động Duy tân ở Trung Kì với chủ trương dựa vào Pháp để cải cách nhằm “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh“. Cuộc vận động Duy tân diễn ra trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội.

- Ông chủ trương tuyên truyền mở mang công thương nghiệp, phát triển sản xuất, mở trường học kiểu mới, tổ chức diễn thuyết về các đề tài sinh hoạt xã hội, đả phá hủ tục lạc hậu, hô hào cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn, chế giễu bọn quan tham,...

- Cuộc vận động Duy tân đã châm ngòi cho phong trào chống sưu thuế của nhân dân Trung Kì (1908).

- Thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, bắt nhiều nhà yêu nước trong đó có Phan Châu Trinh, phong trào tan rã.

Câu 4: Tại sao những trí thức Nho học tiến bộ lại hăng hái thực hiện cuộc vận động cứu nước theo khuynh hướng mới?

Trả lời:

Những trí thức Nho học tiến bộ lại hăng hái thực hiện cuộc vận động cứu nước theo khuynh hướng mới vì:

- Đầu thế kỉ XX, trong bối cảnh xã hội phân hóa sâu sắc, các tư tưởng dân chủ tư sản ở châu  u được truyền bá vào Việt Nam.

- Tác động trào lưu duy tân ở nhiều nước phương Đông, trong đó có Nhật Bản tác động mạnh mẽ đến tư tưởng của các nhà yêu nước Việt Nam

Câu 5: Vì sao Nguyễn Tất Thành chọn hướng đi mới, khác với các nhà yêu nước tiền bối?

Trả lời:

Nguyễn Tất Thành chọn hướng đi mới, khác với các nhà yêu nước tiền bối vì: Nguyễn Tất Thành không tán thành đường lối đấu tranh của họ. Nguyễn Tất Thành tìm con đường đúng đắn, mang tính chất thời đại, đi sâu vào tìm hiểu chính kẻ thù của mình để tìm ra điểm yếu, đúng sai, tìm ra bản chất thì mới nhận diện kẻ thù một cách chính xác nhất.

Câu 6: Chủ trương cứu nước của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh có điểm gì giống và khác nhau?

Trả lời:

Sự giống nhau và khác nhau trong chủ trương cứu nước của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh:

- Giống nhau:

+ Xuất phát từ lòng yêu nước thương dân để tìm con đường giải phóng cho dân tộc.

+ Đi theo hệ tư tưởng mới: khuynh hướng dân chủ tư sản.

+ Được sự ủng hộ nhiệt tình của quần chúng nhân dân.

+ Đều thất bại do sự hạn chế về tầm nhìn và tư tưởng.

+ Hoạt động ở cả trong và ngoài nước.

- Khác nhau:

+ Phan Bội Châu chủ trương bạo động: Trước hết phải đánh Pháp để giành độc lập cho dân tộc. Đó là điều kiện tiên quyết để duy tân, phát triển đất nước.

+ Phan Châu Trinh chủ trương cải cách: Trước hết phải duy tân đất nước, cải cách dân chủ. Đây là điều kiện tiên quyết để giải phóng dân tộc.

Câu 7: Theo em, tác động nào về xã hội có ảnh hưởng tích cực đến phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỉ XX? Vì sao?

Trả lời:

Tác động về xã hội có ảnh hưởng tích cực đến phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỉ XX: văn hóa phương Tây du nhập càng mạnh (lối sống, trình độ học thức, tư duy).  

� Tiểu tư sản, học sinh, sinh viên có điều kiện học tập, mở mang lối sống phương Tây, tư duy tiến bộ.

Câu 8: Thông qua việc tìm hiểu về hoạt động yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Nguyễn Tất Thành, em rút ra được bài học gì cho bản thân?

Trả lời:

Bài học rút ra qua hoạt động yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Nguyễn Tất Thành:

- Lòng yêu nước.

- Tinh thần ham học hỏi, siêng năng, kiên trì.

- Ý chí quyết tâm và nghị lực để vượt qua khó khăn, thử thách.

Câu 9: Kể tên một số địa danh lịch sử được hình thành do tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp đối với xã hội Việt Nam.

Trả lời:

Một số địa danh lịch sử được hình thành do tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp đối với xã hội Việt Nam: Bến Nhà Rồng, Cầu Long Biên, Cảng Sài Gòn,….

Câu 10: Nêu khái quát cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Kì từ năm 1862 đến năm 1874.

Trả lời:

Khái quát về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Kì từ năm 1862 đến năm 1874:

- Triều đình Huế tập trung lực lượng đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân ở Bắc Kì và Trung Kì, ngăn cản phong trào kháng chiến của nhân dân ở Nam Kì.

� Năm 1867, thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kì, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân vẫn tiếp diễn ngày càng mạnh mẽ.

- Nguyễn Trung Trực lãnh đạo nghĩa quân từ căn cứ Hòn Chông vượt biển tập kích đồn Kiên Giang.

- Trương Định lãnh đạo nghĩa quân lập căn cứ Gò Công, Tân Phước, anh dũng chiến đấu chống giặc.

- Một số nhà nho dùng văn thơ lên án tội ác của giặc, chế giễu bọn tay sai bán nước, ca ngợi gương chiến đấu hi sinh của nghĩa quân.

- Ở miền Đông, phong trào kháng chiến tiếp tục bùng nổ trở lại. Nguyễn Hữu Huân bị bắt đi đày, sau đó mới được thả về lại đứng lên chống Pháp.

Câu 11: Trình bày nội dung một số bản điều trần, đề nghị cải cách của tầng lớp văn thân, sĩ phu Việt Nam.

Trả lời:

Nội dung một số bản điều trần, đề nghị cải cách của tầng lớp văn thân, sĩ phu Việt Nam:

- Nguyễn Trường Tộ: đề nghị chấn chỉnh bộ máy quan lại, phát triển công thương, tài chính, chỉnh đốn võ bị, ngoại giao, cải tổ giáo dục.

- Trần Đình Túc, Nguyễn Huy Tế, Đinh Văn Điền: đề nghị mở cửa biển Trà Lý, đẩy mạnh khai hoang, khai mỏ, mở mang thương nghiệp, củng cố quốc phòng.

- Viện Thương Bạc: đề nghị mở ba cửa biển miền Bắc và miền Trung, phát triển ngoại thương.

- Nguyễn Lộ Trạch: đề nghị chấn hưng dân khí, khai thông dân trí, bảo vệ đất nước.

Câu 12: Trình bày diễn biến chính của khởi nghĩa nông dân Yên Thế.

Trả lời:

Diễn biến chính của khởi nghĩa nông dân Yên Thế:

- Năm 1884: khởi nghĩa nông dân tại Yên Thế (Bắc Giang) bùng nổ dưới sự lãnh đạo của  Hoàng Hoa Thám với mục tiêu chủ yếu là giữ đất, giữ làng, bảo vệ cuộc sống tự do.

- Nghĩa quân đã đánh bại nhiều trận càn của quân Pháp vào căn cứ của cuộc khởi nghĩa.

- Sau các lần giảng hoà, thực dân Pháp lại mở cuộc vây ráp quy mô (từ đầu năm 1909),

quyết dập tắt cuộc khởi nghĩa. Nghĩa quân bị thiệt hại nặng.

- Tháng 2 - 1913, Hoàng Hoa Thám bị tay sai Pháp giết hại. Khởi nghĩa suy yếu rồi tan rã.

� Là cuộc khởi nghĩa nông dân chống xâm lược lớn nhất ở Việt Nam thời kì cận đại.

Câu 13: Đoạn tư liệu dưới đây, em đánh giá thế nào về việc triều đình Huế kí Hiệp ước Giáp Tuất với Pháp?

“Với Hiệp ước Giáp Tuất, tuy phải trả lại Hà Nội nhưng Pháp đã đặt được cơ sở chính trị, kinh tế, quân sự khắp các nơi quan trọng ở Bắc Kì. Hiệp ước năm 1874 báo trước thực dân Pháp nhất định quay trở lại chiếm hẳn Hà Nội khi có thời cơ tới”.

(Theo Đinh Xuân Lâm (Chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam, Tập II, Sđd, tr. 44)

Trả lời:

Việc triều đình Huế kí Hiệp ước Giáp Tuất với Pháp cho thấy sự hoang mang và dao động vô căn cứ của triều đình, dẫn đến những việc làm ngu ngốc và tội lỗi với nhân dân ta. Với nội dung của hiệp ước này, triều đình Huế đã tiếp tục phản bội lợi ích dân tộc, lợi ích của nhân dân, đồng thời lại tạo đà cho quân Pháp có cơ hội lấn tới trên con đường xâm lược nước ta.

Câu 14: Nêu nhận xét của em về phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX.

Trả lời:

Nhận xét về phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX:

- Phong trào Cần vương là một trong những phong trào giải phóng dân tộc xuất hiện sớm trong thời kỳ đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta. Phong trào bắt đầu từ năm 1885 và kết thúc vào năm 1896.

- Dù thất bại nhưng phong trào đã gây cho Pháp tổn thất nặng nề, làm chậm bước tiến trong âm mưu bình định. Đồng thời, để lại nhiều bài học kinh nghiệm về xây dựng lực lượng, về chiến tranh du kích, về tổ chức đấu tranh cho phong trào giải phóng dân tộc sau này.

Câu 15: Theo em, cuộc khởi nghĩa nào là tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương? Vì sao?

Trả lời:

Khởi nghĩa Hương Khê là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần Vương:

- Quy mô, địa bàn hoạt động rộng lớn, gồm 4 tỉnh bắc Trung Kì: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

- Trình độ tổ chức quy củ: gồm 15 quân thứ, mỗi quân thứ có từ 100 đến 500 người do các tướng lĩnh tài ba chỉ huy.

- Thời gian tồn tại dài nhất, 11 năm từ năm 1885 đến năm 1896.

- Khởi nghĩa thất bại đánh dấu mốc kết thúc của phong trào đấu tranh chống Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương.

Câu 16: Trình bày một vài hiểu biết của em về Nguyễn Trường Tộ.

Trả lời:

Nguyễn Trường Tộ là một trí thức Công giáo yêu nước, quê ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 1860, khi có dịp qua Rô-ma và Pa-ri, ông chú ý khảo sát kinh tế và văn hoá phương Tây.

Nguyễn Trường Tộ là một trong những người có tư tưởng canh tân đất nước tiêu biểu nhất Việt Nam cuối thế kỉ XIX. Với lòng yêu nước và vốn hiểu biết sâu rộng. Ông đã đệ trình vua Tự Đức 14 bản điều trần, trong đó có Tế cấp bát điều (Tám điều cấp bách), nêu lên một hệ thống vấn đề kinh tế - xã hội. Một số đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ đến nay vẫn còn giá trị.

Câu 17: Trình bày một vài hiểu biết của em về Tôn Thất Thuyết.

Trả lời:

Tôn Thất Thuyết là Thượng thư Bộ Binh, thành viên Hội đồng Phụ chính. Ông ra sức xây dựng lực lượng, tích trữ lương thảo, khí giới, thẳng tay trừng trị những kẻ thân Pháp và đưa Ưng Lịch lên ngôi vua (vua Hàm Nghi).

Câu 18: Hãy nêu nét nổi bật về tình hình xã hội thời Nguyễn nửa đầu thế kỉ XIX.

Trả lời:

Một số nét nổi bật về tình hình xã hội thời Nguyễn nửa đầu thế kỉ XIX:

- Cuộc sống cơ cực của người dân và các mâu thuẫn xã hội khác đã làm bùng nổ nhiều cuộc nổi dậy chống nhà Nguyễn.

- Lực lượng tham gia vào những cuộc đấu tranh gồm nông dân, thợ thuyền, binh lính, nhà nho, nhân dân các dân tộc thiểu số.

- Các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu: Phan Bá Vành (1821 - 1827) ở Thái Bình, của Lê Duy Lương (1833) ở Ninh Bình, của Nông Văn Vân (1833 - 1835) ở Cao Bằng, của Cao Bá Quát (1854 - 1856) ở Hà Nội,...

Câu 19: Hãy nêu những đóng góp của vua Gia Long và vua Minh Mạng trong công cuộc thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trả lời:

Những đóng góp của vua Gia Long và vua Minh Mạng trong công cuộc thực thi chủ quyền ở đảo Hoàng Sa và Trường Sa:

- Vua Gia Long: lập hai đội Hoàng Sa và Bắc Hải, biên chế nằm trong lực lượng quân đội, thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này.

- Vua Minh Mạng: hoạt động thực thi chủ quyền trên quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa tiếp tục được đẩy mạnh:

+ Việc đo đạc kết hợp với vẽ bản đồ được quan tâm thực hiện.

+ Nhà vua cho dựng miếu thờ và trồng cây xanh ở quần đảo Hoàng Sa,...

Câu 20: Câu ca dao sau cho em biết điều gì về tình hình nông nghiệp dưới thời Nguyễn?

Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên

Ghe thuyền xuôi người, bán buôn dập dìu.

Trả lời:

Tình hình nông nghiệp dưới thời Nguyễn qua câu ca dao: nhà Nguyễn cho đào nhiều sông và kênh rạch ở phía Nam.

� Mang lại hiệu quả cho việc trị thủy, quốc phòng, giao thông, định cư,…

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Lịch sử 8 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay