Bài tập file word Sinh học 7 cánh diều Ôn tập Chủ đề 10: Sinh trưởng và phát triển ở sinh vật (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 7 (Sinh học) cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 10: Sinh trưởng và phát triển ở sinh vật (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 7 cánh diều.

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 10: SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN Ở SINH VẬT
(PHẦN 1 – 20 CÂU)

Câu 1: Em hiểu như thế nào về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật?

Trả lời:

- Sinh trưởng ở sinh vật là quá trình tăng về kích thước, khối lượng của cơ thể do tăng số lượng và kích thước của tế bào (ở sinh vật đơn bào chỉ tăng kích thước tế bào), làm cơ thể lớn lên.

- Phát triển ở sinh vật là quá trình biến đổi tạo nên các tế bào, mô, cơ quan và hình thành chức năng mới ở các giai đoạn.

Câu 2: Vì sao gấu lại ngủ đông?

Trả lời:

Ngủ đông là một hiện tượng tự nhiên hấp dẫn được quan sát thấy ở một số loài động vật, bao gồm cả gấu. Trong những tháng mùa đông, gấu đi vào giấc ngủ sâu được gọi là ngủ đông để tiết kiệm năng lượng và tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt.

Câu 3: Các loài thực vật khác nhau có các giai đoạn sinh trưởng và phát triển như thế nào?

Trả lời:

Các loài thực vật khác nhau có các giai đoạn sinh trưởng và phát triển khác nhau. Các giai đoạn đó nối tiếp nhau, tạo thành vòng đời của cây.

Câu 4: Con người ứng dụng hiểu biết về sinh trưởng và phát triển ở động vật trong thực tiễn như thế nào?

Trả lời:

- Điều hoà sinh trưởng và phát triển ở vật nuôi bằng sử dụng các loại vitamin, khoáng chất kích thích sự trao đổi chất, thúc đẩy sinh trưởng, phát triển của vật nuôi.

- Điều khiển yếu tố môi trường để làm thay đổi tốc độ sinh trưởng và phát triển của vật nuôi bằng cách đảm bảo cân đối chất lượng, số lượng thức ăn; cải tạo chuồng trại đủ ánh sáng, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè; tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi.

- Tiêu diệt sâu hại cây trồng.

Câu 5: Ở chó, giai đoạn phôi và hậu phôi diễn ra như thế nào?

Trả lời:

Ở chó:

- Ở giai đoạn phôi, hợp tử phát triển thành phôi, các tế bào phôi phân hóa thành các mô và cơ quan. Giai đoạn phôi diễn ra trong cơ thể mẹ.

- Ở giai đoạn hậu phôi, con non sinh ra, sinh trưởng và phát triển để tạo thành con trưởng thành. Con non thường có đặc điểm hình thành giống con trưởng thành.

Câu 6: Mô tả vòng đời của gà.

Trả lời:

Vòng đời của gà: Hợp tử phát triển thành phôi, các tế bào phôi phân hóa tạo thành các mô, cơ quan rồi tạo thành con non trong trứng → Gà con chui ra khỏi trứng → Gà con sinh trưởng phát triển về thể chất → Gà trưởng thành có khả năng sinh sản → Gà mái thụ thai và đẻ trứng.

Câu 7: Ở thực vật có hoa, quá trình sinh trưởng và phát triển diễn ra như thế nào?

Trả lời:

Ở thực vật có hoa, quá trình sinh trưởng và phát triển có thể chia thành các giai đoạn cơ bản sau: hạt → hạt nảy mầm → cây mầm → cây con → cây trưởng thành → cây ra hoa → cây tạo quả và hình thành hạt.

Câu 8: Đề xuất biện pháp thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển của một số loài vật nuôi.

Trả lời:

- Xây dựng chế độ ăn hợp lý cho động vật nuôi

- Chọn giống có tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh, năng suất cao

- Thay đổi môi trường sống.

- Đề ra các biện pháp phù hợp tiêu diệt những loài sinh vật gây hại.

Câu 9: Cơ thể thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng sẽ gây ảnh hưởng như thế nào? Lấy ví dụ.

Trả lời:

Cơ thể thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của sinh vật qua các giai đoạn. Ví dụ: Chăn nuôi gia súc, gia cầm với thức ăn thiếu protein thì vật nuôi chậm lớn và gầy yếu; cây lúa nếu thiếu đạm thì sinh trưởng chậm, còn nếu thừa đạm thì có thể sinh trưởng nhanh nhưng phát triển chậm.

Câu 10: Vì sao nên trồng cây đúng mùa vụ?

Trả lời:

Nên trồng cây đúng mùa vụ vì:

- Ở thực vật quá trình sinh trưởng, phát triển của từng loài cây phụ thuộc rất nhiều yếu tố như nhiệt độ, ánh sáng,… Trồng đúng thời vụ giúp cây trồng có điều kiện thuận lợi nhất để sinh trưởng, phát triển và từ đó cho năng suất tối đa so với tiềm năng của nó.

- Mặt khác, trồng đúng thời vụ còn giúp cho cây khoẻ, tạo cho nó có tính chống chịu tốt nhất với các đối tượng sâu bệnh hại trên đồng ruộng.

Câu 11: Nêu biểu hiện của sự sinh trưởng và phát triển ở chó.

Trả lời:

- Biểu hiện sự sinh trưởng của con chó: tăng chiều cao, tăng kích thước và khối lượng cơ thể.

- Biểu hiện sự phát triển của con chó: chó mang thai và sinh con, chó phát triển tuyến sữa,…

Câu 12: Nhiệt độ ảnh hưởng gì tới sự sinh trưởng và phát triển của thực vật? Lấy ví dụ.

Trả lời:

Ở thực vật, nhiệt độ ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt, sự lớn lên của cây, ra hoa,... Ví dụ: Các loại rau bắp cải, su hào, củ cải phát triển tốt ở 13 – 15oC; các loại đậu đỗ, bầu bí, cà chua sinh trưởng và phát triển tốt ở 15 – 30oC.

Câu 13: Tại sao thực vật có thể sinh trưởng ở các điều kiện môi trường khác nhau?

Trả lời:

- Thực vật có khả năng sinh trưởng ở các điều kiện môi trường khác nhau do khả năng thích nghi của chúng và sự tương tác giữa gen di truyền và môi trường.

- Các yếu tố môi trường chủ yếu mà thực vật phải thích ứng bao gồm ánh sáng, nước, đất, nhiệt độ và khí hậu. Thực vật đã phát triển các cơ chế sinh học và cấu trúc vật lý để thích ứng với các yếu tố này. Ví dụ, thực vật có thể phát triển trong môi trường có ánh sáng mạnh như vùng nhiệt đới hoặc môi trường có ánh sáng yếu như dưới tầng rừng.

- Thực vật cũng có khả năng thích nghi với môi trường nước. Có những loài cây có thể sống trong môi trường nước ngọt như hồ, ao, sông và loại khác có thể sinh trưởng trong môi trường nước lợ nước mặn như cánh đồng muối hoặc biển.

- Một số loài cây có thể sinh trưởng trên đất cát, đất phù sa, đất đá vôi, đất phèn và đất pha lê. Chúng có cơ chế thích ứng với sự khô cạn, chịu mặn hoặc thích ứng với độ axit, kiềm của đất.

- Thực vật cũng có khả năng thích nghi với nhiệt độ và khí hậu khác nhau. Có những loài cây có thể sinh trưởng trong vùng nhiệt đới ẩm ướt, vùng cận nhiệt đới khô cằn, vùng ôn đới, hoặc vùng cực lạnh.

Câu 14: Các yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của động vật không?

Trả lời:

Các yếu tố di truyền có ảnh hưởng đáng kể đến quá trình sinh trưởng của động vật. Di truyền được xác định bởi DNA, và nó xác định những đặc điểm cơ bản của mỗi động vật, bao gồm màu da, kích thước, hình dạng cơ thể, cấu trúc xương, tốc độ phát triển và nhiều yếu tố khác. Yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, tuổi thọ và sức khỏe chung của các loài động vật.

Câu 15: Sinh trưởng và phát triển của sinh vật có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nào?

Trả lời:

- Di truyền: Di truyền chịu trách nhiệm quan trọng trong việc xác định sự phát triển các đặc điểm sinh học của sinh vật. Các đặc điểm di truyền được truyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo.

- Môi trường: Môi trường sống của sinh vật bao gồm yếu tố vật lý như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, độ axit của đất và môi trường hóa học như độ pH, nồng độ chất dinh dưỡng,... Môi trường có thể ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của sinh vật.

- Chế độ dinh dưỡng: Dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của sinh vật. Sự cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như protein, carbohydrate, lipid, vitamin, khoáng chất, nước,... là cần thiết để sinh vật phát triển mạnh mẽ và khỏe mạnh.

- Tương tác với sinh vật khác: Sự tương tác giữa các cá thể của cùng một loài hoặc các loài khác nhau cũng có thể ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật. Các tương tác này có thể là hợp tác, cạnh tranh hoặc ảnh hưởng lẫn nhau.

- Bệnh tật và tác động từ môi trường: Bệnh tật và các tác động từ môi trường như ô nhiễm không khí, nước, đất có thể gây hại cho sinh vật và ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng.

Câu 16: Mô phân sinh đỉnh và mô phân sinh bên có vị trí và vai trò như thế nào?

Trả lời:

Loại mô phân sinh

Vị trí

Vai trò

Mô phân sinh đỉnh

Đỉnh rễ và các chồi thân

Giúp thân, cành, rễ tăng về chiều dài

Mô phân sinh bên

Nằm giữa mạch gỗ và mạch rây

Giúp thân, cành và rễ tăng về chiều ngang

Câu 17: Nhiệt độ ảnh hưởng tới sự phát triển của loài rùa như thế nào?

Trả lời:

Trong tổ trứng rùa, nếu nhiệt độ từ <26 độ C, tỷ lệ nở ra con đực cao hơn con cái; nhiệt độ cao từ >30 độ C, con cái nhiều hơn con đực. Nhiệt độ tổ trứng từ 26-30 độ C, tỷ lệ đực, cái là 50/50.

Câu 18: Tại sao vào những ngày mùa đông cần cho gia súc non ăn nhiều hơn để chúng có thể sinh trưởng và phát triển bình thường?

Trả lời:

Gia súc thuộc nhóm động vật hằng nhiệt. Vào mùa đông khi nhiệt độ môi trường xuống thấp (trời rét), do thân nhiệt cao hơn so với nhiệt độ môi trường nên động vật mất rất nhiều nhiệt lượng vào môi trường xung quanh. Để bù lại số nhiệt lượng đã mất và duy trì thân nhiệt ổn định, cơ chế chống lạnh được tăng cường, quá trình phân hủy các chất hữu cơ giúp sinh nhiệt cho cơ thể. Vì vậy nên cho gia súc (đặc biệt là gia súc non) ăn nhiều hơn để tăng lượng chất hữu cơ cho cơ thể, tăng sức đề kháng, chống rét.

Câu 19: Tại sao sâu bướm phá hoại cây cối, mùa màng rất nặng nề, trong khi đó bướm trưởng thành thường không gây hại cho cây trồng?

Trả lời:

Sâu bướm phá hoại cây cối, mùa màng rất nặng nề, trong khi đó bướm trưởng thành thường không gây hại cho cây trồng vì:

- Sâu bướm ăn lá cây nhưng không có enzyme tiêu hóa cellulose nên tiêu hóa và hấp thụ thức ăn có hiệu quả thấp, vì vậy sâu phải ăn rất nhiều lá cây mới đáp ứng được nhu cầu chất dinh dưỡng cho cơ thể. Việc ăn lá cây của sâu bướm khiến cây cối bị tổn thương, gây ảnh hưởng nặng nề đến năng suất cây trồng.

- Hầu hết bướm trưởng thành sống bằng mật hoa, trong ống tiêu hóa chỉ có enzyme saccharase tiêu hóa đường saccharose. Việc hút mật hoa của bướm trưởng thành không gây hại cho cây trồng, thậm chí còn giúp ích cho việc thụ phấn của cây trồng.

Câu 20: Nêu cơ sở khoa học của việc trồng cây theo vùng địa lý, theo mùa. Cho ví dụ.

Trả lời:

- Cơ sở khoa học của việc trồng cây theo vùng địa lí, theo mùa là dựa vào các yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm,… Trồng cây theo vùng địa lí, theo mùa sẽ đảm bảo điều kiện ngoại cảnh thuận lợi nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của cây.

- Ví dụ:

+ Mùa xuân hè trồng cây bí đỏ, cà tím, cây họ Đậu,…; Mùa thu đông trồng các cây như bắp cải, su hào, xà lách,…

+ Vùng đồng bằng sông Hồng trồng cây lúa nước, đậu tương, khoai tây, lạc,…

+ Vùng miền núi phía Bắc trồng chè, cây ăn quả,…

+ Vùng Tây Nguyên trồng chè, cà phê, cao su,…

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Sinh học 7 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay