Nội dung chính Ngữ văn 9 chân trời Bài 10: Sông Đáy
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 10: Sông Đáy sách Ngữ văn 9 chân trời sáng tạo. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.
Xem: => Giáo án ngữ văn 9 chân trời sáng tạo
BÀI 10: TIẾNG VỌNG NHỮNG NGÀY QUA
ĐỌC MỞ RỘNG THEO THỂ LOẠI: SÔNG ĐÁY
I. Trải nghiệm cùng văn bản
1. Đọc
- Cách đọc: Khi đọc, HS cần chú ý thể hiện được cảm xúc, tình cảm của nhà thơ…
2. Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm
a. Tác giả
- Nguyễn Quang Thiều: sinh năm 1957, nhà thơ, nhà văn, ngoài làm thơ, ông còn viết tiểu thuyết, truyện ngắn, bút kí và làm báo.
b. Tác phẩm
- Bài thơ Sông Đáy được sáng tác vào năm 1991 in trong Châu thổ, NXB Hội Nhà Văn, 2011.
II. Suy ngẫm và phản hồi
1. Một số đặc điểm hình thức của bài thơ Sông Đáy
- Thể thơ tự do rất gần với “thơ văn xuôi”; không vần, ngắt nhịp phóng túng theo dòng cảm xúc.
- Từ ngữ chọn lọc, nhiều khi có những kết hợp mới lạ (Sông Đáy chảy vào đời tôi, lưng - người (mẹ) đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm;...).
- Hình ảnh so sánh mang tính sáng tạo vì dựa trên các liên tưởng bất ngờ (Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt/ Cơn mơ vang lên tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc/ Âm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn hoặc đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn dụa nước mưa sông); điều này giúp tác giả ghi lại được những ấn tượng sâu đậm của mình về Sông Đáy và về người mẹ.
- Biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong nhiều dòng; từ ngữ cảm thán, hô ngữ xuất hiện ở nhiều vị trí của bài thơ giúp thể hiện được tình cảm trìu mến, thiết tha của tác giả.
2. Hình ảnh con sông Đáy và tình cảm, cảm xúc của nhà thơ
a. Nội dung bao quát
Nội dung bao quát gồm: Hình ảnh Sông Đáy và hình ảnh người mẹ trong tâm hồn nhà thơ.
b. Hình ảnh con sông Đáy
- Hai khổ thơ đầu: Sông Đáy với những kỉ niệm, kí ức tuổi thơ và hình ảnh mẹ.
+ Sông Đáy chảy vào cuộc đời tôi: Cuộc đời tôi như dòng chảy của dòng sông và ngược lại, dòng sông như dòng máu chảy trong cuộc đời tác giả.
+ Hình ảnh mẹ gánh nặng, lưng ướt đẫm mồ hôi: Sự vất vả, hi sinh thầm lặng của mẹ.
=> Mẹ và dòng sông như hòa làm một, tình mẹ như dòng sông Đáy theo con suốt cả cuộc đời.
+ Người bước hụt: Sự hụt hẫng, thiếu vắng trong lòng con trong thời gian sống xa quê hương.
+ Trong cơn mơ với âm thanh cá quẫy tuột câu cũng khiến tác giả nghẹn ngào, khóc nấc.
=> Nỗi nhớ ấy khiến con mong dòng sông có thể đưa con về quê hương, dâng nước lấp đầy khoảng trống trong đôi mắt khô cạn chờ ngày trở về. Con nhớ quê và nhớ mẹ đến mức nào cũng không bằng sự chờ đợi, mong ngóng của mẹ dành cho con.
- Khổ thơ tiếp theo: Sông Đáy thực tại cùng sự tiếc nuối khi tình yêu dang dở.
+ Cánh buồm cổ tích, đôi môi màu dâu chín: Những kỉ niệm, kí ức đẹp đẽ về tình yêu lứa đôi.
+ Sang đò một ngày sông vắng nước”: duyên phận lỡ làng, dở dang. Em đã sang ngang khi sông vắng nước, khi anh rời xa quê hương lập nghiệp
=> Sông Đáy như chứng kiến đoạn tình duyên ngắn ngủi giữa đôi trai gái, họ yêu nhau nhưng lại không đến được với nhau.
c. Tình cảm, cảm xúc của người viết khi viết về Sông Đáy
- Tình cảm, cảm xúc của tác giả dành cho dòng sông quê hương (Sông Đáy) là những ân nghĩa sâu xa đối với dòng sông – cũng là với người mẹ tần tảo đã nuôi dưỡng, bồi đắp yêu thương, bồi đắp tâm hồn tác giả.
- Mối liên hệ giữa hình ảnh dòng sông và người mẹ là hình ảnh song hành, soi chiếu vào nhau làm nổi bật những phẩm chất tương đồng: đời sông và đời mẹ; phù sa của dòng sông và “phù sa” của lòng mẹ,... Trong bài thơ, Sông Đáy và mẹ được gọi nhớ sóng đôi rồi hoà nhập làm một (Sông Đáy chảy vào đời tôi/ Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả/ Tôi dụi mặt vào lưng người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm hoặc: Toả mát xuống con đau tôi là tóc mẹ bến mòn đứng đợi), vì thế, thương nhớ nhìn thấy hình ảnh dòng sông cũng là mong được nhìn thấy mẹ (Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy/ Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn giụa nước mưa sông). Cuối bài thơ, “tôi” trò chuyện với Sông Đáy cũng là cách “tôi” gửi thương nhớ đến mẹ mình. Có thể nói kí ức về mẹ của tác giả hoà vào kí ức về Sông Đáy.
3. Chủ đề và thông điệp của văn bản
a. Chủ đề
- Chủ đề: bài thơ thể hiện những tình cảm, cảm xúc của nhà thơ dành cho con sông quê hương và người mẹ của mình.
- Một số căn cứ để xác định chủ đề:
+ Nhan đề (Sông Đáy); hình ảnh, biểu tượng con Sông Đáy, người mẹ trở đi trở - lại trong suốt bài thơ, các chi tiết nghệ thuật quan trọng như hình ảnh so sánh, liên tưởng, gọi nhắc về mẹ từ hình ảnh Sông Đáy;...
+ Những từ ngữ thể hiện kí ức, ấn tượng sâu sắc về quê hương qua hình ảnh Sông Đáy và người mẹ; tình cảm, cảm xúc thương nhớ con sông và người mẹ của chủ thể trữ tình xưng “tôi”.
b. Thông điệp
- Hãy trân trọng, gìn giữ kí ức của tuổi thơ trong tâm hồn, nhất là khi kí ức ấy gắn với quê hương và với người mẹ sinh thành của ta.
4. Tổng kết
a. Nội dung
- Bài thơ kể về tâm trạng của một đứa con trở về quê hương và gặp lại con sông Đáy, nơi tạo nên ký ức tuổi thơ và những hình ảnh đẹp của người mẹ. Những nỗi buồn da diết đó được thể hiện qua từng hình ảnh thơ khi tác giả nhớ về.
b. Nghệ thuật
- Thể thơ tự do.
- Ngôn ngữ thơ giàu nhạc điệu và tinh tế.
- Ngòi bút uyên bác và tạo được cái riêng.
=> Giáo án Ngữ văn 9 Chân trời bài 10: Sông Đáy (Nguyễn Quang Thiều)