Bài tập file word Sinh học 10 cánh diều Ôn tập Chủ đề 4: Thành phần hoá học của tế bào

Bộ câu hỏi tự luận Sinh học 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 4: Thành phần hoá học của tế bào. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 10 cánh diều.

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 4: THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA TẾ BÀO

(20 CÂU)

Câu 1: Có bao nhiêu nguyên tố hóa học trong tế bào? Các nguyên tố trong cơ thể sinh vật được chia thành mấy nhóm?

Trả lời:

- Có khoảng 20 – 25% các nguyên tố hóa học tồn tại trong tự nhiên là các nguyên tố cần thiết cho sinh vật.

- Dựa vào tỉ lệ phần trăm khối lượng cơ thể, các nguyên tố trong cơ thể sinh vật được chia thành hai nhóm: nguyên tố đại lượng (đa lượng) và nguyên tố vi lượng.

Câu 2: Phân tử sinh học là gì và bao gồm những chất nào?

Trả lời:

- Phân tử sinh học là hợp chất hữu cơ được tạo ra từ tế bào và cơ thể sinh vật.

- Các phân tử sinh học gồm: những phân tử lớn tham gia cấu tạo tế bào (carbohydrate, protein, nucleic acid, lipid); những phân tử nhỏ là các sản phẩm trao đổi chất (aldehyde, alcohol, acid hữu cơ); các chất tham gia xúc tác, điều hòa (vitamin, hormone).

Câu 3: Carbon có đặc điểm và vai trò gì?

Trả lời:

- Đặc điểm: Carbon có bốn electron tự do tham gia liên kết cộng hóa trị với các nguyên tử carbon khác và các nguyên tử khác như O, N, P,…

- Vai trò: Nhờ cấu tạo đặc biệt, các nguyên tử carbon tạo nên mạch “xương sống” của các hợp chất hữu cơ chính có trong tế bào và tạo nên sự đa dạng về cấu trúc của các hợp chất.

Câu 4: Amino acid có cấu tạo như thế nào?

Trả lời:

- Có khoảng 20 loại amino acid chính tham gia cấu tạo protein.

- Mỗi amino acid được cấu tạo gồm 3 thành phần là: 1 nhóm carboxyl, 1 nhóm amino và mạch bên (gốc R). Các amino acid khác nhau về mạch bên (gốc R).

- Trong 20 loại amino acid, có 9 loại amino acid không thay thế. Amino acid không thay thế là những amino acid mà con người và động vật không tự tổng hợp được nhưng cần thiết cho hoạt động sống nên phải thu nhận từ nguồn thức ăn.

Câu 5: Nước có vai trò như thế nào đối với sự sống của tế bào và cơ thể?

Trả lời:

- Nước chiếm khoảng 70 – 90 % khối lượng tế bào và còn là thành phần chính của dịch gian bào, huyết tương, dịch khớp,…

- Nước là dung môi hòa tan nhiều hợp chất như muối, đường, protein,…

- Nước là môi trường và nguyên liệu cho nhiều phản ứng trong tế bào.

- Nước là môi trường vận chuyển các chất.

- Nước giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể nhờ sự phá vỡ và hình thành các liên kết hydrogen giữa các phân tử nước.

Câu 6: Ở động vật, triglyceride có vai trò gì?

Trả lời:

- Ở động vật, lượng triglyceride hấp thu dư thừa so với nhu cầu hằng ngày có thể được biến đổi thành mỡ dự trữ vừa có vai trò dự trữ năng lượng vừa có vai trò làm lớp đệm cách nhiệt và bảo vệ các cơ quan tránh được các tổn thương do tác động cơ học.

- Triglyceride là dung môi hòa tan nhiều vitamin như A, D, E, K nên cần thiết cho sự hấp thu các vitamin này.

Câu 7: Lấy ví dụ về nguyên tố vi lượng.

Trả lời:

Ví dụ: F, Cu, Fe, Zn, I, Na,…

Câu 8: Cholesterol có vai trò gì đối với cơ thể?

Trả lời:

Vai trò của cholesterol: tham gia cấu tạo màng sinh chất và điều hòa tính lỏng của màng ở tế bào động vật; là tiền chất của các hormone steroid như cortisol, estrogen, testosterone tham gia điều hòa sự trao đổi chất, sinh trưởng và sinh sản của cơ thể.

Câu 9: Cơ thể thiếu một số nguyên tố đại lượng và vi lượng có thể gây ra vấn đề gì? Lấy ví dụ.

Trả lời:

- Cơ thể thiếu một số nguyên tố đại lượng và vi lượng có thể gây ra một số rối loạn về chuyển hóa và bệnh.

- Ví dụ: Ở người, nếu thiếu iondine, tuyến giáp sẽ phát triển bất thường và dẫn đến bị bệnh bướu cổ. Ở thực vật, thiếu Fe gây bệnh vàng lá ở lá non.

Câu 10: Cơ thể người lấy nguyên liệu từ đâu để tổng hợp các nucleic acid? Khi bị rối loạn chuyển hóa uric acid thì điều gì sẽ xay ra?

Trả lời:

- Nguồn cung cấp nguyên liệu để tổng hợp các nucleic acid cho cơ thể người là từ các loại thực phẩm.

- Khi bị rối loạn chuyển hóa uric acid, nếu ăn nhiều thức ăn giàu nucleic acid, nhân purin trong nucleic acid sẽ dễ chuyển hóa thành uric acid tích lũy lại trong các khớp xương gây nên bệnh goute.

Câu 11: Làm thế nào để biết nguồn nước mình uống an toàn?

Trả lời:

Giấy chứng nhận nước sạch của những cơ quan có thẩm quyền chính là cơ sở để bạn xác định được nguồn nước mình sử dụng có an toàn hay không. Ngoài ra, việc quan sát và phát hiện những bất thường cũng là điều nên thực hiện đều đặn.

Câu 12: Trình bày cấu trúc và chức năng của nucleic acid.

Trả lời:

- Cấu trúc:

+ Nucleic acid được cấu tạo theo nguyên tắc đa phân mà đơn phân là các nucleotide (đơn phân của DNA là 4 loại A, T, G, C; đơn phân của RNA là 4 loại A, U, G, C). Sự đa dạng và đặc thù của nucleic acid được quy định bởi số lượng, thành phần và trình tự sắp xếp của các nucleotide.

+ Các nucleotide kết hợp với nhau qua liên kết phosphodiester được hình thành giữa đường pentose của nucleotide này với gốc phosphate của nucleotide kế tiếp tạo nên chuỗi polynucleotide.

- Chức năng:

+ DNA có vai trò quy định, lưu trữ và truyền đạt thông tin di truyền.

+ RNA có nhiều chức năng khác nhau trong quá trình truyền đạt thông tin di truyền từ DNA sang protein. Ở một số virus, RNA đóng vai trò là vật chất di truyền mang thông tin quy định các đặc điểm cấu tạo của chúng.

Câu 13: Nguồn carbon cung cấp cho tế bào trong cơ thể được lấy từ đâu?

Trả lời:

Nguồn carbon cung cấp cho tế bào trong cơ thể chúng ta được lấy từ các chất dinh dưỡng có trong các loại thức ăn. Khi thức ăn được đưa vào trong cơ thể → phân giải → chất dinh dưỡng đơn giản → hấp thụ vào máu đưa đến các tế bào → diễn ra hàng loạt các phản ứng sinh hóa để tổng hợp nên các chất cần thiết.

Câu 14: Kể tên một số loại đường đơn, đường đôi, đường đa phổ biến.

Trả lời:

- Một số loại đường đơn: Phổ biến là các triose, pentose (ribose và deoxyribose) và hexose (glucose, fructose, galactose).

- Một số loại đường đôi: Một số disaccharide phổ biến là sucrose (có nhiều trong quả, mía, củ cải đường) và lactose (có trong sữa).

- Một số loại đường đa: Một số polysaccharide phổ biến là tinh bột (khoảng 20 % amylose và 80 % amylopectin), cellulose, glycogen, chitin.

Câu 15: Độ cứng của nước là gì? Tác hại của nước cứng là gì? Độ cứng có ảnh hưởng gì sức khỏe không?

Trả lời:

- Độ cứng của nước là tổng hàm lượng Ca2+ và Mg2+ trong nước. Nước cứng làm giảm tuổi thọ của sản phẩm đồng thời làm giảm hương vị món ăn. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng khô tóc, mẩn ngứa, da nhạy cảm, sỏi thận…

- Độ cứng không độc hại đối với sức khỏe nhưng khi dùng nước có độ cứng cao phải tiêu hao nhiều xà phòng hơn do các ion canxi và magie phản ứng với axit béo tạo thành các hợp chất khó hòa tan. 

Câu 16: Vì sao các nhà khoa học cho rằng RNA xuất hiện trước DNA và DNA dần thay thế RNA trở thành vật chất di truyền?

Trả lời:

Có rất nhiều căn cứ khác để cho rằng ARN có trước DNA:

- Thứ nhất, ARN có cấu trúc rất đơn giản, chỉ có mạch đơn, có khả năng nhân đôi mà không cần đến enzim như quá trình nhân đôi DNA.

- Thứ hai, ARN mạch đơn, có khả năng tạo ra nhiều cấu trúc không gian khác nhau, đồng nghĩa với việc ARN tham gia được nhiều hoạt động sống trong tế bào đặc biệt cần thiết trong các đoạn probiont đang tiến hóa.

- Thứ ba, ARN còn có khả năng xúc tác enzim và một số ribozim có khả năng xúc tác tạo mạch bổ sung của 1 đoạn ARN ngắn trong môi trường có đơn phân tự do.

- Thứ tư, ở bên ngoài tế bào, ARN cũng có cấu trúc bền vững hơn so với DNA.

Theo như những căn cứ trên, tất cả đều ủng hộ cho giả thuyết rằng probion đã hấp thụ ARN và do đó trở thành vật chất di truyền. Dần dần sau này DNA thay thế cho ARN bởi vì DNA là nguồn dự trữ thông tin di truyền bền vững hơn, có độ chính xác hơn khi sao chép.

Câu 17: Độ đục của nước là gì? Độ đục ảnh hưởng thế nào đến chất lượng nước? Phải làm gì nếu nước giếng có màu, mùi hoặc vị lạ?

Trả lời:

- Độ đục được hiểu là độ vẩn đục của nước do những hạt lơ lửng tồn tại trong nước mà mắt thường có thể nhìn thấy được. Hạt lơ lửng đó có thể là đất, nấm, tảo, các chất hữu cơ…

- Ngoài việc làm giảm khả năng truyền ánh sáng trong nước, độ đục còn ảnh hưởng tới quá trình quang hợp trong môi trường nước, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Độ đục càng cao thì mức độ nguy hại của nó tới đối tượng sử dụng càng cao.

- Khi phát hiện nước giếng có những bất thường, mang mẫu nước đó tới cơ qua kiểm tra. Để chắc chắn sự thay đổi đó không đe dọa tới sức khỏe người sử dụng, gia đình nên ngưng sử dụng nguồn nước giếng trong thời gian này.

Câu 18: Kể tên một số nguồn chất béo cung cấp cho con người.

Trả lời:

Nguồn chất béo cung cấp cho con người: mô mỡ của các loài động vật, dầu thực vật lấy từ nhiều loại hạt, quả khác nhau như lạc, vừng,...

Câu 19: Tại sao phospholipid có thể hình thành hai lớp của màng

Trả lời:

Phospholipid là một loại chất béo phức tạp, được cấu tạo từ một phân tử glycerol liên kết với hai acid béo ở một đầu, đầu còn lại liên kết với nhóm phosphate. Nhóm phosphate thường liên kết với một nhóm được gọi là choline, tạo thành phosphatidylcholine. Với cấu trúc này, phospholipid được xem là một phân tử lưỡng cực, một đầu có phosphatidylcholine có tính ưa nước và hai đuôi acid béo kị nước. Nhờ tính lưỡng cực, phospholipid có thể hình thành hai lớp tạo nên cấu trúc màng của các loại tế bào.

Câu 20: Lactose, một loại đường trong sữa, bao gồm một phân tử glucose liên kết với một phân tử galactose. Đường lactose thuộc loại nào?

Trả lời:

Lactose được cấu tạo từ 2 phân tử đường đơn, bao gồm một phân tử glucose liên kết với một phân tử galactose → Lactose là một loại disaccharide.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Bài tập file word sinh học 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay