Nội dung chính Ngữ văn 9 chân trời Bài 7: Thực hành tiếng Việt
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 7: Thực hành tiếng Việt sách Ngữ văn 9 chân trời sáng tạo. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.
Xem: => Giáo án ngữ văn 9 chân trời sáng tạo
BÀI 7: HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ SỰ THẬT
THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT: CÂU RÚT GỌN VÀ CÂU ĐẶC BIỆT
I. Tìm hiểu tri thức Ngữ văn
1. Câu rút gọn
- Câu rút gọn là loại câu bị lược bỏ một hoặc một vài thành phần nào đó và có thể khôi phục lại (các) thành phần bị rút gọn nhờ ngữ cảnh.
Ví dụ:
“- Anh đang làm gì?
- Đọc sách”. (Rút gọn chủ ngữ).
“- Ai đã trồng những cây hoa này?
- Mẹ tôi”. (Rút gọn vị ngữ)
=> Chú ý: Câu rút gọn bị tỉnh lược có thể khôi phục thành câu đầy đủ.
2. Câu đặc biệt
- Câu đặc biệt là loại câu không có cấu tạo theo mô hình chủ ngữ – vị ngữ mà - chỉ có một nòng cốt đặc biệt. Loại câu này do một từ hoặc một cụm từ (trừ cụm chủ – vị) cấu tạo thành.
- Câu đặc biệt dùng để bộc lộ cảm xúc, gọi – đáp hoặc chỉ sự tồn tại của sự vật, hiện tượng, sự kiện,... Trong câu đặc biệt, có thể có thêm các thành phần phụ.
Ví dụ: Và tôi vừa trở dậy bỗng nghe thấy tiếng chó Ki rộn vang từ ngoài ngõ và cao bổng tận trời xanh. Chó Ki! Cứ nghĩ rằng đang trong chiêm bao! Mà rành rành đây chính là hình khối chó Ki lông vàng mượt, bụng thon, chân dài, tai vểnh đang lao tới. Không!Còn hơn thế nữa! Chó Ki đang dẫn bố tôi về!
II. Luyện tập
Bài 1 (trang 46 SGK)
a. Câu rút gọn có trong đoạn trích:
(1) Phải nhanh lên mới được.
(2) Giống đấy...
=> Tác dụng: Việc sử dụng câu rút gọn giúp tránh lặp lại những từ ngữ đã xuất hiện trước đó, do đó làm cho nhịp độ cuộc đối thoại nhanh hơn.
b. Khôi phục thành phần bị rút gọn:
(1) Ta phải nhanh lên mới được.
(2) Giống cụ Di Lung đấy!
Bài 2 (trang 46 SGK)
a. Câu đặc biệt: Ôi, Chúa ơi! (Bộc lộ cảm xúc).
* Lưu ý: Trong câu đặc biệt này có một thành phần phụ – thành phần cảm thán (Ôi). Mặc dù có cấu tạo kiểu như một câu đặc biệt gọi – đáp với cấu trúc X + ơi, nhưng những câu như: “Chúa ơi!”, “Trời ơi!”, ... có chức năng bộc lộ cảm xúc.
b. Câu đặc biệt:
+ Có tiếng gì trong cái hòm này... như tiếng thở ấy... (Chỉ sự tồn tại của sự vật, hiện tượng, sự kiện,...).
+ Eo ơi! (Bộc lộ cảm xúc).
c. Câu đặc biệt:
+ A! (Bộc lộ cảm xúc).
+ Anh Khiết ơi! (Gọi – đáp).
Bài 3 (trang 46-47 SGK)
a. Câu rút gọn: Bỏ rơi ông?
b. Câu đặc biệt:
+ Chao ôi!
+ Trời ơi!
Lưu ý: “Hai trăm ngàn đồng tiền mặt” không phải là một câu rút gọn mà là một phần chưa nói hết (do quãng ngừng trong hội thoại) của câu “Và để thưởng công cho thị Lý, vì thị đã chăm nom, nâng đỡ tôi, tôi để lại cho thị hai trăm ngàn đồng tiền mặt.” trong lời thoại của Khiết.
Bài 4 (trang 47 SGK)
a. Á, à, tôi biết rồi. (Thành phần cảm thán).
Thành phần cảm thán này có thể tách ra (có dấu ngắt câu) tạo thành câu đặc biệt dùng để bộc lộ cảm xúc.
Ví dụ: Á, à! Tôi biết rồi.
=> Á, à! (Câu đặc biệt bộc lộ cảm xúc).
b. Hình như cô đã chờ sẵn đâu đó ở phòng bên. (Thành phần tình thái).
+ Thành phần tình thái này không thể tách ra tạo thành câu đặc biệt.
+ Chúng ta không thể viết: Hình như. Cô đã chờ sẵn đâu đó ở phòng bên.
=> Thành phần tình thái thể hiện thái độ của người nói đối với sự việc, hiện tượng,... được nói đến trong câu, do đó, thường đi kèm phần thông tin về sự việc, hiện tượng,... được đề cập đến trong câu.
Bài 5 (trang 47 SGK)
a. Câu trả lời của Nam trong tình huống trên không phù hợp vì trong tình huống giao tiếp với người có tuổi tác, địa vị cao hơn mình (ở đây là cô giáo), câu nói của Nam (Tri thức Ngữ văn.) bị xem là “nói trống không", là cách nói thiếu lễ phép. Vì vậy, HS cần lưu ý sử dụng câu rút gọn trong những tình huống giao tiếp phù hợp.
b. Với câu hỏi của cô giáo, chúng ta có thể có những câu trả lời sau:
(1) Tri thức Ngữ văn ạ.
(2) Dạ, phần Tri thức Ngữ văn.
(3) Dạ, lớp mình học đến phần Tri thức Ngữ văn.
(4) Dạ, lớp mình học đến phần Tri thức Ngữ văn ạ.
Bài 6 (trang 47 SGK)
Mẹ: Con ơi, sắp đến Tết rồi, con muốn về quê thăm ông bà không?
Con: Dạ muốn ạ! Con nhớ ông bà và các bạn ở quê nhiều.
Mẹ: Tốt rồi! Hôm qua, mẹ đã gọi điện hỏi thăm ông bà rồi. Ông bà khỏe mạnh và cũng mong được gặp con.
Con: (Vui mừng) Thật ạ! Con sẽ cố gắng học tập tốt để về quê vui Tết cùng ông bà.
Mẹ: (Mỉm cười) Con ngoan lắm!
+ Câu đặc biệt: "Tốt rồi!”, “Thật ạ!”
=> Tác dụng: Thể hiện sự đồng ý của mẹ và sự vui mừng của con.
+ Câu rút gọn: "Dạ muốn ạ!”
=> Tác dụng: Làm cho câu ngắn gọn, súc tích, nhấn mạnh sự mong chờ của con về quê.
=> Giáo án Ngữ văn 9 Chân trời bài 7: Thực hành tiếng Việt