Bài tập file word Sinh học 7 cánh diều Ôn tập Chủ đề 8: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P5)

Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 7 (Sinh học) cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 8: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P5). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 7 cánh diều.

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 8: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở SINH VẬT
(PHẦN 5 – 20 CÂU)

Câu 1: Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng như thế nào đến hiệu suất của quá trình hô hấp tế bào?

Trả lời:

 Ô nhiễm không khí có thể gây ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất của quá trình hô hấp tế bào. Các chất độc hại như hạt bụi, khí CO2, ô nhiễm không khí từ ô tô và nhà máy có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp và kích thích cho các tế bào hô hấp. Các chất độc hại này có thể làm suy giảm khả năng hấp thụ oxy và làm giảm sản xuất ATP, nguồn năng lượng cần thiết cho các quá trình sống cơ bản của tế bào. Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng có thể gây ra viêm nhiễm đường hô hấp, làm giảm khả năng hấp thụ oxy và chuyển hóa chất hữu cơ. Tất cả những điều này có thể dẫn đến sự suy giảm hiệu suất của quá trình hô hấp tế bào và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cơ thể.

Câu 2: Em hiểu như thế nào về trao đổi khí? Nêu cơ chế trao đổi khí.

Trả lời:

Khái niệm: Trao đổi khí là sự trao đổi các chất ở thể khí giữa cơ thể và môi trường.

- Khi hô hấp, động vật và thực vật thu nhận khí oxygen và thải ra khí carbon dioxide.

- Khi quang hợp, thực vật thu nhận khí carbon dioxide và thải ra khí oxygen.

Cơ chế trao đổi khí:

- Sự trao đổi khí giữa cơ thể và môi trường tuân theo cơ chế khuếch tán. Đó là sự di chuyển của các phân tử khí từ vùng có nồng độ phân tử khí cao sang vùng có nồng độ phân tử khí thấp hơn.

- Trao đổi khí được thực hiện thông qua bề mặt trao đổi khí: Trao đổi khí diễn ra nhanh khi diện tích khuếch tán lớn. Do đó, các bề mặt trao đổi khí có xu hướng rộng và mỏng.

Câu 3: Lượng calo cần cho một người lớn là khoảng 1500 - 2000 calo/ngày.Em hãy xây dựng thực đơn khoảng 2500 calo cho người cần phải luyện tập. Biết tỷ lệ chất đạm, carbs và chất béo là 30:20:50, đây là chế độ ăn tăng chất béo và giảm tinh bột, giúp no nhanh nhưng hạn chế nguy cơ tăng cân béo phì.

Trả lời:

- Bữa sáng: 4 quả trứng ốp la hoặc tráng, 1 miếng pho mai, 2 lát bánh mì đen nướng, 1 trái bơ kích thước trung. Với chế độ này, cơ thể nhận được 726 calo, gồm 44g chất béo, 39g carbs và 41 g protein.

- Giữa buổi sáng: 1 muỗng bột yến mạch kết hợp 30g hạnh nhân. Với chế độ này, cơ thể nhận được 337,4 calo, gồm 19g chất béo, 11g carbs và 30,6 g protein.

- Buổi trưa: 150g thịt nạc bò, 1 thìa dầu oliu, 40g hành cắt nhỏ, 85g rau diếp thái nhỏ, sốt cà chua, 25g pho mai, kem phủ vừa đủ. Với chế độ này, cơ thể nhận được 591 calo, gồm 36,6g chất béo, 14,5g carbs và 51g protein.

- Bữa chiều: 2 thìa bơ đậu phộng, 1 trái táo, 1 cốc sữa chua . Với chế độ này, cơ thể nhận được 395 calo, gồm 17g chất béo, 37,5g carbs và 23g protein.

- Bữa tối: 170g thịt cá ngừ, 85g đậu cô ve, 1 miếng pho mai con bò cười. Với chế độ này, cơ thể nhận được 457 calo, gồm 22g chất béo, 27,5g carbs và 37,3 g protein.

→ Thực đơn chứa 2496 calo, 139 g chất béo, 120 g carbs, 183 g chất đạm.

Câu 4: Nêu vai trò và cơ chế thoát hơi nước ở thực vật.

Trả lời:

- Vai trò của sự thoát hơi nước ở lá:

+ Quá trình thoát hơi nước ở lá cây giúp cho việc vận chuyển nước và chất khoáng từ rễ theo mạch gỗ lên thân đến lá và các phần khác của cây.

+ Nhờ thoát hơi nước mà lá cây không bị đốt nóng dưới ánh nắng mặt trời.

- Cơ chế thoát hơi nước qua khí khổng:

+ Sự thoát hơi nước qua khí khổng được thực hiện thông qua hoạt động đóng, mở của khí khổng:

+ Khi tế bào khí khổng hút nhiều nước thì khí khổng mở rộng làm tăng cường thoát hơi nước.

+ Khi tế bào khí khổng bị mất nước thì khí khổng đóng lại (không đóng hoàn toàn) làm giảm thoát hơi nước.

Câu 5: Nêu nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng chống ung thư dạ dày .

Trả lời:

- Nguyên nhân:

+ Nhiễm trùng do vi khuẩn H. pylori.

+ Polyp dạ dày (sự phát triển bất thường của mô hình thành trên niêm mạc dạ dày).

+ Bệnh viêm loét dạ dày tái đi tái lại, hoặc có tiền căn phẫu thuật các bệnh lý lành tính ở dạ dày.

+ Đàn ông có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn phụ nữ.

+ Hút thuốc lá, uống rượu bia.

+ Chế độ ăn có nhiều thực phẩm có chứa chất bảo quản, ăn nhiều thức ăn nướng hoặc xông khói/ ngâm muối, ăn ít rau củ quả như đồ ăn lên men, thực phẩm đóng hộp, thịt hun khói.

+ Béo phì.

+ Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày.

- Triệu chứng: rối loạn tiêu hóa, đau bụng, chảy máu dạ dày, sụt cân đột ngột, cơ thể mệt mỏi quá mức,...

- Biện pháp phòng chống:

+ Duy trì chế độ sinh hoạt, luyện tập, nghỉ ngơi khoa học.

+ Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh với các thực phẩm giàu vitamin và chất xơ.

+ Hạn chế ăn các thực phẩm giàu nitric và amin thứ cấp như dưa muối, cà muối, đồ ăn lên men, thịt hun khói, đồ nướng. Bởi vì khi đi vào dạ dày, các chất này sẽ kết hợp thành độc tố gây nguy cơ ung thư.

+ Không hút thuốc lá, uống rượu, bia hoặc sử dụng chất kích thích.

+ Hạn chế đồ ăn công nghiệp và nước ngọt đóng chai.

+ Chủ động tầm soát ung thư dạ dày sớm đối với các trường hợp có yếu tố nguy cơ.

Câu 6: Tác động của stress lên quá trình trao đổi chất là gì và làm thế nào để giảm thiểu ảnh hưởng đó?

Trả lời:

- Tác động của stress:

+ Tăng sản xuất cortisol: gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình trao đổi chất, đặc biệt là trong việc kiểm soát đường huyết và cân nặng.

+ Thay đổi ăn uống: Nhiều người có xu hướng ăn nhiều hơn hoặc chọn lựa thức ăn không lành mạnh khi họ đang trong tình trạng stress gây ra tăng cân và các vấn đề khác liên quan đến chuyển hóa năng lượng.

+ Giảm động lực vận động: Stress dẫn đến mức độ mệt mỏi và mất hứng thú với hoạt động vận động, làm giảm khả năng tiêu thụ năng lượng và ảnh hưởng đến sự cân bằng chuyển hóa.

+ Tăng cảm giác đói và no: Một số người có thể phản ứng với stress bằng cách ăn nhiều hơn hoặc ít hơn gây ra sự thay đổi trong sự cân bằng giữa hormone ghrelin và leptin, ảnh hưởng đến cảm giác đói và no.

- Để giảm thiểu ảnh hưởng của stress lên quá trình trao đổi chất, có thể thực hiện các biện pháp sau:

+ Thực hành kỹ thuật giảm stress: Điều này có thể bao gồm thiền, yoga, hoặc các phương pháp thư giãn khác.

+ Duy trì chế độ ăn uống cân đối: Hạn chế ăn quá mức và chọn lựa thức ăn giàu chất xơ, đạm, và vitamin.

+ Tập thể dục đều đặn: Hoạt động vận động có thể giúp giảm stress và cải thiện tâm trạng, đồng thời hỗ trợ quá trình trao đổi chất.

+ Ngủ đủ giấc: Đảm bảo ngủ đủ giấc có thể giúp kiểm soát mức stress và hỗ trợ quá trình tái tạo cơ bắp và tế bào.

Câu 7: Nêu các biện pháp kỹ thuật và công nghệ nâng cao năng suất cây trồng dựa trên hiểu biết của em về quang hợp ở thực vật.

Trả lời:

- Cải tạo tiềm năng của cây trồng: Chọn tạo giống có cường độ quang hợp cao, kết hợp với canh tác để sản phẩm quang hợp phân bố chủ yếu vào các bộ phận giá trị kinh tế

- Tăng diện tích lá: Tưới nước và bón phân hợp lí để lá sinh trưởng tốt, loại bỏ cỏ dại, các sinh gây hại cho lá.

- Sử dụng hiệu quả nguồn sáng: Chọn giống cây có thời gian sinh trưởng phù hợp với thời gian chiếu sáng và nhiệt độ ở các mùa khác nhau. Tăng diện tích tiếp xúc của lá cây với ánh sáng.

- Tăng cường nguồn sáng: Chiếu sáng bổ sung và sử dụng nguồn sáng có bước sóng phù hợp với từng loại cây trồng.

Câu 8: Động vật trao đổi khí bằng hình thức nào? Nêu vai trò của trao đổi khí đối với động vật.

Trả lời:

- Ở động vật có nhiều hình thức hô hấp như trao đổi khí qua ống khí, mang, da, phổi,…

- Vai trò: Cơ thể động vật trao đổi khí với môi trường đảm bảo cho các tế bào, mô và các cơ quan được cung cấp đầy đủ oxygen và thải carbon dioxide (chất thải) ra ngoài một cách hiệu quả.

Câu 9: Trên thực tế, có rất nhiều vụ việc bắt rắn ngâm rượu hàng năm trời, nhưng khi mở bình thì rắn vẫn còn sống và tấn công con người. Giải thích.

Trả lời:

- Thông thường, người ngâm rượu rắn sẽ mổ bụng để lấy nội tạng của con rắn nên trong trường hợp này con rắn sẽ không thể sống được. Tuy nhiên nhiều người lại ngâm nguyên con rắn. Với cách ngâm như vậy thì nọc độc của rắn sẽ vẫn còn nguyên.

- Nhiều loài rắn có tập tính ngủ đông và nếu bình rượu không kín (có thể cung cấp oxy) thì những con rắn sẽ tự đưa mình vào trạng thái ngủ đông trong một thời gian dài. Đó cũng chính là lý do khiến nhiều con rắn sống lại dù đã được ngâm trong rượu hơn 1 năm.

- Là một động vật biến nhiệt, việc ngủ đông sẽ giúp rắn sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt như thiếu oxy, thức ăn, nguồn nước (nhất là vào mùa đông). Chúng sẽ chỉ thức giấc khi nhận các kích thích mới từ môi trường như khi nhiệt độ tăng lên.

Câu 10: Cơ sở khoa học của việc bảo quản lương thực, thực phẩm là gì?

Trả lời:

Cơ sở của việc bảo quản lương thực, thực phẩm: Hô hấp tế bào phân giải chất hữu cơ của tế bào làm giảm số lượng và chất lượng của lương thực, thực phẩm sau một thời gian bảo quản. Vì vậy, người ta thường thực hiện các biện pháp bảo quản lương thực, thực phẩm để khống chế sao cho hô hấp luôn mức tối thiểu.

Câu 11: Trình bày sự thích nghi của lá cây với chức năng quang hợp.

Trả lời:

- Lá cây dạng bản dẹt giúp thu nhận được nhiều ánh sáng.

- Các tế bào ở lớp giữa của lá có nhiều lục lạp. Lục lạp chứa chất diệp lục thu nhận ánh sáng dùng cho tổng hợp chất hữu cơ của lá cây.

- Khí khổng phân bố trên bề mặt lá, có vai trò chính trong quá trình trao đổi khí và thoát hơi nước.

- Gân lá (mạch dẫn) có chức năng vận chuyển nước đến lục lạp và vận chuyển chất hữu cơ từ lục lạp về cuống lá, từ đó vận chuyển đến các bộ phận khác của cây.

Câu 12: Tại sao màu sắc và cường độ ánh sáng có vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp?

Trả lời:

- Màu sắc và cường độ ánh sáng đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp của thực vật. Màu sắc của ánh sáng ảnh hưởng đến quá trình quang hợp thông qua quá trình hấp thụ năng lượng. Chlorophyll, chất có trong lá cây, hấp thụ ánh sáng màu xanh lam và đỏ nhưng lại không hấp thụ ánh sáng màu xanh lá cây. Điều này dẫn đến việc ánh sáng có màu xanh lam và đỏ được sử dụng nhiều hơn để kích thích quá trình quang hợp.

- Cường độ ánh sáng cũng ảnh hưởng đến quá trình quang hợp bởi vì nó quyết định lượng năng lượng mà thực vật có thể hấp thụ và sử dụng. Mức độ cường độ ánh sáng thích hợp cần thiết để kích thích quá trình quang hợp một cách hiệu quả. Nếu cường độ ánh sáng quá cao hoặc quá thấp, quá trình quang hợp có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển và sản xuất năng lượng của thực vật.

Câu 13: Quá trình quang hợp ở các loại thực vật ở môi trường khô hạn khác biệt như thế nào so với quá trình quang hợp ở môi trường nhiệt đới?

Trả lời:

- Quá trình quang hợp ở các loại thực vật ở môi trường khô hạn và môi trường nhiệt đới thường có những sự khác biệt đáng kể. Ở môi trường khô hạn, thực vật thường phải đối mặt với áp lực thếu nước và độ ẩm thấp, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp. Để tiết kiệm nước, một số thực vật ở môi trường khô hạn có thể có lá nhỏ hoặc lá mọc dọc theo chiều dọc cành cây để giảm mức độ mất nước thông qua quá trình hô hấp hoặc cũng có thể có khả năng lưu trữ nước. Hơn nữa, tốc độ quang hợp ở các loại thực vật ở môi trường khô hạn có thể thấp hơn do điều kiện khó khăn liên quan đến nước và nhiệt độ.

- Trong khi đó, ở môi trường nhiệt đới với độ ẩm cao, thực vật có thể có cấu trúc lá phức tạp và lớn hơn để tối đa hóa quang hợp. Điều này có thể dẫn đến quá trình quang hợp ở mức độ tối ưu hơn. Ngoài ra, thực vật ở môi trường nhiệt đới cũng có thể tận dụng theo cách khác các nguồn năng lượng để phát triển và sản xuất thức ăn.

Câu 14: Sự vận chuyển nước, chất khoáng và các chất hữu cơ trong cây được thực hiện bằng cách nào?

Trả lời:

Sự vận chuyển nước, chất khoáng và các chất hữu cơ trong cây được thực hiện nhờ dòng mạch gỗ và dòng mạch rây.

+ Mạch gỗ (dòng đi lên): vận chuyển nước và chất khoáng từ rễ lên thân, đến lá và các phần khác của cây.

+ Mạch rây (dòng đi xuống): vận chuyển các chất hữu cơ được tổng hợp trong quang hợp ở lá đến các bộ phận của cây.

Câu 15: Quá trình trao đổi khí qua khí khổng ở lá cây diễn ra như thế nào?

Trả lời:

Quá trình trao đổi khí ở thực vật diễn ra cả ban ngày lẫn ban đêm:

- Trong quang hợp, khí carbon dioxide khuếch tán từ ngoài môi trường qua khí khổng vào lá, khí oxygen khuếch tán từ trong lá qua khí khổng ra môi trường. Cây quang hợp khi có ánh sáng.

- Trong hô hấp, khí oxygen đi vào và carbon dioxide đi ra khỏi lá qua khí khổng. Cây hô hấp suốt ngày đêm.

Câu 16: Hãy giải thích các câu: trời nóng chống khát, trời rét chóng đói 

Trả lời:

- Khi trời rét, một phản xạ khác được thực hiện đó là sự tăng cường quá trình chuyển hóa để tăng sinh nhiệt cho cơ thể. Điều đó giải thích vì sao: trời rét chống đói

- Khi trời nóng, môi trường thông thoáng, có gió, độ ẩm không khí thấp, thì cơ thể thực hiện cơ chế tiết nhiều mồ hôi, mồ hôi bay hơi sẽ lấy đi 1 lượng nhiệt của cơ thể. Điều đó giải thích vì sao: Trời nóng chống khát

Câu 17: Nêu vai trò của muối khoáng:

Trả lời:

Muối khoáng là thành phần quan trọng của tế bào, đảm bảo cân bằng áp suất thẩm thấu và lực trương của tế bào

+ Tham gia vào thành phần cấu tạo của nhiều enzim

+ Đảm bảo quá trình trao đổi chất và năng lượng

Câu 18: Em hãy liệt kê các chất được thu nhận, thải bỏ trong quá trình trao đổi chất giữa cây thông và con người với môi trường theo gợi ý trong bảng sau đây.

Quá trình

Cây thông

Con người

Thu nhận

Thải bỏ

 

Trả lời:

Quá trình

Cây thông

Con người

Thu nhận

Carbon dioxide, nước và muối khoáng, oxygen.

Thức ăn, nước, oxygen

Thải bỏ

Carbon dioxide, hơi nước,

Hơi nước, phân, nước tiểu, mồ hôi, carbon dioxide.

 

Câu 19:  Mô tả hai cách để có thể giảm tốc độ quang hợp mà không làm giảm nhiệt độ.

Trả lời:

Ví dụ về một số cách để có thể giảm tốc độ quang hợp mà không làm giảm nhiệt độ:

- Hạ thấp nồng độ carbon dioxide.

- Giảm nguồn nước cung cấp cho cây.

- Giảm thời gian chiếu sáng và cường độ ánh sáng.

Câu 20: Giải thích vì sao “Nước quyết định sự phân bố của sinh vật trên Trái Đất”? Lấy ví dụ về vùng đất có độ đa dạng sinh vật cao, độ đa dạng sinh vật thấp.

Trả lời:

- Nước quyết định sự phân bố của sinh vật trên Trái Đất do nước có vai trò quan trọng với cơ thể sinh vật: Nước là thành phần quan trọng trong tế bào và cơ thể sinh vật; nước là môi trường, là nguyên liệu cho trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở tế bào và cơ thể; nước là dung môi vận chuyển các chất dinh dưỡng, chất thải trong tế bào và mô; nước giúp duy trì nhiệt độ bình thường của cơ thể.

- Lấy ví dụ về vùng đất có độ đa dạng sinh vật cao, độ đa dạng sinh vật thấp:

+ Vùng đa dạng sinh vật cao: Vùng nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều, có nhiều sông ngòi.

+ Vùng đa dạng sinh vật thấp: Vùng khô nóng, mưa ít như sa mạc, hoang mạc.

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Sinh học 7 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay