Nội dung chính Hóa học 12 cánh diều Bài 17: Nguyên tố nhóm IA
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 17: Nguyên tố nhóm IA sách Hoá học 12 cánh diều. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.
Xem: => Giáo án hoá học 12 cánh diều
CHỦ ĐỀ 7: NGUYÊN TỐ NHÓM IA VÀ NHÓM IIA
BÀI 17: NGUYÊN TỐ NHÓM IA
I. Trạng thái tự nhiên
- Nhóm IA gồm: Li, Na, K, Rb, Cs, Fr.
- Trong vỏ Trái Đất, các nguyên tố nhóm IA tồn tại ở dạng hợp chất trong các khoáng vật.
- Trong nước mặt, nước ngầm,… các nguyên tố sodium, potassium tồn tại ở dạng cation Na+ và K+.
- Kim loại nhóm IA còn được gọi là kim loại kiềm.
II. Đơn chất
1. Tính chất vật lí
Bên cạnh tính chất chung của kim loại, các đơn chất kim loại nhóm IA còn có một số tính chất vật lí đặc trưng:
a) Nhiệt độ nóng chảy và nhiệt độ sôi
- Nhiệt độ nóng chảy và nhiệt độ sôi của kim loại kiềm có xu hướng giảm từ lithium đến caesium.
b) Khối lượng riêng và độ cứng
- Có khối lượng riêng nhỏ và độ cứng thấp (dễ cắt bởi dao, kéo,…) do có cấu tạo tinh thể khá rỗng và có lực liên kết kim loại yếu.
2. Tính chất hóa học
a) Xu hướng chung
- Có tính khử mạnh.
- Tính khử tăng từ lithium đến caesium.
b) Tác dụng với nước, oxygen và chlorine
- Phản ứng mạnh với nước, oxygen, chlorine và các chất oxi hóa khác; mức độ phản ứng với chất oxi hóa tăng dần từ lithium đến caesium, vì vậy:
+ Trong tự nhiên, các nguyên tố nhóm IA chỉ tồn tại dưới dạng hợp chất.
+ Các kim loại kiềm được bảo quản bằng cách ngâm trong dầu hỏa khan hoặc trong bình khí hiếm.
III. Hợp chất
1. Khả năng hòa tan trong nước
- Ở điều kiện thường, đa số các hợp chất của kim loại kiềm đều tan tốt trong nước.
2. Một số hợp chất quan trọng
a) Sodium chloride
- Ứng dụng: dùng trong chế biến và bảo quản thực phẩm, làm nguyên liệu chính trong công nghiệp chlorine – kiềm.
- Điện phân dung dịch NaCl bão hòa trong bể điện phân có màng ngăn xốp (công đoạn chính của công nghiệp chlorine – kiềm): 2NaCl(aq) + 2H2O(l) điện phân có màng ngăn→ 2NaOH(aq) + Cl2(g) + H2(g).
- Cô đặc dung dịch thu được, tách NaCl; tiếp tục cô đặc dung dịch NaOH, làm lạnh để thu NaOH rắn.
- Sản phẩm của công nghiệp chlorine – kiềm có nhiều ứng dụng:
+ Sodium hydroxide: dùng trong chế biến dầu mỏ, sản xuất nhôm, giấy, xà phòng và nhiều hóa chất khác.
+ Chlorine: sản xuất chất tẩy trắng, sát trùng; sản xuất hydrochloric acid, potassium chloride,…
+ Hydrogen: sản xuất hydrochloric acid, ammonia,…
b) Sodium hydrogencarbonate, sodium carbonate
Sodium hydrogencarbonate (NaHCO3)
- Dạng bột, màu trắng, còn được gọi là baking soda.
- Ứng dụng:
+ Trong y học: dùng để điều trị triệu chứng dư acid ở dạ dày (giúp làm giảm nồng độ H+).
+ Trong sản xuất và đời sống: giúp điều chỉnh vị chua của nước giải khát; làm tăng độ xốp của bánh, làm mềm thực phẩm.
Sodium carbonate (Na2CO3)
- Dạng bột, màu trắng, còn được gọi là soda.
- Ứng dụng:
+ Để tẩy rửa dầu, mỡ bám trên các dụng cụ, thiết bị.
+ Làm mềm nước cứng, là nguyên liệu sản xuất thủy tinh, giấy và nhiều hóa chất khác.
+ Dùng thay cho sodium hydroxide trong sản xuất xà phòng từ chất béo.
- Sản xuất: Phương pháp Solvay: NaCl(aq) + CO2(aq) + NH3(aq) + H2O(l) ⇌ NaHCO3(s) + NH4Cl(aq).
Sau phản ứng, NaHCO3 có độ tan kém nên kết tinh trước và tách ra khỏi dung dịch. Nhiệt phân NaHCO3 thu được soda:
2NaHCO3(s) to→ Na2CO3(s) + H2O(g) + CO2(g)
3. Phân biệt các ion kim loại
- Khi đốt hợp chất của các kim loại kiềm khác nhau trên ngọn lửa đèn khí sẽ thấy ngọn lửa có màu khác nhau:
+ Hợp chất của Li: ngọn lửa có màu đỏ tía.
+ Hợp chất của Na: ngọn lửa có màu vàng.
+ Hợp chất của K: ngọn lửa có màu tím.
⇒ Có thể nhận biết hoặc phân biệt các hợp chất của kim loại kiềm dựa vào màu ngọn lửa khi đốt chúng.
=> Giáo án Hóa học 12 Cánh diều bài 17: Nguyên tố nhóm IA