Câu hỏi tự luận Sinh học 7 cánh diều Bài 22: Các yếu tố ảnh hưởng đến hô hấp tế bào
Bộ câu hỏi tự luận Sinh học 7 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 22: Các yếu tố ảnh hưởng đến hô hấp tế bào. Cấu trúc tuần tự trong thuật toán. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 7 cánh diều
Xem: => Giáo án sinh học 7 cánh diều (bản word)
CHỦ ĐỀ VIII: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở SINH VẬT
BÀI 22 - CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HÔ HẤP TẾ BÀO
I. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Nhiệt độ ảnh hưởng đến hô hấp tế bào như thế nào?
Trả lời:
- Hô hấp tế bào bao gồm các phản ứng hóa học với sự xúc tác của các enzyme phụ thuộc chặt chẽ vào nhiệt độ.
- Nhiệt độ thuận lợi cho quá trình hô hấp tế bào ở các sinh vật là khoảng 30 - 35°C.
Câu 2: Độ ẩm và nước ảnh hưởng đến hô hấp tế bào như thế nào?
Trả lời:
- Nước vừa là môi trường, vừa tham gia trực tiếp vào các phản ứng hóa học trong hô hấp tế bào.
- Hàm lượng nước trong tế bào liên quan trực tiếp đến cường độ hô hấp: Hàm lượng nước thấp sẽ ức chế sự hô hấp tế bào.
Câu 3: Nồng độ khí carbon dioxide ảnh hưởng đến hô hấp tế bào như thế nào?
Trả lời:
- Nồng độ khí carbon dioxide trong không khí (khoảng 0,03%) thuận lợi cho hô hấp tế bào.
- Nồng độ khí carbon dioxide cao gây ức chế hô hấp tế bào do tế bào khó khăn trong việc hấp thu oxygen – nguyên liệu của quá trình hô hấp tế bào.
Câu 4: Nồng độ khí oxygen ảnh hưởng đến hô hấp tế bào như thế nào?
Trả lời:
- Oxygen là nguyên liệu tham gia trực tiếp vào quá trình hô hấp tế bào.
- Nếu nồng độ oxygen của không khí là 5%, hô hấp tế bào xảy ra chậm. Khi thiếu oxygen, hô hấp tế bào giảm.
Câu 5: Nêu cơ sở khoa học và các biện pháp bảo quản lương thực, thực phẩm.
Trả lời:
- Cơ sở của các biện pháp bảo quản lương thực, thực phẩm: Hô hấp tế bào phân giải chất hữu cơ của tế bào làm giảm số lượng và chất lượng của lương thực, thực phẩm sau một thời gian bảo quản. Vì vậy, người ta thường thực hiện các biện pháp bảo quản lương thực, thực phẩm để khống chế sao cho hô hấp luôn mức tối thiểu.
- Các biện pháp bảo quản lương thực, thực phẩm: Bảo quản lạnh, bảo quản khô, bảo quản trong điều kiện nồng độ khí carbon dioxide cao, bảo quản trong điều kiện nồng độ khí oxygen thấp.
II. THÔNG HIỂU (4 câu)
Câu 1: Nêu cơ sở khoa học và ứng dụng của biện pháp bảo quản lạnh.
Trả lời:
- Nhiệt độ bảo quản thấp làm ức chế sự hoạt động của các enzyme xúc tác cho các phản ứng trong hô hấp tế bào → có thể làm chậm quá trình hô hấp của tế bào.
- Ứng dụng: Bảo quản lạnh thịt, cá, rau, quả,…
Câu 2: Nêu cơ sở khoa học và ứng dụng của biện pháp bảo quản khô.
Trả lời:
- Trong điều kiện thiếu nước, hô hấp tế bào giảm nên quả và hạt khô có hô hấp ở mức tối thiểu.
- Ứng dụng: Bảo quản hạt giống thóc, ngô,…
Câu 3: Nêu cơ sở khoa học và ứng dụng của biện pháp bảo quản trong điều kiện nồng độ khí carbon dioxide cao.
Trả lời:
- Khi tế bào hô hấp, lượng khí oxygen sẽ giảm, khí carbon dioxide sẽ tăng. Nồng độ carbon dioxide cao ức chế nhiều hoạt động trao đổi chất làm hô hấp giảm.
- Ứng dụng: Bảo quản nhiều loại trái cây trong môi trường có nồng độ carbon dioxide cao.
Câu 4: Nêu cơ sở khoa học và ứng dụng của biện pháp bảo quản trong điều kiện nồng độ khí oxygen thấp.
Trả lời:
- Nồng độ oxygen thấp, quá trình hô hấp tế bào giảm.
- Ứng dụng: Sử dụng hút chân không để loại bỏ không khí giúp bảo quản lương thực, thực phẩm được lâu.
III. VẬN DỤNG (4 câu)
Câu 1: Vì sao cần khởi động trước khi luyện tập thể dục?
Trả lời:
Khởi động không chỉ làm nóng toàn bộ cơ thể mà còn kích thích máu lưu thông đến tất cả các vùng cơ. Đồng thời, việc khởi động càng trở nên cần thiết hơn vì nó giúp giảm nguy cơ bị chuột rút, đau nhức và mỏi cơ khi tập luyện.
Câu 2: Nêu một số vận dụng khác của hô hấp tế bào trong thực tiễn.
Trả lời:
- Trong sản xuất nông nghiệp, cần có biện pháp luôn giữ cho đất tơi xốp thoáng khí.
- Khi lao động hoặc chơi thể thao, cần chú ý tính vừa sức, tránh thiếu oxygen gây chuột rút,…
Câu 3: Sau khi thu hoạch nông sản, tại sao cần phải bảo quản chúng?
Trả lời:
- Bảo quản nông sản giúp hạn chế hao hụt về chất lượng và số lượng. Khi được bảo quản đúng cách sẽ tránh được các tình trạng như nông sản bị hư hỏng, bị côn trùng, nấm mốc, vi khuẩn xâm nhập và ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến sản phẩm.
- Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh được tình trạng thất thoát nông sản, thất thoát sản lượng trong quá trình vận chuyển. Đồng thời, đảm bảo chất lượng và vẫn giữ được hàm lượng dinh dưỡng khi đến tay người tiêu dùng.
Câu 4: Giải thích lý do rau trong siêu thị thường được bảo quản trong túi nylon đục lỗ và để trong tủ mát.
Trả lời:
Rau trong siêu thị được bảo quản trong túi nylon đục lỗ và để trong tủ mát vì:
- Túi nylon đục lỗ để lưu thông khí giúp rau hô hấp dễ dàng hơn và duy trì độ ẩm rau.
- Để rau trong tủ mát giúp kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm.
IV. VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1: Vì sao dù đã bảo quản nhưng qua một thời gian thì thực phẩm vẫn bị giảm chất lượng?
Trả lời:
Một loại thực phẩm được bảo quản quá lâu dù không bị hư hỏng nhưng vẫn bị giảm chất lượng vì nếu trong thời gian dài tế bào không thực hiện hô hấp tế bào cũng như trao đổi chất với môi trường thì các tế bào thực phẩm bị chết đi, làm giảm dinh dưỡng trong thực phẩm.
Câu 2: Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng như thế nào đến hiệu suất của quá trình hô hấp tế bào?
Trả lời:
Ô nhiễm không khí có thể gây ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất của quá trình hô hấp tế bào. Các chất độc hại như hạt bụi, khí CO2, ô nhiễm không khí từ ô tô và nhà máy có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp và kích thích cho các tế bào hô hấp. Các chất độc hại này có thể làm suy giảm khả năng hấp thụ oxy và làm giảm sản xuất ATP, nguồn năng lượng cần thiết cho các quá trình sống cơ bản của tế bào. Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng có thể gây ra viêm nhiễm đường hô hấp, làm giảm khả năng hấp thụ oxy và chuyển hóa chất hữu cơ. Tất cả những điều này có thể dẫn đến sự suy giảm hiệu suất của quá trình hô hấp tế bào và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cơ thể.
=> Giáo án sinh học 7 cánh diều bài 22: Các yếu tố ảnh hưởng đến hô hấp tế bào