Bài tập file word Sinh học 7 cánh diều Ôn tập Chủ đề 8: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 7 (Sinh học) cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 8: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 7 cánh diều.

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 8: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở SINH VẬT
(PHẦN 2 – 20 CÂU)

Câu 1: Em hiểu thế nào về quang hợp? Viết phương trình tổng quát của quang hợp.

Trả lời:

- Quang hợp là quá trình thu nhận và chuyển hóa năng lượng ánh sáng, tổng hợp nên các chất hữu cơ từ các chất vô cơ như nước, khí carbon dioxide, diễn ra ở tế bào có chất diệp lục, đồng thời thải ra khí oxygen.

- Phương trình tổng quát:

Câu 2: Nêu vai trò và sự ảnh hưởng của carbon dioxide tới quang hợp.

Trả lời:

- Vai trò: Carbon dioxide chính là nguyên liệu tham gia trực tiếp vào quá trình quang hợp.

- Ảnh hưởng:

+ Cây có thể quang được với nồng độ carbon dioxide bình thường của không khí (khoảng 0,03%).

+ Nếu nồng độ carbon dioxide tăng lên thì quang hợp tăng nhưng nếu nồng độ carbon dioxide tăng cao quá thì quang hợp giảm.

Câu 3: Vì sao cần phải làm đất tơi xốp, thoáng khí khi trồng trọt?

Trả lời:

Trong trồng trọt cần phải làm đất tơi xốp, thoáng khí giúp tạo điều kiện tốt nhất giúp tế bào ở những phần cây ít tiếp xúc với không khí vẫn có thể tiến hành hô hấp tế bào, từ đó đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh nhất, cho năng suất cao.

Câu 4: Sau khi thu hoạch nông sản, tại sao cần phải bảo quản chúng?

Trả lời:

- Bảo quản nông sản giúp hạn chế hao hụt về chất lượng và số lượng. Khi được bảo quản đúng cách sẽ tránh được các tình trạng như nông sản bị hư hỏng, bị côn trùng, nấm mốc, vi khuẩn xâm nhập và ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến sản phẩm.

- Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh được tình trạng thất thoát nông sản, thất thoát sản lượng trong quá trình vận chuyển. Đồng thời, đảm bảo chất lượng và vẫn giữ được hàm lượng dinh dưỡng khi đến tay người tiêu dùng.

Câu 5: Khí khổng điều tiết quá trình trao đổi khí và thoát hơi nước như thế nào? Các yếu tố nào ảnh hưởng đến sự đóng mở khí khổng?

Trả lời:

Khí khổng điều tiết quá trình trao đổi khí và thoát hơi nước thông qua hoạt động đóng mở của khí khổng:

- Khi tế bào hạt đậu hút nước, không bào lớn lên, thành mỏng của tế bào hình hạt đậu căng ra nên thành dày cong theo làm khí khổng mở rộng → tạo điều kiện cho sự trao đổi khí và thoát hơi nước diễn ra.

- Khi tế bào hạt đậu mất nước, không bào nhỏ đi, thành mỏng hết căng và thành dày duỗi thẳng làm khí khổng đóng lại, khí khổng không đóng lại hoàn toàn → sự trao đổi khí và thoát hơi nước diễn ra hạn chế.

Các yếu tố ảnh hưởng đến quang hợp (ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm,…) sẽ ảnh hưởng đến sự đóng mở của khí khổng dẫn tới sẽ ảnh hưởng đến tốc độ trao đổi khí giữa thực vật với môi trường.

Câu 6: Khi thiếu kẽm thì cơ thể có biểu hiện như thế nào? Kể tên một số thực phẩm giúp bổ sung kẽm.

Trả lời:

- Khi thiếu kẽm thì cơ thể có biểu hiện: rụng tóc; móng chân, móng tay giòn, dễ gãy, có đốm trắng; loét miệng; mụn cùng những vấn đề khác ở da; yếu xương; ăn mất ngon; thường cảm thấy cáu kỉnh; dễ mắc bệnh nhiễm trùng, tiêu chảy; gặp vấn về mắt,...

- Một số thực phẩm giúp bổ sung kẽm: hàu, tôm, cua, lòng đỏ trứng, đậu Hà Lan, thịt gà,...

Câu 7: Những cây sống trong những môi trường khắc nghiệt có đặc điểm gì để thích nghi? Lấy ví dụ.

Trả lời:

- Cây sống ở sa mạc:

+ Xương rồng: thân mọng nước để trữ nước, lá biến thành gai để hạn chế mất nước, rễ ăn nông và lan rộng để lấy được nhiều nước mưa và nước sương, thân thường xẻ rãnh dọc từ đỉnh thân tới gốc để tạo thành dòng chảy hướng nước mưa xuống gốc.

+ Cỏ thấp: rễ rất dài và nhiều để tìm nguồn nước.

+ Cây bụi gai: lá rất nhỏ hoặc biến thành gai để hạn chế mất nước.

- Cây sống trên đầm lầy: Đước, sú, vẹt (sống ở đầm lầy ven biển) có rễ chống chắc chắn giúp cây đứng vững trên các bãi lầy ngập nước; lá cây cứng, có tuyến tiết muối để loại bỏ muối thừa; cây con phát triển ngay trên cây mẹ.

- Cây sống trong môi trường thiếu chất dinh dưỡng: Cây trong họ nắp ấm có lá biến dạng thành cơ quan bắt mồi, cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây trong điều kiện sống thiếu dinh dưỡng.

Câu 8: Trình bày nhu cầu nước của cơ thể động vật và người.

Trả lời:

- Nhu cầu nước của động vật phụ thuộc vào loài, kích thước cơ thể, độ tuổi, thức ăn, nhiệt độ của môi trường.

- Nhu cầu nước của người: Trung bình, mỗi ngày một người nặng 50 kg cần khoảng 2 lít nước. Trẻ em nặng 11 – 20kg cần uống ít nhất 1 lít nước mỗi ngày.

Câu 9: Tại sao gọi động vật là sinh vật dị dưỡng? Sinh vật tự dưỡng có vai trò gì trong sinh giới?

Trả lời:

Động vật là sinh vật dị dưỡng vì động vật chỉ có thể lấy chất hữu cơ từ sinh vật tự dưỡng hoặc từ động vật khác, thông qua quá trình tiêu hóa, hấp thụ và đồng hóa để xây dựng cơ thể.

Vai trò của sinh vật tự dưỡng trong sinh giới: Cung cấp O2; thức ăn, nơi ở và nơi sinh sản cho động vật; điều hòa khí hậu.

Câu 10: Người ta cắm nhiệt kế vào bình chứa hạt đang nảy mầm, sau một thời gian, đo được sự tăng lên của nhiệt độ trong bình. Em hãy giải thích vì sao.

Trả lời:

Người ta cắm nhiệt kế vào bình chứa hạt đang nảy mầm, sau một thời gian, đo được sự tăng lên của nhiệt độ trong bình vì: Ở hạt đang nảy mầm, quá trình hô hấp tế bào diễn ra mạnh mẽ. Mà quá trình hô hấp tế bào là quá trình giải phóng năng lượng, một phần năng lượng được giải phóng dưới dạng nhiệt năng. Chính nhiệt năng được thải ra trong quá trình hô hấp tế bào của hạt đang nảy mầm là nguyên nhân làm tăng nhiệt độ trong bình.

Câu 11: Một số học sinh bố trí thí nghiệm xác định điều kiện bên ngoài cần cho hạt đậu xanh nảy mầm như sau:

Chuẩn bị:

+ Các hạt đậu xanh khô, mẩy, đều (30 hạt).

+ 3 cốc thủy tinh (dung tích 100 – 200 ml).

+ Bông thấm nước.

+ Nước sạch.

Tiến hành thí nghiệm:

+ Bỏ vào cốc thủy tinh mỗi cốc 10 hạt đậu và

  • Cốc 1: Không bỏ gì thêm.
  • Cốc 2: Đổ nước cho ngập hạt khoảng 6 – 7 cm.
  • Cốc 3: Lót xuống dưới những hạt đỗ một lớp bông ẩm.

+ Đặt cả 3 cốc ở chỗ mát (nhiệt độ phòng).

+ Quan sát sự nảy mầm của các hạt đậu xanh sau 3 – 4 ngày.

Sau 3 – 4 ngày có kết quả thí nghiệm như sau:

Cốc

Điều kiện thí nghiệm

Kết quả thí nghiệm (số hạt nảy mầm)

1

10 hạt đậu xanh để khô

Cả 10 hạt đều không nảy mầm

2

10 hạt đậu xanh ngâm trong nước

Cả 10 hạt đều không nảy mầm

3

10 hạt đậu xanh trên bông ẩm

9 hạt nảy mầm và 1 hạt không nảy mầm

Từ kết quả thí nghiệm trên, em rút ra kết luận gì? Hãy giải thích vì sao hạt giống sau khi thu hoạch được phơi khô và bảo quản cẩn thận có thể giữ được trong một thời gian dài mà không có gì thay đổi nhưng nếu đem gieo hạt đó vào đất thoáng và ẩm hoặc tưới ít nước thì hạt sẽ nảy mầm.

Trả lời:

Nhận xét kết quả thí nghiệm:

+ Hạt ở cốc 1 không nảy mầm vì hạt thiếu nước.

+ Hạt ở cốc 2 không nảy mầm vì hạt bị ngâm ngập trong nước → hạt không có không khí.

+ Hạt ở cốc 3 nảy mầm vì hạt có độ ẩm (đủ nước), không khí và nhiệt độ thuận lợi. Có 1 hạt không nảy mầm có thể do hạt kém chất lượng (bị hỏng).

→ Kết luận: Nước (độ ẩm), không khí và nhiệt độ là những điều kiện bên ngoài cần cho hạt đậu xanh nảy mầm. Tất cả các yếu tố trên đều tác động đến sự nảy mầm của hạt. Thiếu bất kì một yếu tố nào thì hạt cũng sẽ không nảy mầm.

- Giải thích vì sao hạt giống sau khi thu hoạch được phơi khô và bảo quản cẩn thận có thể giữ được trong một thời gian dài mà không có gì thay đổi nhưng nếu đem gieo hạt đó vào đất thoáng và ẩm hoặc tưới ít nước thì hạt sẽ nảy mầm:

+ Hạt giống được phơi khô sẽ giúp hạt có hàm lượng nước thấp, hàm lượng nước trong hạt thấp sẽ ức chế quá trình hô hấp tế bào phân giải chất hữu cơ của tế bào, nhờ đó giữ được hạt trong một thời gian dài mà không có gì thay đổi.

+ Khi gieo hạt đó vào đất thoáng và ẩm hoặc tưới ít nước sẽ cung cấp đầy đủ nước, không khí, nhiệt độ thích hợp giúp hạt tiến hành quá trình hô hấp tế bào mạnh mẽ, cung cấp năng lượng và các chất cần thiết để kích thích sự nảy mầm của hạt.

Câu 12: Giải thích cơ sở khoa học của các biện pháp kĩ thuật trong quá trình gieo hạt theo bảng sau:

STT

Biện pháp kĩ thuật

Cơ sở khoa học

1

Sau khi gieo hạt gặp trời mưa to, nếu đất bị úng thì phải tháo hết nước ngay.

2

Phải làm đất thật tơi, xốp trước khi gieo hạt.

3

Khi trời rét phải phủ rơm, rạ cho hạt đã gieo.

4

Phải gieo hạt đúng thời vụ.

5

Phải bảo quản và chọn hạt giống tốt đem gieo.

 

Trả lời:

 

STT

Biện pháp kĩ thuật

Cơ sở khoa học

1

Sau khi gieo hạt gặp trời mưa to, nếu đất bị úng thì phải tháo hết nước ngay.

Tạo điều kiện cho rễ hút oxygen trong đất.

2

Phải làm đất thật tơi, xốp trước khi gieo hạt.

Tạo điều kiện cho hạt hút oxygen trong đất.

3

Khi trời rét phải phủ rơm, rạ cho hạt đã gieo.

Giữ nhiệt độ cho hạt nảy mầm.

4

Phải gieo hạt đúng thời vụ.

Đảm bảo các yếu tố môi trường phù hợp.

5

Phải bảo quản và chọn hạt giống tốt đem gieo.

Đảm bảo tỷ lệ nảy mầm cao.

 

Câu 13: Hiện nay có công nghệ nào giúp trồng cây không cần ánh sáng Mặt Trời không? Lấy ví dụ một số loại cây được trồng bằng phương pháp này.

Trả lời:

- Công nghệ trồng cây không cần ánh sáng mặt trời là công nghệ sử dụng đèn LED thay thế ánh sáng mặt trời.

- Một số cây trồng áp dụng công nghệ này là:

+ Rau: Xà lách, củ cải, ớt, cải xoăn, củ cải, cà rốt, hành tây, cà chua và đậu bụi.

+ Các loại thảo mộc : rau mùi, húng quế, rau mùi tây, oregano, hoa oải hương và hương thảo.

+ Hoa: Hoa phong lữ, cây dã yên thảo, hoa hồng, alyssum và hoa cúc, hoa lan.

+ Trái cây: Cam quýt, dâu tây, quả việt quất và táo.

+ Cây trồng trong nhà: cây nhôm,  dương xỉ măng tây, hoa lan và cây nhện.

+ Các loài xương rồng: Ngọc bích, lô hội, cây gấu trúc, cây ngựa vằn…

Câu 14: Nêu vai trò và sự ảnh hưởng của nhiệt độ tới quang hợp.

Trả lời:

- Vai trò: Nhiệt độ không khí có ảnh hưởng tới các phản ứng trong quang hợp của thực vật.

- Ảnh hưởng:

+ Quang hợp của thực vật chỉ diễn ra bình thường ở nhiệt độ trung bình 20 – 30oC.

+ Khi nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, quang hợp của hầu hết các loài cây đều bị giảm hoặc ngừng trệ.

Câu 15: Nêu các biện pháp bảo quản nông sản và cơ sở khoa học của biện pháp đó.

Trả lời:

- Bảo quản lạnh: Nhiệt độ bảo quản thấp làm ức chế sự hoạt động của các enzyme xúc tác cho các phản ứng trong hô hấp tế bào → có thể làm chậm quá trình hô hấp của tế bào.

- Bảo quản khô: Trong điều kiện thiếu nước, cường độ hô hấp tế bào giảm.

- Bảo quản trong điều kiện nồng độ carbon dioxide cao: Khi nồng độ carbon dioxide tăng sẽ ức chế quá trình hô hấp, nhờ đó, tăng hiệu quả của quá trình bảo quản.

- Bảo quản trong điều kiện nồng độ oxygen thấp: Làm giảm nồng độ oxygen có tác dụng làm giảm hô hấp tế bào, nhờ đó, tăng hiệu quả của quá trình bảo quản.

Câu 16: Vì sao cần khởi động trước khi luyện tập thể dục?

Trả lời:

Khởi động không chỉ làm nóng toàn bộ cơ thể mà còn kích thích máu lưu thông đến tất cả các vùng cơ. Đồng thời, việc khởi động càng trở nên cần thiết hơn vì nó giúp giảm nguy cơ bị chuột rút, đau nhức và mỏi cơ khi tập luyện.

Câu 17: Vì sao vào những ngày nhiệt độ cao, sự trao đổi khí của cây diễn ra nhanh hơn?

Trả lời:

Vào những ngày nhiệt độ cao, sự trao đổi khí của cây diễn ra nhanh hơn vì lúc đó, lượng hơi nước cần thoát ra nhiều hơn, làm tăng lượng khí trao đổi qua khí khổng.

Câu 18: Gạo lứt và gạo trắng khác nhau như thế nào về mặt dinh dưỡng?

Trả lời:

Cả gạo trắng và gạo lứt đều có hàm lượng carbohydrate cao. Tuy nhiên, về mặt dinh dưỡng, gạo lứt chứa nhiều dinh dưỡng tổng thể hơn so với gạo trắng, đặc biệt là chất xơ, các chất chống oxy hóa như mangan, selen, các loại vitamin và khoáng chất quan trọng khác như magie, folate. Trong khi đó, gạo trắng không cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu.

Câu 19: Sự đóng mở khí khổng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nào?

Trả lời:

Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thoát hơi nước qua khí khổng: Các yếu tố ảnh hưởng đến sự đóng mở của khí khổng sẽ ảnh hưởng đến cường độ thoát hơi nước qua khí khổng.

- Khí khổng của thực vật thường mở khi được chiếu sáng và khi thiếu carbon dioxide.

- Tuy nhiên, thực vật cũng có thể chủ động điều tiết đóng mở khí khổng trong từng điều kiện môi trường như hạn hạn hoặc cường độ chiếu sáng quá mạnh,…

Câu 20: Tại sao cần có một chế độ dinh dưỡng phù hợp?

Trả lời:

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp phát triển thể chất, cải thiện sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tim mạch…và kéo dài tuổi thọ. Suy dinh dưỡng hay thừa cân béo phì dưới mọi hình thức, đều đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Sinh học 7 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay