Bài tập file word Sinh học 7 cánh diều Ôn tập Chủ đề 8: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P1)
Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 7 (Sinh học) cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 8: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 7 cánh diều.
Xem: => Giáo án sinh học 7 cánh diều (bản word)
ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 8: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở SINH VẬT
(PHẦN 1 – 20 CÂU)
Câu 1: Trao đổi chất là gì? Tùy theo kiểu trao đổi chất, người ta chia sinh vật ra thành mấy nhóm? Nêu vai trò của trao đổi chất giữa cơ thể và môi trường.
Trả lời:
- Trao đổi chất là tập hợp các biến đổi hóa học trong tế bào của cơ thể sinh vật và sự trao đổi các chất giữa cơ thể với môi trường đảm bảo duy trì sự sống.
- Tùy theo kiểu trao đổi chất, người ta chia sinh vật ra thành 2 nhóm: nhóm sinh vật tự dưỡng và nhóm sinh vật dị dưỡng.
+ Nhóm sinh vật tự dưỡng: Là nhóm sinh vật tự tổng hợp được các chất cần thiết cho cơ thể mình. Ví dụ: Thực vật.
+ Nhóm sinh vật dị dưỡng: Là nhóm sinh vật không tự tổng hợp được các chất cần thiết cho cơ thể mình mà phải thu nhận từ thức ăn. Ví dụ: Động vật và con người.
- Vai trò: Trao đổi chất giữa cơ thể và môi trường là điều kiện tồn tại và phát triển của cơ thể, là đặc tính cơ bản của sự sống.
Câu 2: Nêu mối quan hệ giữa trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong quang hợp.
Trả lời:
- Trong quá trình quang hợp, quá trình trao đổi và chuyển hóa các chất trong quang hợp ở lá cây luôn đi cùng với chuyển hóa năng lượng ánh sáng thành năng lượng hóa học trong các hợp chất hữu cơ:
- Năng lượng từ ánh sáng mặt trời (mũi tên màu vàng) đến lục lạp, chuyển hóa thành năng lượng hóa học (mũi tên màu cam) tích lũy trong chất hữu cơ ở lá cây.
- Vật chất từ môi trường ngoài (nước và carbon dioxide – mũi tên màu xanh nhạt) được vận chuyển đến lục lạp ở lá cây, biến đổi hóa học tạo thành chất hữu cơ (mũi tên màu cam) và oxygen (mũi tên màu đỏ).
→ Như vậy, trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong quang hợp có mối quan hệ chặt chẽ, hai quá trình luôn diễn ra đồng thời, gắn liền với nhau.
Câu 3: Nêu vai trò và sự ảnh hưởng của nước tới quang hợp.
Trả lời:
- Vai trò: Nước là nguyên liệu cho quang hợp ở cây xanh và là yếu tố tham gia quá trình đóng mở khí khổng để trao đổi khí trong quang hợp.
- Ảnh hưởng:
+ Cây thiếu hoặc thừa nước đều ảnh hưởng đến quá trình quang hợp.
+ Khi cây hấp thụ đủ nước, quang hợp diễn ra bình thường.
+ Khi cây thiếu nước, khí khổng đóng lại, lượng carbon dioxide khuếch tán vào lá cây giảm dẫn tới quang hợp giảm.
Câu 4: Vì sao không nên để quá nhiều cây trong phòng ngủ?
Trả lời:
Vì con người hô hấp thải ra khí CO2, thực vật hô hấp cũng thải ra CO2. Nếu phòng ngủ có quá nhiều cây và đóng kín sẽ nồng độ CO2 trong phòng tăng, nồng độ O2 giảm,khiến người trong phòng không thể hô hấp được.
Câu 5: Giải thích lý do rau trong siêu thị thường được bảo quản trong túi nylon đục lỗ và để trong tủ mát.
Trả lời:
Rau trong siêu thị được bảo quản trong túi nylon đục lỗ và để trong tủ mát vì:
- Túi nylon đục lỗ để lưu thông khí giúp rau hô hấp dễ dàng hơn và duy trì độ ẩm rau.
- Để rau trong tủ mát giúp kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm.
Câu 6: Vì sao ếch vừa hô hấp bằng phổi vừa hô hấp bằng da?
Trả lời:
Ếch nhái sống vừa ở nước vừa ở cạn. Mặc dù có phổi nhưng vẫn phải hô hấp bằng da khi lên cạn, do phổi ếch có cấu tạo đơn giản, ít phế nang, không đáp ứng được nhu cầu năng lượng của cơ thể. Da ếch phải luôn giữ ẩm ướt mới có thể tiến hành trao đổi khí được.
Câu 7: Thường xuyên không ăn rau gây ra hậu quả gì?
Trả lời:
- Cơ thể luôn trong tình trạng yếu đuối, mệt mỏi: rau xanh chứa rất nhiều vitamin (vitamin A, B, C, E, K) và khoáng chất tốt cho cơ thể. Nếu không ăn rau, bạn sẽ bị thiếu hụt rất nhiều vitamin cần thiết, cơ thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều mối lo bệnh tật.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh táo bón: rau xanh chứa rất nhiều chất xơ, chất xơ từ rau xanh không bị hòa tan trong quá trình tiêu hóa. Từ đó chúng sẽ làm tăng kích thước của thức ăn tiêu hóa, góp phần kích thích nhu động ruột hoạt động tốt hơn, dễ dàng đẩy thức ăn thừa ra ngoài.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Việc thiếu chất xơ từ rau cũng khiến bạn có thể mắc phải các chứng bệnh về tim mạch như tắc nghẽn mạch máu, đau tim, thậm chí là đột quỵ.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư: Các chất chống oxy hóa như vitamin E, vitamin C và carotenoid có trong rau xanh có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư bằng cách bảo vệ các tế bào khỏe mạnh khỏi các gốc tự do.
Câu 8: Tại sao quá trình trao đổi chất dinh dưỡng và nước ở thực vật cần phải được điều chỉnh chặt chẽ để đảm bảo sự phát triển và sinh sản của chúng?
Trả lời:
Quá trình trao đổi chất và nước ở thực vật cần phải được điều chỉnh chặt chẽ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và sinh sản của chúng:
- Cung cấp chất dinh dưỡng: đảm bảo thực vật nhận được đủ chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển và duy trì hoạt động của cơ thể.
- Điều chỉnh lượng nước: đảm bảo thực vật không bị thiếu nước hoặc thừa nước.
- Sự phản ứng với môi trường: để phản ứng với biến đổi trong môi trường, chẳng hạn như thay đổi nhiệt độ, độ ẩm và nồng độ chất dinh dưỡng trong đất.
- Sản xuất sinh sản: Quá trình trao đổi chất và nước cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh sản của thực vật, bao gồm việc sản xuất hoa, quả và hạt giống. Sự điều chỉnh chặt chẽ giúp đảm bảo rằng thực vật có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng để phát triển hoa và quả, và tạo ra hạt giống khỏe mạnh để phát triển đời sau.
Câu 9: Nhu cầu dinh dưỡng là gì và phụ thuộc vào điều gì?
Trả lời:
- Nhu cầu dinh dưỡng là lượng thức ăn mà động vật cần thu nhận vào hằng ngày để xây dựng cơ thể và duy trì sự sống.
- Nhu cầu dinh dưỡng phụ thuộc vào mỗi loài, lứa tuổi, giai đoạn phát triển của cơ thể và cường độ hoạt động của cơ thể.
Câu 10: Con người khi thực hiện hoạt động (đi lại, giữ ấm cơ thể,…) cần phải có năng lượng. Năng lượng đó do đâu mà có và được biến đổi từ dạng nào sang dạng nào?
Trả lời:
- Năng lượng để con người thực hiện các hoạt động (đi lại, giữ ấm cơ thể,…) được lấy từ thức ăn: Các chất hữu cơ trong thức ăn khi được phân giải sẽ giải phóng năng lượng sử dụng cho các hoạt động sống của cơ thể như vận động cơ thể, vận chuyển các chất trong tế bào và cơ thể,…
- Sự biến đổi năng lượng: Hóa năng biến đổi thành nhiệt năng làm nóng cơ thể, hóa năng thành cơ năng làm các cơ bắp hoạt động.
Câu 11: Nếu ba cây cùng loài được cung cấp cùng một lượng nước, sự thay đổi lượng ánh sáng mặt trời mà mỗi cây nhận được sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của chúng?
Trả lời:
Nếu ba cây cùng loài được cung cấp cùng một lượng nước, sự thay đổi lượng ánh sáng mặt trời mà mỗi cây nhận được sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các cây như sau:
- Cây nhận được nhiều ánh sáng mặt trời trong giới hạn của cây sẽ phát triển nhất vì khi nhận được tối đa lượng ánh sáng mặt trời, cường độ quang hợp của cây sẽ đạt tối đa, tạo ra nhiều chất hữu cơ hơn.
- Cây nhận được quá nhiều ánh sáng mặt trời vượt quá giới hạn của cây sẽ có thể bị chết vì lượng ánh sáng quá cao sẽ phá hủy diệp lục khiến cây không thể quang hợp được.
- Cây nhận được quá ít ánh sáng mặt trời sẽ kém phát triển, còi cọc vì khi nhận được ít lượng ánh sáng mặt trời thì cường độ quang hợp của cây sẽ giảm, không tạo ra đủ lượng chất hữu cơ cần thiết.
Câu 12: Để tìm hiểu yếu tố nào cần thiết cho sự phát triển của cây, bạn Hà trồng sáu cây trong cả điều kiện ánh sáng mạnh và ánh sáng yếu, đồng thời tưới với lượng nước khác nhau mỗi ngày.
Cây |
Điều kiện chiếu sáng |
Lượng nước mỗi ngày |
Tăng trưởng sau 2 tuần |
1 |
Ánh sáng mạnh |
0 |
+1 |
2 |
Ánh sáng mạnh |
10 |
+6 |
3 |
Ánh sáng mạnh |
20 |
+8 |
4 |
Ánh sáng yếu |
0 |
+0 |
5 |
Ánh sáng yếu |
10 |
+2 |
6 |
Ánh sáng yếu |
20 |
+3 |
Em hãy phân tích kết quả thí nghiệm của bạn Hà.
- a) Đưa ra kết luận về các yếu tố cần thiết cho cây phát triển dựa trên số liệu trong bảng.
- b) Kết luận củng cố những kiến thức nào mà em đã biết về quang hợp?
Trả lời:
- a) Từ kết quả thí nghiệm của Hà cho thấy cây tăng trưởng nhanh nhất trong điều kiện ánh sáng mạnh và lượng nước mỗi ngày cao (20ml) → Kết luận về các yếu tố cần thiết cho cây phát triển: Cây cần ánh sáng và nước để phát triển, càng có nhiều nước và nhiều ánh sáng thì cây sẽ càng phát triển.
- b) Những kiến thức về quang hợp được củng cố từ kết quả thí nghiệm trên: Quá trình quang hợp sử dụng nước, khí carbon dioxide và năng lượng ánh sáng để tạo ra chất hữu cơ, đây chính là nguyên liệu để xây dựng tế bào và cơ thể giúp cây phát triển. Không có nước hoặc năng lượng ánh sáng, thực vật không thể quang hợp và không thể phát triển.
Câu 13: Chuyển hóa năng lượng là gì? Trong tế bào và cơ thể sinh vật, năng lượng được dự trữ ở đâu? Nêu vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể.
Trả lời:
- Chuyển hóa năng lượng là sự biến đổi năng lượng từ dạng này sang dạng khác.
- Trong tế bào và cơ thể sinh vật, năng lượng được dự trữ trong các liên kết hóa học của các chất hữu cơ (hóa năng).
- Vai trò:
+ Cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể
+ Xây dựng cơ thể
+ Loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể
Câu 14: Vì sao thực vật có lá màu đỏ vẫn quang hợp được?
Trả lời:
Thực vật có lá màu đỏ vẫn quang hợp được. Bởi vì:
- Cây có đủ các loại sắc tố nhưng loại sắc tố nào chiếm ưu thế hơn thì cây sẽ có màu của sắc tố đó.
- Cây có lá đỏ vẫn có sắc tố diệp lục nhưng ít hơn nhóm carotenoid. Vì vậy, thực vật có lá màu đỏ vẫn quang hợp bình thường, tuy nhiên cường độ không cao.
Câu 15: Cây xanh có vai trò gì đối với sự sống trên Trái Đất?
Trả lời:
- Cung cấp chất hữu cơ và năng lượng cần thiết cho sự sống: Trong chuỗi thức ăn tự nhiên, các sinh vật tự dưỡng thông qua quang hợp tạo ra nguồn thức ăn, nguồn cung cấp năng lượng cho nhiều sinh vật khác.
- Giúp cân bằng lượng oxygen và carbon dioxide trong không khí để duy trì sự sống cho các sinh vật khác.
- Ngoài ra, cây xanh còn có nhiều vai trò khác như:
+ Điều hòa nhiệt độ và độ ẩm của không khí nhờ quá trình thoát hơi nước.
+ Cung cấp nơi ở, nơi sinh sản cho các sinh vật khác.
+ Cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, thuốc chữa bệnh cho con người.
+ Giữ đất, giữ nguồn nước ngầm,…
Câu 16: Tại sao quá trình hô hấp tế bào cực kỳ quan trọng đối với sự sống và hoạt động của cơ thể?
Trả lời:
Quá trình hô hấp tế bào cực kỳ quan trọng đối với sự sống và hoạt động của cơ thể vì nó cung cấp năng lượng cần thiết cho tất cả các hoạt động của tế bào và cả cơ thể. Khi tế bào tiêu thụ các chất dinh dưỡng thông qua quá trình hô hấp, chúng tạo ra adenosine triphosphate (ATP) - nguồn năng lượng chính mà tế bào sử dụng để thực hiện các hoạt động sống. Ngoài ra, quá trình hô hấp tế bào cũng đảm bảo rằng tế bào loại bỏ các sản phẩm phụ độc hại như carbon dioxide, giữ cho môi trường nội bào của cơ thể ổn định. Điều này là cần thiết để duy trì sự sống và hoạt động toàn diện của cơ thể.
Câu 17: Nêu cơ sở khoa học và các ứng dụng của các biện pháp bảo quản lương thực, thực phẩm.
Trả lời:
Các biện pháp bảo quản lương thực, thực phẩm:
- Biện pháp bảo quản lạnh:
+ Nhiệt độ bảo quản thấp làm ức chế sự hoạt động của các enzyme xúc tác cho các phản ứng trong hô hấp tế bào → có thể làm chậm quá trình hô hấp của tế bào.
+ Ứng dụng: Bảo quản lạnh thịt, cá, rau, quả,…
- Biện pháp bảo quản khô.
+ Trong điều kiện thiếu nước, hô hấp tế bào giảm nên quả và hạt khô có hô hấp ở mức tối thiểu.
+ Ứng dụng: Bảo quản hạt giống thóc, ngô,…
- Biện pháp bảo quản trong điều kiện nồng độ khí carbon dioxide cao.
+ Khi tế bào hô hấp, lượng khí oxygen sẽ giảm, khí carbon dioxide sẽ tăng. Nồng độ carbon dioxide cao ức chế nhiều hoạt động trao đổi chất làm hô hấp giảm.
+ Ứng dụng: Bảo quản nhiều loại trái cây trong môi trường có nồng độ carbon dioxide cao.
- Biện pháp bảo quản trong điều kiện nồng độ khí oxygen thấp.
+ Nồng độ oxygen thấp, quá trình hô hấp tế bào giảm.
+ Ứng dụng: Sử dụng hút chân không để loại bỏ không khí giúp bảo quản lương thực, thực phẩm được lâu.
Câu 18: Vì sao có một số loài côn trùng hô hấp bằng hệ thống ống khi nhưng vẫn có đời sống lâu dài dưới nước?
Trả lời:
Nhờ có lớp “áo” rắn chắc không thấm nước nên khi lặn ngụp những loài côn trùng này đã giữ lại một lớp không khí mỏng trên cơ thể chúng. Các bong bóng khí không chỉ có công dụng như nguồn dự trữ oxy hạn chế, đồng thời chúng cũng cho phép côn trùng hấp thụ oxy từ môi trường nước xung quanh.
Câu 19: Tại sao nên ăn trực tiếp hoa quả hơn là uống nước ép, sinh tố?
Trả lời:
- Thực chất, lượng chất xơ và các thành phần dinh dưỡng trong nước ép, sinh tố trái cây đã bị giảm đi đáng kể sau quá trình chế biến, thậm chí chúng còn chứa một lượng lớn đường – nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tăng cân nhanh chóng.
- Mặt khác, các loại nước ép hoặc sinh tố trái cây được đóng gói hay đóng hộp chứa rất ít trái cây thật, thậm chí mùi vị không phải là trái cây. Đối với những loại nước ép hoặc sinh tố trái cây này, lượng chất dinh dưỡng nạp vào sẽ không như mong đợi Do đó, việc ăn trái cây trực tiếp sẽ tốt hơn và mang đến nhiều lợi ích về dinh dưỡng hơn.
Câu 20: Căn cứ vào đâu để xác định lượng nước cần tưới cho cây?
Trả lời:
Lượng nước cần cho cây căn cứ vào:
- Loài cây, thời điểm sinh trưởng và nhu cầu nước của cây. Ví dụ: Cây mía khi mới trồng thì cần tưới nhiều nước nhưng khi lớn lên thì nhu cầu nước của cây mía giảm.
- Loại đất (đất thịt, đất cát,...) và điều kiện thời tiết (độ ẩm, nhiệt độ,…).
=> Giáo án KHTN 7 cánh diều – Phần sinh học bài: Ôn tập chủ đề 8