Nội dung chính Ngữ văn 11 cánh diều Bài 7: Kiến thức ngữ văn
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 7: Kiến thức ngữ văn sách ngữ văn 11 cánh diều. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo
Xem: => Giáo án ngữ văn 11 cánh diều
KIẾN THỨC NGỮ VĂN
I. TÙY BÚT, TẢN VĂN
- Tùy bút
- Tùy bút là văn xuôi trữ tình – một loại tác phẩm tự sự phi hư cấu.
- Ghi chép một cách tự do những suy nghĩ, cảm xúc mang màu sắc cá nhân của người viết về con người và sự việc.
-> Vì thế, bài tuỳ bút thường thể hiện rất rõ cái “tôi” độc đáo, cũng như tâm hồn, tình cảm của tác giả.
- Ngôn ngữ của tuỳ bút thường rất giàu chất thơ.
- Tản văn
- Tản văn – một loại tác phẩm gần với tuỳ bút, cũng là loại tác phẩm tự sự phi hư cấu, sử dụng kết hợp nhiều phương thức biểu đạt.
- Nội dung bài tản văn thường nêu lên các hiện tượng chân thực, gần gũi với cuộc sống nhưng giàu ý nghĩa xã hội.
-> Thông qua nội dung ấy, người viết bộc lộ trực tiếp tình cảm, suy nghĩ mang đậm cá tính của mình.
- Sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình trong tùy bút, tản văn
Với nhiệm vụ ghi chép sự thật của đời sống, từ đó bộc lộ những suy nghĩ, tình
cảm, cảm xúc của người viết, cả tuỳ bút và tản văn đều cần có sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình.
- Tự sự là kể lại sự việc (bối cảnh, nhân vật, quá trình, kết quả,...); trữ tình là bộc lộ trực tiếp những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc chủ quan của người viết trước con người và sự việc được nói tới.
- Tuỳ vào đề tài và mục đích bài viết mà tác giả kết hợp các yếu tố tự sự và trữ tình với những mức độ khác nhau. Nhưng nhìn chung, tuỳ bút sử dụng nhiều yếu tố trữ tình, còn tản văn dùng nhiều yếu tố tự sự.
II. TRUYỆN KÍ
– Truyện kí là thể loại giao thoa giữa truyện và kí, trong đó, nhà văn dựa vào những con người và sự việc có thật, lựa chọn, sắp xếp và tổ chức thành câu chuyện hấp dẫn, làm nổi bật đối tượng được phản ánh bằng ngôn ngữ văn học. Truyện kí phát triển mạnh trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ do yêu cầu cổ vũ động viên, ca ngợi người thật, việc thật... Những tác phẩm như Sống như anh (của Trần Đình Vân viết về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi), Người mẹ cầm súng (của Nguyễn Thi viết về cuộc đời chị Út Tịch),... là những truyện kí tiêu biểu của thời kì chống Mỹ cứu nước.
– Sự kết hợp giữa hư cấu và phi hư cấu: Truyện kí chú trọng tính xác thực về con người và sự kiện,.. đồng thời sử dụng hư cấu với các chi tiết, tâm lí nhân vật, sự việc.... do nhà văn tưởng tượng ra khiến câu chuyện hiện lên vừa chân thực, khách quan vừa sinh động theo cách nhìn độc đáo của tác giả. Ví dụ: Truyện kí Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi dựa trên câu chuyện có thật về người phụ nữ Nam Bộ anh hùng trong thời kì chống Mỹ cứu nước là chị Nguyễn Thị Út. Trên cơ sở sự việc và con người có thật ấy, để câu chuyện sinh động, hấp dẫn hơn, Nguyễn Thi có những sáng tạo trong việc lựa chọn
chi tiết, sắp xếp sự việc, tình huống, sử dụng lời kể, miêu tả tâm lí nhân vật,... Truyện kí Vào chùa gặp lại của Minh Chuyên cũng có sự kết hợp giữa hư cấu và phi hư cấu như vậy.
III. CÁCH GIẢI THÍCH NGHĨA CỦA TỪ
- Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, hiện tượng, khái niệm, cảm xúc,...) mà từ biểu thị. Một từ có thể có một nghĩa hoặc nhiều nghĩa. Nghĩa của từ nhiều nghĩa gồm nghĩa gốc (nghĩa cơ sở) và nghĩa chuyển (nghĩa phái sinh). Để xác định nghĩa cụ thể của một từ nhiều nghĩa trong văn bản, ta cần dựa vào ngữ cảnh (hoàn cảnh giao tiếp và các từ ngữ xung quanh từ ấy).
Có những cách giải thích nghĩa của từ như sau:
- Giải thích bằng cách nêu khái niệm mà từ biểu thị. Ví dụ: Cách giải thích các thuật ngữ tùy bút, tản văn ở phần Kiến thức ngữ văn này.
- Giải thích trực quan. Chẳng hạn, giải thích nghĩa của từ đàn tính bằng cách cho xem cây đàn thật hoặc hình ảnh cây đàn; giải thích nghĩa của từ cây bằng tranh, ȧnh, video,...
- Giải thích bằng cách đặt từ cần giải thích vào trong một câu cụ thể nhằm xác lập ngữ cảnh sử dụng. Chẳng hạn, nghĩa của từ ngon trong hai ngữ cảnh sau đây sẽ khác nhau: Món này ngon lắm! (ngon: nghĩa gốc, chỉ vị giác) và Xe này ngon lắm! (ngon: nghĩa phái sinh, có nghĩa là “tốt”, “chất lượng").
– Giải thích bằng các từ đồng nghĩa, trái nghĩa. Ví dụ: phi trường: sân bay; thất bại. không thành công.
– Giải thích bằng cách giải nghĩa các thành tố tạo nên từ đó. Chẳng hạn, xe ngựa là “xe do ngựa kéo”; yếu điểm là “điểm quan trọng, điểm chính" (yếu có nghĩa là “quan trọng”).
IV. CÁCH TRÌNH BÀY TÀI LIỆU THAM KHẢO TRONG MỘT BÁO CÁO NGHIÊN CỨU
- Người viết báo cáo nghiên cứu cần thông tin đầy đủ về các tài liệu mà mình đã tham khảo để bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ của tác giả những tài liệu đó, đồng thời giúp cho nội dung báo cáo thêm thuyết phục.
- Tài liệu tham khảo thường được lập thành danh sách (danh mục), đặt ở cuối báo cáo; sắp xếp họ tên tác giả (hoặc tên tài liệu) theo thứ tự chữ cái trong bảng chữ cái. Thông tin về mỗi tài liệu tham khảo gồm có: tác giả, năm xuất bản, tên tài liệu, nhà xuất bản, địa điểm xuất bản. Nếu tài liệu tham khảo là bài báo thì cần nêu thêm tên tạp chí và số của các trang có bài báo.
- Ví dụ:
- Cao Xuân Hạo (2000), Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Đào Duy Anh phiên chủ (1976), Quốc âm thi tập, trong “Nguyễn Trãi toàn tập", NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Đỗ Đức Hiểu (1990), "Những lớp sóng ngôn từ trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng", Tạp chí Ngôn ngữ, số 4, trang 7 – 12.
=> Giáo án Ngữ văn 11 cánh diều Bài 7 Kiến thức ngữ văn