Nội dung chính Ngữ văn 9 chân trời Bài 9: Cái bóng trên tường
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 9: Cái bóng trên tường sách Ngữ văn 9 chân trời sáng tạo. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.
Xem: => Giáo án ngữ văn 9 chân trời sáng tạo
BÀI 9: NHỮNG BÀI HỌC TỪ TRẢI NGHIỆM ĐAU THƯƠNG
ĐỌC MỞ RỘNG THEO THỂ LOẠI: CÁI BÓNG TRÊN TƯỜNG
I. Trải nghiệm cùng văn bản
1. Đọc
- Cách đọc: Khi đọc, HS cần chú ý ngữ điệu phù hợp với cảm xúc của nhân vật (tha thiết, giằng xé, khổ đau…).
2. Tác giả - tác phẩm
a. Tác giả
Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003): nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học, nhạc sĩ, tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng thuộc các thể loại: thơ, truyện, kịch, âm nhạc,... (xem thêm ở văn bản thơ Việt Nam quê hương ta, Ngữ văn 6, tập một, bộ sách Chân trời sáng tạo, NXB Giáo dục Việt Nam, 2021).
b. Tác phẩm
- Cái bóng trên tường là chi tiết quan trọng trong một truyện kể dân gian về nỗi oan khuất của nàng Vũ Thị Thiết, sau được Nguyễn Dữ viết thành truyện truyền kì nổi tiếng: Chuyện người con gái Nam Xương (xem Bài 4. Con người trong thế giới kì ảo).
- Văn bản in trong Tuyển tập Nguyễn Đình Thi, NXB Văn học, 1993.
II. Suy ngẫm và phản hồi
1. Cốt truyện, xung đột kịch của văn bản
a. Tóm tắt cốt truyện
Tóm tắt cốt truyện | |
Sự việc 1 | Người chồng đi lính nơi biên ải tưởng đã chết, bỗng trở về gặp lại vợ con. |
Sự việc 2 | Trong lúc đi thăm mộ mẹ, anh ta nghe tiếng đứa con nói về một người bố khác, đêm nào cũng đến với hai mẹ con. Người chồng nghĩ rằng vợ mình đã thay lòng đổi dạ, theo người đàn ông khác nên mắng nhiếc thậm tệ, một mực đuổi vợ đi. |
Sự việc 3 | Người vợ mang nỗi oan ra đi và gieo mình xuống sông. Biết tin, người chồng rất ngạc nhiên, thương xót và có phần hối hận vì đã nặng lời với vợ. |
Sự việc 4 | Khi đêm xuống, thắp đèn lên, đứa con tên Đản chỉ lên cái bóng người chồng trên tường mà gọi bố, nói rằng đó mới chính là bố Đản. Người chồng vỡ lẽ ra rằng: hoá ra vợ mình vẫn một lòng nuôi con, rất mực chịu thương chịu khó, chung thuỷ với chồng. |
Sự việc 5 | Biết vợ đã vì mình mà chết oan, Người chồng ngã vật xuống, ngất đi. Trong cơn mê của anh, bóng người vợ hiện lên an ủi chồng và nói nàng vẫn ở bên anh qua cái bóng trên tường mỗi đêm, khi anh thắp đèn lên. |
b. Xung đột kịch
- Xung đột của vở kịch Cái bóng trên tường là xung đột giữa thói ghen tuông hồ đồ của người chồng với lòng thuỷ chung của người vợ.
- Đây là kiểu xung đột giữa cái cao cả với cái thấp kém, tạo nên tính bi kịch của tác phẩm.
2. Nhân vật trong văn bản
- Người chồng:
+ Ban đầu nghĩ vợ đã phản bội, mạt sát và đuổi vợ ra khỏi nhà.
+ Sau khi biết sự thật, ngạc nhiên và hối. hận vì đã đối xử quá nặng nề với vợ.
- Người vợ:
+ Chịu đựng sự đối xử nặng nề của chồng, đã tự tử bằng cách nhảy xuống sông.
+ Dù đã ra đi, vẫn hiện diện bên chồng, an ủi và tiếp thêm sức sống cho chồng qua cái bóng trên tường.
- Nguyên nhân thay đổi thái độ, cách ứng xử của người chồng: Do biết mình đã hiểu lầm lời nói ngây thơ của con.
3. Chi tiết cái bóng và xác định chủ đề, thông điệp của văn bản
a. Ý nghĩa của hình ảnh “cái bóng trên tường”
- Nghĩa thực: bóng các nhân vật (người vợ, người chồng) do ánh đèn hắt lên trên tường, mỗi khi đêm đến.
- Nghĩa biểu tượng:
+ “Cái bóng trên tường” là ảo ảnh, như hiện thân của một sự ngộ nhận sai lầm, đáng tiếc, khó lòng sửa chữa của những người ứng xử hồ đồ, ghen tuông mù quáng.
+ “Cái bóng trên tường” như là hình ảnh thân thiết, đầm ấm của người vợ, người - mẹ độ lượng, tiếp thêm sức sống cho chồng, con.
b. Chủ đề và thông điệp
- Chủ đề: sự hồ đồ dẫn đến kết cục bi thương và hậu quả đáng tiếc trong cuộc sống gia đình.
- Thông điệp: cần cẩn trọng khi nhìn nhận, xét đoán người khác, đồng thời hãy sống độ lượng và biết tha thứ.
4. Tổng kết
a. Nội dung
- Hãy trân trọng, tin tưởng những người xung quanh mình.
- Cần xem xét kĩ từng vấn đề, nhìn nhận đánh giá qua nhiều góc độ khác nhau.
- Hãy sáng suốt nhìn nhận vấn đề và đừng mù quáng, gây ra hối hận về sau.
b. Nghệ thuật
- Khai thác đề tài dân gian, trên nền của những tích, truyện dân gian, tác giả đã tạo nên cốt truyện kịch hiện đại, mềm dẻo, linh hoạt hơn, kịch tính hơn.
- Ngôn ngữ kịch mang chiều sâu triết lý, giàu cảm xúc.
=> Giáo án Ngữ văn 9 Chân trời bài 9: Cái bóng trên tường (Nguyễn Đình Thi)